“Ác mộng” biến động nhân sự của nhà thầu

(BĐT) - Trúng thầu là một tin rất vui đối với mọi nhà thầu nỗ lực đấu thầu bằng chính năng lực của mình. Tuy nhiên, vì biến động nhân sự chủ chốt mà nhiều nhà thầu đang ngậm đắng “mất việc” vì không thể đáp ứng yêu cầu của gói thầu mình đã trúng.
Do biến động về nhân sự chủ chốt dẫn đến nhiều trường hợp nhà thầu phải bỏ việc, gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhà thầu và chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Do biến động về nhân sự chủ chốt dẫn đến nhiều trường hợp nhà thầu phải bỏ việc, gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhà thầu và chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Trúng thầu rồi… án binh bất động

Công ty Điện lực Thủ Thiêm (Điện lực Thủ Thiêm) vừa công bố thông tin về nhà thầu vi phạm tại Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình (DAĐTXDCT) và lập thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) thuộc Dự án Ngầm hóa lưới điện trong phạm vi Dự án Xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ Bến xe miền Đông mới đến nút giao với Xa lộ Hà Nội), quận 9, TP.HCM.

Theo đó, Công ty CP TM DVKT Thái Bình Dương (Nhà thầu TBD) là nhà thầu trúng thầu gói thầu nêu trên nhưng đã không đáp ứng về tiến độ hợp đồng dẫn đến vi phạm và buộc phải đóng phạt. Cụ thể, hợp đồng đã ký giữa Nhà thầu TBD và Công ty Điện lực Thủ Thiêm có thời gian thực hiện là 60 ngày. Trong khi đó, thực tế, tính đến thời điểm cả hai cùng xem xét chấm dứt hợp đồng thì Nhà thầu đã thực hiện 133 ngày nhưng chưa hoàn tất hồ sơ lập DAĐTXDCT và lập TKBVTC.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, có 3 nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu này. Nhà thầu TBD đã trúng thầu với giá hơn 488 triệu đồng (giá gói thầu hơn 593 triệu đồng). Hợp đồng trọn gói của gói thầu này có thời gian thực hiện là 60 ngày (chỉ tính thời gian lập DAĐTXDCT và lập TKBVTC, không tính thời gian thẩm định).

Theo chia sẻ của đại diện Điện lực Thủ Thiêm, Nhà thầu TBD trước đây đã từng trúng và thực hiện nhiều gói thầu cho đơn vị này. “Theo đánh  giá của chúng tôi, năng lực của nhà thầu này trong lĩnh vực này cũng tốt, có uy tín. Tuy nhiên, nhà thầu này hiện có nhiều thay đổi về nhân sự dẫn đến việc không thể hoàn thành được khối lượng công việc mà Gói thầu yêu cầu”, vị đại diện Điện lực Thủ Thiêm cho biết.

Trước đó không lâu, Gói thầu Xây dựng Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 đã lựa chọn được nhà thầu trúng thầu là Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên, kể từ khi trúng thầu, nhà thầu đã án binh bất động, không tiến hành cả việc đàm phán, hoàn thiện để ký kết hợp đồng. Do đó, mọi yêu cầu của gói thầu này đều đang ở trạng thái số 0, dù thông báo trúng thầu đã được phát đi từ tháng 5/2016.

Khó cho chủ đầu tư

Đôi khi chỉ trong thời gian lập HSDT đến thương thảo, hoàn thiện hợp đồng đã có nhân sự chủ chốt “nhảy việc”, khiến nhà thầu không kịp trở tay.
Đại diện Điện lực Thủ Thiêm cho biết, việc không hoàn tất hồ sơ theo đúng tiến độ của Nhà thầu TBD đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của Gói thầu và Dự án. “Chúng tôi đã mất gần một năm cho gói thầu này nhưng với tình hình hiện nay lại phải đề xuất đấu thầu lại. Khi Nhà thầu TBD chấp nhận đóng phạt để tiến hành các bước thanh lý hợp đồng, chúng tôi đã bàn đến phương án lựa chọn nhà thầu đứng thứ hai để đàm phán, thương thảo. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của Luật Đấu thầu, tính đến thời điểm này, HSDT của nhà thầu xếp thứ hai đã hết hiệu lực. Do đó, khả năng cao nhất vẫn là tiến hành đấu thầu lại từ đầu. Nhà thầu đã làm cho tiến độ  dự án bị chậm rất nhiều so với yêu cầu đặt ra. Đến nay, Nhà thầu thừa nhận chưa thể hoàn tất hồ sơ do nguyên nhân từ đội ngũ nhân sự có nhiều xáo trộn”, đại diện Điện lực Thủ Thiêm cho biết.

Trong khi đó, Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng đang loay hoay và bế tắc với gói thầu mà Trường Đại học Kinh tế trúng thầu. Trường Đại học Kinh tế cũng có chung nỗi niềm là đơn vị này có quá nhiều xáo trộn về nhân sự, không đáp ứng yêu cầu của HSMT như lúc dự thầu, đặc biệt là nhân sự chủ chốt.

Nhiều chuyên gia về đấu thầu cho biết, đối với các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ, việc ổn định đội ngũ nhân sự, nhất là nhân sự chủ chốt rất nan giải. “Đôi khi chỉ trong thời gian lập HSDT đến thương thảo, hoàn thiện hợp đồng đã có nhân sự chủ chốt “nhảy việc”, khiến nhà thầu không kịp trở tay. Nếu có nhân sự tương đương để đàm phán thay thế thì khả năng thực hiện gói thầu vẫn còn. Nếu không, thắng thầu rồi “bỏ chạy” là đương nhiên. Không phải là nhà thầu “chê việc”, mà là do nhân sự biến động bất khả kháng”, một nhà thầu cho biết.

Tin cùng chuyên mục