Agribank rao bán nợ của nhóm khách hàng thế chấp cổ phiếu EVN Finance

0:00 / 0:00
0:00
Liên tiếp 3 khoản nợ xấu vừa được Agribank thông báo đấu giá trong cùng một ngày với những tên khách hàng khác nhau, đều thế chấp tài sản là cổ phiếu EVN Finance.
Agribank rao bán nợ của nhóm khách hàng thế chấp cổ phiếu EVN Finance

3 khoản nợ với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng vừa được Agribank chi nhánh Tràng An rao bán cho thấy, các khách hàng đứng tên vay khác nhau nhưng cùng có chung mối liên hệ và đều dùng tài sản đảm bảo là cổ phần tại Công ty Tài chính CP Điện Lực (EVN Finance).

Theo đó, Agribank chi nhánh Tràng An rao bán đấu giá khoản nợ của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư tài chính và Bất động sản Quảng Đại (Công ty Quảng Đại) với giá khởi điểm 114,693 tỷ đồng. Đây là khoản nợ do hai bên đã ký hợp đồng tín dụng năm 2014 với giá trị ghi sổ tính đến ngày 18/10/2021 là 141,597 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc 71,6 tỷ đồng, nợ lãi 69,997 tỷ đồng (lãi quá hạn 21,629 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho khoản vay nói trên của Công ty Quảng Đại là 6 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư ATS tại EVN Finance và quyền sử dụng đất tại địa chỉ phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Khoản nợ thứ hai được Agribank chi nhánh Tràng An rao bán là khoản nợ 7,78 tỷ đồng của ông Nguyễn Hữu Bình (sinh năm 1974, trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Trong đó, dư nợ gốc 4,77 tỷ đồng và nợ lãi 3,012 tỷ đồng. Giá đấu khởi điểm cho khoản nợ này là 6,30 tỷ đồng. Được biết, khoản nợ này có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại Long Biên, Hà Nội do vợ chồng ông Nguyễn Hữu Bình đứng tên.

Khoản nợ thứ ba vừa được Agribank chi nhánh Tràng An rao bán có giá trị lên tới 71,16 tỷ đồng của khách hàng là Công ty cổ phần ACB Thăng Long (do chính ông Nguyễn Hữu Bình làm đại diện theo pháp luật và là Giám đốc). Trong đó, dư nợ gốc 38,3 tỷ đồng, dư nợ lãi 32,86 tỷ đồng (lãi quá hạn 9,75 tỷ đồng). Giá khởi điểm cho khoản nợ này là 57,64 tỷ đồng.

Tải sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần ACB Thăng Long vẫn là cổ phần của EVN Finance do một số cá nhân đứng tên sở hữu.

Trong số đó, có 1,75 triệu cổ phần do cá nhân ông Nguyễn Hữu Bình sở hữu; 250.000 cổ phần của EVN Finance do bà Nguyễn Thị Hương (vợ ông Bình) sở hữu; cùng khối lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của các cá nhân khác.

Có thể thấy, trong 3 khoản nợ nói trên thì hai khoản nợ có tài sản đảm bảo là hơn 13 triệu cổ phần tại EVN Finance. Khoản nợ còn lại tuy không được thế chấp bởi cổ phần nhưng cũng có liên quan đến cá nhân ông Nguyễn Hữu Bình và bà Nguyễn Thị Hương.

Về Công ty cổ phần Đầu tư ATS (đơn vị sở hữu số cổ phần do Quảng Đại cầm cố), công ty này có trụ sở tại số 231 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thoa làm chủ sở hữu. Năm 2010, Công ty ATS từng được giao thực hiện hai “siêu dự án” tại Quảng Ninh là dự án Khu dịch vụ hai bên tuyến đường vào khu di tích Yên Tử, và dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Yên Trung. Hai dự án có vị trí đắc địa và quy mô “khủng” về diện tích lẫn tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, do không thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau, năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi cả hai dự án nói trên đối với công ty ATS.

Bà Nguyễn Thị Thoa được biết đến là một nữ đại gia thành đạt của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, nữ đại gia này từng chi 50 tỷ đồng mua lại một khu đất ở góc đường Trường Sa – Nguyễn Văn Nguyễn (TP Đà Nẵng) từ tay Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).

Năm 2013, Công ty ATS của bà Nguyễn Thị Thoa bị TAND quận Ba Đình (TP Hà Nội) xử thua trong một vụ kiện của ngân hàng VPBank và buộc phải trả cho ngân hàng này hơn 1.000 tỷ đồng. Vụ việc kéo dài nhiều năm sau đó do ATS cố tình không trả nợ. Ngoài ra, công ty này còn phát sinh nợ xấu tại một số ngân hàng khác như Techcombank, MSB với số tiền lớn, kéo dài.

Tin cùng chuyên mục