Bản tin thời sự sáng 1/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 2.000 khách du lịch đến Nha Trang bằng tàu biển cao cấp; vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD; nợ công năm 2023 khoảng 3,8 triệu tỷ đồng; 145 triệu m3 cát biển đủ tiêu chuẩn đắp nền cao tốc…

Hơn 2.000 khách du lịch đến Nha Trang bằng tàu biển cao cấp

Ngày 31/12, tàu du lịch cao cấp Westerdam, quốc tịch Hà Lan đã cập cảng Nha Trang mang theo hơn 2.000 hành khách nhiều quốc tịch, trong đó chủ yếu quốc tịch Hà Lan.

Tàu biển Westerdam đưa hơn 2.000 du khách đến thành phố Nha Trang

Tàu biển Westerdam đưa hơn 2.000 du khách đến thành phố Nha Trang

Lịch trình tàu đi từ Thái Lan - cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Nha Trang - Đà Nẵng - Quảng Ninh. Đến thành phố Nha Trang, du khách đi các điểm tham quan trong Thành phố, đi dạo bằng xích lô hay học nấu ăn truyền thống tại nhà hàng ngoại ô Nha Trang.

Chuyến tàu này là chuyến tàu du lịch biển cuối cùng đến Nha Trang trong năm 2023, khép lại một năm thành công trong lĩnh vực đón khách du lịch bằng tàu biển cao cấp. Năm 2023, thành phố Nha Trang đã đón 25 chuyến tàu với hơn 45 ngàn khách lên bờ tham quan. Dự kiến, cuối tháng 1/2024, tàu Westerdam sẽ quay trở lại Nha Trang.

Du lịch tại thành phố biển Nha Trang rất sôi động vì thời tiết hôm nay nắng đẹp, thuận tiện cho du khách tham quan biển, đảo. Bên cạnh khách nội địa còn có lượng khách quốc tế lớn đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Đã có hơn 3.000 lượt khách đi tham quan vịnh Nha Trang. Các điểm di tích trong thành phố như Tháp Bà, Hòn Chồng... cũng đón hàng ngàn lượt khách.

Dịp Tết dương lịch 2024, Khánh Hòa có những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đa dạng để chào đón năm mới do địa phương và các doanh nghiệp tổ chức. Đó là Lễ hội ẩm thực Tết Việt 2024 "Khánh Hòa - chào đón năm mới 2024" diễn ra tại công viên Phù Đổng.

Vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD

Tổng vốn hóa thị trường đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP, riêng sàn HoSE là 186 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD

Vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD

2023 là một năm nhiều biến động với thị trường chứng khoán. VN-Index vượt lên trong tháng đầu tiên của năm, đóng cửa trên ngưỡng 1.100 điểm nhưng lùi về gần 1.000 điểm chỉ một tháng sau đó. Thị trường trầm lắng cho tới đầu tháng 5, trước khi bước vào nhịp tăng mạnh nhất của năm.

Chỉ trong hơn 3 tháng, VN-Index tăng gần 20%, từ vùng 1.040 điểm lên 1.240 điểm. Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, bất động sản là những cái tên đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, vùng giá 1.245 điểm cũng là mức đỉnh của VN-Index năm 2023.

Chỉ số của sàn HoSE giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc. Áp lực bán ra tăng nhanh trước những diễn biến trái chiều từ thị trường quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. VN-Index đổ đèo về gần ngưỡng 1.000 điểm chỉ trong gần 2 tháng, xóa hết thành quả từ đầu năm. Thanh khoản trong giai đoạn này cũng giảm sâu, về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng trên HoSE.

Hai tháng cuối năm, VN-Index dần phục hồi trở lại, về quanh ngưỡng 1.100 điểm và đi ngang ở vùng này. Chốt phiên 29/12, chỉ số của HoSE đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với đầu năm. Tổng vốn hóa thị trường đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP.

Cuối năm 2023, trên HoSE có 394 mã cổ phiếu, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng và 229 mã CW đang niêm yết. Tổng khối lượng và giá trị chứng khoán niêm yết lần lượt đạt 154,9 tỷ chứng khoán và hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% về khối lượng và 7% về giá trị so với năm 2022.

Nợ công năm 2023 khoảng 3,8 triệu tỷ đồng

Nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP (hơn 3,8 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra, là điểm sáng điều hành tài khóa năm qua.

Trụ sở Bộ Tài Chính tại Hà Nội

Trụ sở Bộ Tài Chính tại Hà Nội

Thông tin vừa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết. Mức này thấp hơn số ước tính của Bộ Tài chính hồi tháng 10, khoảng 200.000 tỷ đồng.

Cùng với nợ công, nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, cũng thấp hơn nhiều so với trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần. Cụ thể, dư nợ trong nước chiếm khoảng 71% nợ Chính phủ, giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, bình quân là 12,4 năm. Điều này giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ.

Trong khi đó, danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh.

Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, Việt Nam có nhiều dư địa để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả nhanh và bền vững nhất, theo Bộ trưởng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều thách thức, ngành tài chính đã quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả trong năm 2023. Cùng với nợ công, ước tính tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% (17,2 tỷ USD, khoảng 414.000 tỷ đồng) so với mức 4,42% Quốc hội cho phép.

Năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 5% so với dự toán; nếu tính cả số thuế miễn giảm, thu ngân sách vượt khoảng 9 -10% so với dự toán Quốc hội giao.

Về chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh tạo động lực thúc đẩy phục hồi và̀ tăng trưởng kinh tế. 35% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương hơn 760.000 tỷ đồng chi cho đầu tư công, gấp 1,5 lần so với năm 2022.

Bộ Tài chính dự báo, năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, với dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,1 triệu tỷ đồng.

145 triệu m3 cát biển đủ tiêu chuẩn đắp nền cao tốc

Sau hơn một năm nghiên cứu, cơ quan chức năng xác định 145 triệu m3 cát biển ở Sóc Trăng có thể dùng ngay làm vật liệu đắp nền cao tốc.

Khu vực đề xuất khai thác cát biển cách bờ khoảng 18 - 20 km

Khu vực đề xuất khai thác cát biển cách bờ khoảng 18 - 20 km

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin nêu trên tại Hội nghị tổng kết ngành, sáng 31/12. Một năm qua, Cục Địa chất Việt Nam nghiên cứu đề án Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực đánh giá rộng 250 km2 tại vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, cách bờ 16 - 18 km. Cơ quan nghiên cứu đã xác định được một thân khoáng cát biển trên diện tích 160 km2 với trữ lượng cát biển đáp ứng tiêu chuẩn san lấp hạ tầng đô thị, san lấp nền đường ôtô. Cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột. Tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao. Chiều dày thân cát trung bình 4,3 m; hàm lượng tổng cát trung bình 82,8%.

"Cát biển tại khu vực đánh giá là cát hạt mịn, thành phần chủ yếu là thạch anh, độ chặt trung bình 6,39%", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh đã nhận bàn giao khu vực khai thác 145 triệu m3 cát biển từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải. Do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên các ban, ngành của Sóc Trăng đang tích cực phối hợp cùng hai bộ để hoàn thiện hồ sơ, sớm khai thác đáp ứng nhu cầu thi công cao tốc.

Đóng điện 3 công trình truyền tải điện lớn, cấp điện cho miền Nam

Các dự án vừa mới đóng điện thành công đều do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) quản lý điều hành, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.

Các dự án vừa mới đóng điện thành công đều do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa

Các dự án vừa mới đóng điện thành công đều do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa

SPMB cho biết, đến sáng 31/12, đã phối hợp với các đơn vị đóng điện thành công 3 dự án lớn gồm: Cải tạo đường dây 110kV nhiệt điện Phú Mỹ - Tân Thành thành đường dây 4 mạch hỗn hợp; Trạm biến áp 220kV Long Khánh và đấu nối; Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa.

Các dự án này đều do EVNNPT làm Chủ đầu tư, SPMB quản lý điều hành, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.

Dự án Cải tạo đường dây 110kV nhiệt điện Phú Mỹ - Tân Thành thành đường dây 4 mạch hỗn hợp có tổng dự toán xây dựng toàn tuyến công trình khoảng 314,9 tỷ đồng.

Việc hoàn thành Dự án có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và thị xã Phú Mỹ nói riêng, sẵn sàng giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn Tỉnh và bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả vận hành hệ thống điện.

Dự án Trạm biến áp 220kV Long Khánh và đấu nối thuộc xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc và xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Dự án sau khi hoàn thành toàn bộ bảo đảm cung cấp điện cho các phụ tải của thành phố Long Khánh nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận; giảm tải cho các máy biến áp tại Trạm biến áp 220kV Long Thành, Long Bình hiện hữu.

Dự án đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa dài hơn 133km, đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.

Đây là một trong các công trình lưới đồng bộ Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xây dựng nhằm: truyền tải công suất của các nhà máy điện Sông Hậu 1 và Sông Hậu 2 vào hệ thống điện Quốc gia (cùng với các đường dây 500kV khác trong khu vực như Đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, Đức Hòa - Phú Lâm, Đức Hòa - Cầu Bông, Đức Hòa - Chơn Thành).

49 dự án đầu tư mới đổ bộ vào khu công nghiệp tỉnh Hà Nam

Theo UBND tỉnh Hà Nam, năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459,128 triệu USD và 1.932,096 tỷ đồng.

49 dự án đầu tư mới đổ bộ vào khu công nghiệp tỉnh Hà Nam

49 dự án đầu tư mới đổ bộ vào khu công nghiệp tỉnh Hà Nam

UBND tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay, toàn Tỉnh có 8 khu công nghiệp như Đồng Văn I, Đồng Văn II, Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn, Hòa Mạc, Thanh Liêm, Thái Hà.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2023, các khu công nghiệp tại Hà Nam đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459,128 triệu USD và 1.932,096 tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 35 lượt dự án (29 dự án FDI và 6 dự án trong nước), giảm vốn cho 2 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2023 là 601,122 triệu USD và 2.077,374 tỷ đồng.

Đến nay, tại các khu công nghiệp có 560 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 337 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 5.399,54 triệu USD và 223 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 43.375,42 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến là 133 dự án, lĩnh vực công nghiệp chế tạo là 103 dự án, công nghiệp hỗ trợ là 247 dự án và công nghiệp khác là 77 dự án.

Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt trên 152 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 5.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 5.138 triệu USD, đạt 127% kế hoạch năm.

Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường 2,5 km ở Thanh Trì

Tuyến đường dài 2,5 km được chia làm 2 đoạn với mặt cắt ngang rộng lần lượt là 17,5 m và 20,5 m, thuộc địa bàn xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.

Đường Nguyễn Xiển - Xa La (huyện Thanh Trì) thông xe đầu năm 2020. Ảnh minh họa

Đường Nguyễn Xiển - Xa La (huyện Thanh Trì) thông xe đầu năm 2020. Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6562/QĐ-UBND phê duyệt chỉ giới đường đỏ, tỷ lệ 1/500 tuyến đường phía Tây Bắc thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 2,57 km, điểm đầu tuyến giao với tuyến đường quy hoạch (điểm 1), điểm cuối tuyến giao với tuyến đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Đại Áng (điểm 13).

Tuyến đường được chia làm 2 đoạn: Đoạn 1 (từ điểm 1 đến điểm 11), quy mô mặt cắt ngang rộng 17,5 m, gồm lòng đường xe chạy rộng 7,5 m (2 làn xe), vỉa hè hai bên rộng 2x5,0 m.

Đoạn 2 (từ điểm 11 đến điểm 13), quy mô mặt cắt ngang rộng 20,5 m, thành phần mặt cắt ngang gồm lòng đường xe chạy rộng 10,5 m (3 làn xe), vỉa hè hai bên rộng 2x5,0 m.

Chỉ giới đường đỏ tuyến đường được xác định trên cơ sở tim đường đã được xác định tọa độ, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, điều kiện khống chế xác định tại bản vẽ, đảm bảo khớp nối với các chỉ giới đường đỏ đã cung cấp trong khu vực.

Đối với các nút giao trên tuyến đường theo quy hoạch xác định là giao bằng. Chỉ giới đường đỏ tại khu vực nút giao và các tuyến đường ngang sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập dự án đầu tư các công trình tại khu vực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đà Nẵng triệt xóa đường dây mua bán hóa đơn trái phép đặc biệt lớn với tổng trị giá trên 25.000 tỷ đồng

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng cho biết vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đồng loạt tổ chức khám xét 17 địa điểm tại TP. Đà Nẵng và TP.HCM, qua đó phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn trái phép trị giá tới hơn 25.000 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đang tạm giữ các bị can để tiếp tục điều tra

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đang tạm giữ các bị can để tiếp tục điều tra

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng phát hiện đối tượng N.T.M.H (trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đứng ra thành lập 06 công ty với mục đích xuất bán trái phép với doanh số rất lớn.

Để qua mặt các cơ quan chức năng, H. hợp thức bằng cách mua 716 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào (với tổng doanh số hơn 165 tỷ đồng) của 83 doanh nghiệp tại TP.HCM với giá từ 2,5 - 3,5% trên doanh số hóa đơn trước thuế.

Sau thời gian tổ chức xác minh, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 29/12, được sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Cảnh sát cơ động, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; các đơn vị nghiệp vụ khác có liên quan đã đồng loạt khám xét 17 địa điểm tại TP. Đà Nẵng và TP.HCM là chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng.

Qua khám xét, lực lượng công an phát hiện 154 con dấu tròn của các doanh nghiệp bán hóa đơn, nhiều dấu chức danh, dấu tên Giám đốc doanh nghiệp, nhiều USB chữ ký số, điện thoại, máy tính, máy in phục vụ cho việc xuất bán trái phép hoá đơn GTGT…

Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận thành lập tổng cộng 280 công ty, xuất bán 187.610 hoá đơn khống với tổng doanh số là hơn 25.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chưa thuế là 23.200 tỷ đồng; tiền thuế GTGT hơn 2.100 tỷ đồng; thu lợi bất chính số tiền khoảng 500 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố 16 bị can liên quan về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 12 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 4 bị can. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, làm rõ.