Bản tin thời sự sáng 11/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất tiếp tục xây dựng Dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long; sắp xếp cơ quan thanh tra theo 2 cấp trung ương và tỉnh; đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các dự án đường sắt sắp đầu tư; mỗi lượng vàng tăng hơn một triệu đồng…

Đề xuất tiếp tục xây dựng dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long

Sau hơn 10 năm tạm hoãn, Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất bổ sung 4.000 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng.

Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân (màu đỏ) đang bị đình hoãn

Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân (màu đỏ) đang bị đình hoãn

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ phương án đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Dự án này bị đình hoãn từ 2011 đến nay. Bộ GTVT cho biết, đơn vị tư vấn đã hoàn thành rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh cho Dự án. Kết quả cho thấy, Dự án cần thay đổi công năng vận chuyển.

Trước đây, dự án đường sắt này được thiết kế chủ yếu để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa từ khu vực Vân Nam (Trung Quốc) kết nối với cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Tuy nhiên, quy hoạch cảng biển hiện nay đã thay đổi, tập trung phát triển tại khu vực Hải Phòng (cảng Lạch Huyện). Do đó, tuyến đường sắt được quy hoạch lại để kết nối trên hành lang Đông Tây, trở thành một phần của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã đưa vào sử dụng tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), trong khi 3 tiểu dự án khác vẫn đang chờ được hoàn thiện. Tiểu dự án 2 và 3 bao gồm việc xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại dài 35 km và nâng cấp, cải tạo tuyến cũ đoạn Phả Lại - Hạ Long dài 78 km. Tiểu dự án 4 (đoạn Yên Viên - Lim), do trùng với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và đã là đường đơn khổ đường lồng 1.435 mm và 1.000 mm, hiện tại chưa cần đầu tư thêm vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác.

Để phù hợp với nhu cầu vận tải, quy hoạch đô thị và phát triển du lịch, đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, đồng thời điều chỉnh chức năng và vị trí của một số ga dọc tuyến.

Với những thay đổi và quy mô đầu tư mới, Bộ GTVT ước tính cần thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, nâng tổng chi phí dự án lên khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa Dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, tạo cơ sở để bố trí vốn và hoàn thành các thủ tục điều chỉnh Dự án.

Sắp xếp cơ quan thanh tra theo 2 cấp Trung ương và tỉnh

Bộ máy ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và cấp tỉnh.

Sắp xếp cơ quan thanh tra theo 2 cấp Trung ương và tỉnh

Sắp xếp cơ quan thanh tra theo 2 cấp Trung ương và tỉnh

Chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương khoá 12 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, xem xét các căn cứ chính trị, pháp lý; căn cứ thực tiễn; quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc của việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; xác định chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy; đánh giá tác động và các bước triển khai thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra...

Trong đó, có nội dung đề xuất tổ chức bộ máy ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương (cấp tỉnh).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18.

Đồng thời, việc sắp xếp phải bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra; có kế thừa và đổi mới, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn theo 2 cấp.

Nhấn mạnh việc sắp xếp phải khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra như hiện nay, Thủ tướng lưu ý, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra phải bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời rà soát, đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, tinh thông nghiệp vụ để bố trí, sắp xếp vào đội ngũ làm công tác thanh tra.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 573.000 tỷ đồng, 1.890ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 32.000 tập thể và 55.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1.532 vụ việc, 1.212 đối tượng.

Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các dự án đường sắt sắp đầu tư

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các dự án đường sắt dự kiến đầu tư, kèm theo phương án tài chính và tác động trong quá trình khai thác.

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh

Chiều 10/2, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường sắt bắt đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), kết thúc tại khu bến Lạch Huyện, đi qua 9 địa phương: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và ba tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Tuyến chính, đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng, có tốc độ thiết kế 160 km/h. Đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội có tốc độ thiết kế 120 km/h, trong khi các đoạn nối và tuyến nhánh có tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho cả tàu khách lẫn tàu hàng.

Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.200 tỷ đồng (khoảng 8,37 tỷ USD). Chính phủ dự kiến nguồn vốn cho Dự án gồm ngân sách trung ương, địa phương; nguồn vốn trong nước, vốn vay từ Chính phủ Trung Quốc và các nguồn hợp pháp khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì. Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 110 triệu USD cho bảo trì kết cấu hạ tầng trong giai đoạn này.

Ngoài ra, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng dự kiến lỗ khoảng 778 triệu USD trong 4 năm khai thác đầu tiên. Tổng cộng, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 887 triệu USD cho 2 dự án này.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt cùng phương án tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp bất thường từ 12 - 18/2.

Mỗi lượng vàng tăng hơn một triệu đồng

Giá vàng nhẫn chiều 10/2 tăng hơn một triệu đồng mỗi lượng, có nơi vượt 91 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn chiều 10/2 tăng hơn một triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng nhẫn chiều 10/2 tăng hơn một triệu đồng mỗi lượng

Chiều 10/2, các tiệm kim hoàn đồng loạt tăng mạnh giá mua bán vàng, trong bối cảnh kim loại quý trên thị trường quốc tế lập đỉnh mới.

Với nhẫn trơn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng 1,1 triệu đồng ở chiều mua, 800.000 đồng chiều bán, lên lần lượt 87,9 triệu và 90,6 triệu đồng. Giá nhẫn trơn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cùng chạm 88,3 - 91,1 triệu đồng. Còn Bảo Tín Minh Châu mua bán nhẫn trơn tại 88,85 - 91,25 triệu đồng.

Giá vàng miếng chiều 10/2 cũng tăng mạnh. SJC niêm yết quanh 88,3 - 91,3 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng mua vào và 1 triệu đồng bán ra so với cuối tuần. Trong khi DOJI công bố giá mua bán 87,5 - 90,5 triệu đồng.

Gần đây, ngoài SJC và 4 ngân hàng quốc doanh được Ngân hàng Nhà nước uỷ thác bán vàng miếng, một số thương hiệu lớn trong nước như Mi Hồng, DOJI, PNJ... cũng đã quay trở lại cung ứng vàng miếng ra thị trường.

15h chiều 10/2 (theo giờ Hà Nội), giá vàng thế giới xác lập kỷ lục mới gần 2.900 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng quốc tế hiện tương đương 89,4 triệu đồng một lượng. Hiện, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quanh 2 triệu đồng một lượng, thấp hơn 1 - 1,5 triệu so với ngày vía Thần Tài.

Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên làm Phó Bí thư TP. Cần Thơ

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND Hậu Giang được Ban Bí thư điều động giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, để bầu làm Chủ tịch UBND Thành phố.

Phó Ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng (phải) trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Trương Cảnh Tuyên

Phó Ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng (phải) trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Trương Cảnh Tuyên

Quyết định điều động được Phó ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng trao cho ông Tuyên chiều 10/2 tại Thành ủy Cần Thơ. Tân Phó Bí thư Cần Thơ năm nay 56 tuổi, quê huyện Yên Định, Thanh Hóa, thạc sĩ kinh tế, từng giữ các chức vụ ở Hậu Giang như: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.

Tại buổi trao quyết định, ông Hưng cho biết ông Tuyên là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, được Ban Bí thư đánh giá có năng lực, tư duy, kinh nghiệm, làm việc hiệu quả... Ông Tuyên được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước đó, hôm 20/1, ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, được điều động làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2020 - 2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 7,5 - 8% mỗi năm; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145 - 160 triệu đồng, tương đương từ 6.200 - 6.800 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 0,5%.

Khu bảo tồn Xuân Liên được nâng hạng thành vườn quốc gia

Rộng hơn 25.000 ha, sở hữu nhiều loài động thực vật quý hiếm, khu bảo tồn Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) vừa được nâng hạng thành vườn quốc gia.

Cây pơ mu hơn 1.000 tuổi cũng được xếp hạng cây di sản Việt Nam

Cây pơ mu hơn 1.000 tuổi cũng được xếp hạng cây di sản Việt Nam

Vườn quốc gia Xuân Liên nằm trên 5 xã, thị trấn, gồm: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân.

Vườn rộng 25.600 ha, trong đó chủ yếu là đất rừng đặc dụng chiếm hơn 23.800 ha, phần còn lại là phân khu dịch vụ hành chính, đất rừng sản xuất và đất bán ngập nước hồ Cửa Đạt.

Xuân Liên được xem là một trong những vườn quốc gia có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam. Hiện vườn có trên 1.228 loài thực vật bậc cao, 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, là nơi phân bố tập trung của hai quần thể cây pơ mu, sa mu cổ thụ, trong đó có hai cây hơn 1.000 tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao danh hiệu cây di sản. Vườn có 56 loài thực vật nguy cấp quý hiếm, trong đó 35 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Vườn quốc gia Xuân Liên còn là nơi phân bố số lượng quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam với 64 đàn, 182 cá thể; trên 200 cá thể voọc xám... Đặc biệt, vào tháng 10/2014, các nhà khoa học phát hiện quần thể mang Muntiacus rooseveltorum với khoảng 30 con sinh sống trong Xuân Liên. Loài mang có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum thuộc họ hươu nai (Cervidae) từng sinh sống tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) và được xem đã tuyệt chủng từ gần 100 năm trước. Mẫu sọ về loài mang này hiện chỉ còn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ.

Sau khi được nâng hạng, Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ có chức năng bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học, đảm bảo ổn định nguồn nước cho hồ Cửa Đạt... Ngoài ra, vườn quốc gia này còn có nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Với việc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được nâng hạng, Thanh Hóa hiện có ba vườn quốc gia là Bến En, Xuân Liên và một phần diện tích Vườn quốc gia Cúc Phương.

Đề xuất bổ sung vốn điều lệ 38.251 tỷ đồng cho VEC

Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỷ đồng.

Đề xuất bổ sung vốn điều lệ 38.251 tỷ đồng cho VEC

Đề xuất bổ sung vốn điều lệ 38.251 tỷ đồng cho VEC

Ngày 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trình bày Tờ trình phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - VEC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, hiện tại, vốn điều lệ Công ty mẹ - VEC rất thấp (1.115 tỷ đồng) so với quy mô đầu tư (khoảng 108.865 tỷ đồng).

Do đó, VEC gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng số vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư dự án số tiền 36.689 tỷ đồng, trong đó 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước, 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho Dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình, để chuyển thành cấp vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC.

Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỷ đồng, bao gồm 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân).

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC.

Riêng đối với nguồn vốn 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đồng ý chủ trương trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC.

Hơn 10.000 căn nhà ở TP.HCM 'chờ' sổ đỏ

TP.HCM có nhiều đợt tháo gỡ khó khăn, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 10.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ. Dự kiến đến cuối năm, TP.HCM sẽ hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho số nhà còn lại.

TP.HCM còn khoảng 10.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ

TP.HCM còn khoảng 10.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ

Ngày 10/12, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, nhằm tháo gỡ cho các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành 2 văn bản là Kế hoạch số 5776 ngày 26/9/2024, Quyết định số 5013 ngày 5/11/2024 về triển khai thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại.

Mục tiêu ban hành nhằm thực hiện các nội dung công việc chính để cải cách thủ tục hành chính về đăng ký, cấp sổ đỏ; thực hiện rà soát tổng thể và thống kê số liệu các khu nhà, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố đã được cấp phép đầu tư xây dựng và được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chưa hoàn thành công tác cấp sổ đỏ, từ đó phân nhóm, phân loại, thống kê số liệu, danh sách dự án cụ thể theo từng nhóm, đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể.

Đến nay, tổ công tác thành lập theo Quyết định số 5013 ngày 5/11/2024 đã có 12 cuộc họp được tổ chức để bàn hướng tháo gỡ khó khăn cho 66 dự án, với 37.214 căn hộ, căn nhà, thửa đất, officetel, một tài sản gắn liền với đất, 15 sàn xây dựng công trình thương mại dịch vụ, 655 ô đậu ôtô, 218 ô thương mại dịch vụ.

Kết quả, đã có 41/66 dự án được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với 27.575 căn hộ, căn nhà, thửa đất, officetel, 655 ô đậu ôtô, một tài sản gắn liền với đất, 15 sàn xây dựng công trình thương mại dịch vụ.

Như vậy, trong tổng số khoảng 81.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ được thống kê hồi tháng 4/2023, sau nhiều đợt Sở Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, đến nay trên địa bàn TP.HCM còn khoảng 10.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ. Dự kiến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho số căn nhà còn lại.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lưu ý đây là con số thống kê kể từ tháng 7/2014 đến hết tháng 4/2023. Hiện nay, đã phát sinh thêm nhiều dự án mới vẫn chưa được cấp sổ đỏ nên phải tiếp tục tháo gỡ.