Bản tin thời sự sáng 11/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làViệt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027; Thường vụ Quốc hội yêu cầu tăng thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm; Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở ở U Minh Thượng; đề xuất người mua chung cư xây lại được vay gói 125.000 tỷ…

Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027

Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) ngày 09/04 đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.

Phiên họp của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC bầu các thành viên của Hội đồng chấp hành của UN Women

Phiên họp của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC bầu các thành viên của Hội đồng chấp hành của UN Women

Kể từ tháng 01/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Là thành viên của Hội đồng Chấp hành, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào quá trình phê duyệt các kế hoạch, chương trình hoạt động cũng như các quyết định về hành chính, tài chính và ngân sách Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ.

Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào công tác điều hành của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ trong thời gian tới.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu tăng thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm

Chính phủ, Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục tăng thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng. Ảnh minh họa
Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng. Ảnh minh họa

Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng (bancassurance), vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái. Chẳng hạn, ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.

Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn ở Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Tài chính tiếp tục tăng thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Các trường hợp vi phạm được yêu cầu xử lý nghiêm.

Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có hai đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng. Trước đó, 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bán sản phẩm liên kết đầu tư đã bị thanh tra trong hai năm qua.

Ngoài thanh, kiểm tra, cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp phát triển toàn diện, đa dạng kênh phân phối bảo hiểm để khách hàng thuận tiện tiếp cận, đặc biệt là khách hàng thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm, nâng chất lượng tư vấn. Cùng đó, họ phải thực hiện nghiêm quy định, không được ép buộc mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là bán bảo hiểm kèm với sản phẩm của ngân hàng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Cơ quan này phải hoàn thành sửa đổi Nghị định 06/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế trong năm 2025.

Thị trường xổ số được yêu cầu tái cơ cấu theo hướng hiện đại, minh bạch, tăng ứng dụng công nghệ thông tin. Các nguồn thu từ hoạt động này để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở ở U Minh Thượng

Kiên Giang vừa công bố tình huống khẩn cấp thiên tai ở vùng đệm U Minh Thượng do tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông.

Sạt lở gây chia cắt các tuyến đường

Sạt lở gây chia cắt các tuyến đường

Ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai về sạt lở đất, sụt lún do hạn hán khu vực vùng đệm U Minh Thượng.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang giao Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi diễn biến thiên tai, thực hiện các giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Yêu cầu các cấp, các ngành áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra tại huyện U Minh Thượng.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang có nhiệm vụ tiếp tục sửa chữa các vị trí sạt lở nghiêm trọng để đảm bảo lưu thông trong thời điểm thiên tai đang xảy ra.

Sau thiên tai, Sở cần tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, đề xuất giải pháp, kinh phí sửa chữa, nâng cấp trong năm 2024-2025, trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Chính phủ và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung chi và mức chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến thiên tai, sự cố công trình về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh huy động nguồn lực địa phương để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trường hợp vượt quá khả năng ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện Dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng. Đặc biệt là đầu tư hạng mục nâng cấp, mở rộng tuyến kênh đê bao ngoài, xây dựng cống, trạm bơm để điều tiết nước.

Theo quyết định này, UBND huyện U Minh Thượng thông báo rộng rãi đến người dân trên địa bàn vùng đệm U Minh Thượng đặc biệt là các hộ dân sống tại khu vực mé kênh đang xảy ra tình trạng rạn nứt nhanh chóng di dời để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Đề xuất người mua chung cư xây lại được vay gói 125.000 tỷ

HoREA đề xuất chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án xây dựng lại nhà chung cư được vay gói 125.000 tỷ đồng trong 5 năm, lãi suất cố định.

Đề xuất người mua chung cư xây lại được vay gói 125.000 tỷ. Ảnh minh họa
Đề xuất người mua chung cư xây lại được vay gói 125.000 tỷ. Ảnh minh họa

Đề nghị này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu khi góp ý dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo ông, chính sách ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư nhóm dự án này được quy định lần đầu tiên tại Luật Nhà ở 2023, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết.

Hiện, mới có gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây lại chung cư cũ. Tháng trước thêm một ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay này lên 125.000 tỷ. Theo đó, chủ đầu tư và người mua chung cư xây lại được vay với lãi suất thấp hơn lãi vay thương mại từ 1,5-2%, thời hạn lần lượt 3 và 5 năm. Mức này được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi.

Theo HoREA, gói 125.000 tỷ đồng khá phù hợp bởi chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây lại chung cư đang phải vay với lãi suất rất cao, trên dưới 10% một năm. Vì thế, hiệp hội này đề xuất người mua nhà tại chung cư cũ xây lại được vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm với lãi suất cố định.

Đề nghị này xuất phát từ thực tế vướng mắc pháp lý nên nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến không có sản phẩm nhà ở. Điều này khiến gói 125.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân cho chủ đầu tư hay người mua nào tại dự án cải tạo, xây lại chung cư.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với chủ đầu tư dự án xây dựng lại chung cư vào đề án sửa đổi Luật Thuế để đảm bảo đồng bộ với Luật Nhà ở 2023.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, giải ngân gói vay 125.000 tỷ đồng hiện khá thấp, mới đạt gần 700 tỷ. Để có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, ngoài tháo gỡ chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cho vay tại gói tín dụng 125.000 tỷ đồng.

Hà Nội cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để xây dựng đường Phương Mai - sông Lừ

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với 8 hộ dân, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).

Lực lượng chức năng thực hiện đo đạc và kiểm đếm sau khi đọc quyết định.

Lực lượng chức năng thực hiện đo đạc và kiểm đếm sau khi đọc quyết định.

Ngày 10/4, quận Đống Đa đã tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ gia đình trên địa bàn phường Phương Mai phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường Phương Mai - sông Lừ.

Mục đích để giải quyết tồn tại trong công tác điều tra, kiểm đếm đất và tài sản trên đất do các gia đình không hợp tác phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường Phương Mai - sông Lừ.

Theo đó, quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch 187/KH-UBND về việc cưỡng chế thực hiện các quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 8 hộ gia đình thuộc phường Phương Mai.

Để bảo đảm an toàn khi thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, quận Đống Đa đã giao Chủ tịch UBND phường Phương Mai chịu trách nhiệm chính, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy trực tiếp và công bố các quyết định về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Bố trí lực lượng thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc theo kế hoạch đã được thông qua.

Theo Quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường Phương Mai - sông Lừ do UBND TP Hà Nội ban hành, mục tiêu xây dựng đoạn tuyến này nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 225 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến hết năm 2024. Về quy mô đầu tư, chiều dài đoạn tuyến 325m theo tiêu chuẩn đường trong đô thị với bề rộng mặt cắt ngang B=17m. Các hạng mục xây dựng gồm: nền, mặt đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước, cấp nước, chiếu sáng, hạ ngầm, tổ chức giao thông…

Đề xuất dùng 5 ha đất Thủ Thiêm làm sân tập golf

Lô đất ký hiệu DL-6, rộng 50.900 m2 quy hoạch làm công viên cây xanh ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) nhưng chưa đầu tư được đề xuất tạm làm sân tập golf.

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức

Chủ trương khai thác tạm khu đất để liên kết hợp tác làm sân tập golf vừa được Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm gửi UBND TP.HCM. Việc chuyển đổi sẽ giúp đơn vị này thu được khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm, đảm bảo một phần kinh phí hoạt động.

Khu đất được đề xuất chuyển đổi tạm thời thuộc một phần thửa số 1, tờ bản đồ số 37, phường An Khánh. Nơi này đã được giải phóng mặt bằng nhưng để trống do chưa có kế hoạch đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Hiện, một phần đất đã bị sạt lở.

Nếu được chấp thuận, khu đất sẽ được xây dựng các hạng mục như nhà tập golf, khu dịch vụ ăn uống, nhà bảo vệ, đường giao thông, bãi đậu xe, cảnh quan cây xanh... Trong đó, nhà tập golf và các công trình phụ trợ được xây dựng tạm, tối đa 3 tầng, kết cấu thép lắp ráp và các công trình phụ trợ, với diện tích chiếm đất tối đa là 5% tổng diện tích lô đất.

Phần diện tích trồng cỏ có rào lưới xung quanh để phục vụ cho sân tập golf khoảng 30.000 m2. Phần diện tích còn lại khoảng 18.400 m2 sẽ được đầu tư xây dựng thành công viên công cộng để phục vụ người dân vào tập thể dục, tham quan, ngắm cảnh.

Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm đề xuất thời gian cho thuê 5 năm, thời hạn đến cuối năm 2029, không tính thời gian đầu tư xây dựng khoảng 6 tháng. Sau thời gian này, nếu thành phố có chủ trương đầu tư công viên, cây xanh thì hợp đồng cho thuê sẽ chấm dứt, đất sẽ được thu hồi bàn giao cho cơ quan chức năng.

Vườn hoa Đà Lạt có thể được đấu giá cho thuê

UBND tỉnh giao TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nghiên cứu phương án đấu giá cho thuê tại vườn hoa thành phố.

Vườn hoa thành phố Đà Lạt nằm ở số 2, đường Trần Nhân Tông

Vườn hoa thành phố Đà Lạt nằm ở số 2, đường Trần Nhân Tông

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, từ nay đến 10/6, các cơ quan chuyên môn cấp sở phối hợp với UBND TP Đà Lạt đề xuất phương án xử lý với tài sản (nếu có) của Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt đã đầu tư vào vườn hoa. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tham mưu, đề xuất điều chỉnh thời hạn cho thuê đất, đảm bảo đồng bộ với thời hạn cho thuê tài sản tại vườn hoa này.

Vườn hoa TP Đà Lạt nằm ở trên bờ phía bắc của Hồ Xuân Hương hình thành từ những năm 1970. Ban đầu, nơi đây trồng và chăm sóc một số loài hoa nhưng sau đó bị bỏ hoang.

Đến năm 1985, UBND TP Đà Lạt tái thiết lập vườn rộng khoảng 7 ha, trồng hơn 300 loài hoa. Nơi đây dần thành địa điểm tham quan nổi tiếng. Vườn hoa cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí trong dịp lễ hội.

Năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê, giao quản lý hơn 140.100 m2 đất khu vực vườn hoa, thời hạn 50 năm kể từ 2005. Đơn giá cho thuê nhà, công trình trên đất tại đây được phê duyệt năm 2015 là hơn 2,5 tỷ đồng một năm.

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh Lâm Đồng không tính tiền thuê đất với 43.557 m2 được chủ đầu tư sử dụng kinh doanh là chưa đúng với quy định tại Nghị định 46 năm 2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Thay vào đó, cần phải tính tiền thuê từ 2008 đến thời điểm thanh tra để truy thu nộp ngân sách.

Giải thể 20 trung tâm Apax Leaders tại TP.HCM

20 trung tâm Anh ngữ của Apax Leaders đã bị giải thể, và 19 trung tâm khác dự kiến sẽ chung số phận, sau khi "shark" Thủy bị bắt.

Trung tâm anh ngữ Apax Leaders tại quận Phú Nhuận

Trung tâm anh ngữ Apax Leaders tại quận Phú Nhuận

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đã giải thể 20 trung tâm của Apax từ cuối tháng 3. Sở đang tiếp tục rà soát để đánh giá thực tế hệ thống cơ sở đào tạo tiếng Anh của đơn vị này, theo đó 19 trung tâm nữa cũng có thể bị giải thể do vi phạm về quy định tổ chức và hoạt động.

Với hai trung tâm tại quận 6 và Phú Nhuận, phía Apax báo cáo sẽ di dời mặt bằng và mở lại vào tháng 6, tuy nhiên, Sở đang đang xem xét việc đình chỉ hoạt động vì lý do khách quan không thể bảo đảm hoạt động bình thường.

Quyết định giải thể các trung tâm trên diễn ra sau khi ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup, thường được gọi shark Thủy, là chủ chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, bị bắt vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Apax Leaders là chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em thuộc Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Apax có gần 11.300 học sinh ở TP.HCM. Sau khi 39/41 trung tâm dừng hoạt động, phụ huynh của 4.400 em muốn rút học phí, 6.000 em bảo lưu và 839 em đang học.

Sau nhiều lần thương lượng, đến tháng 3 năm ngoái, các phụ huynh được Apax Leaders chia thành hai nhóm với lộ trình trả nợ khác nhau. Nhiều phụ huynh nhóm 1 đã nhận lại toàn bộ tiền, thông qua ba đợt, kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8/2023.

Nhóm thứ hai được hứa trả lại học phí trong 5 đợt, mỗi đợt 20%, dự kiến từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024. Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện cam kết và đề xuất lộ trình trả nợ mới, kéo dài tới cuối năm 2025. Tuy nhiên sau đó công ty thông báo mất khả năng thanh toán vào cuối năm 2023.

Tại TP.HCM, Apax Leaders được thống kê còn nợ phụ huynh gần 94 tỷ đồng, nợ 11,5 tỷ đồng tiền lương và chậm đóng 32 tỷ đồng các loại bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên; 9 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng.

Phê bình huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh vì chậm giải phóng mặt bằng

Ngày 10/4, tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này vừa có văn bản phê bình UBND huyện Lộc Hà và UBND thị xã Hồng Lĩnh vì chậm trong giải phóng mặt bằng, đồng thời yêu cầu khẩn trương hoàn thành, bàn giao mặt bằng theo thời gian được ấn định.

Thi công một dự án nước sạch ở Hà Tĩnh.

Thi công một dự án nước sạch ở Hà Tĩnh.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thành công tác bồi thường, GPMB các công trình thuộc Dự án BIIG2 Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, hiện một số công trình trên địa bàn huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được xử lý, chưa bàn giao hết mặt bằng thi công cho chủ đầu tư.

UBND huyện Lộc Hà có dự án nước sạch cho các xã thuộc huyện Can Lộc - Lộc Hà (gói thầu HT01.2); UBND thị xã Hồng Lĩnh có tuyến đường trục chính trung tâm thị xã Hồng Lĩnh.

“Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư, tiến độ thi công, hiệu quả của dự án, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và uy tín của tỉnh đối với các nhà tài trợ nước ngoài” - theo UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bởi vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình UBND huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh đã chậm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB các dự án theo kế hoạch, tiến độ đã được duyệt, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ hoàn thành dự án, hiệu quả đầu tư và có nguy cơ bị thu hồi vốn nếu không giải ngân kịp thời hạn.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư, đặc biệt không để bị thu hồi vốn, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND thị xã Hồng Lĩnh khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, GPMB tuyến đường Trục chính trung tâm thị xã Hồng Lĩnh, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 15/4.

UBND huyện Lộc Hà khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, GPMB dự án nước sạch một số xã thuộc các huyện Can Lộc - Lộc Hà, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 15/4.