TP.HCM xây dựng nhiều phương án tổ chức giao thông dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM chuẩn bị 5.500 xe taxi, tăng chuyến xe buýt kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất; tăng tần suất metro số 1 lên 240 chuyến/ngày để phục vụ người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.
![]() |
Tuyến metro số 1 tăng tần suất lên 240 chuyến/ngày để phục vụ người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5 |
Dự báo nhu cầu đi lại trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay tăng cao, Sở Giao thông công chính TP.HCM đã xây dựng nhiều phương án phân luồng và điều phối xe để người dân đi lại thuận lợi.
Thông tin được ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình (thuộc Sở Giao thông công chính TP.HCM) cho biết tại buổi cuộc họp báo kinh tế và xã hội chiều ngày 10/4.
Theo đó, nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM dự báo tăng mạnh trong 5 ngày cao điểm, từ 30/4 đến hết ngày 4/5. Các điểm “nóng” về giao thông tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe liên tỉnh (miền Đông, miền Tây, miền Đông mới), các khu vực cửa ngõ Tây Nam, cầu Phú Mỹ, phà Cát Lái…
Tại các bến xe liên tỉnh, lượng hành khách dự báo tăng khoảng 9%, 6.600 chuyến xe sẽ được huy động phục vụ người dân, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, sản lượng hành khách dự kiến tăng 10%, tương đương 12.000 hành khách lưu thông mỗi ngày. Còn tại Ga Sài Gòn, lượng khách dự báo ổn định với hơn 2.000 lượt/ngày.
Sở Giao thông công chính lên kế hoạch làm việc với các đơn vị chuẩn bị 5.500 xe taxi, tăng chuyến xe buýt (152, 103, 109, 721) kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; tăng tần suất từ 200 lên 240 chuyến/ngày đối với metro số 1, thời gian giãn cách từ 8 - 12 phút/chuyến, dự kiến 9 đoàn tàu phục vụ khoảng 120.000 lượt khách mỗi ngày.
Ngoài ra, Sở Giao thông công chính cũng sẽ thông báo người dân những tuyến đường tránh tại các khu vực có thể kẹt xe cao như sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe lớn, ga Sài Gòn và khu vực nút giao Chợ Đệm, hướng dẫn cụ thể các tuyến đường cho xe từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây và ngược lại, giúp người dân lựa chọn cung đường phù hợp, đi lại thuận tiện, giảm kẹt xe, ùn tắc trong cao điểm đi lại dịp lễ.
Dự kiến cấp sổ bảo hiểm xã hội điện tử từ ngày 1/7
Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) bản điện tử dự kiến được áp dụng từ ngày 1/7 và cấp chậm nhất vào 1/1/2026, có giá trị pháp lý như sổ giấy.
![]() |
Người dùng VssID có thể đăng nhập ứng dụng thông qua VNeID trong trường hợp quên hoặc mất mật khẩu |
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7.
Dự thảo nêu rõ, sổ BHXH điện tử được cơ quan BHXH cấp cho từng người lao động trên môi trường điện tử. Sổ này chứa thông tin như bản giấy và được mã hóa theo quy định, bao gồm mã số; thông tin cơ bản về nhân thân như ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, căn cước hoặc hộ chiếu; quá trình đóng BHXH như thời gian đóng, căn cứ đóng, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH, nghề nghiệp, công việc, đơn vị; thông tin hưởng, giải quyết các chế độ...
Sổ điện tử sẽ được liên kết với tài khoản VNeID mức độ 2 của người tham gia và được cấp chậm nhất vào ngày 1/1/2026, có giá trị pháp lý như sổ giấy.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sẽ gồm 9 nhóm thông tin. Cụ thể, dữ liệu cơ bản cá nhân; thông tin liên hệ của công dân; thông tin về hộ gia đình như mã hộ, địa chỉ, danh sách thành viên trong hộ gia đình; nhóm thông tin về BHXH như mã số, đơn vị quản lý người tham gia, phương thức, quá trình đóng; nhóm thông tin bảo hiểm y tế (BHYT) như mức hưởng, nơi đăng ký khám chữa bệnh; nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như quá trình đóng hưởng, thời gian đóng BHTN được bảo lưu làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp
Ngoài ra, còn có nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử, ngành nghề kinh doanh; nhóm thông tin cơ bản về y tế và thông tin về an sinh xã hội.
Cả nước có hơn 621.000 doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 36 triệu tài khoản sử dụng VssID; hơn 5,5 triệu lượt dùng ảnh thẻ trên VssID để làm thủ tục khám chữa bệnh. Toàn bộ cơ sở y tế cả nước đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip... giúp giảm thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.
Hệ thống của cơ quan BHXH đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó khoảng 88,5 triệu người đang tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Khởi công cầu Mã Đà nối Đồng Nai và Bình Phước vào tháng 6
Cầu Mã Đà nối Đồng Nai với Bình Phước dự kiến được khởi công vào tháng 6 bằng vốn ngân sách, hoàn thành trong năm 2025.
![]() |
Vị trí xây cầu Mã Đà |
Theo kế hoạch xây dựng cầu Mã Đà của tỉnh Đồng Nai vừa ban hành, sau khi xây xong cầu, hai tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp ĐT 753 (phía Bình Phước) và ĐT 761, 767 (phía Đồng Nai), xây mới đường kết nối Vành đai 4 TP.HCM với quy mô 8 làn xe. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2026 đến năm 2028.
Theo phương án được Đồng Nai và Bình Phước thống nhất, đề xuất Thủ tướng trước đó, đường kết nối hai tỉnh giai đoạn 1 sẽ có 4 làn xe. Trong đó, cầu Mã Đà được đầu tư khoảng 220 tỷ đồng và đường kết nối từ khu vực giáp ranh đến đường Vành đai 4 TP.HCM (dài 44 km) khoảng 10.800 tỷ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.000 tỷ đồng).
Để thực hiện tuyến đường, Đồng Nai sẽ thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng khoảng 45 ha. Giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư đồng bộ thêm 4 làn xe còn lại ở cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối. Tỉnh cũng dự kiến sẽ xây 5 km cầu cạn qua khu vực rừng tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Đoạn tuyến từ ngoài ranh khu bảo tồn đến giao với đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ mở mới 17 km song song với đường ĐT 767 hiện hữu (cách khoảng 3,5 km về phía tây). Ngoài ra, Đồng Nai dự kiến sẽ xây dựng thêm nhiều tuyến đường kết nối giữa 2 tỉnh trong tương lai.
Trước đó, Bình Phước nhiều lần đề xuất làm đường giao thương hai tỉnh, kết nối sân bay và cảng biển, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại. Tuy nhiên, phía Đồng Nai không đồng ý do lo ngại đường xuyên qua rừng sẽ ảnh hưởng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Sau đó, lãnh đạo hai tỉnh đã có các buổi khảo sát và họp bàn thống nhất phương án xây đường kết nối, giao Đồng Nai chủ trì.
Nội Bài, Đà Nẵng tăng bậc trong top 100 sân bay thế giới
Sân bay Nội Bài xếp thứ 79, tăng 17 bậc và Sân bay quốc tế Đà Nẵng xếp 84, tăng 10 bậc trong 100 sân bay tốt nhất thế giới 2025 của Skytrax.
![]() |
Hành khách trải nghiệm cửa khởi hành tự động tại Nhà ga quốc tế T2 |
Ngày 9/4, tổ chức Skytrax công bố top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025, trong đó có Nội Bài và Đà Nẵng. Năm nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã vươn lên vị trí thứ 79, tăng 17 bậc so với năm 2024. Đây là lần thứ 7 Nội Bài vào bảng xếp hạng của Skytrax. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lần thứ hai vào top 100. Sân bay này đứng thứ 84, tăng 10 bậc so với năm 2024 đồng thời đứng thứ 9 châu Á, là đại diện duy nhất của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu lục.
Ngoài ra, nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Đà Nẵng được xếp hạng 5 sao lần thứ hai liên tiếp theo tiêu chuẩn Skytrax. Đến nay, thế giới chỉ có 19 sân bay và 5 nhà ga đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Skytrax là tổ chức xếp hạng uy tín toàn cầu trong lĩnh vực hàng không. Nhà ga quốc tế T2 là nhà ga duy nhất tại Việt Nam đạt được thành tích này, khẳng định chất lượng dịch vụ và nỗ lực cải tiến không ngừng của ngành hàng không Việt Nam.
Năm 2024, sân bay Nội Bài vừa phải đảm bảo khai thác, vừa đóng cửa từng phần để thi công Dự án mở rộng nhà ga T2. Sân bay đã được cải thiện chất lượng dịch vụ, chỉnh trang các không gian phục vụ hành khách, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật vào dịp lễ Tết, tăng cường công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động bay, cải thiện chỉ số đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu máy bay.
Để duy trì chuẩn 5 sao Skytrax, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã không ngừng nâng cấp tiện ích tại cả hai nhà ga quốc tế và quốc nội (T1). Trong đó, nhà ga T2 tập trung cải thiện trải nghiệm khách đi cùng trẻ nhỏ với khu vui chơi được cải tạo, mở rộng; chương trình văn hóa "Con đường di sản" diễn ra hằng đêm, trang trí theo mùa (Trung thu, Halloween, Giáng sinh), mang lại trải nghiệm thân thiện và đậm chất Việt.
Hiện Dự án mở rộng nhà ga T2 đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, dự kiến khởi công vào ngày 2/9/2025. Kế hoạch bao gồm mở rộng số lượng quầy tự phục vụ ngang bằng quầy truyền thống, góp phần tối ưu quy trình và đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng.
Bình Dương muốn dùng chung depot metro với TP.HCM
Bình Dương đề nghị dùng chung depot Long Bình của metro Bến Thành - Suối Tiên, cho dự án tàu điện đầu tiên của tỉnh kết nối TP.HCM về Thủ Dầu Một.
![]() |
Depot Long Bình, TP Thủ Đức |
Đề nghị được UBND tỉnh Bình Dương nêu trong công văn vừa gửi TP.HCM. Việc sử dụng hạ tầng ở Depot Long Bình chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn đầu tuyến metro của tỉnh đầu tư hoàn thành. Sau đó, địa phương sẽ xây một depot mới để phục vụ tuyến.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tuyến metro đầu tiên của Tỉnh được nghiên cứu với tổng chiều dài khoảng 32,5 km, qua 4 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Tổng mức đầu tư Dự án hiện ước tính sơ bộ khoảng 64.370 tỷ đồng.
Điểm đầu tuyến (ga S1) tại phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một; điểm cuối ở ga bến xe Suối Tiên (gần bến xe Miền Đông mới), thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM. Đây cũng là nhà ga cuối của tuyến metro tại Thành phố, dẫn vào depot Long Bình.
Depot nêu trên được quy hoạch tổng diện tích 26 ha, trong đó, giai đoạn một của metro Bến Thành - Suối Tiên đã xây dựng 20 ha với 30 đường đỗ tàu. Cùng với 17 đoàn tàu thuộc tuyến metro này đang khai thác, Bình Dương dự kiến vận hành 10 tàu giai đoạn đầu dự án của Tỉnh đưa vào vận hành.
Trước đó, các đơn vị chức năng của hai địa phương cùng với đơn vị vấn làm việc cũng đã thống nhất phương án sử dụng chung depot Long Bình trong giai đoạn đầu. Sau này, Bình Dương dự kiến đầu tư depot mới tại TP. Tân Uyên.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến. Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Hiệp Phước.
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có thể được mở rộng 6 làn xe
Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện có 4 làn xe, được nhà đầu tư đề xuất mở rộng 6 làn xe theo quy hoạch trước năm 2030.
![]() |
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện nay nhiều đoạn 4 làn xe |
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) vừa đề xuất Bộ Xây dựng đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nhà đầu tư cam kết hoàn thành hồ sơ nghiên cứu Dự án trong 4 tháng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư và sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tuyến cao tốc CT07 Hà Nội - Thái Nguyên dài gần 71 km, đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, gồm hai đoạn. Đoạn một từ nút giao Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đến nút giao Tân Lập (Thái Nguyên) được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Quy mô cao tốc trên địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh là 2 - 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h.
Đoạn hai từ nút giao Tân Lập đến nút giao Tân Long (Thái Nguyên) đã được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, có 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Trong đó, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên 6 làn xe và đầu tư trước năm 2030.
Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp phát triển hiện đại, bao gồm 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, 41 cụm công nghiệp.
Tốc độ mạng 5G trung bình của Việt Nam cao nhất từ trước tới nay
Tốc độ truy cập mạng 5G tại Việt Nam trong tháng 3/2025 đã đạt mức cao nhất kể từ khi được thương mại hoá. Đây là cột mốc đáng chú ý trong hành trình triển khai và thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
![]() |
Mạng 5G ghi nhận kỷ lục mới |
Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng Internet i-Speed thuộc Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC (Bộ Khoa học và Công nghệ), tốc độ truy cập mạng 5G tại Việt Nam trong tháng 3/2025 đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thương mại hoá. Đây được xem là một cột mốc đáng chú ý trong hành trình triển khai và thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Cụ thể theo số liệu, tốc độ download 5G trung bình của cả nước lên tới 247,78 Mbps, tốc độ upload là 58,15 Mbps. Xét riêng 5 tỉnh thành phố lớn của cả nước thì Đà Nẵng là thành phố có tốc độ truy cập 5G nhanh nhất khi tốc độ download lên tới 408,58 Mbps, kế đến là Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM.
Về phía doanh nghiệp, Viettel hiện là đơn vị có mạng 5G nhanh nhất với tốc độ lần lượt download 278,01 Mbps, upload 66,39 Mbps. VNPT xếp thứ hai với tốc độ lần lượt download 152,3 Mbps, upload 45,52 Mbps. MobiFone mặc dù mới đây đã chính thức thương mại hoá dịch vụ 5G nhưng hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức. Mặc dù thế hệ mạng 5G đã cải thiện rất nhiều về tốc độ so với các thế hệ trước tuy nhiên sự chênh lệch giữa tốc độ tải lên và tải xuống vẫn rất lớn.
Kể từ cuối tháng 10/2024, mạng 5G mới chính thức được thương mại hoá tại Việt Nam, sau khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai dịch vụ 5G thương mại đầu tiên trên cả nước. Tiếp đó là các nhà mạng như Vinaphone (VNPT) và MobiFone. Trước đó, 5G chủ yếu được triển khai thử nghiệm tại một số khu vực trung tâm, phục vụ mục đích nghiên cứu và đo kiểm hạ tầng mạng.
Chính việc chính thức bước vào giai đoạn thương mại hóa đã tạo điều kiện cho các nhà mạng mở rộng vùng phủ sóng, tối ưu hóa hạ tầng và cải thiện trải nghiệm người dùng. Nhờ đó, tốc độ truy cập trung bình mạng 5G trong tháng 3/2025 đã ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt qua các mốc trước đó và thiết lập một kỷ lục mới.
TP.HCM sẽ chi gần 650 tỷ đồng lắp điện mặt trời mái nhà ở trụ sở công
Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP.HCM, dự kiến trong năm 2025 chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công lắp đặt theo quy định.
![]() |
TP.HCM sẽ chi gần 650 tỷ đồng lắp điện Mặt Trời mái nhà ở trụ sở công. Ảnh minh họa |
Trong khuôn khổ Tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” ngày 10/4, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt và quyết định kế hoạch triển khai thực hiện Đề án lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công (Đề án điện mặt trời mái nhà trụ sở công).
Theo đó, Đề án có quy mô đầu tư công ở 438 trụ sở có tổng công suất hơn 43 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 647 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5 - 7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị.
“Hiện Sở Công Thương đang phối hợp với các ngành, Tổng công ty điện lực Thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (đơn vị chủ đầu tư) tổng hợp các thông tin pháp lý liên quan mái nhà trụ sở công do các cơ quan, đơn vị quản lý các trụ sở công có tên trong Đề án cung cấp để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình UBND TP.HCM chấp thuận theo quy định của Luật Đầu tư công”, bà Ngọc chia sẻ.
Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND Thành phố, dự kiến trong năm 2025, chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công lắp đặt theo quy định.
Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 50% tòa nhà công sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà để lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn Thành phố góp phần đảm bảo cung ứng điện cho Thành phố.
Theo Sở Công Thương, Thành phố có tiềm năng phát triển loại nguồn điện này khoảng 5.081 MW đến 2030. Trong số đó, công suất có thể lắp tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là hơn 166 MW.