Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý nghiêm trường hợp thao túng giá vàng
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Khách hàng xem vàng tại một cửa hàng ở TP.HCM |
Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều áp lực, thách thức trước tình hình giá vàng, giá USD trên thế giới tăng cao và giá dầu thô, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh, các yếu tố rủi ro gia tăng.
Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao.
Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất.
Cơ quan này cần thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.
Ngày 8/5, NHNN tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Lần đấu thầu này là lần thứ hai thành công trong số 5 phiên đấu thầu đã được tổ chức.
Hà Nội sẽ tặng mỗi gia đình một lá cờ Tổ quốc
Mỗi gia đình sẽ được Thành phố tặng một lá cờ Tổ quốc theo mẫu chung dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10.
Ngõ nhỏ Cổng Đục nằm trong phố cổ Hà Nội nổi bật với cờ đỏ sao vàng dịp Tết Nguyên đán |
Theo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại phiên họp lần thứ nhất Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, Thành phố giao các quận, huyện, thị xã tổ chức tặng cờ cho mỗi gia đình. Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các đơn vị tặng cờ theo mẫu, kích thước chung, hoàn thành trước 20/9. Thành phố hiện có trên 2,2 triệu hộ với hơn 8 triệu người, theo tổng điều tra dân số năm 2019.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng được giao chủ trì phát động cuộc thi sáng tác logo kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô và thẩm định lựa chọn tác phẩm tiêu biểu báo cáo Thành phố.
Thành phố đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí cho UBND các huyện để triển khai hoạt động kỷ niệm bảo đảm quy mô, chất lượng.
Trước đó, Thành phố ban hành kế hoạch bắn pháo hoa tại 6 điểm vào tối 10/10. Trong đó, quận Hoàn Kiếm bắn pháo hoa trước trụ sở tòa soạn báo Hà Nội mới. Năm điểm còn lại tại vườn hoa Lạc Long Quân trước trụ sở quận Tây Hồ; đường đua F1, quận Nam Từ Liêm; đảo dừa trong công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng; hồ Văn Quán, quận Hà Đông; thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây.
Hơn một triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có hơn 1.067.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái khoảng 43.000.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 |
Tới 17h ngày 10/5, Hệ thống Quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khóa chức năng đăng ký dự thi. Theo thống kê của Bộ, hơn 1.022.000 học sinh lớp 12 đăng ký thành công, số thí sinh tự do là hơn 45.300.
Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất là Hà Nội (hơn 109.000), TP.HCM (gần 88.200), Thanh Hóa (gần 38.700).
Những địa phương có số thí sinh đăng ký ít nhất là Kon Tum (hơn 5.000), Lai Châu (hơn 4.200), Bắc Kạn (gần 3.200).
GS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian đăng ký thi trực tuyến, hệ thống của Bộ hoạt động ổn định.
Các sở giáo dục và đào tạo, các trường THPT sẽ rà soát, chỉnh sửa thông tin của thí sinh nếu cần từ ngày 11 đến 17/5, sau đó in danh sách và cho thí sinh ký xác nhận, chậm nhất vào ngày 20/5.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra vào ngày 26 - 28/6. Thí sinh làm thủ tục dự thi ngày 26/6, làm bài thi Ngữ văn và Toán ngày 27/6. Ngày 28/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).
Vàng SJC liên tục lập kỷ lục mới, lên mức 92,2 triệu đồng/lượng
Chiều 10/5, giá vàng SJC tiếp tục tăng, phá mọi kỷ lục từ trước tới nay, lên mức 92,2 triệu đồng/lượng (bán ra).
Biểu giá vàng tại trụ sở Công ty SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM) lúc 10h45 ngày 10/5 |
Từ sáng đến chiều ngày 10/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC liên tục điều chỉnh giá vàng niêm yết. Giá vàng SJC đã tăng 2,7 triệu đồng trong ngày 10/5.
Cụ thể, giá vàng SJC mua vào 89,9 triệu đồng/lượng; bán ra 92,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với thời điểm đầu giờ sáng ngày 10/5. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 87,8 - 89,3 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng tăng 2,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Khoảng chênh lệch giữa giá mua với giá bán là 1,3 triệu đồng/lượng.
Chiều ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam), vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco ở mức 2.367,7 USD/oz, tăng tiếp 16,8 USD/oz so với đầu giờ sáng cùng ngày, như vậy, trong ngày 10/5, giá vàng thế giới tăng 59,7 USD/oz.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 USD = 25.484 VND ngày 10/5, giá vàng thế giới tương đương 72,69 triệu đồng/lượng, thấp hơn 19,51 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.
Kon Tum chuyển giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của 87 dự án, nhiệm vụ sang năm 2024
Tỉnh Kon Tum kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 đối với 87 dự án, nhiệm vụ.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt kết quả cao nhất |
HĐND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương.
Theo đó, tỉnh Kon Tum kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 hơn 45,7 tỷ đồng thuộc 12 dự án, nhiệm vụ do cấp tỉnh quản lý; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 đối với nguồn vốn đầu tư công ngân sách huyện hơn 34,8 tỷ đồng thuộc ngân sách 9 huyện, thành phố (75 dự án).
Kết thúc quý I/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum tuy có được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình so với cả nước.
Trước thực tế này, ngày 11/4, UBND Tỉnh có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương và chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cần khẩn trương thực hiện theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ.
Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.
Thêm 90.400 chứng chỉ IELTS, Aptis bị kết luận "trái phép"
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 90.400 chứng chỉ IELTS, Aptis do Hội đồng Anh cấp năm 2022 là sai quy định.
Từ ngày 1/1 đến 17/11/2022, Hội đồng Anh cấp gần 37.900 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và 52.500 chứng chỉ IELTS |
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 10/5 công bố Kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH British Council Việt Nam (Hội đồng Anh).
Theo đó, từ ngày 1/1 đến 17/11/2022, Hội đồng Anh đã tổ chức hàng trăm đợt thi trên toàn quốc, cấp gần 37.900 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và 52.500 chứng chỉ IELTS.
Thanh tra Bộ cho rằng, việc Hội đồng Anh liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ giai đoạn này là vi phạm các quy định của Chính phủ. Thanh tra Bộ đề nghị Hội đồng Anh rà soát, báo báo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý với số chứng chỉ nói trên.
Hai ngày trước, Thanh tra Bộ công bố kết luận tương tự với 56.200 chứng chỉ IELTS của Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam). Như vậy, tính cả hai đơn vị, có khoảng 146.600 chứng chỉ IELTS, Aptis bị cấp sai quy định.
Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ cho biết, với các chứng chỉ đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng, người học vẫn có thể sử dụng bình thường trong xét tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học. Bộ chấp nhận mọi chứng chỉ được cấp trước và sau ngày 10/9/2022 (thời điểm Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn các bên tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam có hiệu lực).
Các kết luận của Bộ liên quan sự kiện hoãn thi IELTS ở Việt Nam hồi tháng 11/2022. Theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/8/2018), việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ làm đề án, trình Bộ cấp phép. Nhiều bên không đáp ứng nên bị Bộ tuýt còi, phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT-TEST (tiếng Nhật)...
Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp khi đó cho rằng, việc ban hành thông tư chậm khiến các đơn vị tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ không thể nộp hồ sơ "do chưa có hướng dẫn cụ thể".
Hiện gần 100 trường đại học tuyển sinh bằng IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, Aptis được sử dụng phổ biến trong xét chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên.
Cấm xe tải nặng qua cầu Rạch Miễu giờ cao điểm
Xe tải từ 8 tấn trở lên sẽ không được qua cầu Rạch Miễu vào giờ cao điểm tất cả các ngày trong tuần, đến khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành.
Ô tô xếp hàng dài qua cầu Rạch Miễu |
Nội dung trên vừa được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận ngày 10/5, theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, xe tải từ 8 tấn trở lên sẽ bị cấm qua cầu Rạch Miễu hướng Tiền Giang đi Bến Tre từ 9h đến 11h và từ 15h đến 19h. Đối với hướng Bến Tre đi Tiền Giang, loại xe này cũng bị cấm trong khoảng thời gian 15h - 19h tất cả các ngày trong tuần.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang cho biết, địa phương đang cùng tỉnh Bến Tre bàn bạc để thống nhất ngày bắt đầu áp dụng lệnh cấm.
"Việc cấm xe tải nặng qua cầu Rạch Miễu sẽ thí điểm trong vòng 15 ngày để ghi nhận ý kiến phản hồi của người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, sau đó mới triển khai chính thức", ông Bon nói.
Theo lệnh cấm mới, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu được giao xác định vị trí, lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng, tổ chức giao thông theo đề nghị của Ban An toàn giao thông Tỉnh.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km là điểm ùn tắc thường xuyên những năm gần đây. Hiện mỗi ngày có khoảng 20.000 xe qua cầu, vượt gấp ba lần thiết kế cho phép của công trình. Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu hiện hữu 3,8 km, được khởi công cuối tháng 3/2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 6.810 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.
Trước đó, hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng đã triển khai lệnh cấm xe theo giờ vào các ngày cuối tuần và lễ, tết để giảm ùn tắc giao thông.
Xử phạt công ty thi công Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 1 đổ khoảng 1.000 m3 đất đá xuống sông suối
Trong quá trình thi công Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 1, Công ty CP Quang Đức Kon Tum đã đổ khoảng 1.000 m3 đất đá thải xuống sông suối.
Hiện trường Công ty CP Quang Đức Kon Tum đổ đất đá thải xuống sông suối |
Ngày 10/5, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cho biết, đã xử phạt Công ty CP Quang Đức Kon Tum (huyện Đắk Glei, Kon Tum) 90 triệu đồng về hành vi "đổ thải không đúng quy định".
Lực lượng chức năng cho hay, trong quá trình thi công Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 1, Công ty CP Quang Đức Kon Tum (Chủ đầu tư) đã đổ đất đá thải xuống sông suối phía thượng lưu cầu Đăk Choong và hạ lưu cầu mới với khối lượng khoảng 1.000 m3. Việc đổ thải thực hiện trong tháng 4/2024 và hiện đã dừng việc san ủi.
Trước đó, qua phản ánh của báo chí, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Đoàn liên Sở Tài nguyên và Môi trường - Công Thương cùng UBND huyện Đăk Glei kiểm tra thực tế tại hiện trường thi công Nhà máy và dọc đoạn sông Đăk Choong.
Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện Công ty CP Quang Đức Kon Tum có hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung của quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục, đưa lượng đất, đá thải về đúng bãi thải đã được phê duyệt.
Được biết, Dự án Thủy điện Đăk Mi 1 và 1A khởi công xây dựng từ năm 2009, do Công ty CP Quang Đức Kon Tum làm Chủ đầu tư. Trong đó, Thủy điện Đăk Mi 1 có 2 tổ máy với tổng công suất 84 MW; Thủy điện Đăk Mi 1A có công suất 11 MW.