Doanh nghiệp Nga muốn tăng đầu tư năng lượng, công nghệ cao tại Việt Nam
Gặp Tổng Bí thư Tô Lâm, các tập đoàn năng lượng, công nghệ cao của Nga bày tỏ mong muốn tăng hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Sergei Kudryashov, Tổng giám đốc Công ty CP Zarubezhneft |
Ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Nga, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.
Ông Sergei Kudryashov, Tổng Giám đốc Zarubezhneft, đối tác 40 năm Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Việt Nam (PVN), bày tỏ mong muốn tăng hợp tác lâu dài và đề nghị Việt Nam tạo điều kiện để họ mở rộng đầu tư.
Zarubezhneft đang cùng PVN phát triển các dự án khí thiên nhiên, dự án kho LNG nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khí hóa lỏng hiện đại phục vụ thị trường Việt Nam và khu vực. Hai bên cũng đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi và hydrogen xanh.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, hợp tác năng lượng là trụ cột trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nga. Ông cho biết ủng hộ việc mở rộng hoạt động, đầu tư của doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực quan trọng này tại Việt Nam.
Gặp Tổng Bí thư, ông Vladimir Yevtushenkov - Nhà sáng lập tập đoàn đa ngành AFK Sistema cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên hàng đầu tại châu Á và sẵn sàng mở rộng đầu tư lâu dài tại đây. Lĩnh vực hoạt động của tập đoàn này gồm viễn thông, công nghệ thông tin, bán dẫn, thương mại điện tử, y tế, nông nghiệp, xây dựng, khách sạn và du lịch.
Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ AFK Sistema sớm triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn, y tế, công nghệ cao.
Tiếp ông Yury Maksimov - Đồng sáng lập Positive Technologies, Tổng Bí thư đánh giá cao tiềm năng hợp tác lĩnh vực an ninh mạng - một trong những ưu tiên của Việt Nam khi chuyển đổi số. Ông khẳng định, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ Positive Technologies tiếp cận thông tin và kết nối đối tác tại Việt Nam.
Ông Maksimov bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để công ty tham gia các dự án trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng phu nhân thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng ngày 8 - 11/5, theo lời mời của Tổng thống Putin.
Việt Nam và Nga năm nay kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2012. Có khoảng 60.000 - 80.000 người Việt sinh sống ở Nga. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương năm đạt gần 4,6 tỷ USD.
Hà Nội định hướng lựa chọn bí thư phường, xã mới
Hà Nội ưu tiên lựa chọn thành ủy viên, bí thư cấp huyện, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện và các trưởng phòng ban có năng lực vượt trội làm bí thư phường, xã mới.
![]() |
Hồ Gươm nhìn từ trên cao |
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Theo hướng dẫn, việc sắp xếp, bố trí cán bộ thực hiện theo 6 nguyên tắc, trong đó cán bộ phải có phẩm chất, năng lực, uy tín, chuyên nghiệp; có tư duy quản trị hiện đại, tinh thần phục vụ cao và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Nhân sự cấp ủy mới gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban kiểm tra và cán bộ quy hoạch cấp ủy sẽ được điều động từ cấp huyện về cấp xã sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động. Cấp ủy viên đương nhiệm cấp xã cũng cần cơ bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Việc bố trí cán bộ tại phường, xã mới sẽ căn cứ trên tổng thể thực trạng đội ngũ hiện nay, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và đại hội Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Cán bộ lãnh đạo hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới. Bí thư phường, xã cơ bản không là người địa phương…
Hà Nội cũng yêu cầu không để xảy ra tình trạng trống, khuyết, gián đoạn trong công tác lãnh đạo, quản lý địa phương. Công tác tư tưởng cần được thực hiện tốt, nắm bắt tâm lý cán bộ, tạo sự đồng thuận trong quá trình sắp xếp bộ máy.
Từ các nguyên tắc nêu trên, Hà Nội định hướng lựa chọn cán bộ chủ chốt cho phường, xã mới theo thứ tự ưu tiên.
Đối với chức danh bí thư phường, xã, các ứng viên được xem xét gồm: thành ủy viên; bí thư, phó bí thư cấp huyện và tương đương; ủy viên ban thường vụ, ủy viên cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; trưởng phòng, ban cấp huyện; bí thư phường, xã có năng lực nổi bật, thành tích tiêu biểu (ưu tiên cán bộ trẻ, nữ).
Phó bí thư phường, xã cũng được lựa chọn theo hướng ưu tiên: phó bí thư cấp huyện và tương đương; ủy viên ban thường vụ, ủy viên cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã (ưu tiên cán bộ trẻ, nữ).
Ủy viên Thường vụ, Thành ủy viên có thể làm bí thư xã, phường ở TP.HCM
Ủy viên ban thường vụ hoặc Thành ủy viên có thể được Thành ủy TP.HCM phân công làm bí thư phường, xã đông dân, là động lực phát triển kinh tế.
![]() |
Trụ sở UBND TP.HCM |
Đó là một phần trong hướng dẫn khung tiêu chuẩn tạm thời và định hướng bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp bộ máy các phường, xã trên địa bàn vừa được Thành ủy TP.HCM ban hành.
Theo hướng dẫn của Thành ủy TP.HCM, người đứng đầu gồm bí thư phường, chủ tịch UBND phường mới không là người địa phương. Cán bộ quản lý cấp huyện sẽ được bố trí làm nòng cốt tại phường mới.
Theo đó, khi bố trí bí thư đảng ủy xã, phường sẽ ưu tiên bí thư quận, huyện giữ chức vụ bí thư phường, xã trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy hoặc ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM làm bí thư xã, phường.
Tiếp đó, các chức vụ ưu tiên làm bí thư xã, phường gồm: phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy TP.HCM; cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; các nguyên bí thư, phó bí thư chuyên trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM (trước khi sắp xếp).
TP.HCM cũng ưu tiên cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành được quy hoạch cấp trưởng về làm bí thư phường.
Phó bí thư thường trực đảng ủy và chủ tịch UBND phường bố trí theo nguyên tắc ưu tiên phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban thường vụ cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và tương đương; nguyên phó bí thư các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM; trưởng phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố...
Chức danh phó chủ tịch phường sẽ ưu tiên ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; trưởng phòng, ban cấp huyện; bí thư đảng ủy xã; trưởng phòng, phó phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố được quy hoạch chức danh cao hơn...
Sau khi sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn thành 102 phường, xã mới, TP.HCM có 3 phường, xã trên 200.000 dân là phường Hiệp Bình, phường Tăng Nhơn Phú và xã Bà Điểm. 5 phường, xã có diện tích rộng nhất gồm: An Thới Đông (gần 258 km2), Bình Khánh (158 km2), Cần Giờ (157 km2), Thạnh An (131 km2) và An Nhơn Tây (77,7 km2).
Nhà đầu tư mở gần 200.000 tài khoản mới
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận thêm gần 200.000 tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 4/2025, cao nhất trong vòng 8 tháng qua.
![]() |
Gần 200.000 tài khoản chứng khoán được mở mới. |
Theo thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận thêm 192.028 tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 4, tăng 22% so với tháng trước đó và chạm mức cao nhất 8 tháng qua.
Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường trải qua đợt biến động dữ dội trong tháng 4.
Sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng, VN-Index lao dốc “không phanh” đầu tháng, có thời điểm thủng mốc 1.100 điểm. Song, khi những thông tin thuận lợi xuất hiện, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại và tạo ra cầu bắt đáy kéo dài từ nửa cuối tháng 4.
Dẫu vậy, chỉ số VN-Index vẫn giảm hơn 6% trong tháng vừa rồi.
Trong tháng vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở thêm 133.948 tài khoản giao dịch, nâng tổng số tài khoản giao dịch của nhóm nhà đầu tư này lên hơn 9,8 triệu tài khoản, chiếm 99,3% toàn thị trường.
Lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng tăng thêm 101 tài khoản trong tháng, đạt tổng cộng 18.129 tài khoản.
Tính đến cuối tháng 4, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã vượt 9,8 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay.
Trái ngược, ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của cá nhân đã giảm 55 tài khoản trong khi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở thêm 26 tài khoản.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được phê duyệt vào cuối năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 đã được hoàn thành sớm 2 tháng. Trong 5 năm tới đây, thị trường Việt Nam cần có thêm 1,2 triệu tài khoản để vượt mục tiêu năm 2030.
120 đầu việc của cấp huyện chuyển xuống cấp xã sau sắp xếp
Bộ Nội vụ dự kiến chuyển 120 nhiệm vụ thuộc 8 lĩnh vực của cấp huyện xuống cấp xã và 21 nhiệm vụ thuộc 4 lĩnh vực quản lý của cấp huyện lên cấp tỉnh.
![]() |
Bộ Nội vụ dự kiến chuyển 120 đầu việc quản lý của cấp huyện xuống cấp xã. Ảnh minh họa |
Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền lĩnh vực nội vụ khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo quy định pháp luật hiện hành, chính quyền địa phương bao gồm cấp tỉnh, huyện và xã. Hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó có pháp luật về lĩnh vực nội vụ có nhiều quy định liên quan đến nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở cấp huyện.
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW, dự kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương với chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện, các cơ quan nhà nước cấp huyện sẽ được giải thể (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện…) hoặc sáp nhập theo mô hình khu vực (kiểm sát, tòa án, thuế, thi hành án…).
Như vậy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp huyện phải có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý, dự thảo nghị định phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước sau khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện.
Việc phân định thẩm quyền bảo đảm nguyên tắc chính quyền cấp xã mới đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã và cấp huyện, trực tiếp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, Bộ Nội vụ dự kiến chuyển 120 nhiệm vụ thuộc 8 lĩnh vực quản lý từ cấp huyện xuống cấp xã, bao gồm lĩnh vực văn thư và lưu trữ nhà nước, thi đua khen thưởng, tiền lương - bảo hiểm xã hội, việc làm, an toàn lao động, tổ chức cán bộ, thanh niên và bình đẳng giới, tổ chức phi chính phủ, người có công.
Bên cạnh đó, 21 nội dung thuộc 4 lĩnh vực quản lý của cấp huyện được chuyển lên cấp tỉnh, gồm lĩnh vực văn thư và lưu trữ nhà nước, thi đua khen thưởng, tiền lương - bảo hiểm xã hội, việc làm, an toàn lao động.
Hải Phòng gắn biển khánh thành và khởi công 12 dự án trọng điểm
Chiều 11/5, TP. Hải Phòng tổ chức gắn biển công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn Thành phố, đồng thời khởi công, khánh thành 10 dự án khác.
![]() |
Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố Hải Phòng |
Sự kiện diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại 11 điểm cầu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025.
Tại điểm cầu chính ở TP. Thủy Nguyên, hai công trình quan trọng được gắn biển là Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn. Đây là hai dự án được Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đánh giá là "công trình thế kỷ", khởi công từ năm 2023 với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Trung tâm Chính trị - Hành chính gồm 14 khối nhà, thiết kế đối xứng theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây, cao tối đa 74,4 m. Công trình có diện tích xây dựng gần 29.035 m2, tổng diện tích sàn 89.500 m2, đi kèm hệ thống kỹ thuật đồng bộ. Dự kiến, toàn bộ cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố sẽ chuyển về đây làm việc.
Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn là tổ hợp kiến trúc đa năng, hiện đại, quy mô 3 tầng và 1 tầng hầm, sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc mới của Thành phố.
Các dự án khởi công gồm: mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (giai đoạn 2); Cụm công nghiệp Tiên Cường 2; Khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy; Khu phức hợp giáo dục quốc tế Singapore; Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An); khách sạn 5 sao tại phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng); Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng thông xe kỹ thuật các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Đại Hợp (Kiến Thụy), khu nhà ở công nhân Công ty TNHH Pegatron Việt Nam giai đoạn 1, và công viên tại nút giao Nam cầu Bính.
Đường mới khánh thành tại huyện Châu Thành (Tây Ninh) sụt lún 'nuốt' ôtô, xe máy
Tuyến đường ở huyện Châu Thành hoàn thành cuối tháng 4 bị sụt lún đoạn dài hàng chục mét, ôtô và xe máy rơi xuống hố, 7 người bị thương, sáng 11/5.
![]() |
Ôtô rơi xuống đoạn bị sụt lún |
Khoảng 4h, anh Nguyễn Văn Tình, 43 tuổi, lái ôtô biển Tây Ninh chở 3 người trên đường liên huyện hướng xã Hòa Thành về xã Hòa Hội, huyện Châu Thành.
Khi vừa qua cầu Hòa Bình thuộc địa phận xã Hòa Hội, đoạn đường dài 35 m bất ngờ sụt lún, ôtô rơi xuống hố sụp sâu chừng 3 m. Cùng lúc này, hai xe máy đi phía sau không xử lý kịp cũng lao xuống hố sâu.
Sự cố khiến ba xe hư hỏng nặng, 7 người bị thương được người dân đưa tới Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.
Cầu Hòa Bình dài 450 m, rộng 12 m, kết cấu bêtông cốt thép, tổng vốn đầu tư hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện. Công trình bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối hai xã Hòa Thạnh và Hòa Hội, xây dựng từ tháng 6/2024, khánh thành hôm 25/4.
Ông Lê Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, tuyến đường được khánh thành, song chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mấy hôm nay địa bàn mưa lớn khiến đất đắp nền mặt đường no nước có thể là "nguyên nhân gây sụp mặt đường, tạo hố". Cơ quan chức năng phong tỏa hai đầu đoạn đường sự cố, hướng dẫn người dân đi hướng khác. Chính quyền cũng yêu cầu nhà thầu sửa chữa công trình.
Việt Nam lần đầu sản xuất giàn cẩu xếp dỡ container hàng triệu USD
Ngày 11/5, Công ty CP Vận tải Bộ Tân Cảng nhận 4 giàn cẩu RTG Hybrid "made in Vietnam", trị giá gần 2 triệu USD mỗi chiếc.
![]() |
Giàn cẩu RTG Hybrid được bàn giao tại cảng Cát Lái, TP.HCM |
Thiết bị này do Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thy cùng Tập đoàn Mitsui E&S (Nhật Bản) thiết kế và chế tạo. Mỗi giàn cẩu RTG Hybrid trị giá 1,8 triệu USD, với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Tỷ lệ này có thể tăng lên 70% cùng kế hoạch tăng sản lượng lên 20 - 40 chiếc của đơn vị sản xuất trong thời gian tới.
Cẩu RTG Hybrid (Rubber-Tired Gantry Crane) là loại cẩu bãi bánh lốp chuyên dụng trong xếp dỡ container tại cảng. Loại cẩu này được trang bị hệ thống truyền động lai (hybrid), kết hợp giữa động cơ diesel công suất nhỏ và bộ lưu trữ năng lượng (như pin), giúp tiết kiệm 70% nhiên liệu, giảm phát thải carbon và thân thiện môi trường.
Ông Atsufumi Takahashi, Tổng giám đốc Bán hàng của Mitsui E&S - tập đoàn công nghiệp của Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị xếp dỡ container cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Nhật Bản được chọn để sản xuất cẩu RTG Hybrid.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất ban đầu loại này ở Việt Nam còn cao do đây là dự án thử nghiệm và cần điều chỉnh thiết kế để phù hợp với nhu cầu thị trường. Ông Takahashi cho biết họ đang tìm vật liệu trong nước có thể thay thế hàng nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm.
Việt Nam có hơn 30 cảng biển lớn, phần lớn thiết bị xếp dỡ dùng động cơ diesel thế hệ cũ, trong khi sản lượng hàng hóa qua cảng tăng đều hàng năm. Việc sản xuất và trang bị các giàn cẩu thế hệ mới giúp các cảng hiện đại hóa hoạt động xếp dỡ, đẩy nhanh chuyển đổi xanh. Việc này cũng phù hợp với chiến lược logistics quốc gia đến 2030, hướng đến giảm tối thiểu 10% phát thải trong vận tải.