Bản tin thời sự sáng 13/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN lo thiếu than sản xuất điện; Hà Nội xem xét việc bỏ biển cấm taxi trên nhiều tuyến phố; từ ngày 1/4, Covid-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội; TP.HCM thúc đẩy việc cải tạo chung cư cũ…

EVN lo thiếu than sản xuất điện

Nếu việc cung ứng than cho các nhà máy điện không ổn định như năm ngoái, EVN đánh giá nguy cơ cao sẽ thiếu nhiên liệu để sản xuất điện.

Các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước nguy cơ thiếu than cho sản xuất
Các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước nguy cơ thiếu than cho sản xuất

Lo ngại này được EVN nêu trong văn bản gửi Bộ Công Thương trước dự báo nhu cầu than cho điện tăng cao so với năm ngoái, khi có thêm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành.

Tập đoàn này cho biết, năm ngoái việc cấp than cho điện không đúng kế hoạch với hầu hết nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng tới vận hành cung cấp điện. Chẳng hạn, việc cấp than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình không ổn định, có thời điểm như quý IV chỉ cung ứng được than pha trộn nhập khẩu. Việc này khiến tồn kho nhiên liệu của nhà máy này cuối tháng 11, và tháng 12/2022 chỉ ở mức 10.000 tấn, đủ cho khoảng 2 ngày vận hành, dẫn tới có lúc Nhà máy phải dừng một tổ máy.

Dự báo năm nay, nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tăng, giá than nhập khẩu vẫn ở mức cao ảnh hưởng tới khả năng huy động các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập, như Vĩnh Tân 4.

Năm nay, tổng khối lượng than cấp cho điện của TKV và Tổng công ty Đông Bắc gần 46 triệu tấn, riêng các nhà máy nhiệt điện của EVN xấp xỉ 18 triệu tấn. Để đảm bảo than cho điện năm 2023 và các tháng mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cho sản xuất điện.

Việc cấp than cũng cần đảm bảo đúng chủng loại kỹ thuật của từng nhà máy, bởi theo dự kiến, than TKV cấp cho các nhà máy của EVN năm nay hoàn toàn là than pha trộn. Thực tế, than pha trộn sử dụng trong các nhà máy được thiết kế dùng than nhập khẩu làm ảnh hưởng tới khả năng vận hành ổn định, nhất là trong thời điểm cần huy động cao mùa khô.

Năm ngoái, giá than cho sản xuất điện đi lên khiến chi phí sản xuất của EVN tăng vọt.

Hà Nội xem xét việc bỏ biển cấm taxi trên nhiều tuyến phố

Tuần tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ xem xét kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về dỡ bỏ biển cấm taxi trên các tuyến phố. Hà Nội hiện đang cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố.

Một tuyến phố cấm taxi hoạt động

Một tuyến phố cấm taxi hoạt động

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tuần tới, cơ quan này sẽ họp bàn với các lực lượng liên quan để đưa ra đánh giá cụ thể về đề xuất dỡ bỏ biển cấm taxi trên các tuyến phố. Trong đó sẽ đánh giá từng tuyến, xem tuyến phố nào vẫn tiếp tục cấm, tuyến nào sẽ bỏ biển cấm trên tinh thần hạn chế tối đa việc cấm taxi hoạt động.

Theo kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội, việc xem xét dỡ bỏ biển cấm taxi trên các tuyến phố cần được ưu tiên vì phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Hiện tại, Hà Nội đang cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi lượng khách, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các chi phí cố định, lãi vay doanh nghiệp vẫn phải trả như bình thường.

Đặc biệt, hai năm dịch bệnh Covid-19 liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp taxi kiệt quệ khi lượng khách sụt giảm trên 60%.

Vì vậy, ngoài kiến nghị gỡ bỏ biển cấm ở 11 tuyến phố, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan có cơ chế, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ để ngành vận tải taxi duy trì hoạt động, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, trong đó có việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp taxi.

Từ ngày 1/4, Covid-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ Y tế đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế vừa ban hành.

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh minh họa

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh minh họa

Theo thông tư này, Covid-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35, bắt đầu từ ngày 1/4/2023.

Bộ Y tế nêu rõ, bệnh Covid-19 được xem là một loại bệnh nghề nghiệp. Bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Các yếu tố gây bệnh được xác định bằng một trong các văn bản bao gồm: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2; Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định; Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

Theo Bộ Y tế, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2…

TP.HCM thúc đẩy việc cải tạo chung cư cũ

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ bàn trực tiếp và hiệp thương với người dân để thống nhất trước khi xây lại chung cư mới.

Chung cư Vĩnh Hội nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào tại trung tâm Quận 4.

Chung cư Vĩnh Hội nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào tại trung tâm Quận 4.

Trong 6 nhóm giải pháp TP.HCM đề ra để thúc đẩy việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, câu chuyện di dời người dân khỏi chung cư cấp D là rất cấp bách.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố đặt ra mục tiêu rất lớn về việc cải tạo chung cư cấp D (chung cư có khả năng sụp đổ kết cấu, gây nguy hiểm).

Hiện, TP.HCM có 1.568 chung cư, với trên 1.800 lô. Trong đó, 474 chung cư xây trước năm 1975, 16 chung cư cấp D bắt buộc di dời (rải rác các Quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình). Tuy nhiên đến nay, tiến độ di dời chưa đạt kỳ vọng.

Hồi tháng 8/2022, Thành phố quyết định ủy quyền phân công TP. Thủ Đức và UBND các quận được toàn quyền chủ động cải tạo nhà chung cư cần tháo dỡ. Quận, huyện có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời.

Riêng Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ theo chương trình TP.HCM đã duyệt về phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.

Trong số 474 chung cư cũ trước năm 1975, TP.HCM bố trí 280 tỷ đồng để cải tạo sửa chữa gần 200 công trình. Còn 246 chung cư trong nhóm B, Thành phố dự kiến chi 500 tỷ đồng để bảo trì trong thời gian chờ và chưa được xây dựng lại.

Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 6.345 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 31/1/2023, toàn thành phố Đà Nẵng đã giải ngân kế hoạch vốn dự toán giao năm 2022 đạt 6.345 tỷ đồng; đạt 114,42% kế hoạch Trung ương giao.

Năm 2022, Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.345 tỷ đồng

Năm 2022, Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.345 tỷ đồng

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến hết ngày 31/1/2023, toàn Thành phố đã giải ngân kế hoạch vốn dự toán giao năm 2022 đạt 6.345 tỷ đồng; đạt 114,42% kế hoạch Trung ương giao và 85,1% kế hoạch Thành phố giao.

Về kế hoạch vốn năm 2023, tính đến hết tháng 1/2023, TP. Đà Nẵng đã giải ngân kế hoạch vốn dự toán giao năm 2023 đạt 90,79 tỷ đồng; đạt 1,1% kế hoạch Trung ương và thành phố giao.

UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, trong thời gian đến, Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt một số giải pháp ngay từ đầu năm, khắc phục những hạn chế để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, TP. Đà Nẵng tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với xây dựng thành phố thông minh.

Đồng thời, Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn, tạo “quỹ đất sạch” cho nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án tại địa phương; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng để khơi thông các nguồn lực và thu hút đầu tư...

Bệnh viện quy mô 1.000 giường bệnh tại Tiền Giang chính thức vào hoạt động

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có quy mô 1.000 giường bệnh chính thức tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu ngày 12/2/2023 và tiếp nhận khám ngoại trú, cấp cứu và điều trị nội trú từ ngày 13/2/2023.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chính thức đưa vào hoạt động kể từ ngày 12/2/2023

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chính thức đưa vào hoạt động kể từ ngày 12/2/2023

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, từ 7 giờ ngày 12/2/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Từ 6 giờ ngày 13/2/2023, Bệnh viện sẽ tiếp nhận khám ngoại trú, cấp cứu và điều trị nội trú.

Trước đó, báo chí đã phản ánh về việc Dự án Công trình Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang hoàn thành và bàn giao đã lâu nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do gặp khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu để di dời các trang thiết bị y tế từ bệnh viện cũ sang bệnh viện mới.

Dự án Công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang có tổng kinh phí 2.350 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.750 tỷ đồng, còn lại 600 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022.

Dự án có quy mô đầu tư 1.000 giường, được xây dựng tổng diện tích trên 10 ha tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Xuất khẩu rau quả tăng 3,1% trong tháng 1

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả tăng 3,1% trong tháng 1. Ảnh minh họa

Xuất khẩu rau quả tăng 3,1% trong tháng 1. Ảnh minh họa

Trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng rau quả có tăng trưởng dương với mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt giá trị 300 triệu USD.

Tăng trưởng về xuất khẩu của mặt hàng rau quả được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là do việc mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 của thị trường Trung Quốc cũng như vừa qua nhiều loại nông sản đã được mở cửa sang các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand…

Theo Bộ NN&PTNT, việc giảm cả xuất khẩu và nhập khẩu phần lớn do tháng 1 trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính xuất khẩu, cá tra có sự giảm sút mạnh nhất với mức gần 40%, tiếp đến là cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 29,8%. Mặt hàng tôm cũng có mức giảm khá cao, trên 29%.

Hà Nội thu hồi hơn 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long

Hà Nội quyết định thu hồi hơn 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long, giao cho Tổng công ty Hạ tầng mạng - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để tiếp tục sử dụng làm Trung tâm Kỹ thuật và quản lý mạng truyền số liệu quốc gia VNN.

Tòa nhà 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long. Ảnh minh họa

Tòa nhà 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký quyết định thu hồi hơn 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Khu đất do Công ty Điện toán và Truyền số liệu - VDC đang quản lý sử dụng.

Lý do thu hồi 5.000m2 đất nêu trên là theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giữ lại các cơ sở nhà, đất để tiếp tục sử dụng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên địa bàn Hà Nội.

Diện tích bị thu hồi được giao cho Tổng công ty Hạ tầng mạng - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để tiếp tục sử dụng làm Trung tâm Kỹ thuật và quản lý mạng truyền số liệu quốc gia VNN (đất cơ sở sản xuất, kinh doanh). Thời gian thuê đất đến ngày 4/6/2044; hình thức là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Tin cùng chuyên mục