Bản tin thời sự sáng 14/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0; Bộ GTVT yêu cầu có giải pháp cứu các hãng hàng không; 5.500 xe hàng ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc; TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc…

Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0

Tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng tăng. Vì thế, nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh dương tính thì cũng được xác định là nhiễm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0

Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội liên quan việc xét nghiệm xác định người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện.

Trước đó, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và các hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.

Theo đó, có 3 trường hợp để xác định một người nhiễm SARS-CoV-2.

Thứ nhất là người có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng RT-PCR.

Thứ 2 là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau. Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với một loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Bộ GTVT yêu cầu có giải pháp cứu các hãng hàng không

Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng thể giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, báo cáo Bộ trước ngày 15/12 tới.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không có giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không có giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không

Văn bản do Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn ký yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu và có ý kiến về các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không VN (VABA) về việc hỗ trợ các hãng hàng không.

Trước đó, VABA đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay ưu đãi.

Văn bản do Tổng thư ký VABA Bùi Doãn Nề ký nêu rõ, từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện.

Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất.

VABA đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

VABA cũng đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế Bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành, tức là về mức 1.000 đồng/ lít.

5.500 xe hàng ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc

Trong bối cảnh Trung Quốc siết phòng dịch, khoảng 4.000 xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và 1.500 xe hàng nằm chờ thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).

Điểm tập kết xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn

Điểm tập kết xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn

Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết, 4.000 xe hàng vẫn nằm đợi thông quan ở ba cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh và Hữu Nghị.

Theo lãnh đạo ngành Công Thương Lạng Sơn, số lượng xe hàng ùn ứ ở cửa khẩu tăng cao trong khoảng nửa tháng nay. Đơn cử, cửa khẩu Chi Ma đang tồn khoảng 700 xe, song mỗi ngày chỉ xuất, nhập được từ 60 - 80 xe. Vừa rồi phía Trung Quốc tạm dừng thông quan 3 ngày để điều tra tình hình dịch bệnh. Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng nhanh, nên họ thận trọng hơn trong việc kiểm soát.

Cửa khẩu Tân Thanh tồn hơn 2.000 xe, hiện bình quân mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 200 xe thay vì 300 xe như trước đây. Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn khoảng 1.000 xe.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), việc xuất nhập khẩu tại cầu phao tạm Km 3+4 và cầu Bắc Luân 2 vẫn diễn ra, song từ tuần vừa qua tốc độ chậm dần.

Lạng Sơn có 12 cửa khẩu, hiện tại chỉ 4 cửa khẩu thông quan và chủ yếu tập trung ở Tân Thanh, Hữu Nghị.

TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc

Khu đô thị Tây Bắc được kiến nghị giảm hơn 1.670 ha, giúp 56.000 người dân bị quy hoạch treo nhiều năm được sửa chữa, xây dựng nhà cửa khi có nhu cầu.

Quy hoạch khu đô thị Tây Bắc sẽ được điều chỉnh trên cơ sở bản đồ cũ này. Nguồn: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM

Quy hoạch khu đô thị Tây Bắc sẽ được điều chỉnh trên cơ sở bản đồ cũ này. Nguồn: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký gửi xin ý kiến Thủ tướng về một số nội dung lập điều chỉnh quy hoạch phân Khu đô thị mới Tây Bắc.

Theo đó, chính quyền Thành phố kiến nghị cho tăng quy mô dân số Khu đô thị mới Tây Bắc lên 600.000 người (gấp đôi so với phê duyệt của Thủ tướng năm 2010); giảm quy mô Khu đô thị mới từ 6.000 ha xuống 4.410 ha, chuyển phần còn lại thành khu vực hiện hữu (hơn 1.674 ha) để quy hoạch phù hợp điều kiện thực tế, giải quyết kịp thời các bức xúc kéo dài của người dân.

Nếu được chấp thuận, TP.HCM sẽ lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5000. Khu dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang theo hướng bố trí nhà ở thấp tầng, tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ cao tầng tại các khu vực lân cận nhà ga metro và dọc theo các trục giao thông chính. Khoảng 57.000 người dân ở 1.640 ha dọc Quốc lộ 22 sẽ được xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuyển nhượng đất đai... Quy hoạch mới hạn chế sự xáo động, ảnh hưởng đời sống của cộng đồng dân cư hiện hữu.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố, việc điều chỉnh quy hoạch lần này cũng là cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Thành phố đề nghị cho giảm diện tích khu đô thị đại học (trong Khu đô thị mới Tây Bắc) từ 300 ha xuống còn 150 ha, nhưng vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo. Việc này nhằm thuận lợi cho kêu gọi đầu tư, phù hợp với các phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ...

Khởi tố vụ buôn lậu tàu biển 3.200 tấn để phá dỡ, bán sắt vụn

Giám đốc một công ty ở Quảng Ninh mua tàu biển của chủ cũ người Đài Loan với giá 300.000 USD. Ông này không làm thủ tục nhập khẩu tàu và bán lại cho người khác phá dỡ, bán sắt vụn.

Tàu Chung Ching được buôn lậu về Hải Phòng để bán sắt vụn

Tàu Chung Ching được buôn lậu về Hải Phòng để bán sắt vụn

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cho biết đã khởi tố vụ án hình sự về tội Buôn lậu đối với Giám đốc Công ty TNHH MTV Khang Vinh Đỗ Bá Khang ở phường Ninh Dương, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, bộ đội biên phòng chuyển giao vụ án cho Công an TP. Hải Phòng điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 8/11, bộ đội biên phòng phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra tàu Chung Ching (trọng tải 3.200 tấn, sử dụng gần 50 năm) tại khu vực sông Kinh Môn, xã Đại Bản, huyện An Dương, Hải Phòng. Thời điểm này trên tàu không có thuyền viên, toàn bộ hệ thống ca bin tàu 3 tầng cùng nhiều thiết bị được cắt phá thành sắt vụn.

Kết quả điều tra cho thấy ngày 4/11, tàu Chung Ching được đưa từ Quảng Ninh về neo tại khu vực xã Đại Bản, huyện An Dương, Hải Phòng.

Khi phát hiện sự việc trên, bộ đội biên phòng đã cùng các đơn vị khác lập biên bản, đình chỉ hoạt động cắt phá và triệu tập ông Nguyễn Văn Soái (Hải Phòng) để làm rõ.

Qua đó, cơ quan chức năng xác định ông Đỗ Bá Khang mua tàu Chung Ching của chủ tàu ở Đài Loan với giá 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng), mục đích để phá dỡ bán kiếm lời.

Ông Khang không làm thủ tục nhập khẩu tàu theo quy định của pháp luật và bán lại cho ông Soái với giá 10,5 tỷ đồng.

Nhà chức trách đánh giá đây là vụ buôn lậu nghiêm trọng, phức tạp, giá trị tài sản lớn, nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Những người liên quan hợp thức hóa các loại giấy tờ, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, hợp đồng mua bán với người ở nước ngoài để đưa tàu biển vào lãnh thổ Việt Nam.

Việc cắt phá tàu Chung Ching trái phép nêu trên còn có thể gây ra những hậu quả về ô nhiễm môi trường.