Bản tin thời sự sáng 14/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam vượt mốc tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19; 2 tháng đầu năm, ngân sách tăng thu nhờ giá dầu tăng; thanh tra việc mua sắm kit test, thuốc phòng chống dịch trên địa bàn Đắk Lắk; Vinacas muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ vụ 36 container điều bị mất kiểm soát…

Việt Nam vượt mốc tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19

Sau một năm triển khai chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam vượt mốc tiêm 200 triệu mũi vaccine Covid-19, cơ bản phủ xong nhóm dân số từ 12 tuổi.

Việt Nam đã cơ bản tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cho nhóm dân số từ 12 tuổi

Việt Nam đã cơ bản tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cho nhóm dân số từ 12 tuổi

Theo Bộ Y tế, đến sáng 13/3, số vaccine Covid-19 tiêm cho người trưởng thành (từ 18 tuổi) đạt tổng số 183 triệu liều, gồm: mũi một 71 triệu liều; mũi hai 68 triệu liều; mũi bổ sung 14,4 triệu liều; mũi nhắc lại 28 triệu liều. Tỷ lệ bao phủ mũi một đạt 100% dân số; mũi hai 99%.

Tổng số vaccine đã tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là 17 triệu liều, gồm: mũi một 8,7 triệu liều; mũi hai 8,2 triệu liều. Tỷ lệ tiêm mũi một cho trẻ từ 12 tuổi đạt 99%; mũi hai 94%.

Việt Nam đã cơ bản tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cho nhóm dân số từ 12 tuổi.

Về tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, hồi đầu tháng 2, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu để mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong tháng 3 sẽ tiếp nhận 7 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 tuổi; quý IV nhận 15 triệu liều còn lại. Thời gian tiêm cho trẻ từ 5 tuổi có thể kéo dài đến đầu năm 2023.

Hai tháng đầu năm, ngân sách tăng thu nhờ giá dầu tăng

Thu ngân sách từ dầu thô trong 2 tháng đầu năm đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ, nhờ giá dầu tăng.

Thu ngân sách từ dầu thô trong hai tháng đầu năm tăng hơn 57% so với cùng kỳ, nhờ giá dầu tăng

Thu ngân sách từ dầu thô trong hai tháng đầu năm tăng hơn 57% so với cùng kỳ, nhờ giá dầu tăng

Số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tổng thu ngân sách tháng 2 đạt 138.500 tỷ đồng. Luỹ kế thu ngân sách hai tháng khoảng 323.800 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ và bằng xấp xỉ 23% dự toán.

Ba khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ 2021, lần lượt 7,6%; 57,2% và 29,4%.

Theo Bộ Tài chính, sản lượng khai thác dầu 2 tháng đầu năm giảm gần 9% so với cùng kỳ 2021, đạt 1,3 triệu tấn, nhưng nhờ giá dầu tăng 23 USD một thùng (tức tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái) nên khoản thu từ xuất khẩu nhiên liệu này tăng mạnh. Giá bình quân dầu thô 2 tháng đạt khoảng 83 USD một thùng.

Ngoài tăng thu từ dầu thô, khoản thu nội địa 2 tháng đầu năm cũng tăng 7,6%, đạt 270.800 tỷ đồng. Còn thu từ xuất nhập khẩu đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2021. Mức thu này đạt được trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 69.100 tỷ và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 24.100 tỷ.

Cơ quan này cho biết, chi ngân sách Nhà nước thực hiện 2 tháng ước đạt 228.200 tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Khác với cùng kỳ các năm trước, ngân sách Nhà nước ghi nhận bội thu 95.600 tỷ đồng sau 2 tháng.

Thanh tra việc mua sắm kit test, thuốc phòng chống dịch trên địa bàn Đắk Lắk

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đang làm việc với ngành y tế để thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Các cơ quan chức năng đang thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Đắk Lắk

Các cơ quan chức năng đang thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Đắk Lắk

Chiều 13/3, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác nhận đơn vị đã lập đoàn thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2021 tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk.

Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, sau khi thanh tra tại 2 đơn vị nói trên, đoàn sẽ tổ chức họp, tổng hợp, đánh giá tình hình mới quyết định tiếp tục hoặc không thanh tra các đơn vị khác. Việc thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Hiện Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đang làm việc với Sở Y tế. Dự kiến vào cuối tháng 3 mới kết thúc đợt thanh tra.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII cũng vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài chính Đắk Lắk cung cấp các tài liệu liên quan đến việc tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng kit test Covid-19 tại Tỉnh năm 2020 và 2021.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII có yêu cầu trên nhằm thực hiện việc kiểm toán chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại tỉnh Đắk Lắk.

Vinacas muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ vụ 36 container điều bị mất kiểm soát

Các doanh nghiệp trong vụ 36 container điều bị mất kiểm soát mong muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ cũng như được hướng dẫn để nhận lại hàng.

Vinacas mong muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ

Vinacas mong muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, trong báo cáo đến Thủ tướng về vụ việc 1 số doanh nghiệp có dấu hiệu bị lừa đảo khi xuất hàng sang Ý đã khẩn thiết và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Vinacas cũng khẩn thiết và kính đề nghị các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Việt Nam quan tâm, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc; với mục tiêu: giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.

Thương vụ Việt Nam tại Ý thông tin, cảnh sát tài chính Ý đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều được vận chuyển đến cảng Genoa của nước này nhờ các thông tin kịp thời từ phía Việt Nam. Hiện cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này…

Trước đó, từ tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng Ý và bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thu tiền hàng qua hình thức D/P (giao tiền sẽ giao chứng từ) thì phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng.

Mặc dù vậy, vẫn có 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD đã và đang đến các cảng của Ý trong tháng 3 trong khi doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ của lô hàng.

Có 4 hãng tàu liên quan đến vụ việc là: Cosco, Yangming, HMM, One. Vinacas cũng đã gửi thư đến các hãng đề nghị áp dụng biện pháp "khẩn cấp" tạm thời giữ các container hàng đã và đang trên đường đến các cảng của Ý…

Chính phủ trình giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Dự thảo nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022 sẽ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3.

Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký trình giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký trình giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp.

Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít.

Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/4 tới. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Bộ Tài chính tính toán, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.

Giá xăng ở Việt Nam được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Nhưng trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại chiếm khoảng 40%, trong đó mức thu thuế bảo vệ môi trường cố định trong mỗi lít xăng, dầu. Cụ thể, mỗi lít xăng đang bị thu 3.800 - 4.000 đồng một lít, tuỳ loại; dầu là 1.000-2.000 đồng một lít, tuỳ loại.

Khách quốc tế phải có chứng nhận vắc xin và âm tính trong đề xuất mở cửa thị trường du lịch

Đó là đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trong báo cáo mới gửi Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa lại thị trường khách quốc tế.

Khách quốc tế phải có chứng nhận vắc xin và âm tính trong đề xuất của Bộ VHTT&DL về mở cửa thị trường du lịch

Khách quốc tế phải có chứng nhận vắc xin và âm tính trong đề xuất của Bộ VHTT&DL về mở cửa thị trường du lịch

Bộ VHTT&DL đề xuất đón khách du lịch quốc tế đến, đưa khách đi du lịch nước ngoài qua các cửa khẩu quốc tế đường không, đường bộ, đường sắt, đường biển theo các chính sách về thị thực nhập cảnh như trước đại dịch.

Ngoài ra, đối với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh, hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng.

Đối với khách nhập cảnh hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi). Còn đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Đối với các nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không, khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh), nếu âm tính thì được tham gia du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định.

Trên cơ sở đó, Bộ VHTT&DL đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án mở cửa và đồng ý giao Bộ VHTT&DL công bố mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 15/3.

Tin cùng chuyên mục