TP.HCM đề xuất bắn pháo hoa 3 điểm tại Lễ hội sông nước
TP.HCM dự kiến bắn pháo hoa tầm thấp tại 3 điểm dọc sông Sài Gòn tối ngày 31/5 trong lễ khai mạc Lễ hội sông nước Thành phố lần 2 năm 2024.
Pháo hoa bắn tại đầu hầm vượt sông Sài Gòn dịp 30/4 vừa qua |
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề xuất cho Thành phố tổ chức bắn pháo hoa 3 điểm tầm thấp trong lễ khai mạc Lễ hội sông nước lần thứ 2 năm 2024, diễn ra tối ngày 31/5.
Điểm số 1: Khu vực bờ sông Sài Gòn, phường Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM) bắn trên sà lan được neo cố định, thời gian bắn 15 phút từ 21h30 đến 21h 45 phút.
Điểm số 2: Khu vực Cầu cảng Ba Son (phường Bến Nghé, Quận 1), thời gian bắn 15 phút từ 21h40 đến 21h55.
Điểm số 3: Khu vực Công viên bờ sông Landmark 81 (Phường 22, quận Bình Thạnh), thời gian bắn 15 phút từ 21h55 đến 22h10.
Mỗi điểm bắn 90 giàn pháo hoa nổ tầm thấp kết hợp pháo hỏa thuật, kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 diễn ra từ ngày 29/5 - 9/6 với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại" là chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm, định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị TP.HCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” tái hiện câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua ngôn ngữ hoàn toàn mới dưới hình thức của một vở đại nhạc kịch ngoài trời bên sông Sài Gòn.
Hà Nội cần hơn 55,4 tỷ đồng để làm 15 tuyến đường sắt đô thị
Thành phố Hà Nội đã dự kiến lên kế hoạch nguồn vốn đầu tư tổng thể hệ thống các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch và bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, mở ra không gian phát triển đô thị theo đúng xu thế của các nước trên thế giới.
Hà Nội cần khoảng hơn 55,4 tỷ đồng để làm 15 tuyến đường sắt đô thị |
Tại Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB nhấn mạnh, đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố.
Do đó, ông Minh khẳng định, phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Thành phố trong thời gian tới, gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50 - 55%, sau năm 2035 đạt 65 - 70%.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, thành phố Hà Nội có tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 là 397,8 km và đến năm 2045 là 196,2 km.
MRB cũng tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2045 cần khoảng 55,44 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cần huy động giai đoạn đến 2030 đầu tư 96,9 km với khoảng 16,2 tỷ USD; giai đoạn đến 2035 làm 301 km với vốn đầu tư khoảng 20,9 tỷ USD; giai đoạn đến 2045 đầu tư 196,2 km và nguồn vốn 18,2 tỷ USD.
Xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng thu về 2,7 tỷ USD
Xuất khẩu cá ngừ, cá tra, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ các loại đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng thu về 2,7 tỷ USD |
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thuỷ sản tháng 4/2024 đạt 770 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ, cá tra, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ các loại đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm chỉ tương đương tháng 4/2023, còn mực - bạch tuộc và một số loài cá biển khác vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản thu về 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 4/2024, xuất khẩu tôm đạt 285 triệu USD, chỉ tương đương với cùng kỳ năm 2023, nhưng đây vẫn là tháng có giá trị xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm nay. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành tôm mang về doanh số 971 triệu USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Vasep cho biết, xuất khẩu cá tra tháng 4/2024 đã tăng 13%, đạt 168 triệu USD là tín hiệu tích cực sau khi sụt giảm liên tục ở tháng 2 và tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4 tăng 28% đạt trên 86 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 301 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các ngành hàng khác, cá ngừ có tăng trưởng ổn định hơn trong cả 4 tháng qua (trừ tháng 2 giảm 11% do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cá ngừ, nhập khẩu của các thị trường tăng trở lại vì tồn kho giảm chứ không phải vì thị trường tốt hơn và giá xuất khẩu cao hơn.
Trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 14% trong tháng 4 thì xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ lại tăng 14%. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, 2 ngành hàng này mang về doanh số lần lượt là 182 triệu USD, giảm 4% và 43 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đề xuất làm đảo vườn giữa sông Sài Gòn
Liên danh tư vấn đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm, bố trí dịch vụ vui chơi, giải trí, thu hẹp không gian 2 bờ Quận 1 và Thủ Thiêm.
Phối cảnh các cầu đi bộ kết nối xuống đảo vườn trên sông Sài Gòn |
Ý tưởng trên được liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đưa ra trong nghiên cứu phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn, đang được Thành phố đặt hàng làm cơ sở quy hoạch.
Theo nghiên cứu của liên danh tư vấn, dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau, nên nhóm đề xuất chia làm 4 phân khu để phát triển dựa trên những lợi thế và đặc trưng riêng ở mỗi khu vực. Việc xây dựng các đảo nổi giữa dòng sông thuộc phân khu thứ 4 - vùng lõi giao giữa Quận 1 và Thủ Thiêm.
Những đảo vườn sẽ đảm nhận vai trò là điểm "dừng chân", kết nối các cầu đi bộ khi được Thành phố bổ sung xây dựng. Ý tưởng này nhằm tạo liên kết, thu hẹp không gian hai bờ khi mặt sông Sài Gòn ở khu vực này rộng khoảng 250 m - khoảng cách lớn hơn nhiều các dòng sông đã được quy hoạch bài bản như sông Seine (Pháp) hay Singapore.
Liên danh tư vấn cũng gợi ý những đảo này có thể xây cố định hoặc nổi, bố trí gần bờ nơi có dòng chảy chậm, hạn chế ảnh hưởng đi lại của tàu thuyền. Trên đảo có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, quán cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi... giúp tăng trải nghiệm vượt sông cũng như tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn cho khu trung tâm.
Cùng với ý tưởng trên, trong phân khu thứ 4 sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất phát triển là khu phức hợp đa chức năng với các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn... thể hiện phát triển của TP.HCM. Trong đó, khu vực cảng Khánh Hội, Quận 4, được hướng đến là cụm văn hoá sáng tạo với không gian công cộng sôi động.
Khu Tân Thuận, Quận 7, được đề xuất chuyển đổi thành trung tâm đổi mới và sản xuất công nghệ xanh, phát triển đô thị bền vững. Cuối cùng là đoạn hợp lưu sông Sài Gòn qua Quận 7, Nhà Bè được đề xuất bảo tồn không gian tự nhiên, tạo cảnh quan cho du khách...
Lâm Đồng có 4 dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ trong giai đoạn 2015 - 2023
Tỉnh Lâm Đồng có 4 dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ trong giai đoạn 2015 - 2023, tập trung ở TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà và Di Linh.
Một góc trung tâm TP. Đà Lạt |
Thông tin trên được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu trong Báo cáo quản lý thị trường bất động sản và nhà xã hội giai đoạn 2015 - 2023.
Trong 8 năm, Lâm Đồng duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với quy mô gần 360 ha, tổng vốn đăng ký gần 16.800 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, còn 4 dự án chậm tiến độ, tập trung ở TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà và Di Linh.
Cụ thể, 3 trong 7 dự án được duyệt đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 chậm tiến độ. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là Khu trung tâm dịch vụ công cộng và Khu bãi đậu xe thuộc Khu công viên văn hóa và đô thị TP. Đà Lạt với hơn 700 tỷ đồng. Quy mô Dự án khoảng 1 ha với gần 250 sản phẩm. Báo cáo cho biết, vị trí xây dựng Dự án chưa được phê duyệt trong quy hoạch phân khu, chủ đầu tư cũng chưa bổ sung hồ sơ theo yêu cầu Bộ Xây dựng.
Khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp Sun Garden Đà Lạt của Công ty CP Quản lý đầu tư STC cũng chậm tiến độ. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, cung cấp hơn 90 sản phẩm. Báo cáo nêu, tiến độ Dự án bị ảnh hưởng bởi vị trí trong khu vực có nguy cơ sạt lở cùng với tình hình mưa bão phức tạp. TP. Đà Lạt yêu cầu, chủ đầu tư bổ sung việc quan trắc công trình đã xây dựng, biện pháp thi công để xin phép tiếp tục thi công hoàn thiện.
Thứ ba là Dự án Đầu tư xây dựng một phần Khu dân cư Vạn Tâm của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại bất động sản Vạn Tâm. Dự án nằm ở huyện Lâm Hà với quy mô hơn 9 ha, cung cấp hơn 150 lô. Lý do chậm tiến độ là chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Dự án.
Giai đoạn 2021 - 2023, có 1 dự án bị chậm tiến độ trong tổng 9 dự án được duyệt đầu tư. Đó là Khu dân cư đồi Thanh Danh của Liên danh Công ty TNHH OLECO - NQ - Công ty CP Bất động sản Mỹ. Dự án nằm ở huyện Di Linh với diện tích 5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng, cung cấp hơn 140 căn nhà và 10 lô đất. Dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng với những thửa đất được giao khoán cho hộ dân, không có sổ đỏ.
Kiến nghị xây 6 km cầu cạn giảm ùn tắc quốc lộ nối Biên Hòa - Vũng Tàu
Để giải quyết tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51, tư vấn đề xuất làm cầu cạn dài 6 km nối 2 nút giao Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11, kinh phí 5.700 tỷ đồng.
Hướng tuyến cầu cạn được đề xuất để giảm ùn tắc cho quốc lộ 51 khu vực TP. Biên Hòa |
Nội dung vừa được Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI, Bộ Giao thông vận tải) gửi UBND tỉnh Đồng Nai về phương án giải quyết tình trạng kẹt xe qua Quốc lộ 51, đặc biệt đoạn qua TP. Biên Hòa.
Theo đơn vị tư vấn, Quốc lộ 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11 dài gần 6 km có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương ra cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc. Cung đường có lưu lượng xe rất lớn, thường xuyên ùn tắc nhất là vào buổi sáng và chiều tối lúc tan ca.
Do đó đơn vị tư vấn đề xuất Đồng Nai phương án xây dựng cầu cạn từ đầu nút giao Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vượt qua nút giao Ngã tư Vũng Tàu rồi chạy dọc Quốc lộ 51 qua nút giao Cổng 11 kết nối với đường Võ Nguyên Giáp. Chiều dài cầu cạn khoảng 6 km, 4 làn xe, rộng 17,5 m, với kinh phí 5.700 tỷ đồng.
Trước đó, các đơn vị tư vấn cũng kiến nghị nhiều phương án xây 2 nút giao Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 với kinh phí từ 11.000 - 20.000 tỷ đồng. Các phương án này đang được UBND tỉnh Đồng Nai xem xét.
Quốc lộ 51 dài 72 km, là tuyến huyết mạch nối TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, thường xuyên đông xe, nhất là khu vực qua địa phận TP Biên Hòa tập trung nhiều khu công nghiệp. Ngoài cải tạo và mở rộng, dọc tuyến đang được xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm tải cho Quốc lộ 51.