Bản tin thời sự sáng 15/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vịnh Hạ Long vào top điểm đến đẹp nhất thế giới 2022; đường sắt tăng nhiều tàu khách dịp lễ Quốc khánh 2/9; xử lý ô nhiễm dioxin còn sót lại tại sân bay A So; khởi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan trong Quý I/2023; 1.100 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang…

Vịnh Hạ Long vào top điểm đến đẹp nhất thế giới 2022

Báo Canada chọn vịnh Hạ Long là một trong 10 điểm đến đẹp nhất thế giới năm nay.

Vịnh Hạ Long là di sản thế giới được UNESCO công nhận, là một tập hợp nhiều núi đá vôi có tạo hình kỳ thú.

Vịnh Hạ Long là di sản thế giới được UNESCO công nhận, là một tập hợp nhiều núi đá vôi có tạo hình kỳ thú.

Chuyên trang du lịch Canada, The Travel, bình chọn 10 điểm đến đẹp nhất thế giới của năm 2022. Danh sách đa dạng, từ những vách đá cao đến những hồ băng trong xanh, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ và các ngôi đền kỳ bí.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là đại diện của Việt Nam có mặt trong danh sách, xếp ở vị trí thứ 5. Chuyên trang miêu tả đây là vịnh biển có rải rác hơn 1.600 ngọn tháp đá vôi và những hòn đảo phủ đầy cây xanh vùng nhiệt đới. Các đảo không có người ở, giữ được nét hoang sơ. Cảnh quan kỳ bí như được che bởi lớp sương mù.

Cách tốt nhất để trải nghiệm vịnh Hạ Long là đi du thuyền, hoặc chèo kayak qua những dãy đá vôi. Gợi ý khác cho du khách là có thể tham quan các hang động nằm trong vịnh, gồm động Thiên Cung và hang Sửng Sốt.

Ngoài vịnh Hạ Long, khu vực Đông Nam Á có đền Angkor Wat của Campuchia xuất hiện trong danh sách. Các điểm đến còn lại đều là những biểu tượng du lịch nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cánh đồng muối ở Bolivia, Venice ở Italy, đảo Santorini của Hy Lạp...

Đường sắt tăng nhiều tàu khách dịp lễ Quốc khánh 2/9

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ tổ chức chạy nhiều chuyến tàu trên các tuyến đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Đường sắt tăng nhiều tàu khách dịp lễ Quốc khánh 2/9

Đường sắt tăng nhiều tàu khách dịp lễ Quốc khánh 2/9

Cụ thể, tuyến Bắc - Nam duy trì các chuyến tàu đang hoạt động hàng ngày như: Các đôi tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 (Sài Gòn - Hà Nội), SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng), SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết), NA1/NA2 (Hà Nội - Vinh).

Ngoài ra, tổ chức chạy thêm đôi tàu Thống nhất giữa Hà Nội - TP.HCM SE11/SE12 từ ngày 30/8 đến ngày 6/9/2022.

Tuyến TP.HCM - Quy Nhơn, chạy tàu SQN2 Sài Gòn đi Quy Nhơn vào ngày 31/8, các ngày 1 và 2/9/2022; Tàu SQN1 Quy Nhơn đi Sài Gòn chạy các ngày 1, 3 và 4/9/2022.

Tuyến TP.HCM - Nha Trang, chiều ga Sài Gòn đi, các mác tàu SNT4, SNT6, SNT8 xuất phát các ngày 31/8 và 1/9/2022; Tàu SNT10 xuất phát ngày 31/8/2022. Chiều ga Nha Trang đi, các mác tàu SNT3, SNT5, SNT7 xuất phát các ngày 3 và 4/9/2022.

Tuyến TP.HCM - Phan Thiết, tàu SPT4 xuất phát ga Sài Gòn đi ga Phan Thiết các ngày 1 và 2/9/2022; Tàu SPT3 xuất phát ga Phan Thiết đi ga Sài Gòn các ngày 1 và 4/9/2022.

Tuyến Hà Nội - Vinh, các ngày 31/8/2022 và 1 và 4/9/2022 chạy thêm đôi tàu SE35/SE36 xuất phát 2 ga Hà Nội, Vinh.

Tuyến Hà Nội - Đồng Hới, tàu QB1 xuất phát ga Hà Nội đi ga Đồng Hới các ngày 31/8/2022 và 1/9/2022; Tàu QB2 xuất phát ga Đồng Hới đi ga Hà Nội các ngày 3 và 4/9/2022.

Khu vực phía Bắc, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chạy thường xuyên các đôi tàu HP1/HP2, LP2/LP3, LP5/LP6, LP7/LP8. Riêng các ngày 1 và 2/9/2022, các đôi tàu LP2/LP3, LP5/LP6, LP7/LP8 xuất phát và kết thúc tại ga Hà Nội.

Tuyến Hà Nội - Lào Cai, chạy tàu SP3 tại ga Hà Nội đi ga Lào Cai các ngày 31/8, 1 và 29/2022; Tàu SP4 chạy tại ga Lào Cai đi ga Hà Nội các ngày 3 và 4/9/2022.

Xử lý ô nhiễm dioxin còn sót lại tại sân bay A So

Sân bay A So ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), đang được Bộ Tư lệnh Hóa học xử lý ô nhiễm dioxin còn sót lại từ thời chiến tranh.

Công trường tẩy rửa sân bay A So

Công trường tẩy rửa sân bay A So

Sân bay A So nằm ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, cách trung tâm TP. Huế khoảng 100 km. Công trình được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực quân sự, khống chế hành lang chiến lược phía tây dãy Trường Sơn. Từ tháng 8/1965 - 12/1970, huyện A Lưới là một trong những nơi bị Mỹ rải chất độc da cam nhiều nhất, trong đó nặng nhất là sân bay A So.

Theo thống kê, A So hứng chịu khoảng 11 kg dioxin, diện tích ô nhiễm 5 ha, chiều sâu trung bình 0,7 m. Tổng khối lượng trầm tích cần xử lý 35.000 m3, trong đó 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ trên 200ppt, mức độ rất nặng. Để hồi sinh vùng đất này, một dự án xử lý chất độc dioxin tại A So được Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì, kinh phí 70 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2020 - 2022.

Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó trưởng phòng sinh học - Viện Hóa học môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học cho biết, ưu điểm của phương pháp sinh học là xử lý được triệt để nồng độ dioxin ở trong đất, phục hồi môi trường tốt hơn so với các phương pháp khác.

Quá trình xử lý chất độc dioxin phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Bộ Tư lệnh Hóa học đã xây dựng hệ thống tường bao cao 2 m, sử dụng hệ thống tiêu tẩy khử khuẩn chuyên dụng để phun hơi nước nhằm ngăn ngừa chất độc, bụi khí phát tán ra bên ngoài. Các khu vực xử lý cũng bố trí lực lượng cảnh giới để đảm bảo người dân không thể đi lại ở nơi chứa chất độc.

Theo Thiếu tá Minh, quá trình tẩy rửa dioxin ở sân bay A So gặp khó khăn khi nơi đây là vùng thung lũng, có nhiều mạch nước ngầm và bị gián đoạn thời gian đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành dự án vào cuối năm nay.

Khởi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan trong quý I/2023

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2022 và triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công dự án Hòa Liên - Túy Loan trong quý I/2023.

Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan sẽ khởi công trong Quý I/2023

Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan sẽ khởi công trong Quý I/2023

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dừng triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, doanh nghiệp BT xác định điểm dừng kỹ thuật, bàn giao và quản lý các hạng mục dở dang, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai Dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2022 và triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công Dự án trong quý I/2023.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài khoảng 11,5 km. Điểm đầu dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Điểm cuối dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Phần chính tuyến thuộc Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô phân kỳ 4 làn xe; bề rộng nền đường 22 m, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 2.100 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Sau năm 2030, cảng hàng hoá Tiên Sa sẽ chuyển thành cảng khách du lịch

Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề xuất sớm được chuyển chức năng cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng) chỉ phục vụ tàu khách thay vì kết hợp cả hàng như hiện nay, gắn liền với việc đầu tư cảng hàng hoá Liên Chiểu.

Trong tương lai, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ chỉ phục vụ tàu khách du lịch, tàu hàng sẽ chuyển sang cảng Liên Chiểu.

Trong tương lai, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ chỉ phục vụ tàu khách du lịch, tàu hàng sẽ chuyển sang cảng Liên Chiểu.

Cục Hàng hải vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý liên quan tới việc Công ty CP Cảng Đà Nẵng (đơn vị quản lý, khai thác cảng Tiên Sa) đề xuất di dời và chuyển công năng khu bến cảng Tiên Sa, gắn với quá trình đầu tư cảng hàng hoá Liên Chiểu.

Doanh nghiệp này đề xuất, từ năm 2026 bắt đầu thực hiện chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa chỉ chuyên phục vụ tàu khách và được chỉ định làm nhà đầu tư 2 bến mới tại cảng Liên Chiểu.

Tuy nhiên, Cục Hàng hải cho rằng, theo quy hoạch hiện hành, khu bến cảng Tiên Sa sẽ từng bước chuyển đổi công năng từ cảng hàng sang chỉ phục vụ tàu khách du lịch sau năm 2030, cùng với quá trình đầu tư cảng Liên Chiểu chỉ chuyên phục vụ hàng hoá. Do đó, sau năm 2030 chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa là cần thiết.

Cục Hàng hải ủng hộ Công ty CP Cảng Đà Nẵng thực hiện các bước nghiên cứu đầu tư để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, nhưng không ủng hộ phương án chỉ định nhà đầu tư, sẽ thực hiện đấu thầu theo quy định.

Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt đầu tư xây dựng 2 cầu cảng tại cảng Liên Chiểu. Hiện Đà Nẵng triển khai thực hiện, thu hút, kêu gọi đầu tư và được nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất.

1.100 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang

Tuyến đường sắt Sài Gòn – Nha Trang sẽ được đầu tư nhằm nâng cấp, cải tạo trong giai đoạn 2022 - 2025 với tổng kinh phí 1.099 tỷ đồng...

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến hỏa xa Sài Gòn – Nha Trang nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt...

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến hỏa xa Sài Gòn – Nha Trang nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt...

Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn Sài Gòn - Nha Trang với tổng mức đầu tư gần 1.099 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2021 - 2015.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, Dự án nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016 - 2020 là nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Phạm vi Dự án đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn có tổng chiều dài 411 km, có điểm đầu tại ga Nha Trang tại Km1314+930 và điểm cuối tại ga Sài Gòn tại Km1726+200. Tiến độ thực hiện Dự án bắt đầu từ 2022 - 2025.

Bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện Dự án như sau: Năm 2022 khoảng 80 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 350 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 400 tỷ đồng và năm 2025 là 269 tỷ đồng.

Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua, gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Về quy mô Dự án, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm với các hạng mục: cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ (hệ thống thoát nước); cải tạo, sửa chữa, xây mới một số ga hành khách và hàng hóa…