Bản tin thời sự sáng 18/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ yêu cầu xem xét trả lại lợi nhuận cho doanh nghiệp xăng dầu; TP.HCM dự kiến tăng phí làm hồ sơ nhà, đất; tiền vào chứng khoán thấp nhất một tháng; khớp nối 2 tuyến cao tốc tại biên giới Việt Nam - Campuchia; Hoà Bình công bố 19 dự án chưa được huy động vốn, chuyển nhượng…

Chính phủ yêu cầu xem xét trả lại lợi nhuận cho doanh nghiệp xăng dầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương và Tài chính xem xét đề xuất đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng bị chiếm hết chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng bị chiếm hết chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính về kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp.

Theo đó, về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét các kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu theo quy định và có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.

Văn bản nêu rõ, đồng thời nghiên cứu các kiến nghị nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu đảm bảo khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, doanh nghiệp cho rằng, Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.

Tuy nhiên, Thông tư lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.

Doanh nghiệp bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối nên hầu hết đều không được hưởng đầy đủ phần lợi nhuận và chi phí đúng theo quy định. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.

Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất, Liên bộ Tài Chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.

TP.HCM dự kiến tăng phí làm hồ sơ nhà, đất

Phí giao dịch đảm bảo, thẩm định cấp giấy chứng nhận nhà, đất trên địa bàn TP.HCM dự kiến tăng từ 1/6, tối đa 90 lần so với mức hiện hành.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ khu vực 2 TP. Thủ Đức

Người dân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ khu vực 2 TP. Thủ Đức

Theo tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND Thành phố, các mức phí giao dịch đảm bảo khi cá nhân, tổ chức làm hồ sơ thế chấp, xóa thế chấp, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều tăng. Hồ sơ cấp mới, đổi, cấp lại hiện do Thành phố bù ngân sách sắp tới cũng bị thu phí.

Tùy loại giao dịch, mức tăng phí khác nhau. Trong đó, mức tăng thấp nhất là 1,26 - 1,7 lần với nhóm thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mức tăng cao nhất là 90 lần với thủ tục xóa đăng ký giao dịch đảm bảo của tổ chức.

Cụ thể, mức thu giao dịch đảm bảo đối với hồ sơ cá nhân từ 80.000 đồng (thế chấp) và 20.000 đồng (xóa thế chấp) sẽ tăng 630.000 - 900.000 đồng. Đối với tổ chức, mức phí mới là 1,5 - 1,8 triệu đồng mỗi hồ sơ.

Với phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại chuyển nhượng hồ sơ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư hiện là 650.000 - 950.000 đồng sẽ tăng 820.000 đồng - 1,4 triệu đồng. Hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo từ 900.000 đồng - 1,65 triệu đồng sẽ tăng 1,6 - 2,3 triệu đồng.

Đối với loại cấp mới, đổi, cấp lại hiện không thu do ngân sách bù, Thành phố đề xuất thu 650.000 đồng - 3 triệu đồng cho mỗi hồ sơ.

Theo UBND TP.HCM, việc tăng phí căn cứ theo chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quy định để đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Nếu tờ trình được HĐND TP.HCM thông qua vào kỳ họp chuyên đề tổ chức vào ngày hôm nay, mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 1/6.

Tiền vào chứng khoán thấp nhất một tháng

Thanh khoản thị trường trong phiên đầu tuần này giảm hơn 60% so với cuối tuần trước, khi giao dịch đi ngang với biên độ hẹp.

Thanh khoản thị trường thấp nhất gần một tháng, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ gần 8.000 tỷ đồng

Thanh khoản thị trường thấp nhất gần một tháng, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ gần 8.000 tỷ đồng

Chứng khoán mở phiên ngày 17/4 ở trạng thái giằng co, khi nhà đầu tư thận trọng quan sát trong bối cảnh thị trường đối mặt với khoảng trống thông tin.

Kết quả kinh doanh quý I của hầu hết doanh nghiệp lớn chưa được công bố, còn phiên họp cổ đông thường niên chủ yếu diễn ra trong tuần này và tuần sau. Nhịp giao dịch vì thế chậm hơn, một phần cũng bởi xu hướng thị trường vẫn chưa rõ ràng.

VN-Index biến động trong biên độ hẹp chỉ hơn 5 điểm, giữ nhịp đi ngang gần tham chiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch. Tiền vào thị trường giữ ở mức thấp, giảm hơn 40% so với phiên cuối tuần trước, khi nhà đầu tư chỉ tìm tới một số mã cụ thể trong nhóm chăn nuôi, xây dựng, bất động sản.

Chốt phiên, VN-Index tăng chưa tới 1 điểm, dừng ở mức 1.053,81 điểm. VN30-Index tăng 1,59 điểm lên 1.065 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ với biên độ giảm chỉ hơn 0,3%.

Thanh khoản thị trường thấp nhất gần một tháng, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ gần 8.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối tuần trước.

Khớp nối 2 tuyến cao tốc tại biên giới Việt Nam - Campuchia

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ thông với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia). Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu điểm khớp nối của 2 tuyến đường này.

Tuyến quốc lộ kết nối TP.HCM với Phnom Penh

Tuyến quốc lộ kết nối TP.HCM với Phnom Penh

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu phương án kết nối giữa tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia).

Theo Bộ GTVT, phía Campuchia đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc từ Phnom Penh đến Bavet (tỉnh Svay Rieng, giáp với Tây Ninh) và sẽ sớm đầu tư bằng hình thức PPP.

Ngoài ra, phía Campuchia đề xuất thành lập nhóm công tác kỹ thuật cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Bavet - Phnom Penh. Nhóm này sẽ cùng thảo luận về điểm kết nối của 2 đoạn tuyến cao tốc, hạ tầng kết nối xuyên biên giới và các thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM, Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài chưa đi kèm phương án kết nối với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet. Do đó, khi hai dự án hoàn thành chưa có sự kết nối đồng bộ với nhau.

Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM xem xét, nghiên cứu việc kết nối giữa hai tuyến cao tốc, đánh giá và phân tích các ưu/nhược điểm, vấn đề phát sinh. Từ đó, đơn vị đề xuất phương án thực hiện cho phù hợp.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM phối hợp với Bộ GTVT để thông báo cho phía Campuchia về các thông tin, nội dung Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để các bên cùng phối hợp, giải quyết.

Đề xuất tăng trợ cấp người có công từ ngày 1/7

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng thêm 431.000 đồng hoặc 487.000 đồng mỗi tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng

Chuẩn trợ cấp hiện nay với người có công là 1.624.000 đồng mỗi tháng. Đây là căn cứ tính các chế độ ưu đãi với họ cũng như thân nhân. Nghị định 75/2021 quy định, từ ngày 1/7/2023, chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công phải tăng đảm bảo không thấp hơn chuẩn nghèo thành thị giai đoạn 2022 - 2025, tức 2 triệu đồng.

Trên cơ sở này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất hai mức tăng. Phương án một tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp tính toán trong năm nay là 29.495 tỷ đồng.

Phương án còn lại tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.111.000 đồng. Tổng kinh phí chi trả sẽ là 32.663 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất tăng mức quà bằng tiền mặt với người có công, gia đình người có công từ 500.000 đồng lên một triệu đồng; quà hiện vật từ 150.000 đồng lên 250.000 đồng.

Năm 2022, cả nước có gần 1,2 triệu người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí 29.490 tỷ đồng; 600.000 người hưởng chế độ điều dưỡng. Song một số trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng người có công.

Hoà Bình công bố 19 dự án chưa được huy động vốn, chuyển nhượng

Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình vừa có công văn về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản đủ và chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng, bán và cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh tại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn Tỉnh quý I/2023.

Dự án tại Hoà Bình

Dự án tại Hoà Bình

Theo danh sách, 19 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.

Trong đó, TP. Hoà Bình có 14 dự án, bao gồm: Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám (Tập đoàn Geleximco); Khu dân cư tại phường Thái Bình (Liên danh Công ty TNHH MTV Gia Ngân và Công ty CP Xây dựng và Thương mại Sơn Tây); Khu dân cư Thịnh Lang (Liên danh Sudico - Sudico Hoà Bình); Khu dân cư Phương Lâm (Công ty CP Xây dựng Sao Vàng).

Danh sách còn có Khu đô thị mới Hòa Bình (Liên danh Geleximco - Hanic); Khu đô thị sinh thái Trung Minh - Geleximco (Liên danh Geleximco - Hanic); Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn - Tập đoàn Telin).

Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang (Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Quốc tế Seika - Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nam Hà Nội - Vinaconex 39); Khu nhà ở Hoàng Vân Hòa Bình (Liên danh Công ty CP Bất động sản Hoàng Vân Hòa Bình - Tập đoàn Landora). Khu dân cư đường Trương Hán Siêu (Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Thái Hưng); Khu đô thị mới Sông Đà - Hòa Bình (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà).

Khu đô thị mới Trung Minh B; Khu nhà ở Thăng Long Xanh; Dự án Nhà ở xã hội tại phường Hữu Nghị giai đoạn 2.

5 dự án còn lại chưa đủ điều kiện mở bán đều nằm tại huyện Lương Sơn, bao gồm: Khu nhà ở Suối Sếu; Làng sinh thái Việt Xanh; Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Lương Sơn.

Hai dự án khác là Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn; Khu dân cư tại Tiểu khu 1.

Hà Nội tăng cường hơn 600 xe, sẵn sàng giải tỏa khách dịp cao điểm 30/4

Các bến xe Hà Nội xây dựng kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu của hành khách dịp 30/4, 1/5 sắp tới.

Công ty CP bến xe Hà Nội sẽ bố trí tăng cường thêm 627 lượt xe tại 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình và Giáp Bát.

Công ty CP bến xe Hà Nội sẽ bố trí tăng cường thêm 627 lượt xe tại 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình và Giáp Bát.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, do kỳ nghỉ lễ kéo dài tới 5 ngày liên tục, nhu cầu đi lại của nhân dân dự báo tăng mạnh. Một số tuyến sẽ có lượng hành khách tăng cao là: Hà Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng từ chiều tối 28/4 đến hết ngày 4/5/2023

Lượng hành khách dự báo qua bến xe Giáp Bát khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến khoảng 900 lượt/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, mặc dù lượng khách và lượng xe tăng hơn so với ngày thường, nhưng dự báo chỉ đạt mức tương đương trong các dịp nghỉ lễ trước đó và không vượt khả năng đáp ứng của các xe vận hành theo biểu đồ trên tuyến. Do đó, lượng xe trên tuyến sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cần có xe dự phòng để kịp thời giải tỏa vào các thời gian cao điểm tại các tuyến có lượng khách đột biến. Công ty sẽ bố trí tăng cường thêm 627 lượt xe tại 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình và Giáp Bát.

Để đảm bảo cho người dân được phục vụ tốt nhất, dịp này Sở GTVT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra bến xe, đường phố, thiết lập đường dây nóng để người dân có thể phản ánh

80 triệu thẻ đã cấp vẫn có giá trị khi bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân

Trước đề xuất thay đổi một số hình thức thể hiện trên thẻ căn cước công dân, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - cho biết, những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Căn cước công dân gắn chip

Căn cước công dân gắn chip

Vừa qua, thông tin từ Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc.

Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, cơ quan này cho biết đã tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ.

Bộ Công an cũng đã xây dựng dự Hồ sơ Dự án Luật Căn cước công công dân (sửa đổi). Theo đó, trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Liên quan tới thay đổi thông tin như đề xuất, Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân như đề xuất trong dự thảo Luật nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân.

Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước công dân, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước công dân và bảo đảm tính riêng tư của công dân.

Các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước công dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.