Bản tin thời sự sáng 19/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kỷ luật cảnh cáo Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá bán USD; đề xuất chấm dứt hợp đồng 9 dự án BOT thua lỗ; Bộ Công Thương đề nghị cho 5 doanh nghiệp đầu mối được nhập tiếp xăng dầu; Đà Nẵng hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt “treo” 18 năm…

Kỷ luật cảnh cáo Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ

Ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ vừa bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ

Ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ vừa thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra Thành phố. Đồng thời, kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Xuân Thành, nguyên Trưởng phòng thuộc Thanh tra Thành phố, cùng các cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài Chính.

Ông Hoàng và các cán bộ có liên quan bị kỷ luật do liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ và các đơn vị liên quan.

C03 cũng xác định có một số cán bộ để xảy ra sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự trong vụ án này, gồm: ông Trần Phước Hoàng; ông Bùi Xuân Thành; ông Lê Văn Bé Tám, Trưởng phòng Thẩm định; Phạm Minh Đức, nguyên chuyên viên Phòng Thẩm định (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ) và bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Tài chính đầu tư thuộc Sở Tài chính Thành phố.

Theo kết luận điều tra, quá trình thanh tra 4 gói thầu mà Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng thầu, Thanh tra TP. Cần Thơ xác định có sai phạm trong việc lập dự toán và thẩm định giá.

Tuy nhiên, thanh tra viên không có cơ sở kiến nghị xử lý với lý do đã có yêu cầu định giá nhưng các đơn vị định giá từ chối hoặc không định giá được, nên tại thời điểm thanh tra chưa có cơ sở để xác định sai phạm.

Làm việc với Công an, các thành viên thanh tra thừa nhận đã có thiếu sót trong việc thanh tra, không đưa Gói thầu Mua sắm hệ thống chụp cắt lớp 128 lát cắt vào kết luận thanh tra là chưa đúng quy định. Ngoài ra, còn để thất lạc tài liệu do hải quan cung cấp, làm ảnh hưởng đến kết quả thanh tra.

C03 cho rằng, hành vi của ông Hoàng, ông Thành và cấp dưới có dấu hiệu thiếu trách nhiệm dẫn đến không phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, không xác định được hậu quả thiệt hại do hành vi thanh tra này, nên không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Hoàng và ông Thành, nhưng cần xem xét xử lý nghiêm khắc về mặt Đảng và chính quyền đối với hai cá nhân này.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá bán USD

Giá bán mỗi USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm thêm 10 đồng từ sáng 18/11, xuống mức 24.850 đồng, đánh dấu phiên giảm thứ 2 trong năm nay của tỷ giá ngoại tệ này.

Ngân hàng Nhà nước lần thứ 2 giảm giá bán USD trong năm 2022

Ngân hàng Nhà nước lần thứ 2 giảm giá bán USD trong năm 2022

Tròn một tuần kể từ lần đầu tiên giảm giá bán USD cho các ngân hàng thương mại, chiều 18/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 10 đồng nữa xuống còn 24.850 đồng/USD. Trước đó, cơ quan quản lý tiền tệ từng 6 lần liên tiếp điều chỉnh tăng giá bán USD.

Trong phiên giao dịch ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD. Cụ thể, tỷ giá trung tâm niêm yết tại mức 23.675 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5%, các ngân hàng được phép giao dịch ở mức thấp nhất 22.491 đồng/USD và cao nhất 24.859 đồng/USD.

Giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng hạ nhiệt sau giai đoạn tăng mạnh từ trung tuần tháng 10. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND giảm sau thời gian tăng mạnh.

Tuy nhiên, hiện hầu hết nhà băng vẫn niêm yết giá bán đồng bạc xanh ở mức kịch trần cho phép. Giá USD có lúc lên gần 24.900 đồng/USD, nhưng ngày 18/11, các nhà băng giao dịch ở mức 24.578 - 24.858 đồng/USD (mua - bán). Dù vậy, so với đầu năm, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn tăng 7 - 8,5%.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng giảm mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây và đã xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD. Chiều 18/11, nhiều điểm đổi ngoại tệ trên thị trường phi chính thức giao dịch mỗi USD với giá 24.915 - 24.985 đồng (mua - bán), tăng 57 đồng ở chiều mua và 47 đồng ở chiều bán so với buổi sáng.

Với diễn biến này, giá mỗi USD trên thị trường tự do chênh khoảng 100 - 150 đồng so với các ngân hàng thương mại. Hồi tháng 7, có thời điểm mức chênh lên tới 300 - 350 đồng/USD.

Đề xuất chấm dứt hợp đồng 9 dự án BOT thua lỗ

Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) vừa kiến nghị Chính phủ dừng hợp đồng, bố trí ngân sách nhà nước mua lại 9 dự án BOT đang gặp vướng mắc.

Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 14% doanh thu so với phương án tài chính

Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 14% doanh thu so với phương án tài chính

Ngày 18/11, lãnh đạo VARSI cho biết đã có đơn kiến nghị Chính phủ xử lý tình trạng 9 dự án BOT có doanh thu giảm hoặc không được thu phí trong nhiều năm do thay đổi chính sách.

Đó là, Dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả; Dự án xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa; tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 qua Cần Thơ; Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Đắk Lắk; cầu Thái Hà; cải tạo luồng sông Sài Gòn; cầu Việt Trì - Ba Vì; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Hiệp hội đề xuất, với các dự án BOT gặp vướng do cam kết của phía Nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí không thể triển khai do có sự phản đối lớn từ người dân thì Chính phủ bố trí vốn ngân sách mua lại dự án để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án.

VARSI cũng đề nghị lập một tổ chức do Bộ Giao thông vận tải làm đầu mối, cùng các bộ, ngành khác nghiên cứu, giải quyết từng dự án cụ thể và báo cáo kết quả cho Chính phủ trước ngày 30/12. Các ngành và địa phương cũng đánh giá vướng mắc của từng dự án để kiến nghị giải pháp, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Bộ Công Thương đề nghị cho 5 doanh nghiệp đầu mối được nhập tiếp xăng dầu

5 doanh nghiệp đầu mối từng bị phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép 1 tháng, sau đó được tạm dừng hình thức phạt rút giấy phép. Bộ Công Thương đề xuất Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi để 5 đơn vị này được nhập tiếp xăng dầu.

Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương

Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương

Một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết, đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu. Việc này, theo Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, phục vụ sản xuất và đời sống người dân, đảm bảo hệ thống kinh doanh xăng dầu ổn định.

Cụ thể, các doanh nghiệp này bao gồm: Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty CP Dầu khí Đông Phương.

Các doanh nghiệp này hiện bị tạm đình chỉ rút giấy phép. Trước đó, 5 doanh nghiệp bị phạt vi phạm hành chính và tạm tước giấy phép 1 tháng do vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.

Sau đó, Thanh tra Bộ Công Thương đã ra thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối nêu trên.

Phía Tổng cục Hải quan đã có văn bản "thúc" Bộ Công Thương làm rõ về việc thi hành các quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nêu trên. Tổng cục Hải quan nêu rõ, Bộ Công Thương đến nay chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định hoặc tạm đình chỉ thi hành việc rút giấy phép với 5 doanh nghiệp nên quyết định xử phạt vẫn có giá trị.

Bộ Công Thương cần xác nhận lại bằng văn bản với cơ quan hải quan các vấn đề trên để có căn cứ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối.

Đề xuất hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân

Đoạn đường sắt khu vực đèo Hải Vân đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn công trình và an toàn chạy tàu.

Đoàn tàu chạy qua khu vực đèo Hải Vân

Đoàn tàu chạy qua khu vực đèo Hải Vân

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương triển khai đầu tư, nâng cấp, gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân do ảnh hưởng của bão số 5 (tên quốc tế là Sơn Ca).

Theo lãnh đạo VNR, do ảnh hưởng từ bão Sơn Ca ngày 14/10 nói riêng và mưa bão thường xuyên hàng năm gây sạt lở, phá hoại kết cấu nên hạ tầng đường sắt khu vực đèo Hải Vân đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức.

Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Bộ GTVT cùng các đơn vị có liên quan đã kiểm tra hiện trường, đánh giá hiện trạng chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, xác định thiệt hại, hư hỏng khu vực đèo Hải Vân.

Kết quả kiểm tra cho thấy, xuất hiện khoảng 20 điểm sạt lở gây hư hại kết cấu hạ tầng đường sắt và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khai thác nếu không được sửa chữa, gia cố kịp thời.

Để đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao hiệu quả khai thác, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, ưu tiên bố trí khoảng 1.332 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các công trình khu vực đèo Hải Vân gồm gia cố mái taluy các đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây mất an toàn (20 vị trí); cải tạo đường sắt trên tuyến, đường ga (16,31 km); cải tạo công trình cầu (15 cầu, tổng chiều dài 358 m); cải tạo 3 hầm với tổng chiều dài 1.667 m.

Trong giai đoạn trước mắt, VNR đề nghị ưu tiên đầu tư một số vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao như gia cố mái ta luy, sửa chữa cải tạo một số cầu, cống bị hư hỏng, sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế kiến trúc tầng trên một số vị trí… nhằm đảm bảo an toàn khai thác với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, giao cho Tổng công ty triển khai thực hiện trong các năm 2023 - 2024.

Đà Nẵng hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt “treo” 18 năm

Dự án ga đường sắt “treo” suốt 18 năm qua tại quận Liên Chiểu đã được TP. Đà Nẵng hủy toàn bộ quy hoạch.

Ga đường sắt Đà Nẵng được xây dựng hơn 100 năm, nằm trên đường Hải Phòng

Ga đường sắt Đà Nẵng được xây dựng hơn 100 năm, nằm trên đường Hải Phòng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam vừa ký quyết định bãi bỏ các quyết định về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng có kế hoạch thực hiện từ năm 2004. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có tổng kinh phí đầu tư 3.393 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và chi phí dự phòng. Hình thức đầu tư công kết hợp với doanh nghiệp tự đầu tư.

Giai đoạn 2, tổng kinh phí dự kiến 2.371 tỷ đồng sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn.

Tuy nhiên, dự án bị "treo" 18 năm qua khiến người dân sinh sống tại khu vực dự án gặp khó khăn về chỗ ở, nhà cửa nhếch nhác do vướng quy hoạch, không thể sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh không được đầu tư, chỉnh trang.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực Bà Nà - Suối Mơ (huyện Hòa Vang).

Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, thời gian thực hiện từ năm 2025, đưa vào khai thác năm 2027.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương với 4 làn xe hiện đã quá tải

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương với 4 làn xe hiện đã quá tải

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương cùng với việc mở rộng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch. Đồng thời, đề xuất Bộ GTVT là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án, hoặc giao tỉnh Long An là cơ quan chủ trì bởi chiều dài tuyến đi qua tỉnh này dài nhất.

Cụ thể, Sở GTVT đề xuất tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024, đến năm 2025 khởi công dự án và đưa vào khai thác năm 2027.

Về quy mô, tuyến chính cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng lên 8 làn và 2 làn khẩn cấp, riêng các tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mở rộng lên 6 làn và 2 làn hỗn hợp.

Về phương án đầu tư, Sở GTVT đề xuất ít nhất 3 phương án gồm: Đầu tư công; phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); phương thức PPP, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Hơn 61.000 người ở Hà Nội đăng ký trợ cấp thất nghiệp

10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

70% người đăng ký hưởng trợ cấp từ 25 đến 40 tuổi, tỷ lệ nữ cao hơn nam. Mức hưởng bình quân 4,35 triệu đồng mỗi tháng với thời gian hưởng 5,5 tháng. Xét theo ngành nghề, nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, kế toán là ba nhóm đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất.

Nguyên nhân thất nghiệp là chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn, hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp phá sản, thay đổi cơ cấu. Hơn 60% lao động trước khi thất nghiệp làm việc trong doanh nghiệp tư nhân; 20% trong doanh nghiệp FDI...

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội, cho biết, quý II, III thường ghi nhận người lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp đông hơn so với đầu hoặc cuối năm. Riêng quý III, bình quân mỗi tháng có gần 8.000 người đăng ký. Có sự chênh lệch do cuối năm lao động chờ nhận lương, thưởng và các khoản phúc lợi. Số lượng năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2021 một phần vì năm ngoái ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng người đến làm hồ sơ ít hơn.