Bản tin thời sự sáng 19/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư 36.000 tỷ đồng triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; 6 bãi sông Hồng được quy hoạch thành khu đô thị mới tại Hà Nội; đề xuất dùng vật liệu trong nước làm Metro số 1; triệt phá kho hàng giả Hermès, LV, Chanel lớn nhất miền Bắc…

Đề xuất đầu tư 36.000 tỷ đồng triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước được đề xuất triển khai từ nay đến năm 2025, tổng vốn dự kiến 36.000 tỷ đồng.

Đề xuất đầu tư 36.000 tỷ đồng triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Đề xuất đầu tư 36.000 tỷ đồng triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Theo quy hoạch, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, rộng từ 6 - 8 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030. Điểm đầu tuyến từ Chơn Thành (Bình Phước), điểm cuối tại nút giao Gò Dưa (TP.HCM).

Nhưng để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phương án thay đổi hướng tuyến, theo đó cao tốc dài khoảng 70km, rộng 64 m cho 6 - 8 làn xe. Theo khái toán, tổng kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỷ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành. Đoạn qua TP.HCM dài khoảng 1,5km, từ nút giao Gò Dưa đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, khái toán khoảng 3.000 tỷ đồng. Đoạn qua Bình Dương khoảng 57km, bao gồm 28km đi trên cao, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, khái toán khoảng 30.000 tỷ đồng. Còn đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 11,5km, khái toán khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ba địa phương có dự án đi qua sẽ cùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thực hiện điều chỉnh hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và sớm đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 theo hình thức đối tác công tư PPP. Kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn, bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng.

6 bãi sông Hồng được quy hoạch thành khu đô thị mới tại Hà Nội

TP. Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng, trong đó dự kiến 6 khu vực cho phép xây dựng tỷ lệ 5 - 15%; còn lại định hướng phát triển không gian mở.

Bãi Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, giáp ranh với xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới

Bãi Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, giáp ranh với xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới

Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến phê duyệt vào tháng 6, tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha.

Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh; phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt..., các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... (diện tích khoảng 1.190 ha).

Ngoài ra, trên các bãi sông còn đất các công trình hạ tầng xã hội, các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).

Đồ án đề xuất việc quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Các bãi sông này được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng...

Hai khu vực Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở, với các loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp vị trí các bãi sông.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đến nay sau 10 năm có quy hoạch chung, Thành phố đã hoàn thành 86% quy hoạch phân khu.

Đề xuất dùng vật liệu trong nước làm Metro số 1

Để giảm tác động Covid-19 đến Metro số 1 (TP.HCM), chủ đầu tư đề xuất dùng vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tạm thay thế sự phụ thuộc nước ngoài.

Công nhân kéo cáp thi công hệ thống điện tại đoạn đi qua TP Thủ Đức

Công nhân kéo cáp thi công hệ thống điện tại đoạn đi qua TP Thủ Đức

Đây là một trong phương án được Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) đề xuất UBND TP.HCM trong bối cảnh Covid-19 gây khó khăn đến việc nhập vật tư, thiết bị, nhân sự từ nước ngoài làm dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ngoài tạm sử dụng thiết bị trong nước, Chủ đầu tư cũng tính phương án huy động nhà thầu phụ ở Việt Nam tham gia làm công trình nếu đáp ứng tiêu chí. Đồng thời, MAUR đề xuất thuê bên thứ ba độc lập tham gia thử nghiệm, kiểm tra và sử dụng nhân sự đơn vị này làm việc ở các nước sở tại nhằm hạn chế tối đa đi lại trong mùa dịch.

Chủ đầu tư cũng tính phương án cho nhà thầu thử nghiệm, nhập khẩu thiết bị từ chi nhánh các nước đã kiểm soát dịch bệnh và biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng để cung cấp cho tuyến metro. Các giải pháp này được xem giúp Metro số 1 đẩy nhanh tiến độ do hiện tập trung mua sắm, lắp đặt, vận hành thử nghiệm... Bởi phần lớn vật tư, thiết bị và nhân sự phục vụ việc này ở nước ngoài.

Metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức). Dự án có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Hiện, Dự án đạt gần 83% và kế hoạch mới đây công trình sẽ khai thác vào năm 2022.

Triệt phá kho hàng giả Hermès, LV, Chanel lớn nhất miền Bắc

Một kho hàng với hàng chục nghìn sản phẩm giả các nhãn hiệu vừa được phát hiện tại Vụ Bản (tỉnh Nam Định).

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng giả

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng giả

Cơ quan chức năng Nam Định cho biết, 20.000 - 30.000 sản phẩm chủ yếu nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel ở thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản vừa bị thu giữ. Khi bị kiểm tra, chủ kho không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hoá. Lô hàng vi phạm có giá trị ước tính 6 tỷ đồng, quản lý thị trường phải huy động 10 xe 3,5 tấn để chuyển đi.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dùng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hoá. Người này đã mở hàng chục tài khoản với các tên gọi như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen - Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách - Hàng Quảng Châu... và thay nhau sử dụng để tránh né cơ quan chức năng kiểm tra.

Ngoài ra, đối tượng còn có thủ đoạn tinh vi khi sử dụng một cửa hàng trung gian tại đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để làm nơi giới thiệu sản phẩm. Thực chất, cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào mà toàn bộ hàng được chứa tại kho ở Vụ Bản, Nam Định. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc phá án.

Tàu Hà Nội - Hải Phòng đón khách ở Hải Dương sau nhiều ngày gián đoạn

Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng tiếp tục đón khách các ga ở Hải Dương sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19.

Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng trở lại đón khách các ga ở Hải Dương sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19

Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng trở lại đón khách các ga ở Hải Dương sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19

Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng vừa trở lại đón khách các ga thuộc tỉnh Hải Dương sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19 từ ngày 18/3.

Theo đó, hàng ngày trên tuyến này có đôi tàu LP5/LP6, ngày thứ 7 và chủ nhật có thêm đôi tàu LP3/LP8. Riêng 2 ngày 20, 21/3/2021 chạy thêm tàu LP7 và HP2 để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.

Ngoài các ga Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Thượng Lý, Hải Phòng, các tàu này đón, trả khách các ga Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái thuộc tỉnh Hải Dương.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội khuyến cáo, để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tàu, dưới ga, hành khách phải luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống Covid-19, từ 28/1/2021, tàu Hà Nội - Hải Phòng tạm ngừng đón trả khách tại các ga: Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương cho đến khi có lệnh mới.

TP.HCM tiếp tục thí điểm vé điện tử xe buýt tích hợp thẻ đi tàu metro

Sau gần 2 năm thí điểm thẻ điện tử đi xe buýt không hiệu quả, TP.HCM tiếp tục thí điểm thêm 1 năm đến cuối năm 2021.

TP.HCM thí điểm dùng thẻ điện tử trên tuyến xe buýt

TP.HCM thí điểm dùng thẻ điện tử trên tuyến xe buýt

UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Thành phố về chủ trương tiếp tục thực hiện thí điểm thanh toán tự động trên xe buýt đến hết tháng 12/2021.

Đây là đề án thí điểm được triển khai từ tháng 3/2019 trên 9 tuyến xe buýt mã số: 86, 50, 52, 55, 30, 93, 59, 68, 69 với 141 xe. Dự kiến giai đoạn 2, từ tháng 7 sẽ mở thêm 8 tuyến xe buýt mã số: 10, 18, 28, 45, 54, 91, 150 với khoảng 139 xe.

Thời gian thí điểm lúc đầu Sở GTVT dự kiến kết thúc tháng 12/2020, sau đó đánh giá lại kết quả và báo cáo UBND TP xem xét quyết định. Nhưng sau gần 2 năm thí điểm, đề án chỉ thực hiện được trên 8 tuyến xe buýt.

Nguyên nhân là do lượng người sử dụng thẻ rất ít, cùng với việc ảnh hưởng của dịch Covid-19, đề án đã không hiệu quả.

Để thu hút người dân sử dụng thẻ điện tử đi xe buýt có tích hợp với thẻ thanh toán đi đường sắt metro sau này, Sở GTVT tiếp tục kiến nghị UBND Thành phố cho phép thêm 1 năm thí điểm bằng nguồn vốn xã hội hóa.