Hà Nội sẽ chỉ định bộ máy lãnh đạo phường, xã mới
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, bộ máy lãnh đạo gồm cấp ủy, HĐND, UBND của các phường, xã sau sắp xếp sẽ được chỉ định tạm thời.
![]() |
Phương án dự kiến sắp xếp các phường của quận Ba Đình |
"Biện pháp này nhằm đảm bảo sự ổn định và hoạt động thông suốt của bộ máy chính quyền ở các đơn vị mới", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin chiều 18/4, khi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo ông Thanh, Thành phố đã tổ chức cuộc họp trong ngày 18/4 để thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, bao gồm việc chốt tên gọi và số lượng xã, phường sau sáp nhập. Sau đó, các quận, huyện sẽ triển khai lấy ý kiến của người dân.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói, số lượng xã, phường sau sắp xếp là vấn đề nhạy cảm nên chưa thể thông tin cụ thể đến cử tri khi chưa có quyết định cuối cùng. Dù vậy, ông khẳng định, Hà Nội sẽ theo đúng chỉ đạo của Trung ương và nỗ lực giảm khoảng 70% số lượng xã, phường.
Trước đó, chiều 17/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cũng đề cập đến chủ trương này tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Bà Hoài cho biết, Hà Nội hiện có 526 xã, phường, đứng thứ hai cả nước về số lượng. Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy đã thảo luận để vừa đảm bảo tỷ lệ giảm theo yêu cầu của Trung ương, vừa phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội.
Theo lộ trình, trước ngày 19/4, UBND cấp xã sẽ thành lập các tổ lấy ý kiến người dân tại thôn, tổ dân phố hoặc khu vực. Việc này phải hoàn tất chậm nhất ngày 21/4 để báo cáo lên cấp huyện.
Cấp huyện sẽ tổng hợp và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời báo cáo kết quả lên UBND Thành phố trước ngày 26/4.
UBND TP. Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới, dự kiến xong trong ngày 29/4. Sau đó, Thành phố sẽ hoàn thiện đề án và hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5.
Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 2,4 tỷ USD
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,412 tỷ USD, bằng 25,3% so với cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý liền kề trước đó.
![]() |
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,412 tỷ USD |
Mặc dù thị trường tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động, nhưng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2025.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,412 tỷ USD, bằng 25,3% so với cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý liền kề trước đó (quý IV/2024); trong đó, lượng kiều hối chuyển về qua các công ty kiều hối trong quý đạt 1,757 tỷ USD và qua các ngân hàng thương mại đạt 655 triệu USD.
So với cùng kỳ các năm trước, lượng kiều hối chuyển về quý I/2025 tuy thấp hơn quý I/2024, nhưng vẫn cao hơn quý I/2023 và quý I/2022. Cụ thể, lượng kiều hối chuyển về quý I/2024 là 2,896 tỷ USD; quý I/2023 là: 2,119 tỷ USD và quý I/2022 là 1,775 tỷ USD.
Đáng chú ý, mặc dù cơ cấu, tỷ trọng kiều hối phân theo khu vực có sự thay đổi, song kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 48,7% và tăng 46,1% so với quý trước (quý IV/2024). Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2, trong năm 2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 9,547 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2023; trong đó, châu Á và châu Mỹ là 2 khu vực có lượng kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất với 82,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Á tăng 2,5%; châu Mỹ tăng 7,4%; châu Đại Dương tăng 8,7%. Ở chiều ngược lại, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Âu giảm 23% và châu Phi giảm 33% so với năm 2023.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường "xin trả lại" hơn 3.800 tỷ đồng vốn đầu tư công
Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới đây đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Bộ là 3.850,4 tỷ đồng.
![]() |
Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao 23.381 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa |
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025, cơ quan này được giao tổng số vốn đầu tư công 23.381 tỷ đồng, song việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí gặp rủi ro.
Lý do, theo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, đất đai và môi trường, là bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công liên quan đến ngành này đều do cấp huyện triển khai, trong khi thời gian tới các địa phương tiếp tục sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện.
Thông tin cụ thể, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, trong tổng số vốn 23.381 tỷ đồng được giao trước khi sáp nhập bộ, có 22.339 tỷ đồng được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; còn Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 1.042 tỷ đồng.
Đến ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phân bổ 20.786 tỷ đồng cho các dự án; trong đó số vốn đã giải ngân là 2.141,8 tỷ đồng (đạt 9,2% số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 10,3% vốn đã phân bổ).
Trong quý I/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và chủ đầu tư các dự án hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư công sau khi hợp nhất 2 bộ.
Cơ quan này cũng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm kế hoạch vốn năm 2025 của Bộ là 3.850,4 tỷ đồng (bao gồm số vốn chưa phân bổ là 2.595,4 tỷ đồng).
TP.HCM chi gần 12.000 tỷ đồng làm Vành đai 4 qua địa bàn
TP.HCM chi gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách để làm đoạn Vành đai 4 dài hơn 20 km đi qua địa bàn nhằm hình thành tuyến đường lớn nhất phía Nam.
![]() |
Phối cảnh Vành đai 4 được đầu tư giai đoạn 1 với 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp cùng đường song hành hai bên |
Đây là một trong các dự án thành phần thuộc Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư sáng 18/4. Toàn tuyến vành đai có tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài đoạn dài khoảng 48 km qua Bình Dương được Tỉnh triển khai độc lập, toàn bộ phần còn lại của Vành đai 4 dài gần 160 km sẽ nghiên cứu gộp thành một dự án tổng thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tổng vốn ước tính hơn 120.000 tỷ đồng.
Dự án được nghiên cứu triển khai theo loại hợp đồng BOT, trong đó nhà đầu tư cân đối hơn 50.600 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách trung ương và các địa phương tuyến đường đi qua.
Tại TP.HCM, đoạn Vành đai 4 có chiều dài khoảng 20,5 km. HĐND Thành phố thống nhất chủ trương triển khai tuyến vành đai, đồng thời đảm bảo cân đối gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách tham gia đầu tư Dự án, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Khi được thông qua, Vành đai 4 dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm, là công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực phía Nam. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông chiến lược liên kết các cao tốc, quốc lộ, sân bay, giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khu vực TP.HCM được quy hoạch bao quanh bởi 3 tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua Thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An dài hơn 76 km đang thi công, dự kiến hoàn thành năm 2026. Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP.HCM, dài khoảng 64 km, còn một số đoạn chuẩn bị được đầu tư khép kín.
Hà Nội chuẩn bị khởi công nút giao lớn kết nối 2 tuyến đường quan trọng
TP. Hà Nội chuẩn bị khởi công Dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long.
![]() |
Vị trí xây dựng nút giao đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn về việc chuẩn bị tổ chức khởi công Dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long và khánh thành đưa vào khai thác tuyến đường thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Quang Đạo.
Theo đó, UBND Thành phố giao 2 chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố và UBND quận Nam Từ Liêm chuẩn bị mặt bằng, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường quanh khu vực tổ chức lễ khởi công và khánh thành Dự án; phối hợp với Sở Xây dựng, Công an Thành phố, UBND huyện Hoài Đức đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho buổi lễ. Đồng thời, đảm bảo đủ điều kiện khởi công, khánh thành và đưa vào khai thác, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Giao Sở Xây dựng phối hợp với các chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện khởi công, khánh thành các dự án đầu tư; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan thống nhất phương án tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông; hướng dẫn phương tiện giao thông tại khu vực tổ chức lễ. Phối hợp với UBND các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức bố trí mặt bằng, sắp xếp vị trí đỗ xe phục vụ lễ khởi công, khánh thành các dự án đầu tư đảm bảo an toàn, thuận lợi.
Công an Thành phố chỉ đạo, bố trí lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông và UBND các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực tổ chức lễ khởi công, khánh thành các dự án đầu tư trước, trong và sau thời gian tổ chức buổi lễ.
Cựu Chủ tịch Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang bị bắt
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, cựu Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, bị cáo buộc gây thất thoát nhiều tỷ đồng do ký hợp đồng mua hóa chất giá cao bất thường.
![]() |
Cựu chủ tịch công ty cấp thoát nước Kiên Giang bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ảnh minh họa |
Ngày 18/4, ông Phương, 58 tuổi và cựu Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang Âu Văn Tâm bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Phương bị cáo buộc khi giữ chức Giám đốc Công ty từ 2018 đến 2020 đã ký 66 hợp đồng mua 1.783 tấn hóa chất PAC, trị giá 24,2 tỷ đồng. Số hóa chất này có giá cao hơn thị trường, gây thất thoát ngân sách nhà nước 2,3 tỷ đồng.
Tương tự, ông Tâm khi giữ chức Giám đốc Công ty từ 2020 - 2022 đã ký 52 hợp đồng, mua 1.523 tấn hóa chất, trị giá 20,7 tỷ đồng, gây thất thoát 2,1 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, dù bị Thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện, kiến nghị khắc phục song Công ty tiếp tục vi phạm. Đặc biệt, từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2022, Công ty không nộp vào ngân sách nhà nước nguồn thu từ dịch vụ thoát nước với số tiền khoảng 37 tỷ đồng.
Hồi năm 2023, ông Phương bị UBND tỉnh Kiên Giang kỷ luật bằng hình thức cách chức, trong khi ông Tâm bị khiển trách do để xảy ra loạt sai phạm trong quản lý tài chính, tuyển dụng, mua hóa chất với giá cao hơn thị trường.
Đề nghị Bộ Công an điều tra loạt sai phạm tại dự án nhà ở tỉnh Vĩnh Long
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận tài liệu để xem xét, điều tra Dự án Khu nhà ở Hoàng Hảo tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
![]() |
Một góc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - nơi có Dự án Khu nhà ở Hoàng Hảo đang bị Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an điều tra. Ảnh: Google Maps |
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 352/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013 - 2020.
Trong thông báo này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về những hành vi vi phạm pháp luật đối với 2 dự án: Dự án Khu nhà ở Hoàng Hảo tại ấp Long Hưng, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ; Dự án Khu nhà ở Hoa Lan, Phường 8, TP. Vĩnh Long.
Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013 - 2023, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu nhà ở Hoàng Hảo (huyện Long Hồ) khi Chủ đầu tư chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp là không đúng quy định tại Nghị định số 90/2006/NĐ-CP; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện đầu tư xây dựng Khu nhà ở Hoàng Hảo (dự án nhà ở thương mại) ngay trên đất quy hoạch là đất công nghiệp, không đúng với quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 mà huyện Long Hồ phê duyệt, trái với quy định tại Luật Đất đai số 13/2003/QH11.
Với các vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất tại Dự án Khu nhà ở Hoàng Hảo.