Bản tin thời sự sáng 20/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất thu phí 6 cao tốc do Nhà nước đầu tư; Thủ tướng đề nghị Skoda phát triển xe điện tại Việt Nam; 4 dự án cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành; TP.HCM sẽ có thêm 12 dự án nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ lắp mới trên 40.000 camera giám sát…

Đề xuất thu phí 6 cao tốc do Nhà nước đầu tư

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải thu phí tài xế đi trên 6 đoạn cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai

Đó là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm cầu Mỹ Thuận 2).

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các đoạn cao tốc trên đủ điều kiện thu phí theo quy định và đã lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ thu phí. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông cũng đáp ứng yêu cầu.

Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý các đoạn cao tốc trên, sẽ trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức thu phí thông qua trạm, áp dụng mô hình thu phí không dừng ETC với "đầu vào không có barrier, đầu ra có barrier".

Cục và các Khu quản lý đường bộ sẽ quản lý thu, kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí của đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để bảo đảm thu đúng, thu đủ.

Ngoài 6 đoạn cao tốc trên, cả nước còn 6 dự án cao tốc khác do Nhà nước đầu tư là Hà Nội - Thái Nguyên, Lào Cai - Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, TP.HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, các dự án này đang được đầu tư mở rộng, việc thu phí sẽ triển khai sau khi hoàn thành nâng cấp.

Hồi tháng 10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Theo Cục Đường bộ, thu phí cao tốc tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống, bù đắp chi quản lý và bảo trì đường. Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.

Thủ tướng đề nghị Skoda phát triển xe điện tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Skoda đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển xe điện và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam.

Thủ tướng tiếp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Skoda ngày 19/1 tại Prague, Cộng hòa Czech

Thủ tướng tiếp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Skoda ngày 19/1 tại Prague, Cộng hòa Czech

Đề nghị này được Thủ tướng nêu tại cuộc tiếp ông Klaus Zellmer, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Skoda ngày 19/1, ở thủ đô Prague. Đây là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Cộng hòa Czech với 130 năm kinh nghiệm.

Hiện nay, Skoda và Thành Công đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Nhà máy dự kiến hoàn thành trong quý đầu năm nay. Đây cũng là nhà máy ôtô Skoda đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Skoda đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển xe điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Ông cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ có những ưu đãi cho nhà đầu tư nếu đáp ứng được các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, quy mô đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng.

Qua mỗi năm, xu hướng điện hóa của ngành xe tại Việt Nam càng rõ nét. Từ chỗ chỉ có Toyota và VinFast, hai đại diện tiêu biểu cho lần lượt mảng hybrid và thuần điện, thị trường xe điện hóa dần thu hút nhiều hãng khác tham gia. Sự đón nhận của người dùng với xe điện cũng bớt dè dặt hơn trước.

Xe hybrid, thuần điện chứng minh được độ bền như xe xăng, dầu truyền thống, trong khi hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn. Nhu cầu xe điện cởi mở hơn do mạng lưới sạc ngày càng tăng lên. Trước đây, chỉ có VinFast đầu tư trạm sạc cho xe điện thì khoảng 2 năm trở lại đây, các công ty tư nhân cũng tham gia vào kênh đầu tư này để đón đầu xu hướng.

Chủ tịch Skoda Klaus Zellmer khẳng định luôn muốn đầu tư, kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam. Hãng cũng coi trọng tỷ lệ nội địa hóa và sẽ nâng cao hơn mức 40% tại Việt Nam hiện tại.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp này và Tập đoàn Thành Công đã ký biên bản hợp tác để sản xuất và phân phối xe mang thương hiệu Skoda với mục tiêu nội địa hóa, áp dụng công nghệ hiện đại và năng lượng sạch. Tháng 9/2023, các mẫu xe Skoda nhập khẩu nguyên chiếc được ra mắt thị trường Việt Nam.

4 dự án cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành

4 dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang dự kiến đưa vào khai thác dịp 30/4 năm nay.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đoạn qua huyện Diên Khánh

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đoạn qua huyện Diên Khánh

Theo Bộ Giao thông vận tải, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang đảm bảo tiến độ, có thể đưa vào khai thác từ 30/4 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35 km đi qua tỉnh Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 7.640 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023. Đến Tết Ất Tỵ 2025, các nhà thầu đặt mục tiêu sẽ thảm xong phần bêtông nhựa lớp 1 trên toàn tuyến.

Cũng đi qua tỉnh Hà Tĩnh, cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng dài hơn 54 km, tổng mức đầu tư hơn 9.730 tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ thông xe vào ngày 30/4, các nhà thầu đã huy động hơn 1.500 kỹ sư, công nhân, lái máy, hàng trăm thiết bị máy móc để triển khai nhiều mũi thi công.

Dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh dài 49 km đi qua tỉnh Quảng Bình, tổng mức đầu tư trên 9.360 tỷ đồng. Theo hợp đồng, Dự án sẽ hoàn thành vào ngày 17/10, song các nhà thầu phấn đấu rút ngắn thời gian thi công 6 tháng để thông xe vào ngày 30/4.

Theo Ban Quản lý dự án 6, nhà thầu đang tích cực thi công các hạng mục cuối cùng như lắp biển báo, hộ lan, hàng rào... Hiện tỷ lệ hoàn thành các gói thầu đạt hơn 70% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ đề ra.

Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km đi qua tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng. Hiện nay, gần 70 km cao tốc đoạn từ Dự án Nha Trang - Cam Lâm đến nút giao Vạn Giã đã cơ bản hoàn thành. Theo chủ đầu tư, khối lượng công việc toàn tuyến cao tốc đã đạt hơn 82%.

4 công trình trên nằm trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Giai đoạn phân kỳ, các dự án được đầu tư 4 làn xe, rộng 17 m, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng, vận tốc thiết kế 90 km/h. Sau khi 12 dự án hoàn thành, cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối thông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

TP.HCM sẽ có thêm 12 dự án nhà ở xã hội

TP.HCM dự kiến có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 8 dự án mới khởi công trong năm 2025.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân trên đường Võ Chí Công, TP. Thủ Đức

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân trên đường Võ Chí Công, TP. Thủ Đức

Thông tin được Sở Xây dựng TP.HCM nêu trong văn bản gửi Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM. Theo đó, năm nay Thành phố dự kiến hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.874 căn và khởi công thêm 8 dự án mới với gần 8.000 căn.

Cụ thể, 4 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay nằm tại Quận 6, Quận 10, TP. Thủ Đức. Đây là những nơi tập trung nhiều người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Trong số 8 dự án dự kiến khởi công trong năm nay, TP. Thủ Đức có 2 dự án thuộc phường Phú Hữu và Trường Thạnh. Quận 12 cũng có 2 dự án tại phường Hiệp Thành và Tân Thới Nhất. Các dự án còn lại nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, Thành phố đặt mục tiêu xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội tới 2030. Hiện Thành phố triển khai 10 dự án, trong đó 6 đã hoàn thành, với gần 6.000 căn hộ cung ứng ra thị trường. Riêng năm 2024, Thành phố chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư, do vướng ở khâu quy hoạch, thủ tục chấp thuận đầu tư.

2025 được dự báo là năm "bùng nổ" của nhà ở xã hội sau hàng loạt chính sách thúc đẩy từ phía Chính phủ. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ dành nguồn lực để đầu tư hơn 26.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay, giúp người dân thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.

Hà Nội sẽ lắp mới trên 40.000 camera giám sát

Thành phố Hà Nội lên kế hoạch lắp trên 40.000 camera, trong đó có hơn 16.000 chiếc phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, môi trường và trật tự đô thị.

Camera giám sát trên đường Nguyễn Trãi, đoạn gần ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến

Camera giám sát trên đường Nguyễn Trãi, đoạn gần ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến

Theo Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn Thủ đô vừa được phê duyệt, việc lắp đặt camera sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030.

Trong hơn 40.000 camera, có 12.000 chiếc PTZ - camera quan sát an ninh có thể điều hướng, phóng to và thu nhỏ hình ảnh, khoảng 28.000 chiếc cố định - camera có góc quay cố định, không thể điều chỉnh được sau khi đã lắp đặt.

Camera cũng chia theo chức năng với hơn 23.700 camera giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 16.250 camera phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị; khoảng 230 camera phục vụ quốc phòng.

Kinh phí lắp đặt camera được huy động từ ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Thành phố khuyến khích việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai hệ thống camera giám sát trên địa bàn.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng hệ thống camera giám sát tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của từng hệ thống, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung để chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, đồng thời giám sát và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội hiện có khoảng 19.400 camera đang hoạt động, trong đó gần 4.000 camera PTZ và 16.000 camera cố định với 33 chủng loại khác nhau. Các địa bàn có số lượng camera cao như huyện Thanh Trì (3.644), quận Nam Từ Liêm (1.878), Cầu Giấy (1.688), Hà Đông (882).

Ngoài ra trên địa bàn có khoảng 100 vị trí lắp đặt camera giám sát tại các cửa ngõ, các tuyến đường trục chính, tuyến đường vành đai do VOV giao thông quản lý, phục vụ công tác giám sát tình hình giao thông, trật tự.

Hà Nội cho rằng quy mô, số lượng camera đang hoạt động còn hạn chế, chưa khép kín toàn thành phố. Việc đầu tư, triển khai hệ thống camera còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Quá trình khai thác, kết nối, chia sẻ camera giám sát của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp một số khó khăn do chưa có quy định thống nhất.

Đề xuất sàn bán lẻ online xuyên biên giới phải có đại diện tại Việt Nam

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép và lập văn phòng đại diện, theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Logo của Temu trên điện thoại di động với hậu cảnh là trang web của công ty

Logo của Temu trên điện thoại di động với hậu cảnh là trang web của công ty

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Năm ngoái, một số sàn xuyên biên giới như Temu, Shein chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Để siết quản lý, tại dự thảo đề cương xây dựng Luật thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Cùng với đó, họ phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.

Các sàn bán lẻ xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, dịch vụ logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam, theo dự thảo.

Theo Bộ Công Thương, Luật Thương mại điện tử dự kiến quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Nhà điều hành sẽ đưa ra các quy định về trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường cho người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô, thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thị trường bán lẻ này tăng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD vào năm 2014 lên hơn 25 tỷ USD hiện tại. Như vậy, trung bình thị trường này tăng 20 - 30% mỗi năm, đóng góp 8% trong tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng xây lấn 400 ha so với quy hoạch

Phú Mỹ Hưng xây khu đô thị vượt 400 ha so với quy hoạch được duyệt, cùng loạt vi phạm khác, theo kết luận của thanh tra.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Thông tin trên được nêu trong báo cáo kết luận của Thanh tra TP.HCM về quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng và mời gọi đầu tư tại Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố (Ban quản lý khu Nam).

Theo đó, Thanh tra thành phố xác định Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Công ty Phú Mỹ Hưng) có nhiều thiếu sót, vi phạm trong triển khai xây dựng. Cụ thể, khi xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (tức khu A), chủ đầu tư đã không thực hiện đúng diện tích được giao, vượt hơn 400 ha so với quy hoạch Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, Phú Mỹ Hưng còn sai phạm xây dựng không phép khối nhà A3 và A6 tại Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, với diện tích gần 10.000 m2. Doanh nghiệp này cũng chậm phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện nghĩa vụ tài chính, kéo dài thời gian hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, xây dựng. Việc này làm ảnh hưởng đến xác định diện tích của 299 ha đất do công ty khai thác, lập dự án đầu tư và 110 ha đất công. Hiện trong số 110 ha đất công, Công ty Phú Mỹ Hưng mới bàn giao cho thành phố gần 57 ha, chưa bàn giao 53 ha còn lại.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư này còn vi phạm trong đầu tư xây dựng công trình kè hành lang bảo vệ sông, rạch và chưa xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường Nguyễn Văn Linh theo tiến độ. Họ cũng chưa làm công viên cây xanh theo quy hoạch được duyệt.

Tại Khu đô thị mới Nam Thành phố, Công ty Phú Mỹ Hưng được phê duyệt xây dựng 5 cụm đô thị nhưng đến nay mới đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khu A). 4 cụm đô thị còn lại (khu B, C, D và E) chưa được hoàn thiện quy hoạch.

Công ty Phú Mỹ Hưng thành lập năm 1993, là liên danh giữa Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (tiền thân là Tập đoàn CT&D của Đài Loan, Trung Quốc).

7.000 khách quốc tế đi tàu biển đến Quảng Ninh dịp Tết

Theo đại diện Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, dự kiến trong 9 ngày nghỉ Tết sẽ có khoảng 7.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh bằng tàu biển. Trong đó, phần lớn là du khách đến từ châu Âu, châu Mỹ.

Sau khi cập bến, du khách sẽ tham quan thành phố Hạ Long và khám phá vịnh Hạ Long.

Sau khi cập bến, du khách sẽ tham quan thành phố Hạ Long và khám phá vịnh Hạ Long.

Theo lịch đăng ký tàu, du thuyền Silver Dawn sẽ là chuyến tàu khai xuân Xuân Ất Tỵ, cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Được biết, du thuyền Silver Dawn là tàu thứ mười trong đội tàu sang trọng của Silversea. Với trọng tải 40.855 tấn và chiều dài 212,8 mét, tàu có khả năng phục vụ 596 hành khách.

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức đón chuyến tàu “xông đất”, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh đảm bảo quá trình vận hành đón tiếp du khách chuyên nghiệp, nồng hậu.

“Không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà trong xuyên suốt năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho công tác vận hành cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh, an toàn trong việc đón tiếp các tàu biển và du khách tham quan tại đây”, ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khẳng định.

Năm 2025, Quảng Ninh dự kiến đón khoảng 70 chuyến tàu biển với gần 90.000 lượt khách, tăng 1,3 lần so với năm 2024. Các tàu khách đăng ký cập cảng thuộc nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới như Mein Schiff 6, Celebrity Solstice, Costa Serena…

Mùa cao điểm du lịch tàu biển thường kéo dài trong quý IV và quý I hằng năm (mùa đông và mùa xuân), khi phần lớn khách tham gia các hải trình dài ngày qua nhiều điểm đến. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là một trong những điểm cập bến yêu thích và uy tín của các hãng tàu hàng đầu thế giới. Bước vào mùa tàu biển bận rộn của năm 2025, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long dự kiến đón 28 chuyến tàu khách trong 3 tháng đầu năm 2025, đưa khoảng 42.000 du khách đến với Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục