Bản tin thời sự sáng 20/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước 2050; Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025; xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 44 tỷ USD; Cà Mau xây dựng di tích Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là…

Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 19/11

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 19/11

Ngày 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng tại Hội nghị G20 ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm nhất quán, xuyên suốt về phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam là không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế.

"Mỗi hành động của chúng ta hôm nay đều sẽ quyết định vận mệnh của các thế hệ tương lai. Việt Nam cam kết nỗ lực cùng các quốc gia, đối tác phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước 2050", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, thêm rằng điều này sẽ đóng góp cho phát triển của một thế giới xanh, bền vững và vì tương lai của các thế hệ mai sau.

Trước đó, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Tại phiên thảo luận, Thủ tướng chia sẻ với hội nghị 3 đề xuất để giảm phát thải ròng đạt mục tiêu. Thứ nhất, tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng. Trong đó, chuyển đổi số là nền tảng, chuyển đổi xanh là trung tâm dẫn dắt và chuyển đổi năng lượng sẽ thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải carbon.

Đề xuất thứ hai là thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm lấy con người làm trung tâm, nguồn lực của phát triển, đồng thời đảm bảo mục tiêu công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, Thủ tướng kêu gọi thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư, nhất là hợp tác công tư (PPP) để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay quy tụ sự tham gia đông đảo nhất của các nhà lãnh đạo từ trước đến nay, gồm 21 thành viên G20, 19 nước khách mời và 15 tổ chức quốc tế chủ chốt.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025

Cơ quan chức năng đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng, dịch vụ thêm 6 tháng, tức tới giữa năm 2025.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT được đề xuất áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc kéo dài thời gian giảm thuế này tới hết tháng 6/2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 4.175 tỷ đồng một tháng). Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến 2.500 tỷ mỗi tháng và khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng.

Thực tế, giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng, theo các chuyên gia. Theo Bộ Tài chính, việc này sẽ giúp sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi, từ đó, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, nền kinh tế.

Cơ quan này cũng dự báo, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5 - 7% còn nhiều thách thức. Nguyên nhân do bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, tiêu dùng, giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng. Do đó, cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng, theo Bộ Tài chính.

Trước đó, từ 1/7, thuế VAT đã giảm 2% với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% và kéo dài tới hết năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.

Chính sách giảm thuế VAT được thực hiện từ 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. 3 năm qua, giá trị khoản hỗ trợ từ chính sách này lên tới 123.800 tỷ đồng.

Xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 44 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng gần 11,3% so với năm ngoái, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Nẵng

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Nẵng

Thông tin được Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nêu tại buổi họp báo ngày 19/11. Kim ngạch nhập khẩu năm nay ước đạt 25 tỷ USD, tăng gần 14,8%. Như vậy, dệt may Việt Nam dự kiến xuất siêu 19 tỷ USD, tăng xấp xỉ 7% so với 2023.

Mỹ vẫn là nơi mua nhất nhiều hàng may mặc của Việt Nam, ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm ngoái. Thị trường này chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Nhật Bản với 4,57 tỷ USD, EU 4,3 tỷ USD, Hàn Quốc 3,93 tỷ USD, Trung Quốc 3,65 tỷ USD và Đông Nam Á là 2,9 tỷ USD.

Theo Vitas, kết quả đạt được năm nay nhờ ngành dệt may hưởng lợi khi 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) có hiệu lực. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, thương mại phục hồi chậm, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng, có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm - thị trường và từng bước nâng cao năng lực quản trị. Các doanh nghiệp may mặc trong nước cũng dần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất dệt may năm sau tương đối thuận lợi. Do đó, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD vào 2025. Theo Vitas, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I, đang đàm phán đơn hàng quý II.

Cầu giảm ùn tắc cửa ngõ Nam Sài Gòn thông xe ngày 30/11

Cầu Rạch Đỉa nối Quận 7 và Nhà Bè, vốn đầu tư gần 513 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác cuối tháng 11 giúp giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị khu Nam TP.HCM.

Công trường cầu Rạch Đỉa

Công trường cầu Rạch Đỉa

Kế hoạch thông xe cầu vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) đưa ra, sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12 năm nay. Công trình cơ bản thi công xong, nhà thầu đang hoàn thiện một số hạng mục nhỏ để nghiệm thu, đưa vào khai thác.

Khởi công tháng 7/2023, cầu Rạch Đỉa nằm trên đường Lê Văn Lương, bắc qua tuyến rạch cùng tên, xây dựng nhằm thay thế cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Với tổng mức đầu tư gần 513 tỷ đồng, cầu có chiều dài 318 m, rộng 9 - 10,5 m; 2 đầu được xây đường dẫn rộng 14 - 27 m. Ngoài ra, Dự án còn các hạng mục thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Để phục vụ thi công, cầu sắt cũ nằm kế bên bị phá bỏ, thời gian qua người dân khu vực này phải đi vòng theo lộ trình khác. Công trình hoàn thành giúp nối lại hướng đi cũ, thuận lợi người dân đi lại và giao thương hàng hóa trên đường Lê Văn Lương.

Cà Mau xây dựng di tích Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Tỉnh Cà Mau đầu tư 106 tỷ đồng xây dựng di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Phối cảnh di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước – Chà Là

Phối cảnh di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước – Chà Là

Dự án rộng hơn 29.500 m2 được UBND tỉnh Cà Mau khởi công sáng 19/11, tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, cách TP. Cà Mau khoảng 30 km, gồm hạng mục quảng trường, cụm tượng đài (ngang 16,45 m, cao 15,3 m), nhà truyền thống, bia liệt sĩ, quầy lưu niệm...

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Dự án có tầm quan trọng cấp quốc gia. Khi hoàn thành vào tháng 7/2025, công trình sẽ bổ sung vào chỉ dẫn di tích lịch sử của Tỉnh. Trước đó, năm 2016, di tích nói trên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Ngày 23/11/1963, quân và dân Cà Mau đã tấn công giành thắng lợi trong trận đánh tiêu diệt Chi khu Cái Nước - Đầm Dơi và cứ điểm Chà Là, bẻ gãy chiến lược "trực thăng vận", làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.

8 trường hợp công trình vi phạm bị cắt điện nước ở Hà Nội

Từ ngày 1/1/2025, những công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, xây sai quy hoạch, vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện nước.

Chung cư mini My Home tại xã Tân Xã, Thạch Thất, Hà Nội xây dựng vượt giấy phép hàng nghìn m2

Chung cư mini My Home tại xã Tân Xã, Thạch Thất, Hà Nội xây dựng vượt giấy phép hàng nghìn m2

Ngày 19/11, HĐND TP. Hà Nội thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn Thành phố. Văn bản nhằm cụ thể hóa Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo đó có 8 trường hợp vi phạm phải áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm: công trình xây dựng sai quy hoạch, xây không có giấy phép xây dựng với trường hợp phải có giấy phép; xây sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép; công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm.

Tiếp theo là các trường hợp: công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan có thẩm quyền; công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC mà đã hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Hai trường hợp cuối cùng là cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không di dời.

Thống kê của Sở Xây dựng giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6/2024, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra hơn 182.000 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với gần 10.500 cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

Về PCCC, số liệu báo cáo của công an thành phố cho thấy hiện toàn thành phố có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động từ sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Bên cạnh đó, công an thành phố đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện về PCCC.

Cụm công nghiệp 571 tỷ đồng ở Phú Thọ đón 8 dự án đầu tư

Cụm công nghiệp Vạn Xuân, huyện Tam Nông với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 571 tỷ đồng đến nay đã thu hút được 8 dự án đầu tư thứ cấp.

Toàn cảnh Cụm công nghiệp Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Toàn cảnh Cụm công nghiệp Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Đến thời điểm hiện tại, Cụm công nghiệp Vạn Xuân đã thu hút được 8 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng diện tích lấp đầy mặt bằng Cụm công nghiệp khoảng 14 ha. Trong đó, có 1 nhà đầu tư Philippines hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hạt color và filler masterbatch, 1 nhà đầu tư Việt Nam và Úc sản xuất thuốc dược phẩm.

Cụm công nghiệp Vạn Xuân được thành lập theo Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích quy hoạch của cụm công nghiệp này là hơn 64 ha, thuộc địa phận xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Cụm công nghiệp Vạn Xuân có giao thông phía Bắc và Tây Bắc giáp đường Quốc lộ 32C, phía Nam giáp Đường tỉnh 315 và phía Đông Bắc giáp đường Hồ Chí Minh thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Cụm công nghiệp Vạn Xuân có thời gian hoạt động là 49 năm, được đầu tư với tổng số vốn dự kiến hơn 571 tỷ đồng. Trong đó, 101 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của nhà đầu tư (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế), còn lại 470 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo báo cáo của nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Vạn Xuân, tổng diện tích đất Nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Phú Thọ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao đất để thực hiện Dự án là 612.231,9 m2; diện tích đất chưa được giao là 33.195,7 m2.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ ra tòa trong vụ án Xuyên Việt Oil

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng 13 người bị xét xử về các hành vi đưa và nhận hối lộ để cấp phép, cấp tín dụng, bao che sai phạm cho Xuyên Việt Oil.

Ông Lê Đức Thọ lúc bị bắt

Ông Lê Đức Thọ lúc bị bắt

Sáng 20/11, ông Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi và Nhận hối lộ.

Ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; hai cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An; nguyên cục trưởng Thuế TP.HCM Lê Duy Minh; cựu Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính Đặng Công Khôi và Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn Phan Kiến Anh bị TAND TP.HCM xét xử về tội Nhận hối lộ.

Có vai trò cầm đầu vụ án, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ. Cấp phó của bà Hạnh là Nguyễn Thị Như Phương bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan vụ án, 5 người khác bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, năm 2018, ông Lê Đức Thọ khi là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cáo trạng xác định, từ năm 2019 đến 2021, ông Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Cụ thể, trong việc Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank, xin cấp giới hạn tín dụng 5.000 tỷ đồng và kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh.

Cuối năm 2021, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Thọ còn bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thời điểm đó và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

Theo cơ quan công tố, ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, gồm 200.000 USD (4,5 tỷ đồng); một bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng); một đồng hồ Patek Philippe (trị giá 421.000 USD - tương đương 9,855 tỷ đồng); một ôtô hiệu Mercedes Benz S450 (trị giá 6,669 tỷ đồng).