Bản tin thời sự sáng 21/2

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn sau sắp xếp; Đà Nẵng điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 hơn 30.000 tỷ đồng; ông Trương Cảnh Tuyên làm Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; Dự án 39-39B Bến Vân Đồn sẽ được gỡ vướng pháp lý…

UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn sau sắp xếp

Sau sắp xếp, UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn, giảm 5 so với trước, trong đó có 7 sở thành lập mới và Sở An toàn thực phẩm được giữ lại theo cơ chế đặc thù.

Sau sắp xếp, UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn

Sau sắp xếp, UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn

Số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM được các đại biểu HĐND Thành phố Khóa 10 thông qua tại Kỳ họp thứ 21, chiều 20/2.

7 sở được thành lập mới gồm: Tài chính (sáp nhập Sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư), Giao thông Công chánh (Sở Giao thông vận tải và tiếp nhận một số chức năng từ Sở Xây dựng, Ban An toàn giao thông), Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Thông tin - Truyền thông).

Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Xây dựng (Sở Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc), Nội vụ (Sở Nội vụ và Lao động Thương binh và Xã hội), Dân tộc và Tôn giáo (sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc).

8 đơn vị chỉ tinh gọn đầu mối, tổ chức bên trong là: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Công Thương, Văn phòng UBND TP.HCM, Thanh tra Thành phố. Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì theo Nghị quyết 98.

Trong vòng 30 ngày kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, các cơ quan, đơn vị tiếp tục chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được ban hành.

Tại Kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng thông qua Nghị quyết về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm sẽ có 5 đơn vị trực thuộc thay vì 6 như trước. Bộ máy của sở này gồm: Văn phòng, Thanh tra, các phòng Quản lý hành nghề, Quản lý tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm, Giám sát ngộ độc thực phẩm và truyền thông.

UBND TP.HCM cũng giảm từ 8 cơ quan hành chính khác xuống còn 3 cơ quan hành chính khác là: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố; Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố.

Các đơn vị sự nghiệp công lập của TP HCM giảm từ 35 xuống còn 32 đơn vị. Trong đó, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và 6 báo, tạp chí thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo lộ trình của Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí…

Đà Nẵng điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 hơn 30.000 tỷ đồng

HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 lên hơn 30.000 tỷ đồng, tăng so với chỉ tiêu kế hoạch trước đó.

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng

HĐND thành phố Đà Nẵng thống nhất điều chỉnh 2 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua tại Nghị quyết số 80 ngày 13/12/2024 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu giá trị gia tăng khu vực dịch vụ trong năm 2025 tăng từ 10 -11% (điều chỉnh tăng 1% so với Nghị quyết số 80); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 8,5% - 9% (điều chỉnh giảm 2% so với Nghị quyết số 80); nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng từ 3% - 3,5% (điều chỉnh tăng 1%) và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP dự kiến đạt khoảng 12% (điều chỉnh giảm 2%).

Việc điều chỉnh này căn cứ vào kết quả rà soát, tính toán và tổng hợp số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng về việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140 ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

HĐND thành phố Đà Nẵng cũng thống nhất thông qua điều chỉnh nâng mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước năm 2025 lên hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, phấn đấu nguồn thu từ đất dự kiến đạt trên 4.500 tỷ đồng, còn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phải vượt ít nhất 10% so với dự toán Trung ương giao.

Ông Trương Cảnh Tuyên làm Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

10 ngày sau khi được điều động làm Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Trương Cảnh Tuyên được bầu chức Chủ tịch UBND Thành phố.

Tân Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên

Tân Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên

Sáng 20/2, HĐND TP. Cần Thơ họp chuyên đề đã bầu ông Tuyên giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ phiếu hơn 98% (50/51 phiếu). Kỳ họp cũng miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố đối với ông Trần Việt Trường, do được phân công làm Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam.

Tân Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên năm nay 56 tuổi, quê huyện Yên Định, Thanh Hóa, trình độ thạc sĩ kinh tế. Ông Trương Cảnh Tuyên từng giữ các chức vụ ở Hậu Giang như: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh. Ngày 10/2, ông Trương Cảnh Tuyên được Ban Bí thư điều động, chỉ định làm Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Ngoài tân Chủ tịch, UBND Cần Thơ hiện có các Phó Chủ tịch gồm các ông Dương Tấn Hiển, Nguyễn Thực Hiện, Nguyễn Ngọc Hè và bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp.

Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 7,5 - 8% mỗi năm; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145 - 160 triệu đồng, tương đương 6.200 - 6.800 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%.

165 hộ đầu tiên bốc thăm nhận suất tái định cư tại chỗ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

165 hộ đầu tiên ở TP. Biên Hòa bị ảnh hưởng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được nhận suất tái định cư tại chỗ để xây nhà thay vì phải di dời đến huyện.

Người dân Biên Hòa bốc thăm tái định cư tại chỗ

Người dân Biên Hòa bốc thăm tái định cư tại chỗ

Ngày 20/2, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai phối hợp UBND TP. Biên Hòa tổ chức bốc thăm nhận vị trí đất tái định cư tại phường Phước Tân cho các hộ dân chịu ảnh hưởng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

165 hộ dân thuộc trường hợp ưu tiên số 1 và 2 được bốc thăm nhận vị trí đất tái định cư tại chỗ. Sau khi nhận đất, họ sẽ được hỗ trợ tiền tạm cư trong lúc chờ xây nhà để bàn giao mặt bằng.

Khu tái định cư Phước Tân rộng 49 ha với 1.100 lô đất tái định cư cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng như các dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố. Hiện Dự án đã được phê duyệt: đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự kiến tháng 6 tới, việc xây dựng hạ tầng sẽ được khởi công. Đến quý I/2026, hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao nền đất cho người dân xây nhà.

Trước đó, 82 hộ dân ở TP. Biên Hòa đồng ý về tái định cư tại xã Long Đức, huyện Long Thành và xã Bình Minh, huyện Trảng Bom đã được bốc thăm, bàn giao đất. Những hộ này sau khi nhận đất, có thể xây nhà, ổn định chỗ ở.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua TP. Biên Hòa dài 6,2 km, tổng diện tích đất cần thu hồi là 59,5 ha, số hộ dân giải tỏa là hơn 1.500 hộ. Trong đó, đoạn qua phường Phước Tân phải giải tỏa hơn 1.100 hộ, qua phường Tam Phước phải giải tỏa hơn 360 hộ dân. Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh đã bàn giao gần 42 ha qua TP. Biên Hòa, tương ứng với 70%.

Đồng Nai quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 3. Hiện TP. Biên Hòa thành lập 6 tổ công tác xuống tận nhà dân tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn sẽ được gỡ vướng pháp lý

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn là một trong bốn khu đất tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ về pháp lý theo cơ chế đặc thù vừa được thông qua.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 170/2024 về cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025.

Theo đó, 64 dự án và 1.313 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, sẽ được tháo gỡ. Các dự án này sai phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà ở và đã hoàn tất xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

TP.HCM có 4 dự án, khu đất được tháo gỡ. Trong số này có khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, rộng hơn 6.200 m2, do Công ty Đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo kết luận của cơ quan thanh tra, quá trình giao đất cho khu đất này có sai phạm. Trên khu đất này, chủ đầu tư đã xây dựng khu tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại dịch vụ và văn phòng. Các căn hộ đã bàn giao 6 năm, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý. Năm 2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Đến năm 2014, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai sở hữu khu đất này sau thương vụ sở hữu 99,5% cổ phần tại Công ty Phú Việt Tín.

Theo kết luận thanh tra, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện Dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ đầu tư trước đó của Dự án là Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm quy định pháp luật.

Ngoài dự án trên, 3 dự án còn lại của Thành phố nằm trong danh sách được chỉ đạo gỡ vướng sau kết luận thanh tra gồm: dự án 1.330 căn hộ thuộc khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức; khu đất 30,2 ha phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức và khu đất 30 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức.

Xây cầu Ba Đình nối Bạc Liêu và Kiên Giang

Cầu Ba Đình vốn đầu tư hơn 434 tỷ đồng giúp kết nối liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bạc Liêu và Kiên Giang.

Xây cầu Ba Đình nối Bạc Liêu và Kiên Giang

Xây cầu Ba Đình nối Bạc Liêu và Kiên Giang

Ngày 20/2, kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu thống nhất chủ trương giao UBND Tỉnh là cơ quan thực hiện Dự án cầu Ba Đình.

Công trình có điểm đầu tại trung tâm xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu; điểm cuối nối với đường ven sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, cho phép xe tải trọng trên 10 tấn. Trong tổng mức đầu tư, hơn 243,3 tỷ đồng chi phí xây dựng; hơn 29 tỷ đồng dành cho tư vấn, quản lý Dự án; gần 72 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng; còn lại chi phí khác. Thời gian thực hiện Dự án ở giai đoạn 2025 - 2028.

Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, cầu khi đưa vào khai thác phát huy hiệu quả dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long đi Ba Đình, huyện Hồng Dân. Công trình còn tạo kết nối liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của Bạc Liêu và Kiên Giang cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

11 dự án bất động sản ở Khánh Hòa được gỡ vướng

11 dự án bất động sản tại Khánh Hòa sẽ được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ ngày từ 1/4.

Dự án khu phức hợp Thiên Triều, còn gọi là Mường Thanh Viễn Triều, thành phố Nha Trang

Dự án khu phức hợp Thiên Triều, còn gọi là Mường Thanh Viễn Triều, thành phố Nha Trang

Thông tin được nêu trong Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án, đất đai trong kết luận thanh, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/4.

Theo đó, Khánh Hòa có 11 dự án trong kết luận thanh tra ngày 11/9/2020 của Thanh tra Chính phủ có thể được tháo gỡ vướng mắc.

Trong số này, 5 dự án ở thành phố Nha Trang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng gồm: khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna; khách sạn The Horizon Nha Trang; khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú; khu phức hợp Thiên Triều và dự án cao ốc, văn phòng, khách sạn Cattiger.

6 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cho thuê đất không qua đấu thầu gồm: The Arena; câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh; Evason Ana Mandara Cam Ranh & Spa; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang (cùng thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh) và tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (TP. Nha Trang).

Các dự án trên sẽ được triển khai tiếp trong trường hợp sau rà soát đáp ứng điều kiện về quy hoạch sử dụng đất, đô thị, an ninh quốc phòng và nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện.

Trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất trước ngày 1/7/2014 thì giá đất và các nghĩa vụ tài chính tính theo bảng giá tại thời điểm ban hành quyết định giao, cho thuê đất. Với dự án giao sau 1/7/2014, giá đất được xác định theo Luật Đất đai. UBND Tỉnh quyết định lại giá đất phù hợp thực tế, nếu giá tại thời điểm giao, cho thuê chưa sát thị trường.

Cũng theo nghị quyết, nhà đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi xác định lại giá đất. Trường hợp dự án không đủ điều kiện sau rà soát, địa phương sẽ thu hồi đất để quản lý theo quy định hiện hành.

TP.HCM miễn học phí từ mầm non đến lớp 12

TP.HCM sẽ chi 653 tỷ đồng để miễn học phí cho tất cả trẻ em, học sinh phổ thông trong và ngoài công lập từ năm học tới, trừ trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Học sinh thi lớp 10 tại điểm trường THCS Trần Quốc Toản, TP Thủ Đức

Học sinh thi lớp 10 tại điểm trường THCS Trần Quốc Toản, TP Thủ Đức

Nội dung vừa được HĐND TP.HCM thông qua tại Kỳ họp thứ 21, chiều 20/2.

Trong đó, nhóm 1 gồm học sinh ở thành phố Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là các trường ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Cuối năm ngoái, HĐND TP.HCM đã quyết định hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THCS, tổng kinh phí khoảng 237 tỷ đồng. Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh tiểu học được miễn phí, theo Luật Giáo dục.

Trước đó, báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, trong bối cảnh hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, cần có một chính sách về giáo dục thiết thực, xứng tầm và có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc. Từ đó, người dân nhận thấy chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, tự hào về những thành tựu của thành phố. Điều này còn kế thừa, phát huy các chính sách hỗ trợ học phí của thành phố những năm qua.

Như vậy, TP.HCM là địa phương thứ 9 trong cả nước miễn học phí cho tất cả trẻ em, học sinh phổ thông. Năm nay, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái đã thực hiện chính sách này.

Điều tra dấu hiệu vi phạm một dự án khu dân cư Đông Thọ ở Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan đến Dự án Khu dân cư Đông Thọ, TP. Thanh Hóa.

Dự án Khu dân cư Đông Thọ, TP. Thanh Hóa

Dự án Khu dân cư Đông Thọ, TP. Thanh Hóa

Ngày 20/2, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị vừa chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương tra cứu, tập hợp đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu về Dự án Khu dân cư Đông Thọ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Giám đốc các Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ và UBND TP. Thanh Hóa, theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo phòng, đơn vị chức năng, khẩn trương tra cứu, tập hợp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa liên quan đến dự án Khu dân cư đô thị Đông Thọ.

Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị UBND Tỉnh cung cấp tài liệu liên quan đến Dự án Khu dân cư đô thị Đông Thọ, do đơn vị đang xác minh có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tháng 12/2024 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định bãi bỏ quyết định số 4363 (ngày 27/12/2011) của Chủ tịch UBND Tỉnh về việc phê duyệt giá đất có thu tiền sử dụng đất dự án với lý do giá giao đất có thu tiền sử dụng đất của Dự án Khu dân cư đô thị tại phường Đông Thọ được xác định khi chưa có quyết định giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không đúng quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục