Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm
Theo Bộ Tài chính, quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ lãi tiền gửi nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng.
![]() |
Theo quy định hiện hành, lãi tiền gửi tiết kiệm được miễn thuế thu nhập cá nhân |
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định hiện hành về miễn thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm.
Cụ thể, ngày 22/11/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12738/BTC-CST lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Sau đó, Bộ Tài chính đã tổng hợp, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia. Ngày 22/1/2025, Bộ Tài chính có Công văn số 930/BTC-CST gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, ngày 12/2, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Bộ Tài chính cho biết, sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, đơn vị này sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để trình Chính phủ xem xét quyết định trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Hồ sơ đề xuất sửa đổi tổng thể các quy định liên quan 7 nhóm chính sách với nhiều nội dung.
Trong đó, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế phù hợp với sự thay đổi về mức sống, chỉ số giá, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn vừa qua và dự báo cho giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung về các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ cũng như các khoản giảm trừ đặc thù khác khi xác định thu nhập tính thuế để thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo dục; điều chỉnh các mức thuế suất cũng như khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế của biểu thuế lũy tiến từng phần…
Hải Phòng góp 11.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
![]() |
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng |
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 21/2, ông Tùng cho biết, Hải Phòng sẽ đóng góp 6.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
Hải Phòng kiến nghị xem xét phương án thi công đồng thời từ hai đầu tuyến là Lào Cai và Hải Phòng để rút ngắn thời gian, sớm đưa Dự án vào vận hành.
Ngày 19/2, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.
Điểm đầu Dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại.
Nguồn vốn thực hiện Dự án từ ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn hợp pháp khác. Suất đầu tư Dự án tương đồng với một số dự án tham khảo trong khu vực, khoảng 15,96 triệu USD/km (tuyến Vientiane - Boten của Lào có suất đầu tư 16,77 triệu USD/km).
Năm 2025, các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất năm 2030.
Hà Nội sẽ chi khoảng 37 tỷ USD xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị
Trong kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413 km, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 37 tỷ USD.
![]() |
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội |
Trong buổi làm việc với ông Narayan M. Vernekar - Giám đốc Ban Hạ tầng công nghiệp nặng thuộc Tập đoàn Larsen & Toubro (Ấn Độ) ngày 21/2, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin cho đối tác về những dự án đường sắt đô thị mà Hà Nội đã và đang triển khai. Thành phố đã hoàn thành và vận hành thương mại tuyến Cát Linh - Hà Đông, đang triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sử dụng vốn vay của Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đoạn trên cao với chiều dài khoảng 8,5 km đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng. Đoạn ngầm của Dự án khoảng 4 km đang thi công kết cấu ở các ga ngầm song song với đúc vỏ hầm và khoan hầm.
Dự án đường sắt đô thị thứ hai đang triển khai là tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA). Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024, đang hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh Dự án để tổ chức đấu thầu và thi công theo kế hoạch.
Ông Tuấn cho biết, trong kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413 km, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 37 tỷ USD.
Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại, dài hơn 200 km, với nhu cầu vốn khoảng 18 tỷ USD; trong đó chia thành 3 phân kỳ đầu tư gồm: giai đoạn 2024 - 2030, hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD; giai đoạn 2031 - 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD; giai đoạn 2036 - 2045, hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
TP.HCM kiến nghị thu hồi đất Nhà nước giao, cho thuê nhưng bỏ trống
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị thu hồi các loại đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng để trống, gây lãng phí tài nguyên.
![]() |
Bất động sản khu Đông TP.HCM |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, thời gian qua, nhiều trường hợp để đất trống, không sử dụng đúng mục đích được giao, cho thuê gây lãng phí tài nguyên, nhưng vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Một số trường hợp khác khi đăng ký sử dụng đất ban đầu chỉ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn sử dụng đất, không phải đề nghị thực hiện dự án đầu tư. Do đó, cơ quan chức năng không có cơ sở để tiến hành thu hồi đất.
Sở cũng cho biết, Nghị định 123/2024/NĐ-CP chỉ quy định các hành vi sử dụng đất phi nông nghiệp sai mục đích cho phép, bỏ trống đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục... là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, chưa có quy định với hành vi để đất trống, không sử dụng.
Để chống lãng phí tài nguyên, sử dụng đất có trách nhiệm và áp dụng Luật một cách thống nhất khi giải quyết hồ sơ đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn làm rõ hành vi người sử dụng đất để trống, không sử dụng; bỏ đất hoang, không khai thác hết diện tích được giao có coi là hành vi vi phạm đất đai hay không. Đây có là căn cứ để thu hồi đất không và nếu có thì xử lý theo điều khoản nào của pháp luật.
Trong trường hợp pháp luật hiện hành chưa có quy định, Sở kiến nghị sớm bổ sung hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất vào quy định xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Cùng với đó, bổ sung vào Điều 81 Luật Đất đai các trường hợp người sử dụng đất được Nhà nước giao quản lý (đất không thuộc dự án) để trống, không sử dụng liên tục trong 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm, sẽ bị thu hồi.
Báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong nửa đầu năm 2024, Thành phố đã ban hành 72 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền là trên 2,2 tỷ đồng. Trên địa bàn TP.HCM còn hơn 1.000 nhà đất công đang bỏ trống, sử dụng kém hiệu quả, trong đó có cả nhà đất của cơ quan Trung ương.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép Trung Quốc
Một số sản phẩm thép xuất xứ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá tạm thời khoảng 19,38% - 27,83%, áp dụng từ 8/3.
![]() |
Lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc năm 2024 đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Ảnh minh họa |
Năm ngoái, Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc trong giai đoạn từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Cuộc điều tra được khởi xướng sau khi cơ quan này nhận được yêu cầu từ hai doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước là Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Ngày 21/2, Bộ Công Thương có Quyết định 460 về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ Trung Quốc từ 19,38 - 27,83%, áp dụng từ ngày 8/3.
Trong khi đó, với hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ, kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương trong quá trình điều tra vụ việc. Họ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá tác động từ hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu với sản xuất trong nước. Mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc cũng được xem xét kỹ lưỡng.
Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc năm ngoái đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể.
Do vậy, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Việc này nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng gia tăng nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước thời gian tới.
Theo quy định, nhà điều hành sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin và đưa ra kết luận cuối cùng. Việc này sẽ phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.
Hải Dương chi gần 160 tỷ đồng hỗ trợ người nghỉ hưu sớm
HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua nghị quyết chi 158 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc để tinh giảm biên chế.
![]() |
Một góc TP. Hải Dương |
Ngoài mức hỗ trợ theo Nghị định số 178/2024, cán bộ, công chức, viên chức ở Hải Dương nghỉ hưu, nghỉ việc sau khi tinh gọn bộ máy sẽ được nhận thêm tiền tùy theo thâm niên và độ tuổi.
Cụ thể, người còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu được hỗ trợ bằng một tháng lương hiện tại nhân với số tháng còn công tác và khoản tiền bằng 0,2 tháng lương hiện tại nhân với tổng số tháng nghỉ hưu trước tuổi.
Người còn từ 2 đến 10 năm công tác sẽ nhận được khoản tiền bằng một tháng lương hiện tại nhân với số tháng đến tuổi nghỉ hưu và khoản tiền bằng 0,1 tháng lương hiện tại nhân với tổng số tháng nghỉ hưu trước tuổi.
Với người thôi việc, tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ thêm bằng một tháng lương hiện tại nhân với số tháng còn lại trong năm công tác và số tiền bằng 0,1 tháng lương hiện tại nhân với số tháng được hưởng trợ cấp thôi việc.
Dự kiến Hải Dương có 835 cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, được nhận bình quân 190,1 triệu đồng/người.
Sau khi tổ chức lại, UBND tỉnh Hải Dương có 12 cơ quan chuyên môn trực thuộc. Thực hiện tinh gọn bộ máy, ngoài Hải Dương, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM đều hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm, nghỉ việc.
Khu du lịch "chui" xâm phạm đất rừng phòng hộ Phú Quốc
Khu du lịch The Peak, rộng 3 ha trên núi Điện Tiên, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bị phát hiện xây dựng trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm rừng phòng hộ.
![]() |
Khu du lịch The Peak nằm trên núi Điện Tiên |
Công trình trái phép nằm ở trung tâm thị trấn Dương Đông. Nhìn từ trên cao, khu du lịch "chui" khoét một mảng xanh giữa núi rừng để xây cổng chào, cầu bộ hành, nhà hàng, suối nhân tạo cùng nhiều tiểu cảnh để chụp ảnh. Từ đầu năm nay, nơi đây đã đón khách với mức vé tham quan 150.000 đồng.
Khu du lịch The Peak triển khai từ giữa năm 2024, đến tháng 12 bị UBND phường Dương Đông lập biên bản với các sai phạm: xây dựng trái phép, tự ý chuyển đổi 5.000 m2 đất nông nghiệp sang đất kinh doanh, san lấp nâng cao làm thay đổi độ dốc trên diện tích 2.600 m2, lấn chiếm 250 m2 đất công và 500 m2 rừng phòng hộ.
Ngoài mức phạt 120 triệu đồng, ngày 22/1/2025, UBND TP. Phú Quốc yêu cầu chủ đất - ông Lê Trọng Đại, tháo dỡ công trình sai phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu, thời gian thực hiện trong 30 ngày.
Ông Đại cho biết đã cho thuê lại thửa đất nói trên với giá 10 triệu đồng/tháng. Người này thừa nhận xây dựng không phép là sai, song thấy để trống đất vàng là lãng phí nên cho thuê. Người thuê đất cũng bị xử phạt 175 triệu đồng với các sai phạm tương tự chủ đất.
Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, nếu quá thời hạn 30 ngày, cá nhân vi phạm không tự tháo dỡ, Thành phố sẽ cưỡng chế.