Bản tin thời sự sáng 23/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố vụ án cây xanh; Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chốt giá điện tái tạo trước 31/3; khởi tố nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc; giá thép xây dựng tiếp tục tăng; đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao trước 31/3…

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố vụ án cây xanh

Cựu chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố để làm rõ sai phạm trong vụ án nâng khống giá cây xanh ở thủ đô.

Ông Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 22/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ông Chung bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đây là vụ án thứ 4 ông Chung bị khởi tố. Cựu chủ tịch Hà Nội đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: chiếm đoạt tài liệu mật, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Việc khởi tố ông Chung nằm trong diễn tiến mở rộng vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, mua bán trái phép hoá đơn xảy ra tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội và một số đơn vị.

Kết quả điều tra cáo buộc, ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quy định của Nhà nước để Công ty Sinh Thái Xanh, Công ty Cây xanh Hà Nội và Nguyễn Tuấn Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Xanh Hòa Lạc và Công ty TNHH Phát triển vì nhân dân, đã bị bắt) được Hà Nội chỉ định đặt hàng trồng cây trên địa bàn từ 2016 - 2018.

Từ đó, ông Chung được hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước. Các công ty này và Nghĩa có mối quan hệ thân thiết với ông Chung, Bộ Công an cáo buộc.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chốt giá điện tái tạo trước 31/3

Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chốt giá điện tái tạo trước 31/3

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chốt giá điện tái tạo trước 31/3

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thỏa thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, cơ quan này yêu cầu, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư, để thống nhất giá điện trước ngày 31/3 nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Điều này khiến cho các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT). Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư điện tái tạo cho rằng, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng (trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng), sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng khó thu hồi vốn.

Trong buổi làm việc mới đây với EVN, các nhà đầu tư đề nghị, EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại.

Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc

Nguyễn Quốc Bắc, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có sai phạm trong việc giao đất tái định cư, đất ở trái quy định thuộc các dự án trên địa bàn Thành phố.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khám xét nơi ở của ông Nguyễn Quốc Bắc để phục vụ điều tra.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khám xét nơi ở của ông Nguyễn Quốc Bắc để phục vụ điều tra.

Ngày 22/3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quốc Bắc, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc (đã nghỉ hưu từ năm 2019) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị can Nguyễn Quốc Bắc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Theo thông tin ban đầu, ông Bắc được xác định có sai phạm trong việc giao đất tái định cư, đất ở trái quy định thuộc các dự án trên địa bàn thành phố Bảo Lộc như: hồ Đồng Nai, hồ Nam Phương II, tuyến tránh Quốc lộ 20, Khu công nghiệp Lộc Sơn...; đồng thời có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 900 triệu đồng.

Các sai phạm xảy ra trong giai đoạn ông Bắc giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc (2015 - 2019).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cũng khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố Bảo Lộc.

Ông Nguyễn Văn Long đã tham mưu cho ông Nguyễn Quốc Bắc ký các nội dung liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trong việc mở đường tại địa phương.

Giá thép xây dựng tiếp tục tăng

Giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh tăng. Theo đó, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150.000 - 160.000 đồng/tấn, thép cuộn CB240 tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

Giá thép trong nước tiếp tục tăng

Giá thép trong nước tiếp tục tăng

Một số doanh nghiệp thép xây dựng vừa thông báo tăng giá đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240. Thép thanh vằn D10 CB300 được điều chỉnh với mức tăng phổ biến từ 150.000 - 160.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT), tăng lên mức giá 15,73 - 16,21 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 cũng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

Cụ thể, theo số liệu của Steel Online, so với lần điều chỉnh cuối tháng 2, giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc và miền Nam tăng 150.000 đồng/tấn, lần lượt lên mức giá 15,99 triệu đồng/tấn và 16,03 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung, Thép Hòa Phát tăng 160.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300 lên 15,89 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, Thép Việt Ý cũng nâng 150.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, lên mức giá 15,96 triệu đồng/tấn.

Tương tự, Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng vừa điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300 lên mức giá 15,96 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, Thép Việt Đức cũng tăng 150.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá lên 16,21 triệu đồng/tấn.

Giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Thép Kyoei cũng tăng 150.000 đồng/tấn. Hiện giá của sản phẩm này ở mức 15,99 triệu đồng/tấn.

Thép Thái Nguyên điều chỉnh tăng 100.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, lên mức 15,86 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 cũng được điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn, lên mức giá 15,96 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Nhật cũng nâng 160.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, lên mức giá 16,04 triệu đồng/tấn.

Thép Tung Ho miền Nam cũng điều chỉnh tăng 160.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Giá của sản phẩm này hiện ở mức 15,94 triệu đồng/tấn.

Với mức tăng 160.000 đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 của Thép Việt Sing miền Bắc hiện có giá 15,99 triệu đồng/tấn.

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép cuộn CB240 đã có 6 đợt điều chỉnh tăng liên tiếp, giá thép vằn thanh D10 CB300 có 5 đợt điều chỉnh tăng, tuỳ thương hiệu.

Đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao trước 31/3

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động về việc tăng cường công tác truyền thông, triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ chuẩn hoá bảo đảm thông tin thuê bao.

Sau hơn 10 ngày triển khai, số lượng thuê bao đến chuẩn hoá sau khi nhận được thông báo của các doanh nghiệp đạt hơn 1 triệu thuê bao

Sau hơn 10 ngày triển khai, số lượng thuê bao đến chuẩn hoá sau khi nhận được thông báo của các doanh nghiệp đạt hơn 1 triệu thuê bao

Theo đó, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp triển khai các biện pháp đảm bảo đến ngày 31/3/2023, tất cả các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với thông tin được đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Qua công tác theo dõi tình hình triển khai, thực hiện cho thấy, công tác chuẩn hoá thông tin đã được các cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền và nhận được sự ủng hộ của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động.

Sau hơn 10 ngày triển khai, số lượng thuê bao đến chuẩn hoá sau khi nhận được thông báo của các doanh nghiệp đạt hơn 1 triệu thuê bao (27% trên tổng số gần 4 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần thực hiện chuẩn hoá sau đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), tuy nhiên số lượng thuê bao thực hiện chuẩn hoá trong các ngày gần đây có dấu hiệu chững lại.

Nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông và đáp ứng tiến độ đã được đề ra, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để tất cả người sử dụng dịch vụ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao…

Bamboo Airways sẽ tạm dừng khai thác 2 đường bay đến Điện Biên

Sau khi Bộ Giao thông vận tải có quyết định đóng cửa sân bay Điện Biên từ ngày 15/4 để nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, Bamboo Airways cũng đưa ra thông báo tạm dừng 2 đường bay đến địa phương này.

Bamboo Airways sẽ tạm dừng khai thác 2 đường bay đến Điện Biên

Bamboo Airways sẽ tạm dừng khai thác 2 đường bay đến Điện Biên

Nhằm phục vụ kế hoạch triển khai Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Bamboo Airways sẽ tạm dừng khai thác các chuyến bay đến/đi Điện Biên từ 15/4 đến hết 17/12/2023.

Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 15/4, sân bay Điện Biên sẽ tạm đóng cửa để nâng cấp, mở rộng nhằm đón được các loại máy bay lớn hơn hiện nay; dự kiến hoàn thành, mở lại sân bay đến hết ngày 17/12/2023.

Hiện tại, Bamboo Airways đang khai thác 2 đường bay thẳng tới Điện Biên bằng máy bay phản lực hiện đại Embraer, trong đó đường bay Hà Nội - Điện Biên có tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần; đường bay TP.HCM - Điện Biên có tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần. Bamboo Airways là hãng bay đầu tiên và duy nhất khai thác đường bay thẳng TP.HCM - Điện Biên.

Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Mục tiêu Dự án là mở rộng và kéo dài đường lăn, sân đỗ, đường cất, hạ cánh để đảm bảo phục vụ được các loại máy bay như A320, A321 và tương đương.

Hàng loạt sạp ở An Đông Plaza đóng cửa đòi miễn giảm phí thuê

Gần 2.700 sạp ở An Đông Plaza sáng 22/3 đóng cửa, đòi miễn phí thuê năm 2023 và giảm 30% cho các năm tiếp theo vì sức mua yếu.

Hàng loạt sạp ở An Đông Plaza đóng cửa

Hàng loạt sạp ở An Đông Plaza đóng cửa

Các tiểu thương ở đây cho biết, trước dịch, trung tâm này có hàng nghìn lượt khách ghé mua, nay số lượng chỉ 100 - 300 người một ngày. Doanh số các cửa hàng đều giảm 60 - 80%.

Một tiểu thương cho biết đã gửi đơn 3 lần để xin được miễn một năm không đóng phí sạp; từ 2024 trở đi, giảm 30% so với mức giá gốc của hợp đồng năm 2016 (lần ký hợp đồng gần nhất) nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Trước đó, ngày 21/3, Ban Quản lý An Đông Plaza đã thông báo sẽ giảm 30 - 35% trên giá thuê mới cho mỗi sạp. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với Ban sáng 22/3, hầu hết chủ sạp không hài lòng vì mức giảm này dựa trên giá thuê mới ban hành tuần trước.

Năm 2014, Ban Quản lý An Đông Plaza cũng từng tăng giá thuê sạp lên gấp 8 lần so với giai đoạn 10 năm trước khiến tiểu thương phản đối. Sau đó, hai bên đã cùng nhau thỏa thuận lại mức giá hợp lý.

An Đông Plaza do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza quản lý (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), tọa lạc tại đường An Dương Vương, Quận 5 (TP.HCM). Tòa nhà được xây dựng từ 2004, cao 22 tầng nhưng chỉ có 5 tầng kinh doanh giày dép, mỹ phẩm, vàng bạc, đồ trang trí với khoảng 2.700 sạp. Mỗi sạp ở đây đang có giá thuê từ 1,3 - 2,5 tỷ đồng cho 5 năm.

Tin cùng chuyên mục