Bản tin thời sự sáng 23/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính; khôi phục đoàn tàu khách liên vận Việt Nam - Trung Quốc; gần 17.700 tỷ đồng chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp…

Tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng kiểm kê đất đai năm 2024 đến khi hoàn thành sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính.

Tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính

Tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính

Đây là động thái nhằm thực hiện Luật Đất đai 2024, Chỉ thị 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết mới của Trung ương và Chính phủ về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nộp kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 cấp xã lên hệ thống trực tuyến của bộ tại địa chỉ http://tk.gdla.gov.vn trước ngày 15/6.

Đồng thời, bộ này yêu cầu dừng việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai năm 2024 đối với cấp huyện, tạm dừng cấp tỉnh đến khi hoàn thành sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính mới.

Các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, thống nhất các địa điểm và diện tích đất quốc phòng, đất an ninh ở địa phương.

UBND cấp tỉnh sau khi sắp xếp có trách nhiệm tổ chức thực hiện tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 của cấp xã sau khi sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính mới, hoàn thành trước 31/7.

Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 của các tỉnh, thành phố và giao nộp kết quả kiểm kê đất đai phải gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/8.

Ngoài ra, theo yêu cầu, các địa phương tập trung hoàn thành việc lập bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính được phê duyệt và cập nhật vào hệ thống kiểm kê đất đai tại website http://tk.gdla.gov.vn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Khôi phục đoàn tàu khách liên vận Việt Nam - Trung Quốc

Tàu khách liên vận quốc tế Việt - Trung chạy qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Trung Quốc) được khôi phục từ cuối tháng 5, sau 5 năm tạm dừng.

Tàu liên vận của Trung Quốc chạy về ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 2/2020

Tàu liên vận của Trung Quốc chạy về ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 2/2020

Bộ Xây dựng vừa chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khôi phục tuyến tàu khách liên vận trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm an ninh, an toàn chạy tàu. VNR có trách nhiệm thông báo với phía Trung Quốc để thực hiện.

Ngày 13/5, lãnh đạo VNR đã cùng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đàm phán với chính quyền Bằng Tường, thống nhất các điều kiện kỹ thuật và thời gian dự kiến khôi phục đoàn tàu khách liên vận vào ngày 25/5.

VNR đã rà soát, kiểm tra và bổ sung điều kiện về hạ tầng, nhân lực, hành trình chạy tàu từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm, sẵn sàng đáp ứng tổ chức chạy đôi tàu khách liên vận quốc tế.

Đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài 162 km, là tuyến duy nhất trong nước có khổ lồng đường ray 1.000 mm và 1.435 mm, có thể kết nối với đường sắt Trung Quốc với khổ ray 1.435 mm. Hành khách đi tàu liên vận không phải chuyển tàu khi đi qua biên giới.

Trước năm 2020, tuyến tàu khách liên vận xuất phát từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đi qua hai cửa khẩu Đồng Đăng và Bằng Tường, kết nối với hệ thống đường sắt của Trung Quốc để đi tiếp tới các thành phố Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh...

Nhưng từ 5/2/2020, tuyến tàu khách này phải tạm dừng khai thác để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, chỉ duy trì tàu hàng liên vận. Sau dịch, VNR đã đề xuất phía Trung Quốc khôi phục tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Gần 17.700 tỷ đồng chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp

Đến hết tháng 4, tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp lũy kế gần 17.700 tỷ đồng, riêng số chậm 3 tháng trở lên chiếm gần 64%.

Công nhân nghỉ việc tập trung trước công ty

Công nhân nghỉ việc tập trung trước công ty

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 21/5 cho biết, số tiền này chiếm 2,96% tổng tiền phải thu, giảm so với cùng kỳ năm 2024. Riêng chậm đóng từ 3 tháng trở lên chiếm nhiều nhất, trên 11.300 tỷ đồng của hơn 173.000 doanh nghiệp.

4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động do khó khăn về đơn hàng, nhất là khối sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày da, thủy sản, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng; nhiều lao động ở khu công nghiệp chưa quay lại làm việc đã tác động đến việc mở rộng diện tham gia bảo hiểm.

Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 18,6 triệu, trong đó diện bắt buộc trên 16,8 triệu và khu vực tự nguyện 1,76 triệu. Bảo hiểm thất nghiệp trên 15,1 triệu lao động và gần 91,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 188.906 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Từ ngày 12/5, Bảo hiểm xã hội khu vực trực thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được tổ chức thành 34 đơn vị thay vì 63 tỉnh thành như trước, giảm một so với sắp xếp hồi tháng 3. Mỗi khu vực sẽ quản lý 1 - 2 địa phương. 11 khu vực chỉ quản lý một địa phương không phải sáp nhập là Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Huế.

Quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột đạt 5 triệu khách vào năm 2030

Cục Hàng không đã trình dự thảo quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lên Bộ Xây dựng, với mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất 5 triệu hành khách và 19 vị trí đỗ máy bay.

Sân bay Buôn Ma Thuột được quy hoạch để đón 5 triệu lượt khách vào năm 2030

Sân bay Buôn Ma Thuột được quy hoạch để đón 5 triệu lượt khách vào năm 2030

Cục Hàng không vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Theo hồ sơ quy hoạch, sân bay Buôn Ma Thuột được xác định là sân bay nội địa, phục vụ đồng thời hoạt động hàng không dân dụng và quân sự, kết nối khu vực Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, sân bay được quy hoạch khai thác các loại tàu bay như Airbus A320, A321 trở xuống, với 19 vị trí đỗ; đầu tư nâng cấp đường băng lên 3.000x45 m và bổ sung đường lăn song song.

Trong thời gian này, sân bay tiếp tục sử dụng nhà ga T1 hiện tại, cải tạo để đạt công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm đồng thời quy hoạch xây dựng nhà ga T2 với công suất khai thác khoảng 3 triệu khách/năm.

Đến năm 2050, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ được nâng cấp với 27 vị trí đỗ và khả năng đón khoảng 7 triệu hành khách mỗi năm.

Giai đoạn này quy hoạch thêm đường cất hạ cánh số 2 dài 2.400 m, rộng 45 m; mở rộng sân đỗ, đường lăn và chuẩn bị mở rộng Nhà ga T2, nâng công suất lên 5 triệu hành khách mỗi năm.

Tổng diện tích đất quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là hơn 518 ha, gồm hơn 267 ha khu bay dùng chung, gần 140 ha khu hàng không dân dụng và hơn 111 ha khu an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, hồ sơ quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột đã được rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh với sự phối hợp của đơn vị tư vấn, trên cơ sở góp ý từ các cơ quan liên quan và theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng.

Cục Hàng không kiến nghị, Bộ Xây dựng sớm tổ chức thẩm định và phê duyệt, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cập nhật phương án quy hoạch sân bay vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông công cộng của Tỉnh.

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là một trong ba sân bay của khu vực Tây Nguyên, đang đóng vai trò là sân bay quân sự cấp 1 và sân bay dân dụng quốc gia đạt tiêu chuẩn cấp 4C.

Sân bay có một nhà ga hành khách với công suất phục vụ 1 triệu lượt khách mỗi năm, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay code C như Airbus A320, A321, Boeing 737 và tương đương.

Đồng Nai thu hồi gần 6,7ha đất của Bitexco sau gần 20 năm giao đất

Khu đất của Bitexco bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai. Trước đó, dự án này đã được gia hạn tiến độ thêm 482 ngày.

Bitexco bị thu hồi khu đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh minh họa

Bitexco bị thu hồi khu đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định thu hồi khu đất rộng gần 6,7 ha tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Dự án đã được giao đất năm 2006 và được điều chỉnh vào năm 2008 để Bitexco thực hiện khu dân cư - thương mại. Tuy nhiên, Dự án vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 nên bị thu hồi.

Quy định của Luật Đất đai nêu các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, bao gồm không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn quy định; được gia hạn hoặc hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Vì vậy, UBND Tỉnh yêu cầu Bitexco tuân thủ quyết định thu hồi, sớm di dời tài sản, thiết bị ra khỏi khu đất để bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh quản lý. Đồng thời, Bitexco bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 20/11/2008 để Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý, lưu trữ.

UBND huyện Nhơn Trạch được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh để giám sát quá trình bàn giao. Trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, Huyện sẽ tổ chức cưỡng chế theo đúng quy trình pháp luật.

Trước đó vào tháng 9/2023, Đồng Nai gia hạn tiến độ dự án trên cho Bitexco thêm 482 ngày do ảnh hưởng của tình hình Covid. Tỉnh cũng lưu ý rằng trường hợp hết thời gian được gia hạn mà Bitexco vẫn chưa xây dựng công trình theo hồ sơ quy hoạch được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập thủ tục thu hồi đất mà không bồi thường về đất cũng như tài sản gắn liền với đất.

Bộ Y tế thành lập 15 tổ kiểm tra sữa, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực y tế (15/5 - 15/6), Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực: dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế thành lập 15 tổ kiểm tra sữa, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Bộ Y tế thành lập 15 tổ kiểm tra sữa, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Cụ thể, Cục Quản lý Dược thành lập 5 tổ kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mĩ phẩm; Cục Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Cục An toàn thực phẩm thành lập 5 tổ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng; Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế thành lập 3 tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế.

Hoạt động kiểm tra tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và quảng cáo các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế. Đặc biệt, các tổ công tác sẽ giám sát chặt chẽ các nội dung: sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái; việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, trong đó kiểm tra vai trò của các nhà khoa học, cán bộ y tế tham gia quảng bá sản phẩm; phát hiện, xử lý tình trạng quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.

Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế. Nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, lưu trữ; việc thực hiện pháp luật, các quy định về dược, mĩ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm.

Việc thực hiện các quy định về thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng; thực hiện pháp luật, các quy định về thiết bị y tế tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế.

Hoạt động quảng cáo thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng, trong đó kiểm tra việc tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế trong hoạt động quảng cáo. Thông qua kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với các hoạt động quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá mức.

Hơn 3.600 cán bộ, công chức ở Thanh Hóa dôi dư sau sắp xếp

Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có hơn 3.600 cán bộ, công chức và người lao động bị dôi dư.

Một góc trung tâm thành phố Thanh Hóa

Một góc trung tâm thành phố Thanh Hóa

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký phê duyệt Đề án "Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và phương hướng bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi kết thúc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập đơn vị hành chính cấp xã".

Theo định hướng của Trung ương, mỗi đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ được bố trí trung bình 60 biên chế, bao gồm: khối Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Với tổng số 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến tỉnh Thanh Hóa sẽ bố trí khoảng 9.960 biên chế. Như vậy, toàn Tỉnh sẽ dôi dư 3.602 cán bộ, công chức và người lao động.

Theo Đề án, ban thường vụ cấp ủy các xã, phường mới cùng lãnh đạo UBND cấp xã sẽ xây dựng phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp đội ngũ trong thời hạn 5 năm, bảo đảm tuân thủ số lượng quy định.

Thực hiện cho nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định; tinh giản biên chế; vận động nghỉ hưu trước tuổi và áp dụng các chế độ, chính sách theo quy định đối với những trường hợp không đủ điều kiện tái cử vào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hoặc còn dưới 5 năm công tác.

Rà soát, đánh giá thực chất về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để vận động các trường hợp có trình độ và năng lực hạn chế nghỉ công tác, hưởng chế độ theo quy định.

Đề án yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong công tác hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức đã có kết luận xử lý kỷ luật từ cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sang làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu biên chế, với điều kiện đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện cần thiết.

Căn cứ vào phương án nhân sự cho các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp xã mới đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phê duyệt, Chủ tịch UBND Tỉnh sẽ quyết định chỉ định chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên UBND cấp xã mới, hoàn thành trước ngày 10/6…

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm sâu

4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 778 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Đây là mức giảm sâu nhất trong các thị trường, khiến toàn ngành chịu nhiều tác động. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 101 triệu USD (giảm 5%), Thái Lan đạt 57 triệu USD (giảm 3%), theo cơ quan hải quan.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu sang thị trường tỷ dân giảm mạnh, theo các doanh nghiệp, sầu riêng - mặt hàng chủ lực đang gặp khó do Trung Quốc siết kiểm tra dư lượng cadimi và hợp chất vàng O (chất có nguy cơ gây ung thư). Việc này khiến thông quan kéo dài, chi phí tăng, nguy cơ bị trả hàng cao.

Nhiều doanh nghiệp cho biết năm ngoái họ xuất được hàng nghìn container sầu riêng, còn năm nay gần như "đứng bánh". Trước kia, thời gian thông quan chỉ 2-3 ngày, giờ lên tới một tuần.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu, các đơn vị phối hợp chặt với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và phòng kiểm nghiệm phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện quy trình kiểm dịch riêng cho sầu riêng để có cơ sở đánh giá lại kế hoạch xuất khẩu trong năm nay.

Về dài hạn, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho xuất khẩu nông sản, quy định rõ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm, giám định. Ngành sầu riêng sẽ được tái cơ cấu theo hướng bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh nhằm nâng giá trị và giảm phụ thuộc vào hàng tươi.

Đến ngày 20/5, xuất khẩu rau quả đạt hơn 496 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước và hạ 33,5% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, toàn ngành thu về gần 2,2 tỷ USD, giảm 17,8%.

Tin cùng chuyên mục