Gần nửa tỷ USD kiều hối về TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Gần nửa tỷ USD kiều hối về TP.HCM thông qua các công ty kiều hối trong 20 ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Gần nửa tỷ USD kiều hối về TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ |
Theo thống kê từ 6 công ty kiều hối có doanh số lớn (chiếm 94% lượng kiều hối chuyển về TP.HCM), tiền người dân ở nước ngoài gửi về Thành phố trong 20 ngày đầu năm 2025 đạt xấp xỉ 493 triệu USD.
Tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến gần hết tháng 1/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 10 tỷ USD.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, đây là kết quả ấn tượng khi đặt trong mối liên hệ với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và so sánh tỷ trọng GRDP của Thành phố. Năm 2024, kinh tế TP.HCM tăng trưởng 7,17%.
Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao, với 51% tổng lượng tiền ở nước ngoài gửi về TP.HCM.
Ba năm trở lại đây, TP.HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa cả nước. Năm ngoái, lượng tiền người dân ở nước ngoài gửi về địa phương này đạt kỷ lục, khoảng 9,6 tỷ USD, tăng 140 triệu USD so với 2023.
Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025
VCCI đề xuất áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp, để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng cao năm nay.
Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về đề xuất xây dựng chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025 của Bộ Tài chính.
Theo đó, VCCI thống nhất với phương án giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong 2025. Bởi, việc này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% năm nay, nhằm tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030 đạt hai con số.
Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần một nửa GDP quốc gia và sẽ là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, theo VCCI. Tổ chức này cho rằng nhà điều hành cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá trong sản xuất, đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2025 còn nhiều khó khăn.
"Năm nay, xuất khẩu dự báo đối mặt với nhiều thách thức, trong khi áp lực lạm phát và chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng", VCCI đánh giá.
Theo tổ chức này, chính sách giảm tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng tài chính, tăng khả năng ứng phó với các rủi ro kinh tế toàn cầu, qua đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% của cả nước.
Thực tế, chính sách giảm tiền thuê đất cũng áp dụng các năm từ 2020 - 2024. Bình quân mỗi năm, số tiền thuê, thuê mặt nước được giảm khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
"Tỷ lệ giảm như các năm trước là 30% cũng được đánh giá là hợp lý", VCCI nhìn nhận và cho biết, mức này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn trong giới hạn, không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách nhà nước.
Đề xuất không tổ chức công an cấp huyện
Bộ Công an sẽ hướng dẫn công an cấp tỉnh thực hiện Đề án sắp xếp công an cấp huyện, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18.
Công an diễu binh trước Ngọ Môn |
Ngày 23/1, Ban Chỉ đạo đã gửi văn bản đến các đơn vị, giao Bộ Công an hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an dựa trên kết luận của Bộ Chính trị.
Song song với việc hướng dẫn công an tỉnh triển khai Đề án sắp xếp công an cấp huyện, Bộ Công an cũng sẽ hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an cấp tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị Trung ương diễn ra trong hai ngày 23 và 24/1.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ. Đơn cử như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an Nhân dân.
Hiện nay, hệ thống tổ chức của công an nhân dân bao gồm 4 cấp: Bộ Công an, công an cấp tỉnh, công an cấp huyện và công an cấp xã.
Các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất và tiếp nhận chức năng nhiệm vụ cần trình Chính phủ dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trước ngày 5/2 để lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Sau khi tiếp thu ý kiến, các đơn vị này phải trình ban hành trước ngày 10/2, đảm bảo nghị định có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ.
Các bộ, ngành sẽ hoàn tất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị bên trong, làm cơ sở cho việc bố trí công chức, viên chức cũng như sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các bộ thống nhất phương án bàn giao tài sản, tài chính và ngân sách trong quá trình sắp xếp bộ máy. Bên cạnh đó, chương trình, nhiệm vụ và dự án đầu tư công cũng cần có phương án chuyển tiếp quản lý thống nhất.
Giá thuê đất thương mại dịch vụ ở TP.HCM tăng cao nhất 54%
Giá thuê đất thương mại, dịch vụ tại TP.HCM sẽ tăng trung bình từ 18 - 54%, theo cách tính tỷ lệ phần trăm mới.
Bất động sản khu Đông TP.HCM |
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định tính tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất; đất xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất) và đất có mặt nước. Đây sẽ là mức tỷ lệ được áp dụng làm căn cứ tính tiền thuê đất trên địa bàn Thành phố, có hiệu lực từ 20/1.
Theo đó, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất hàng năm với nhóm thương mại, dịch vụ khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận) sẽ là 1,5%, khu vực 2 (TP. Thủ Đức, các quận 6, 7, 8, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp) là 1% và khu vực 3 (huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) 0,75%.
Với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất thương mại dịch vụ mục đích kinh doanh) cũng sẽ được xác định theo từng khu vực gồm: khu vực 1 áp dụng tỷ lệ 1%; khu vực 2 tỷ lệ là 0,75%; khu vực 3 là 0,5%.
Riêng đất nông nghiệp (kể cả đất thuê trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao) tỷ lệ tương ứng 0,25%; đất trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung, Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp là 0,5%.
Theo Quyết định 50/2014 trước đó, giá thuê đất hàng năm (không thông qua hình thức đấu giá) được chia làm 4 khu vực với tỷ lệ % tính tiền thuê đất từ 1,6 - 2% với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; nhà ở cho thuê; văn phòng... Khoảng 1,1 - 1,5% với đất sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kho xưởng; công trình công cộng, thương mại dịch vụ... Riêng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; bến cảng, sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... là 1%.
Như vậy, quy định mới đã giảm mức tỷ lệ % tính tiền thuê đất xuống khá sâu, tuy nhiên do bảng giá đất điều chỉnh tăng mạnh (5 - 38 lần, chưa nhân hệ số K) so với giá cũ nên giá thuê đất trả tiền hàng năm tính ra vẫn tăng cao.
Theo tỷ lệ phần trăm của quy định mới, giá thuê đất phi nông nghiệp trên toàn TP.HCM dự kiến tăng từ 35 - 54%. Tăng mạnh nhất rơi vào khu vực 2 và 3, lần lượt 54% và 50%. Còn với giá thuê đất thương mại, dịch vụ, mức tăng trung bình theo từng khu vực sẽ lần lượt là 18%, 25% và 53%. Nếu chỉ tính riêng khu vực trung tâm và nội thành, mức tăng trung bình không quá 25% so với đơn giá tính theo quy định cũ.
Riêng nhóm đất nông nghiệp có giá thuê đất giảm 22% so với giá thuê theo quy định cũ.
Giá vé xe khách tăng dịp Tết
Nhiều nhà xe tại bến xe Nước ngầm, Giáp Bát (Hà Nội) thông báo tăng giá vé từ 30 - 60% vào dịp Tết do phải chạy rỗng một chiều.
Hành khách tại bến xe Nước Ngầm |
Tại bến xe Nước ngầm, các đơn vị vận tải đã niêm yết giá vé tại bến xe theo đúng quy định. Dịp này có 44 đơn vị vận tải tại bến xe Nước Ngầm thông báo điều chỉnh giá vé hành khách, phụ thu dịp Tết với mức tăng trung bình từ 14 - 61%. Đơn cử như từ 350.000 đồng/khách lên 400.000 đồng/khách với xe khách VIP tuyến Hà Nội - Đô Lương (Nghệ An), từ 305.000 đồng/khách lên 490.000 đồng/khách với xe giường nằm trên tuyến Hà Nội - Quảng Bình.
Tại bến xe Giáp Bát, một số nhà xe đi tuyến Đà Nẵng, Tây Nguyên tăng giá vé từ 30 - 60%. Theo đại diện bến xe, do phương tiện phải chạy rỗng một chiều nên nhà xe phải áp dụng phụ thu, tăng giá vé. Các đơn vị vận tải đều đã niêm yết giá vé điều chỉnh theo quy định.
Hiện nay các doanh nghiệp vận tải được chủ động tăng giá vé, chỉ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các bến xe.
Thông xe hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành
Đoạn đầu cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Long An và đoạn cuối qua Đồng Nai đưa vào khai thác tạm từ ngày 24 tháng Chạp (23/1) giúp người dân thuận lợi đi lại dịp Tết.
Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai được thông xe dịp gần Tết |
Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hai đoạn cao tốc nêu trên bắt đầu đưa vào từ khai thác tạm từ 23/1, chưa thu phí. Đây là các đoạn đầu và cuối của cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài khoảng 11 km. Trong đó, đoạn đầu tuyến qua Long An dài gần 4 km và đoạn cuối qua Đồng Nai hơn 7 km.
"Xe được chạy vào các đoạn đường trên sau khi có hướng dẫn, phân luồng từ các đơn vị liên quan quản lý cao tốc", đại diện VEC nói.
Theo phương án tổ chức giao thông của VEC, đoạn đầu qua Long An từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến Quốc lộ 1, xe được chạy, trừ các loại: ôtô tải trên 10 tấn; xe máy; máy kéo, môtô ba bánh; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ xe duy tu bảo dưỡng, kiểm tra cao tốc)... Đoạn đường trên cho phép xe chạy tốc độ tối đa 60 km/h trên tuyến chính và 40 km/h trong phạm vi nút giao. Riêng đường dẫn và các nhánh rẽ, tốc độ tối đa 50 km/h.
Trên đoạn này có hai nút giao, trong đó một vị trí giao với tuyến TP.HCM - Trung Lương (nút giao số 1) và vị trí còn lại kết nối với Quốc lộ 1 (nút giao số 2).
Đối với đoạn cuối tuyến qua Đồng Nai (từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51), ôtô được phép vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Riêng các loại xe máy, xe thô sơ, người đi bộ bị cấm.
Đoạn đường trên cho phép xe chạy tốc độ tối đa 100 km/h và tối thiểu 60 km/h trên tuyến chính. Trong phạm vi nút giao, xe được chạy tối đa 40 km/h, đường dẫn và các nhánh rẽ không quá 50 km/h.
Trên đoạn này cũng có hai nút giao, gồm nút giao Phước An (nút giao số 7 - giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường vào cảng Phước An) và vị trí giao với Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu (nút giao số 8).
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Tuyến đường rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h.
Mỗi lượng vàng tiếp tục tăng gần nửa triệu đồng
Sau khi tăng nửa triệu đồng ngày 22/1, vàng nhẫn sáng 23/1 tăng thêm 400.000 đồng lên gần 88 triệu, chỉ kém đỉnh cũ khoảng 1,5 triệu đồng.
Mỗi lượng vàng tiếp tục tăng gần nửa triệu đồng |
Sáng 23/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 86,4 - 88,4 triệu đồng, tăng 400.000 đồng một lượng so với hôm qua. 4 ngân hàng quốc doanh cũng nâng giá bán vàng miếng lên 88,4 triệu đồng một lượng.
Vàng nhẫn trơn sáng 23/1 cũng tăng tương ứng. Nhẫn trơn tại SJC hiện lên 86,2 - 87,9 triệu đồng. PNJ niêm yết nhẫn trơn 86,1 - 87,7 triệu đồng, còn Bảo Tín Minh Châu là 86,2 - 88,15 triệu một lượng.
Trong vòng một tháng qua, giá vàng trong nước tăng 4,5 - 5 triệu đồng một lượng. Hiện vàng nhẫn còn kém 1,5 triệu đồng so với mức kỷ lục 89 triệu thiết lập đầu tháng 11 năm ngoái. Còn vàng miếng kém 4 triệu đồng so với mức đỉnh 92,4 triệu ghi nhận giữa tháng 5 năm ngoái.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý trong 24 giờ qua lên mức cao nhất 3 tháng, đạt 2.760 USD một ounce. Mỗi ounce vàng đang giao dịch quanh 2.753 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 83,7 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới dao động 4 - 4,5 triệu đồng một lượng.