Bản tin thời sự sáng 24/12

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 109 triệu khách qua cảng hàng không Việt Nam năm 2024; Hà Nội nghiên cứu cho thuê gần 900 hè phố; TP.HCM thưởng Tết 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng; thị trường thương mại điện tử Việt Nam vượt 25 tỷ USD; ba nhóm quỹ bảo hiểm kết dư hơn 1,4 triệu tỷ đồng…

109 triệu khách qua cảng hàng không Việt Nam năm 2024

Trong năm nay, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 109 triệu người, đưa về doanh thu 21.466 tỷ đồng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Hàng không Việt Nam đón 109 triệu lượt khách năm 2024

Hàng không Việt Nam đón 109 triệu lượt khách năm 2024

Theo ACV, trong tổng số 109 triệu khách, có 41 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc nội là 68 triệu khách, giảm 15% so với năm 2023.

Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua các cảng là 1.505 tấn, tăng 19%; tổng hạ cất cánh đạt là 663.000 lượt chuyến, giảm 7% so với năm ngoái.

Tổng doanh thu năm nay của ACV là 21.466 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 11.980 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái. Các chỉ số tài chính được duy trì lành mạnh, đảm bảo tăng trưởng và phát triển vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại Tổng công ty.

Lãnh đạo ACV đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay của đơn vị phải đối mặt với nhiều thách thức từ sản lượng nội địa sụt giảm, do một số nguyên nhân khách quan, trước những biến động khó lường của thị trường.

Năm 2025, ACV đặt mục tiêu sản lượng hành khách đạt 118,9 triệu người; trong đó, khách quốc tế là 44 triệu, khách trong nước là 72,9 triệu. Tổng doanh thu năm 2025 đạt 21.782 tỷ đồng, tăng 1% so với năm nay.

Đặc biệt, ACV phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác dự án quan trọng của ngành như mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài; khởi công nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Cát Bi trong quý I/2025; mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới trong quý I/2025...

Hà Nội nghiên cứu cho thuê gần 900 hè phố

Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức khảo sát 273 tuyến đường với 468 đoạn và 899 hè phố để tổ chức cho thuê vỉa hè dự kiến từ quý I/2025.

Mô hình kinh doanh ở những khu vực có vỉa hè rộng

Mô hình kinh doanh ở những khu vực có vỉa hè rộng

Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn. Đề án này tập trung vào việc quản lý, khai thác hè phố. Riêng việc trông giữ phương tiện dưới lòng đường, ngày 16/12, Thành phố đã phê duyệt 234 tuyến phố được phép thực hiện (191 tuyến đường mới được bổ sung và 43 tuyến được cấp phép từ trước).

Hà Nội xác định nguyên tắc xây dựng đề án là lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là giao thông. Các hè phố được dự kiến cho thuê nằm ở tuyến phố đủ điều kiện sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm.

Dựa trên đề xuất của 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cùng các chuyên gia tư vấn đã khảo sát 273 tuyến, với 468 đoạn tuyến và 899 hè phố. Kết quả cho thấy, trên 90% tuyến phố kinh doanh nhà hàng ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ; khoảng 94% hè phố được khảo sát bị lấn chiếm; chỉ 24% hè có đường dành cho người khuyết tật.

Sau khảo sát, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí sử dụng hè phố để kinh doanh. Đầu tiên hè phố phải có rộng tối thiểu 3 m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện (trừ khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3 m).

Các tiêu chí khác gồm hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Đối với vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4 m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ xe máy tùy nhu cầu từng khu vực, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5 m).

Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND Thành phố, từ 20.000 - 40.000 đồng/m2/tháng.

Dự kiến trong tháng 1/2025, Mặt trận Tổ quốc Thành phố sẽ tổ chức phản biện và quý I/2025 đề án được ban hành.

Việc xây dựng Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố nhằm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội về thí điểm cho thuê mặt bằng ở những tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng từ đầu năm 2023.

Tại Hà Nội, Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của Thành phố.

TP.HCM thưởng Tết 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng

Theo báo cáo thưởng Tết Nguyên đán 2025 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, mức thưởng Tết cao nhất mà người lao động trên địa bàn Thành phố nhận được là hơn 1,9 tỷ đồng.

Thưởng Tết 2025 ở TP.HCM cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thưởng Tết 2025 ở TP.HCM cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Chiều 23/12, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM công bố báo cáo về kết quả khảo sát tình hình tiền lương năm 2024 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, tính đến hết ngày 20/12, tổng cộng có 1.570 doanh nghiệp với 310.444 lao động trên địa bàn Thành phố đã gửi báo cáo.

Kết quả thống kê cho thấy, đối với Tết Dương lịch năm 2025, tiền thưởng bình quân đạt khoảng 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn so với kết quả khảo sát năm 2024 (4,7 triệu đồng/người).

Trong đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất dành cho cá nhân là 1,8 tỷ đồng thuộc về người lao động của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất cũng thuộc nhóm doanh nghiệp này là 100 nghìn đồng/người; mức bình quân là 6,5 triệu đồng/người.

Đối với các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân dịp Tết Dương lịch là 2,6 triệu đồng/người, cao nhất 57 triệu đồng/người và thấp nhất là 1,2 triệu đồng/người.

Đối với các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng bình quân là 3,4 triệu đồng/người, cao nhất là 75 triệu đồng/người và thấp nhất là 2,4 triệu đồng/người.

Đối với doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là 1,3 triệu đồng/người, cao nhất là 400 triệu đồng/người và thấp nhất là 0,7 triệu đồng/người.

Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tiền thưởng bình quân đạt khoảng 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12,3 triệu đồng/người).

Trong đó, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất dành cho cá nhân là 1,908 tỷ đồng thuộc về người lao động của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất ở nhóm doanh nghiệp này là 6,1 triệu đồng/người; mức bình quân là 13,5 triệu đồng/người.

Đối với các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025 bình quân 11,1 triệu đồng/người, cao nhất 81,4 triệu đồng/người và thấp nhất 7,8 triệu đồng/người.

Đối với các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng bình quân đạt 12,4 triệu đồng/người, cao nhất 251 triệu đồng/người và thấp nhất 7,9 triệu đồng/người…

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vượt 25 tỷ USD

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đã vượt 25 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2023.

Quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số Việt Nam

Quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số Việt Nam

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên cả nước đến cuối năm nay ước đạt 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) dần trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.

Nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng kênh bán hàng này. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước tính vượt mốc 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, mô hình TMĐT ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận còn gặp khó trong quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới do các quy định chưa đủ mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nền tảng xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức như Temu, Shein thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, kém chất lượng còn phức tạp trong bối cảnh những vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

Ba nhóm quỹ bảo hiểm kết dư hơn 1,4 triệu tỷ đồng

Tổng kết dư ba nhóm quỹ là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội 1,29 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9% năm trong giai đoạn 2022 - 2024.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Chính phủ vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện chi phí quản lý các quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2022 - 2024, đề xuất mức chi tổ chức và hoạt động của ba nhóm quỹ trên giai đoạn 2025 - 2027.

Tổng kết dư các quỹ lũy kế đến cuối năm 2024 là gần 1,41 triệu tỷ đồng. Trong đó, Quỹ BHXH 1,29 triệu tỷ với tăng trưởng bình quân 9% mỗi năm. Quỹ BHTN 64.300 tỷ đồng, tăng bình quân 3%. Quỹ BHYT kết dư 47.600 tỷ đồng, giảm 10% mỗi năm. Quỹ dự phòng rủi ro trong các hoạt động đầu tư là 8.400 tỷ đồng.

Giai đoạn 2022 - 2024, tổng số thu ba nhóm quỹ trên đạt 1,44 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 10%. Tiền chi trả các chế độ trong ba năm này là 1,375 triệu tỷ, tăng bình quân 11%. Số chi tăng chủ yếu do Nhà nước tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH, tăng lượt khám chữa bệnh BHYT. Tiền chậm đóng tới hết năm 2023 gần 13.360 tỷ đồng, chiếm gần 2,7% tổng số phải thu.

Chính phủ đề xuất tăng mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT cho giai đoạn 2025 - 2027 trong bối cảnh người tham gia lưới an sinh tăng. Tổng tiền thu dự kiến giai đoạn này là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 26,6%. Tổng tiền chi trả các chế độ dự kiến đạt gần 1,77 triệu tỷ đồng, tăng 28,6%.

Tới năm 2027 dự kiến 24,6 triệu người tham gia BHXH; 18,8 triệu người đóng BHTN và 99,3 triệu người tham gia BHYT. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ tăng trong bối cảnh mở rộng diện bao phủ.

Các nội dung chi của năm 2025 và giai đoạn 2025 - 2027 tăng so với trước đó do một số chính sách thay đổi hoặc thực tế phát sinh.

Hết năm 2024, lao động tham gia BHXH đạt 20 triệu, bằng 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Khoảng 16 triệu người tham gia BHTN, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Riêng BHYT bao phủ 95,4 triệu người, đạt 94% dân số.

Cùng năm, ngành BHXH chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng cho 3,4 triệu người; 900.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, khoảng 9,4 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và BHXH một lần; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 186 triệu lượt người.

Hà Nội thu hồi 136 ha đất mở 2 tuyến đường hơn 11.000 tỷ đồng

Hà Nội dự kiến thu hồi khoảng 136 ha đất để xây dựng hai đoạn Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.

Quận Thanh Xuân sẽ thu hồi đất của gần 700 hộ dân để thực hiện dự án Vành đai 2,5 đoạn Quốc lộ 6 - Đầm Hồng

Quận Thanh Xuân sẽ thu hồi đất của gần 700 hộ dân để thực hiện dự án Vành đai 2,5 đoạn Quốc lộ 6 - Đầm Hồng

Tháng 7/2023, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Dự án chia thành 3 dự án thành phần, gồm 2 dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.556 tỷ đồng.

Công trình dài khoảng 10,34 km, điểm đầu Km0+000 trên phố Văn Khê, quận Hà Đông, điểm cuối Km10+340 giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với chiều rộng mặt cắt ngang 60 - 80 m, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Trên tuyến được đầu tư xây dựng 6 công trình cầu bao gồm: cầu sông Nhuệ, Hòa Bình, Tô Lịch, cầu vượt đường sắt, cầu vượt Quốc lộ 1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Dự án gồm có các nút giao chính gồm nút giao Văn Khê (Km0); nút giao đường trục phía Nam vượt đường sắt (Km1+757,80); nút giao đường sắt hiện hữu (Km5+857,55); nút giao Quốc lộ 1A (Km9+147,75) và nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km10+324,36).

Tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi để thực hiện dự án khoảng 1.299.353 m2 (129,9 ha), trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 48,54 ha.

Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu thi công trong quý IV/2024 - I/2025. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao vào quý IV/2027.

Trong năm 2025, quận Thanh Xuân sẽ tập trung giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng.

Công trình có chiều dài 1,5 km, điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình), điểm cuối tại Đầm Hồng - Quốc lộ 1 (phường Khương Đình).

Cấp hạng tuyến đường là đường liên khu vực, vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang 40 m, trong đó lòng đường 22,5 m với 6 làn xe, vỉa hè 14,5 m và dải phân cách rộng 3 m.

Đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án đã phê duyệt trong giai đoạn năm 2022 - 2026.

Dự án có tổng diện tích đất thu hồi là 60.902,1m2 (6,09 ha) của 681 trường hợp (664 hộ dân và 17 tổ chức) và 36 trường hợp đã thu hồi đất năm 2003...

TP.HCM cần 310.000 - 330.000 lao động trong năm 2025

Ngày 23/12, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố trong năm 2025 cần từ 310.000 - 330.000 lao động. Trong đó, quý I cần khoảng 79.000 - 84.000 chỗ làm việc, quý II là 77.000 - 82.000, quý III khoảng 75.500 - 80.500 và quý IV cần khoảng 78.500 - 83.500 chỗ làm việc.

TP.HCM cần 310.000 - 330.000 lao động trong năm 2025

TP.HCM cần 310.000 - 330.000 lao động trong năm 2025

Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,7% tổng nhu cầu); khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 31,8%), thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,5%...

Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 18.6% và nhu cầu nhân lực tập trung ở các lĩnh vực như: cơ khí, hóa dược, chế biến lương thực phẩm, sản xuất hàng điện tử… Ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,91% và nhu cầu nhân lực và tập trung ở các lĩnh vực như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cùng các dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…

Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,11%. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp chiếm 34,61%; kế đến là trung cấp chiếm 20,14%; đại học trở lên chiếm 18,76%; cao đẳng 14,6% và lao động phổ thông chiếm 11,89%.

Tàu cao tốc 1.000 chỗ chặng Vũng Tàu - Côn Đảo hoạt động lại từ tháng 2/2025

Tàu Thăng Long sẽ triển khai 2 chuyến mỗi tuần, một chuyến từ Vũng Tàu đến Côn Đảo và một chuyến ngược lại từ Côn Đảo về Vũng Tàu.

Tàu Thăng Long sẽ hoạt động lại từ tháng 2/2025.

Tàu Thăng Long sẽ hoạt động lại từ tháng 2/2025.

Ngày 23/12, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phu Quoc Express) thông báo về việc tàu cao tốc Thăng Long sức chứa hơn 1.000 chỗ sẽ bắt đầu vận hành lại trên tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo từ ngày 7/2/2025.

Tàu Thăng Long sẽ chạy 2 chuyến mỗi tuần, một chuyến từ Vũng Tàu đến Côn Đảo và một chuyến ngược lại từ Côn Đảo về Vũng Tàu. Lịch trình này sẽ bắt đầu từ 7/2/2025 và 9/2/2025.

Trước đó, do ảnh hưởng của thời tiết, tàu đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 9/2024 và chỉ neo đậu tại TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, với dự báo thời tiết ổn định vào tháng 2/2025, tàu cao tốc Thăng Long sẽ trở lại phục vụ du khách và người dân đi lại giữa Vũng Tàu và Côn Đảo.

Tàu cao tốc Thăng Long dài hơn 77m, rộng gần 9,5 m, có sức chứa lên đến 1.017 khách. Tàu có 3 tầng, sử dụng 3 động cơ hiện đại nhất thế giới do Công ty Roll-Royce MTU của Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất với tổng công suất gần 12.000 mã lực.

Thân tàu được làm bằng vỏ hợp kim nhôm nhập khẩu từ Italy, giúp tàu đạt vận tốc lên đến 32 hải lý/giờ, rút ngắn thời gian từ Vũng Tàu đến Côn Đảo chỉ trong hơn 3 tiếng đồng hồ.

Với thiết kế đặc biệt này, tàu Thăng Long có thể vận hành trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió giật cấp độ 8, chiều cao sóng lên đến 6m mà vẫn có tính ổn định cao và giảm được tối đa độ lắc dọc, giảm say sóng cho hành khách.

Tàu được đóng bởi Công ty TNHH MTV 189 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Đây là tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam, được hạ thủy năm 2022.

Có tàu cao tốc chở được hơn 1.000 khách mỗi chuyến sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân Côn Đảo và du khách khi có nhu cầu di chuyển từ Côn Đảo về đất liền và ngược lại.

Tin cùng chuyên mục