Bản tin thời sự sáng 24/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sản lượng điện cao điểm nắng nóng tăng 2 tỷ kWh vì nhu cầu tăng vọt; xả 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về Long An chống hạn mặn; An Giang thông xe cầu không dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu; TP.HCM ra 'tối hậu thư' với Công ty Thuận An…

Sản lượng điện cao điểm nắng nóng tăng 2 tỷ kWh vì nhu cầu tăng vọt

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cho 4 tháng hè - cao điểm nắng nóng nhất trong năm, là 111 tỷ kWh, tăng 2 tỷ kWh, theo kế hoạch điều chỉnh của Bộ Công Thương.

Sản lượng điện cao điểm nắng nóng tăng 2 tỷ kWh

Sản lượng điện cao điểm nắng nóng tăng 2 tỷ kWh

Theo kế hoạch cung ứng và vận hành được Bộ Công Thương điều chỉnh hôm 23/4, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 dự kiến là 310 tỷ kWh, trong đó mùa khô gần 151 tỷ kWh. Mức này tăng khoảng 4 tỷ kWh so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái.

Riêng lượng điện cho 4 tháng hè - cao điểm nắng nóng là 111 tỷ kWh, tăng thêm 2 tỷ kWh so với kế hoạch Bộ Công Thương đưa ra cuối 2023.

Việc điều chỉnh này được nhà điều hành đưa ra trên cơ sở nhu cầu sử dụng điện cả nước và miền Bắc tăng vọt trong 3 tháng đầu năm, hơn 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương nhu cầu năng lượng cho sản xuất, dịch vụ tăng cao như Quảng Ninh 45%, Khánh Hòa 39%...

Tại báo cáo gửi Chính phủ cuối tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, miền Bắc có dự phòng nguồn rất thấp, tiềm ẩn rủi ro nếu các yếu tố bất lợi cùng xảy ra như lượng nước về các hồ thủy điện kém, điện than gặp sự cố hoặc giảm công suất.

Để đủ điện cung ứng trước nhu cầu sử dụng tăng cao, tập đoàn này tính tới phương án huy động các nguồn điện diesel mượn của khách hàng để bổ sung trong tình huống khẩn cấp. Hiện, họ đã làm việc với khách hàng, dự kiến có thể huy động hơn 2.700 máy phát điện diesel tại miền Bắc, tổng công suất hơn 3.000 MVA.

Cùng đó, EVN đàm phán để nhập khẩu 1,8 tỷ kWh từ Trung Quốc, tăng gần 700 triệu kWh so với kế hoạch. Việc tăng nhập điện từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị cũng đang được tập đoàn này đàm phán với các đối tác.

Tại kế hoạch, Bộ Công Thương yêu cầu EVN tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu hàng tháng để kịp thời điều chỉnh kế hoạch. Tập đoàn này cũng phải tăng giám sát các nhà máy điện, không để xảy ra sự cố. Các tập đoàn PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc dự phòng, bảo đảm đủ nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện.

Với các giải pháp trên, Bộ Công Thương cho hay, cung ứng điện mùa khô năm nay sẽ được bảo đảm.

Xả 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về Long An chống hạn mặn

Khoảng 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng sẽ được xả vào sông Vàm Cỏ Đông trong bối cảnh mặn xâm nhập vào nội địa hơn 100 km, hơn 20.000 người dân Long An thiếu nước.

Hồ Dầu Tiếng sẽ xả hơn 7 triệu m3 nước cho Long An

Hồ Dầu Tiếng sẽ xả hơn 7 triệu m3 nước cho Long An

Ngày 23/4, ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An thông tin, việc xả nước được triển khai đến ngày 28/4.

Đơn vị cấp nước là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam sẽ xả nước từ hồ Dầu Tiếng qua kênh tiêu Phước Hội - Bến Đình (Dương Minh Châu, Tây Ninh) về sông Vàm Cỏ Đông với lưu lượng 15 m3/s.

Sau khi nguồn nước ngọt trên kênh bảo đảm, các địa phương sẽ tranh thủ tích trữ nước trong nội đồng và sử dụng hiệu quả. Người dân cũng được khuyến cáo bổ sung nguồn nước ngọt, bảo đảm đủ nước để xuống giống vụ lúa hè thu.

Mùa hạn năm nay, Long An có hơn 20.000 người dân tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh này sau đó phải công bố thiên tai hạn mặn khẩn cấp, cấp độ 4 độ rủi ro rất lớn, đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An sau đó cũng có văn bản đề nghị công ty cấp nước xả bổ sung nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng nhằm khống chế ranh mặn, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ người dân sản xuất.

Với diện tích mặt hồ khoảng 270 km2, Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

An Giang thông xe cầu không dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu

Việc thông xe cầu Châu Đốc sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới, hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng.

Cầu Châu Đốc được xem là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh An Giang

Cầu Châu Đốc được xem là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh An Giang

Sáng 23/4, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc. Cầu Châu Đốc được xem là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh An Giang.

Việc thông xe cầu Châu Đốc sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng.

Cầu thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp với tổng kinh phí 2.131 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 20,96 km.

Cầu Châu Đốc được thiết kế bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, có tổng mức đầu tư trên 534 tỷ đồng. Cầu với 13 nhịp, trong đó bốn nhịp chính dài 260 m, khoang thông thuyền rộng 75 m, cao 11 m. Mặt cầu gồm bốn làn xe, rộng 14 m, vận tốc 60 km/h.

Đây là cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống. Do Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 thi công.

TP.HCM ra 'tối hậu thư' với Công ty Thuận An

Thành phố sẽ dừng hợp đồng tại 2 gói thầu dự án cải tạo kênh Tham Lương nếu Công ty Thuận An chậm huy động máy móc, nhân lực thi công trước ngày 27/4.

Gói thầu số 6 đoạn qua cầu Tham Lương, do Công ty Thuận An đảm nhận một phần việc

Gói thầu số 6 đoạn qua cầu Tham Lương, do Công ty Thuận An đảm nhận một phần việc

Nội dung được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư) đưa ra ngày 23/4, sau cuộc họp với Công ty Thuận An. Từ ngày 22/4, nhà thầu này đã bắt đầu huy động dần máy móc, thiết bị và nhân sự đến công trường.

Doanh nghiệp này cùng liên danh đang đảm nhận gói thầu xây lắp số 5 và 6, thuộc Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, với giá trị 130 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng. Khối lượng thi công ở gói số 5 của Thuận An đạt gần 3%, gói số 6 hơn 4%. Trước đó, nhà thầu này đã dừng thi công, nhân sự ban chỉ huy, nhân công... cũng rút khỏi công trường.

Theo Chủ đầu tư, qua khảo sát, Thuận An chưa đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn trên công trường. Do vậy, ngoài sớm bổ sung thiết bị, vật tư, nhân sự, nhà thầu này được yêu cầu lập lại bảng tiến độ thi công chi tiết từng phần việc đảm nhận, để bảo đảm tiến độ chung. Kế hoạch này phải nêu rõ tiến độ cung ứng vật tư, nhân lực, giá trị giải ngân từng tháng...

Ngoài ra, trước ngày 27/4, Công ty Thuận An phải thi công đồng loạt các hạng mục như lắp đặt hào kỹ thuật, cống dọc, ngang, hố ga..., bố trí ít nhất hai mũi thi công trên công trường cho từng gói thầu. Đơn vị này cũng phải chủ động giải quyết nguồn cát san lấp cho những hạng mục đảm nhận trên công trường.

Tại buổi làm việc, Thuận An cam kết tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu. Trong đó, trước ngày 27/4 doanh nghiệp sẽ bố trí nhân sự ban chỉ huy công trường, đội thi công (chỉ huy trưởng, 2 cán bộ kỹ thuật, 2 đội thi công trên mỗi gói thầu)…

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP.HCM với gần 32 km, qua 7 quận, huyện ở thành phố, gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Dự án cải tạo dòng kênh khởi công cách đây hơn một năm, tổng vốn 8.200 tỷ đồng từ ngân sách.

Nhiều hạng mục điện gió tại tỉnh Quảng Trị xây dựng trên đất rừng phòng hộ

Liên quan đến vụ việc 2 nhà máy điện gió xây nhiều hạng mục trên đất rừng phòng hộ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cung cấp các thông tin liên quan để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị.

Trụ điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 xây dựng sai vị trí

Trụ điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 xây dựng sai vị trí

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị vừa cung cấp hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động xây dựng dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2. Trong đó, gồm biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu trong việc sử dụng đất xây dựng dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2. Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính đối với Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 số tiền 340 triệu đồng và Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 số tiền 268 triệu đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cũng cung cấp thông tin chi tiết về số khoảnh, số thửa, số tờ, chủ sử dụng bị 2 dự án nhà máy điện gió nói trên xây dựng các trụ điện gió và đường dây không đúng quy định. Sau khi Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường xử phạt vi phạm hành chính, Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đã chấp hành nộp phạt, song việc khắc phục hậu quả chưa được tiến hành do nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 và Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 xây dựng 21 trụ điện gió ngoài diện tích được cơ quan chức năng cấp phép. Trong đó, Dự án Hướng Linh 1 có 15 trụ điện gió và Dự án Hướng Linh 2 có 6 trụ điện gió. Ngoài ra, có 16 móng trụ của tuyến đường dây điện 110KV được xây dựng trên phần đất chưa được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất. Đặc biệt, 2 dự án điện gió trên đã xây dựng trên 1,46 ha đất rừng phòng hộ. Hiện Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Trị xử phạt hơn 600 triệu đồng về hành vi “chiếm đất” của công ty điện gió này.

Khách Việt đến Nhật tháng 3 tiếp tục cao kỷ lục

Hơn 67.000 lượt khách Việt du lịch Nhật Bản tháng 3, phá kỷ lục trong tháng 2 với hơn 60.000 lượt.

Núi Phú Sĩ nhìn từ Minamitsuru, huyện nông thôn nằm ở phía đông nam tỉnh Yamanashi, Nhật Bản

Núi Phú Sĩ nhìn từ Minamitsuru, huyện nông thôn nằm ở phía đông nam tỉnh Yamanashi, Nhật Bản

Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), lượng khách Việt đến Nhật trong tháng 3 cao nhất từ trước đến nay tính theo tháng. Với 67.400 lượt khách ghé thăm, lượng khách Việt tại Nhật trong tháng 3 tăng 41% so với cùng kỳ 2019 và tăng 25,6% so với cùng kỳ 2023.

Tháng 3 cũng là tháng thứ hai liên tiếp Việt Nam có lượng khách đến Nhật vượt mốc 60.000 lượt. JNTO nhận định, lượng khách Việt "vẫn trên đà tăng trưởng tốt".

Trong quý I, Việt Nam đứng thứ 9 top 10 thị trường gửi khách lớn nhất đến Nhật Bản, với hơn 172.000 lượt khách, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ 2019 và tăng gần 7% so với năm 2023. 9 thị trường còn lại nằm trong top gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Thái Lan, Philippines, Australia, Mỹ, Malaysia.

Theo Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam Yoshida Kenji, một trong những yếu tố thu hút khách Việt đến Nhật là ngắm hoa anh đào - hoạt động truyền thống vốn được yêu thích từ lâu. Ngày nay, lượng khách Việt đến càng tăng nhờ có thêm nhiều chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) nối Việt Nam với nhiều tỉnh thành tại Nhật như tỉnh Kagoshima, Kagawa, Fukishima.

Đại diện JNTO cũng cho biết, tháng 4 "khó có thể đón lượng khách Việt nhiều hơn tháng 3" nhưng vẫn kỳ vọng lượng khách đến đông nhờ sức hấp dẫn của hoa anh đào nở muộn và kéo dài đến tháng 5 ở một số tỉnh thành.

Khởi tố Tổng giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk

Công an tỉnh Đắk Lắk vừa khởi tố Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đắk Lắk (Dakruco) về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Khách sạn DAKRUCO, một trong những dự án gây thua lỗ trong đầu tư của Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk
Khách sạn DAKRUCO, một trong những dự án gây thua lỗ trong đầu tư của Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk

Ngày 23/4, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cơ quan CSĐT Công an Tỉnh vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Ninh (Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đắk Lắk) và Huỳnh Văn Toàn (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu công ty) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, ngày 14/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đến cuối tháng 10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng (cựu phó Phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk).

Vụ việc được xác định xảy ra trong giai đoạn từ năm 2002 - 2012 tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (nay là Công ty CP Cao su Đắk Lắk).

Trước đó, vào tháng 7/2023, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm liên quan hợp đồng cung ứng giống cây cao su nhập khẩu Malaysia, gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng và hợp đồng môi giới bán mũ cao su để hưởng phần trăm chênh lệch xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk.

Ngày 12/10/2023, Công an Tỉnh khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư - cựu Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đắk Lắk.

Cuối tháng 10/2023, Công an Tỉnh khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, cựu Phó phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư, Công ty CP Cao su Đắk Lắk.

Cả ông Lư và ông Hùng cùng bị khởi tố, điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Kiến nghị di dời khẩn cấp 32 hộ ở bán đảo Thanh Đa

Trong thời gian chờ đoạn kè bị sụp lún ở bán đảo Thanh Đa (TP.HCM) được xây kiên cố, quận Bình Thạnh đề xuất dời thêm 32 hộ ven bờ để an toàn khi mùa mưa sắp đến.

Một căn nhà bị ảnh hưởng đã được di dời người dân sau vụ sụt lún

Một căn nhà bị ảnh hưởng đã được di dời người dân sau vụ sụt lún

Kiến nghị vừa được quận Bình Thạnh gửi UBND TP.HCM sau khi thống nhất với Sở Giao thông vận tải. Các hộ thuộc diện cần di dời nằm gần đoạn kè bị sụp lún hồi tháng 6 năm ngoái. Đây được cho là biện pháp cấp bách trong lúc chờ hoàn tất thủ tục triển khai công trình xây lại bờ kè kiên cố ở khu vực này, tổng vốn dự kiến gần 90 tỷ đồng, chưa tính giải phóng mặt bằng.

Trước đó, 15 hộ trong khu vực nguy hiểm đã được địa phương sơ tán từ khi sự cố xảy ra. Theo chính quyền địa phương, hiện dọc đoạn kè trên hiện có các vết nứt 10 - 20 cm, gây mất ổn định nền đất. Ngoài các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đã được di dời, nhiều căn liền kề cũng có dấu hiệu nứt tường. Những căn nhà này nguy cơ sạt về phía sông khi gặp mưa lớn kéo dài, hay thủy triều rút.

Cùng với phương án trên, quận Bình Thạnh sẽ thống kê quy mô, diện tích đất, kết cấu công trình... để bồi thường cho các hộ khi dự án triển khai. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí giúp người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng được ổn định cuộc sống trong lúc chờ có nơi ở mới, hoặc đến khi được duyệt phương án bồi thường.

Khu vực kè bị sụt lún ở Thanh Đa ký hiệu là đoạn 1.1, đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Công trình bị xuống cấp sau thời gian dài khai thác, cùng với nhà dân xây gần đỉnh kè (cách 3,5 m thay vì 10 m) làm tăng tải trọng, lâu ngày dẫn đến sụt lún.

Trong kế hoạch khắc phục, thành phố sẽ xây lại kiên cố đoạn bờ kè này với chiều dài 478 m, đồng thời bổ sung hệ thống thoát nước, công viên cây xanh.... Phạm vi giải phóng mặt bằng 10 m, tính từ đỉnh kè vào bên trong. Sau đó, một tuyến đường chạy dọc đoạn kè này cũng sẽ được xây dựng.

Tin cùng chuyên mục