Bản tin thời sự sáng 2/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ninh Bình làm đường 7.000 tỷ đồng kết nối các vùng kinh tế; Chính phủ đồng ý thí điểm cho vay ngang hàng trong 2 năm; Kon Tum tìm nhà đầu tư 7 dự án khu đô thị ở thị trấn Măng Đen; hơn 1.900 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong ngày nghỉ lễ 1/5…

Ninh Bình làm đường 7.000 tỷ đồng kết nối các vùng kinh tế

Con đường dài 32 km từ vùng biển Kim Sơn kết nối Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng tạo động lực phát triển cho tỉnh Ninh Bình cũng như các vùng lân cận.

Tuyến đường kết nối liên vùng sẽ giao với con đường Đông Tây tại TP Tam Điệp.

Tuyến đường kết nối liên vùng sẽ giao với con đường Đông Tây tại TP Tam Điệp.

Tỉnh Ninh Bình vừa chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xúc tiến thủ tục chuẩn bị khởi công Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam Đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ.

Công trình có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dùng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình cho hay, con đường có điểm đầu giao với tuyến đường bộ ven biển tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn và điểm cuối tại nút giao Đồng Giao, thành phố Tam Điệp.

Toàn tuyến được chia làm hai đoạn. Đoạn đường thông thường dài hơn 26 km sẽ có bề rộng 37 m với 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m. Đoạn qua khu dân cư hiện hữu và phần còn lại có nền đường rộng 60 - 70 m, quy mô 4 - 8 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, dải đất ở giữa rộng 15 m và đường gom hai bên.

Theo đại diện chủ đầu tư, đây là dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Ninh Bình.

Sau khi hoàn thiện, Dự án sẽ kết nối với đường Đông Tây (giai đoạn hai), đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A... giúp vùng duyên hải Nam đồng bằng sông Hồng giao thương thuận tiện với các tỉnh Tây Bắc và khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ.

Chính phủ đồng ý thí điểm cho vay ngang hàng trong 2 năm

Từ 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.

Hiện một số công ty lấy danh nghĩa mô hình cho vay ngang hàng để quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân. Ảnh minh hoạ
Hiện một số công ty lấy danh nghĩa mô hình cho vay ngang hàng để quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân. Ảnh minh hoạ

Chính phủ ban hành Nghị định 94 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, một trong các giải pháp fintech được Chính phủ đồng ý thử nghiệm là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.

Hoạt động thử nghiệm P2P Lending sẽ được cấp phép trong 2 năm, nhưng không áp dụng với các nhà băng ngoại. Các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính được tham gia xét duyệt cơ chế thử nghiệm, song không đồng nghĩa việc họ sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan lĩnh vực cho vay này.

Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng với nhiều đơn vị vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending thiếu minh bạch, chưa có cơ chế giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay của loại hình này, nên có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên. Việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với fintech cho vay ngang hàng là cần thiết.

Cùng với P2P Lending, Việt Nam có khoảng 200 công ty fintech và 90% số này hoạt động trong mảng ngân hàng (thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng...). Tại Nghị định lần này, Chính phủ cũng cho phép thí điểm hoạt động fintech khác, gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).

Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm các dịch vụ fintech lần này, theo Chính phủ, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng và giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả với chi phí thấp. Ngoài ra, việc tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá chi phí, lợi ích và giúp hạn chế rủi ro với khách hàng khi sử dụng các giải pháp này.

Kon Tum tìm nhà đầu tư 7 dự án khu đô thị ở thị trấn Măng Đen

Bảy dự án đô thị dịch vụ tại thị trấn Măng Đen, với tổng diện tích 1.860 ha được tỉnh Kon Tum đưa vào danh mục các khu đất sẽ đấu thầu để chọn nhà đầu tư.

Măng Đen được định hướng là vùng du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp và trọng điểm phát triển kinh tế phía đông tỉnh Kon Tum

Măng Đen được định hướng là vùng du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp và trọng điểm phát triển kinh tế phía đông tỉnh Kon Tum

Tỉnh Kon Tum lên kế hoạch đấu thầu, tìm nhà đầu tư cho các dự án khu đô thị dịch vụ trên địa bàn trong năm nay.

Theo danh mục được HĐND Tỉnh thông qua, 7 khu đất sẽ được đưa ra đấu thầu tìm nhà đầu tư có diện tích 1.860 ha, đều thuộc thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Trong đó, Khu đô thị số 1 tại Tổ dân phố 2 có diện tích 283 ha; Khu đô thị số 2 tại Thôn Kon Pring có diện tích 278 ha; Khu đô thị số 3 tại Thôn Kon Vơng Kia có diện tích 265ha; Khu đô thị số 4 tại Thôn Kon Chốt và Kon Leang có diện tích 248 ha; Khu đô thị số 5 tại Thôn Kon Leang có diện tích 277 ha; Khu đô thị số 6 tại Tổ dân phố 1, 2 và thôn Kon Vơng Kia có diện tích 169 ha; Khu đô thị số 7 tại Thôn Kon Leang có diện tích 340 ha.

Các dự án khu đô thị, dịch vụ này có tiến độ thực hiện từ năm nay. UBND tỉnh Kon Tum sẽ lập kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.

Kon Tum là địa phương nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào. Tỉnh này có lợi thế về rừng và nông lâm nghiệp với địa hình chủ yếu là đồi núi chiếm 2/5 diện tích của tỉnh. Năm 2024, GRDP tỉnh đạt 20.255 tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm trước. Tổng thu ngân sách năm ngoái khoảng 4.425 tỷ đồng, đạt 136% dự toán.

Măng Đen là thị trấn thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 60 km và được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên. Theo quy hoạch, Măng Đen được định hướng là vùng du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp và trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh Kon Tum.

Hơn 1.900 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong ngày nghỉ lễ 1/5

Trong ngày nghỉ lễ 1/5, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 8.800 trường hợp vi phạm. Trong đó có hơn 1.900 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn với một phụ nữ trên phố Lò Đúc

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn với một phụ nữ trên phố Lò Đúc

Chiều 1/5, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong ngày nghỉ lễ 1/5, toàn quốc xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 56 người.

So với cùng kỳ năm 2024 (ngày nghỉ lễ thứ 2 dịp 30/4 và 1/5), tai nạn đã giảm 10 vụ, giảm 2 người chết, tăng 6 người bị thương.

Theo đó, CSGT công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý hơn 8.800 trường hợp vi phạm; tước 332 giấy phép lái xe các loại; trừ điểm giấy phép lái xe hơn 1.100 trường hợp.

Trong đó, CSGT đã xử lý hơn 1.900 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ hơn 2.200 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 48 trường hợp; vi phạm ma túy 12 trường hợp.

Về đường thủy, CSGT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 194 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1 phương tiện. Còn tại đường sắt, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh

Xuất khẩu tôm quý I đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep).

Xuất khẩu tôm quý I đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái

Xuất khẩu tôm quý I đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái

Vasep cho biết, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, với kim ngạch 288 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ 2024. Nhu cầu tôm phục vụ tiêu dùng nội địa và kỳ nghỉ lễ 1 - 5/5 tăng mạnh, trong đó tôm hùm và tôm sú được ưa chuộng.

Tiêu thụ nhiều thứ hai là Mỹ, với tăng trưởng 11%, đạt 134 triệu USD. Đây cũng là thị trường có mức giá xuất khẩu cao nhất, trung bình đạt 10,9 USD mỗi kg tôm chân trắng và 17,7 USD mỗi kg tôm sú, ổn định hơn so với các thị trường khác.

Thị trường EU cũng tích cực, thu về 107 triệu USD, tăng 33%. Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 20% và 16%, đạt 124 triệu USD và 77 triệu USD. Riêng tại Nhật Bản, tôm chế biến sẵn và đông lạnh tiện lợi là dòng sản phẩm được ưa chuộng.

Nhận định tình hình sắp tới, Vasep cho rằng thuế đối ứng của Mỹ đang tạm hoãn nhưng cũng tạo sức ép cho ngành tôm, bởi đây là thị trường chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu, tương đương 800 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam còn đối mặt với hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ. Dù mức thuế CVD hiện là 2,84%, thấp hơn so với Ấn Độ (5,77%) và Ecuador (3,78%), các quy định khắt khe về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm có thể làm tăng chi phí tuân thủ, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Để đạt mục tiêu kim ngạch 4 tỷ USD năm nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại tại các triển lãm quốc tế, đầu tư vào công nghệ chế biến và chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế (FDA, ASC, MSC).

Bộ Y tế thu hồi 2 sản phẩm bảo vệ sức khoẻ có chứa chất cấm Sibutramine

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 944/ATTP-PCCTR gửi 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc về việc giám sát, thu hồi sản phẩm có chứa chất cấm sibutramine.

Bộ Y tế thu hồi 2 sản phẩm bảo vệ sức khoẻ có chứa chất cấm Sibutramine

Bộ Y tế thu hồi 2 sản phẩm bảo vệ sức khoẻ có chứa chất cấm Sibutramine

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen có chứa chất cấm Sibutramine.

Cụ thể đó là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold (số lô: 11 2023, NSX: 01/11/2023, HSD: 01/11/2026). Thương nhân nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa: Công ty CP EU YB, địa chỉ: Tổ 20, phường Minh Tân, TP. Yên Bái. Sản xuất tại: Austin Biologic & Technology Limited Austin Road West Level 206, International Commerce Centre, Hong Kong. Chất cấm phát hiện: Định tính Sibutramine: dương tính

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Best Slim Collagen (Số lô 29L367, HSD: 01/2027). Thương nhân nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa: Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoa Anh Đào, địa chỉ: Xóm 4, thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Xuất xứ: Mỹ. Sản xuất bởi: Arnet Pharmaceutical, 2525 Davie Road, Bldg 330. Davied, Florida 33317. Chất cấm phát hiện: Định tính Sibutramine: dương tính

Trong 2 sản phẩm trên, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Dáng xuân Phục linh Gold” chưa đăng ký số đăng ký bản công bố sản phẩm, số Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố ghi trên bao bì là không đúng.

Đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BEST SLIM COLLAGEN do Công ty TNHH Thiết bị y tế Hoa Anh Đào công bố đã đăng ký số Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố 4844/2019/ĐKSP ngày 7/5/2019. Công ty TNHH Thiết bị y tế Hoa Anh Đào báo cáo không nhập khẩu lô sản phẩm BEST SLIM COLLAGEN (Lot/production should be used before #29L367-01/2027). Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tăng cường đấu tranh phòng chống hàng giả là thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế/Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng, không kinh doanh 2 lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe có các thông tin nêu trên…

Đề xuất điều chỉnh giờ tàu hỏa, đáp ứng nhu cầu của cán bộ sau sáp nhập

Tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xem xét điều chỉnh khung giờ tàu tại Ga Đông Hà và Ga Đồng Hới, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của cán bộ, người dân sau sáp nhập.

Tàu về Ga Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Tàu về Ga Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Ngày 1/5, tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương này đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đề xuất xem xét điều chỉnh khung giờ các chuyến tàu từ Ga Đông Hà (Quảng Trị) đi Ga Đồng Hới (Quảng Bình) và ngược lại.

Đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi Quảng Bình và Quảng Trị hợp nhất, thành phố Đồng Hới được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị đề xuất tàu từ Ga Đông Hà đi Ga Đồng Hới xuất phát khoảng 5h45 - 6h; chiều ngược lại tàu chạy lúc 18h - 18h15 hằng ngày. Khung giờ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thể đi về trong ngày, đảm bảo thời gian thực thi công vụ.

Được biết, số lượng công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh của Quảng Trị hiện nay khoảng 2.600 người. Dự kiến sẽ có khoảng 1.300 người có nhu cầu đi lại giữa hai thành phố Đồng Hới và Đông Hà (khoảng cách 100km).

UBND tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đồng ý chủ trương để tỉnh nghiên cứu kêu gọi đầu tư tàu đường sắt tuyến Đông Hà - Đồng Hới theo hình thức đối tác công tư (PPP), khai thác trên kết cấu hạ tầng đường sắt có sẵn.

Chính phủ đã phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quảng Trị sẽ sáp nhập với Quảng Bình, với tên gọi mới là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Sau thu hồi, khu đất vàng 275 Nguyễn Trãi (Hà Nội) sẽ được xây nhà ở xã hội

Dự kiến, ô đất ký hiệu N02 số 275 Nguyễn Trãi sẽ được xây dựng nhà ở xã hội với 408 căn hộ. Hiện dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang được thành phố thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án Trung tâm thương mại - Dịch vụ - nhà ở Golden - Land Building tại số 275 đường Nguyễn Trãi

Dự án Trung tâm thương mại - Dịch vụ - nhà ở Golden - Land Building tại số 275 đường Nguyễn Trãi

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 5) trong các Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Theo danh mục, có 222 dự án nhà ở, khu đô thị được cập nhật. Trong đó, có 22 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 19.737 căn hộ.

Đơn cử là Dự án Nhà ở cán bộ công nhân viên kết hợp bãi đỗ xe tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (phần nhà ở xã hội) do liên danh Công ty CP BIC Việt Nam và Công ty CP Tiền Phong làm chủ đầu tư. Dự kiến, Dự án sẽ được triển khai từ quý III năm nay đến quý IV/2029. Hiện khu đất Dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Dự án nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu 6.2 thuộc Quy hoạch phân khu S4, đường Lê Trọng Tấn (phường Dương Nội, quận Hà Đông) dự kiến có 1.188 căn hộ, được triển khai giai đoạn từ năm nay đến quý IV/2028.

Đáng chú ý, ô đất ký hiệu N02 số 275 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ được Thành phố triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Dự án có tổng mức đầu tư 821,1 tỷ đồng trên thửa đất có diện tích 0,36 ha, dự kiến sẽ cung cấp 408 căn hộ nhà ở xã hội cho thị trường. Hiện Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang được Thành phố thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về ô đất NO2, đầu tháng 2, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi 3.557 m2 thuộc quỹ đất 20% của Dự án Golden - Land Building, số 275 Nguyễn Trãi.

UBND TP. Hà Nội cho biết, lý do thu hồi là thực hiện theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Tin cùng chuyên mục