Bản tin thời sự sáng 25/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xin tăng mức đầu tư cầu Rạch Miễu 2 thêm 1.600 tỷ đồng; Bamboo Airways muốn tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ đồng; lạm phát năm nay dự báo tăng 3,9 - 4,8%; Đồng Nai yêu cầu chuyển hồ sơ Dự án khu dân cư Phước Tân sang cơ quan điều tra…

Xin tăng mức đầu tư cầu Rạch Miễu 2 thêm 1.600 tỷ đồng

Chủ đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 xin điều chỉnh mức đầu tư tăng thêm 1.600 tỷ đồng và lùi thời gian hoàn thành đến năm 2026.

Công trường thi công cầu Rạch Miễu 2 nhìn từ phía bờ Bến Tre

Công trường thi công cầu Rạch Miễu 2 nhìn từ phía bờ Bến Tre

Thông tin trên nêu trong tờ trình của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa gửi Bộ Giao thông vận tải. Tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang với Bến Tre được đề xuất điều chỉnh từ 5.200 tỷ đồng lên 6.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư tăng được Chủ đầu tư lý giải do diện tích giải phóng mặt bằng Dự án tăng thêm 3 ha, số hộ tái định cư phát sinh thêm gần 40 hộ. Ngoài ra, giá đất bồi thường của tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu đồng/m2 lên hơn 26 triệu đồng/m2; giá đất tỉnh Bến Tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6 - 20 lần.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện công tác giải phóng mặt bằng phía Tiền Giang đạt khoảng 46% (3,6/7,9 km), phía Bến Tre đạt 83% (7,9/9,6 km). Đến nay, ba gói thầu đường dẫn hai đầu cầu đang triển khai thi công đạt khoảng 23%, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra; ba gói thầu xây lắp còn lại chuẩn bị thi công.

Một số vị trí nền đường xử lý đất yếu có thời gian gia tải lên đến 15 tháng có thể làm tiến độ thi công các gói thầu đường dẫn vào cầu chậm trễ. Do đó, đơn vị này xin điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án đến năm 2026, tăng thêm một năm so với dự kiến trước đây.

Bamboo Airways muốn tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ đồng

Bamboo Airways muốn phát hành cổ phần để tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ đồng nhằm tái cơ cấu nợ và bổ sung cho hoạt động.

Bamboo Airways muốn tăng vốn nhằm tái cơ cấu nợ và bổ sung vốn cho hoạt động
Bamboo Airways muốn tăng vốn nhằm tái cơ cấu nợ và bổ sung vốn cho hoạt động

Hãng hàng không dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch này tại phiên họp bất thường vào ngày 10/4.

Vốn điều lệ của Bamboo Airways hiện tại ở mức 18.500 tỷ đồng, tương ứng 1,85 triệu cổ phần. Công ty dự kiến phát hành thêm với tỷ lệ tối đa 35% trên vốn cổ phần sau phát hành theo phương thức chào bán riêng lẻ. Như vậy, Bamboo Airways có thể phát hành thêm tối đa hơn 996 triệu cổ phần, tương ứng hơn 9.960 tỷ đồng.

Theo doanh nghiệp, thời gian thực hiện thương vụ trên ngay trong năm 2023. Số lượng cổ phần được phát hành thêm này không bị hạn chế chuyển nhượng. Đợt phát hành này nhằm mục đích tái cơ cấu nợ, tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của Công ty.

Mới đây, đại diện Bamboo Airways cũng cho biết, hãng đã tìm được nhà đầu tư mới thay cho nhóm liên quan cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết. Trong thời gian tới, hãng sẽ sớm công bố chi tiết về thông tin của nhà đầu tư mới.

Nhà đầu tư mới của Bamboo Airways đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây. Các cổ đông cũ đã dùng cổ phần của hãng bay này để cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Lạm phát năm nay dự báo tăng 3,9 - 4,8%

Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong quý II vẫn còn và dự báo lạm phát năm nay tăng từ 3,9% đến 4,8%, gần sát mục tiêu được giao là 4,5%.

Bộ Tài chính dự báo lạm phát năm nay tăng từ 3,9% đến 4,8%

Bộ Tài chính dự báo lạm phát năm nay tăng từ 3,9% đến 4,8%

Dự báo này được Bộ Tài chính nêu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, ngày 24/3, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,1 - 0,2% so với tháng 2, nhưng tăng 3,4 - 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý I, CPI ước tăng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát tăng trong quý I chủ yếu do các nhóm hàng hóa dịch vụ chiếm trọng số chính trong rổ tính CPI có xu hướng đi lên. Chẳng hạn, giá vật liệu xây dựng tăng 7,2% làm CPI tăng khoảng 1,4%. Các mặt hàng thực phẩm đắt thêm 4,5% đẩy chỉ số giá tiêu dùng thêm 1%.

Nhưng cũng có những mặt hàng giảm giá như xăng dầu hạ 11%, giá gas 1,8% hay nhóm bưu chính viễn thông 0,3%, giúp CPI 3 tháng đầu năm hạ nhiệt 0,03 - 0,4 điểm phần trăm.

Tuy vậy, Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong tháng 4, quý II trước những bất ổn tình hình quốc tế và nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới.

Cơ quan này đưa ra các kịch bản dự báo lạm phát năm nay, tăng 3,9 - 4,8% so với năm 2022. Các kịch bản đưa ra trên cơ sở tính toán, dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), giá điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.

Nhưng Bộ này giả định, 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì chỉ số giá tiêu dùng mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52%. Như vậy sẽ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.

Đồng Nai yêu cầu chuyển hồ sơ Dự án khu dân cư Phước Tân sang cơ quan điều tra

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND TP. Biên Hoà kiểm tra, xử lý, rà soát hồ sơ bồi thường tại Dự án khu dân cư và tái định cư Phước Tân.

Dự án Khu dân cư Phước Tân, TP. Biên Hoà

Dự án Khu dân cư Phước Tân, TP. Biên Hoà

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tỉnh để điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc huy động vốn trái phép của chủ đầu tư dự án là Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát (Công ty An Hưng Phát).

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng các đơn vị có liên quan cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tỉnh theo quy định pháp luật.

Đối với một số sai sót, vi phạm trong việc lập hồ sơ Dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải xác minh làm rõ.

Về phía Công ty An Hưng Phát, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải khẩn trương khắc phục các sai phạm, tồn tại, nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật.

Thanh tra tỉnh Đồng Nai được giao theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh, tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh để báo cáo Thanh tra Chính phủ.

Đà Nẵng đặt chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người 220 triệu đồng đến năm 2030

Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 200 - 220 triệu đồng, gấp đôi so với năm 2022.

Năm 2022, GRDP bình quân đầu người ở Đà Nẵng đạt 102,6 triệu đồng. Ảnh minh họa

Năm 2022, GRDP bình quân đầu người ở Đà Nẵng đạt 102,6 triệu đồng. Ảnh minh họa

Tại Kỳ họp chuyên đề ngày 24/3, HĐND TP. Đà Nẵng thông qua nghị quyết Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người ở Đà Nẵng đạt 102,6 triệu đồng, tăng 13,8% so với năm 2021.

Thành phố đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 9,5 - 10%/năm. Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1 - 2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29 - 30%; dịch vụ 61 - 62% và thuế sản phẩm 8 - 9%.

Giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng sẽ giải quyết việc làm mới cho 32 - 35 nghìn người/năm; duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 66%.

Đà Nẵng phấn đấu mức thu ngân sách tăng bình quân 9 - 11%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11 - 12%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng.

Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 2,9%/năm, đến năm 2030 dân số thường trú và tạm trú trên địa bàn khoảng 1,56 triệu. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại đô thị đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

Theo quy hoạch này, Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế theo ba trụ cột: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức với hai mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; trung tâm dịch vụ chất lượng cao với hai mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Thành phố đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế...

Đề xuất lắp mái che chống nắng đường trung tâm TP.HCM

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, Quận 1, tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ, kinh phí 20 - 30 tỷ đồng.

Đường Lê Lợi nối từ Nhà hát Thành phố ra chợ Bến Thành, Quận 1

Đường Lê Lợi nối từ Nhà hát Thành phố ra chợ Bến Thành, Quận 1

Nội dung này vừa được gửi UBND TP.HCM liên quan giải pháp cải tạo cảnh quan đường Lê Lợi sau khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng.

Mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần, vươn ra ngoài chừng 4 m. Vật liệu của mái sẽ sử dụng loại bền, đẹp, thi công nhanh, kết hợp thiết kế màu sắc hài hoà với cảnh quan chung ở khu vực. Kinh phí lắp đặt bao gồm mua sắm vật tư, nhân công, thi công...

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đường Lê Lợi hiện đã thông thoáng nhưng cảnh quan cùng các tiện ích phục vụ hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách chưa đủ đáp ứng. Trong điều kiện chưa thể bố trí ngay mảng xanh đủ lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè, giải pháp thiết kế mái che sẽ giúp chống nắng, mưa, tạo điều kiện cho người đi bộ cũng như hoạt động kinh doanh dọc bên đường.

Đường Lê Lợi dài chừng 1 km, gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, là một trong những tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TP.HCM.

Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái tăng 166% so với cùng kỳ năm ngoái

Gần hết quý I, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đạt hơn 300.000 tấn, tăng khoảng 166% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần hết quý I năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở của thành phố Móng Cái đạt hơn 300.000 tấn hàng hóa

Gần hết quý I năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở của thành phố Móng Cái đạt hơn 300.000 tấn hàng hóa

Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bình quân đạt gần 2.000 tấn/ngày, tăng 70,2% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu là hàng hoa quả, nông sản.

Nhộn nhịp nhất là hoạt động xuất nhập qua lối mở Km3+4 Hải Yên khi có hơn 10.300 phương tiện chở 159.000 tấn hàng hóa thông quan từ đầu năm tới nay, tăng hơn 340% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu là thủy hải sản đông lạnh, tôm, cua, cá sống...

Hiện nay, hoạt động thông quan hàng hóa tại tất cả cửa khẩu, lối mở ở Móng Cái đã khôi phục và ngày càng tăng cả về chủng loại hàng hóa cùng số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.