Bản tin thời sự sáng 26/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đóng cửa trạm BOT không thu phí tự động từ ngày 31/12; mở đường ven biển từ Sài Gòn đi dọc miền Tây; tỉnh Bình Thuận thi công hai con đường ven biển có tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng; ngày 26/11, giá xăng, dầu có thể tăng mạnh…

Thủ tướng: "Đóng cửa" trạm BOT không thu phí tự động từ ngày 31/12

Đến 31/12, các nhà đầu tư BOT chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng, diễn ra ngày 25/11.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước.

Thủ tướng nêu rõ, các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động, trường hợp đến 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng phải bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho các phương tiện.

Mở đường ven biển từ Sài Gòn đi dọc miền Tây

Hơn 700 km đường ven biển miền Tây kết nối từ Hà Tiên đến TP.HCM sẽ được tập trung đầu tư xây dựng, tạo hành lang kinh tế, động lực phát triển.

Tuyến đường ven biển kết nối miền Tây với TP.HCM, trong đó đoạn qua Tiền Giang dài gần 25 km đã được đồng ý chủ trương đầu tư

Tuyến đường ven biển kết nối miền Tây với TP.HCM, trong đó đoạn qua Tiền Giang dài gần 25 km đã được đồng ý chủ trương đầu tư

Dự án gồm làm mới hai đoạn đường dài gần 25 km, rộng 20,5 m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h với tổng cộng 18 cầu. Đoạn một có điểm đầu từ nút giao cầu Mỹ Lợi đến Quốc lộ 50 (Gò Công Tây, Tiền Giang), dài gần 12 km. Đoạn hai sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (Bình Đại, Bến Tre), dài 13 km.

Hai đoạn này kết nối với trục lộ sẵn có, đi dọc ven biển, song song với Quốc lộ 1. Dự án chia làm hai giai đoạn với khoảng 90 ha đất sẽ được giải phóng mặt bằng, hoàn thành 2021 - 2025.

Khi đường này hoàn thành, các xe sẽ dễ dàng đi từ Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP.HCM, rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 50.

Bình Thuận: Thi công hai con đường ven biển tổng vốn lên đến 1.500 tỷ đồng

Sáng 25/11, hai tuyến đường ven biển nối thành phố Phan Thiết với huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng được đồng loạt triển khai thi công.

Tuyến đường ven biển từ Phan Thiết đi qua huyện Hàm Thuận Nam đến thị xã La Gi đang được thi công

Tuyến đường ven biển từ Phan Thiết đi qua huyện Hàm Thuận Nam đến thị xã La Gi đang được thi công

Đó là Dự án làm mới đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện.

Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà đi qua thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam có chiều dài khoảng 25,6 km, có tổng mức đầu tư hơn 999 tỷ đồng. Quy mô công trình này có chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Dự kiến, thời gian thi công 38 tháng, đến cuối tháng 1/2024, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Còn Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) đi Tân Thiện (thị xã La Gi) có chiều dài khoảng 32,5 km với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng. Quy mô công trình này có chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 8 m. Riêng đoạn qua trung tâm xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, xã Tân Tiến, xã Tân Bình, thị xã La Gi có chiều rộng nền đường 15 m, chiều rộng mặt đường 12 m; đoạn nối trung tâm xã Tân Tiến đến xã Tân Bình có chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m; đoạn qua trung tâm thị xã La Gi có chiều rộng nền đường 20 m, chiều rộng mặt đường 12 m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Dự kiến, đến giữa tháng 4/2023, dự án trên sẽ hoàn thành.

Ngày 26/11, giá xăng, dầu có thể tăng mạnh

Giá tại thị trường Singapore cao hơn chu kỳ trước 8 - 13% nên giá xăng dầu bán lẻ trong nước ngày 26/11 có thể tăng 600 - 1.000 đồng một lít.

Nhân viên cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) thay đổi giá bán

Nhân viên cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) thay đổi giá bán

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore nửa tháng qua là 45,76 USD một thùng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ trước. Giá RON 95 cũng tăng 7,7% lên 46,95 USD một thùng. Giá dầu hoả và diesel tăng đột biến sau hai chu kỳ giảm liên tiếp, lần lượt là 46,09 USD một thùng và 47,99 USD một thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho rằng, giá nhiên liệu nhảy vọt trong giai đoạn này do một số quốc gia có trữ lượng lớn đang muốn trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác vào đầu năm 2021. Việc này để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới có thể xảy ra. Khả năng rất lớn giá nhiên liệu trong nước cũng ngắt mạch giảm hai kỳ liên tiếp. Nếu không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 600 - 700 đồng một lít, còn dầu hoả và diesel tăng 900 - 1.000 đồng một lít.

Trong kỳ điều chỉnh trước, liên Bộ Công Thương - Tài chính giảm 224 đồng mỗi lít xăng E5 RON92 và 238 đồng mỗi lít RON95, giá tối đa lần lượt 13.885 đồng và 14.701 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm 155 - 380 đồng.

Từ ngày 28/11, điều chỉnh giao thông khu vực đầu hầm sông Sài Gòn

Từ ngày 28/11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ cắm biển cấm ô tô lưu thông, dừng và đỗ xe trên đường Võ Văn Kiệt tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn (Quận 1) theo khung giờ quy định.

Thông báo điều chỉnh giao thông được treo trước đầu hầm sông Sài Gòn phía Quận 1 để người dân nắm rõ

Thông báo điều chỉnh giao thông được treo trước đầu hầm sông Sài Gòn phía Quận 1 để người dân nắm rõ

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết, việc điều chỉnh giao thông này nhằm tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông trên đường Võ Văn Kiệt và đường nhánh cầu Calmette rẽ vào hầm sông Sài Gòn (Quận 1).

Theo đó, từ ngày 28/11, cấm ô tô lưu thông hướng từ đường hầm sông Sài Gòn vào làn hỗn hợp đường Võ Văn Kiệt (tại giao lộ đường Phó Đức Chính) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ. Ngoài ra, tổ chức cấm dừng và đỗ xe trên làn hỗn hợp đường Võ Văn Kiệt theo hướng lưu thông từ đường Pasteur đến đường Nguyễn Thái Học trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và chiều từ 16 giờ đến 19 giờ; cấm đỗ xe ngoài thời gian cấm trên.

Riêng đường nhánh cầu Calmette, đoạn rẽ vào đường hầm sông Sài Gòn, xe ô tô lưu thông bình thường từ đường nhánh cầu Calmette đi vào đường hầm sông Sài Gòn (không còn tổ chức cấm ô tô lưu thông trong khoảng thời gian từ 17 giờ đến 19 giờ).

Bắt giữ tàu chở gần 1.000 tấn than không rõ nguồn gốc

Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa kiểm tra, xử lý 1 tàu vận chuyển gần 1.000 tấn than bùn không rõ nguồn gốc.

Tàu chở than bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Tàu chở than bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Tại vùng biển luồng Hòn Gai - Quảng Yên đoạn qua phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện tàu vỏ thép biển kiểm soát HP - 4721, công suất máy 580CV do Trần Văn Dũng, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương điều khiển.

Trần Văn Dũng khai nhận, toàn bộ số than bùn trên là hàng chở thuê cho một người (chưa rõ tuổi, địa chỉ cụ thể) từ khu vực cây xăng cột 8 thuộc phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, anh Dũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến số than bùn trên.

Phòng Cảnh sát đường thủy đã lập biên bản tạm giữ tàu HP - 4721 và toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định./.