Bản tin thời sự sáng 26/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thi công cảng nước sâu Mỹ Thủy sau 4 năm khởi công; Ủy ban Quốc phòng - An ninh muốn sớm luật hóa đấu giá biển xe máy; TP.HCM được khách châu Á quan tâm nhất tại Việt Nam; đề xuất người hết tuổi lao động được vay vốn tạo việc làm…

Thi công cảng nước sâu Mỹ Thủy sau 4 năm khởi công

Ngày 25/3, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án Đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Mô phỏng cảng nước sâu Mỹ Thủy sau khi hoàn thành

Mô phỏng cảng nước sâu Mỹ Thủy sau khi hoàn thành

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư là 14.234 tỷ đồng, do Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm Chủ đầu tư. Dự án có quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn, được đầu tư theo 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ năm 2032 - 2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng; trong đó, chủ đầu tư quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành từ 2 - 4 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn với tổng chiều dài tuyến mép bến 1.300 m, chiều rộng 50 m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đi kèm.

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được khởi công xây dựng từ tháng 2/2020, nhưng do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thể thi công suốt hơn 4 năm qua.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh muốn sớm luật hóa đấu giá biển xe máy

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc đấu giá biển số xe máy phù hợp với nhu cầu người dân và giúp tăng thu rất lớn cho ngân sách.

Một biển số xe máy ngũ quý 8 ở Đồng Nai

Một biển số xe máy ngũ quý 8 ở Đồng Nai

Tại dự thảo mới nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về đấu giá biển số xe (nội dung đang được thí điểm theo Nghị quyết của Quốc hội).

Theo đó, giá khởi điểm của biển số ôtô không thấp hơn 40 triệu đồng; môtô, xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu. Mỗi bước giá bằng 10% giá khởi điểm. Đấu giá theo hình thức trực tuyến, giá khởi điểm mỗi loại do Chính phủ quyết định, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Giải trình về nội dung này tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ôtô trong thời gian vừa qua "đem lại kết quả tích cực, hiệu quả, khả thi". Trong 5 tháng triển khai, gần 15.200 biển số được đấu giá, khách hàng đã nộp 1.400 tỷ đồng.

Ủy ban cho rằng, nếu số lượng xe máy đăng ký hàng tháng rất lớn, việc mở rộng đấu giá sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội sẽ phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung luật mới. Việc này sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề xuất 2 phương án. Phương án 1, dự thảo bổ sung một điều trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên. Phương án 2, bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nghiêng về phương án 1, do nội dung này phù hợp luật chuyên ngành, tạo nên sự thống nhất với các quy định quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.

TP.HCM được khách châu Á quan tâm nhất tại Việt Nam

3 tháng đầu năm, TP.HCM là điểm đến được du khách châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp theo là Đà Nẵng và Hà Nội.

Bưu điện trung tâm TP.HCM

Bưu điện trung tâm TP.HCM

Ứng dụng du lịch hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan Booking hôm 25/3 công bố danh sách 10 điểm đến tại Việt Nam được khách APAC (châu Á - Thái Bình Dương) tìm kiếm nhiều trong 3 tháng đầu năm. Thời gian tìm kiếm tính từ 1/1 - 31/3, du khách tham gia khảo sát trên 18 tuổi và là những người nắm quyền quyết định hoặc lên kế hoạch cho chuyến đi.

TP.HCM là thành phố được quan tâm nhiều nhất, tiếp đến Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hội An, Huế, Mũi Né. Ngoài 2 thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội, những cái tên được nhắc đến trong danh sách đều là thành phố biển, cho thấy sức hút mạnh mẽ của du lịch biển đảo của Việt Nam đối với khách quốc tế. Dự báo, lượng tìm kiếm và đặt phòng những nơi này tiếp tục tăng cao trong 3 tháng hè.

Tại thị trường nội địa, Đà Nẵng là điểm đến được khách Việt tìm kiếm và đặt phòng nhiều nhất trong quý I. Bốn điểm đến tiếp theo gồm: Đà Lạt, TP.HCM, Nha Trang và Hà Nội.

Trong 2 tháng đầu năm, Australia là thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất khu vực APAC với gần 98.000 lượt và đứng top 6 toàn thế giới; tiếp theo là Malaysia, Campuchia, Thái Lan. Việt Nam đồng thời cũng nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu với khách Australia trong quý I. Trước dịch, Malaysia là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam tại APAC.

Cũng theo Booking, Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bởi khách Hàn Quốc, trong top 5 tìm kiếm của khách Nhật và top 10 của khách Ấn.

Đề xuất người hết tuổi lao động được vay vốn tạo việc làm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người hết tuổi lao động nhưng muốn tiếp tục làm việc được đào tạo kỹ năng nghề, vay vốn tạo việc làm.

Nông dân Hà Nội thu hoạch cúc họa mi

Nông dân Hà Nội thu hoạch cúc họa mi

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lần đầu tiên đề xuất hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi.

Cụ thể, người hết tuổi lao động (hiện nam 61, nữ 56 tuổi 4 tháng) nhưng còn khả năng và có nhu cầu làm việc thì được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.

Người cao tuổi muốn vay vốn để tạo hoặc mở rộng việc làm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí như: thuộc hộ nghèo; người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi làm hồ sơ vay vốn, người vay có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trình phương án sử dụng vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc tại địa phương và các loại giấy tờ chứng minh thuộc nhóm ưu tiên.

Việt Nam có hơn 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Còn hơn 9 triệu người hết tuổi lao động lọt lưới an sinh.

Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho kết quả, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc; chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Tổ chức Lao động quốc tế ILO dự báo, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế.

Quý I/2024, trung bình mỗi lô đất nền ở Đà Lạt được mua bán có giá hơn 8 tỷ đồng

Trong quý I/2024, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có 209 lô đất ở được giao dịch với giá trị gần 1.690 tỷ đồng, tương đương mỗi lô hơn 8 tỷ đồng.

Giá đất nền TP. Đà Lạt và Bảo Lâm trong quý I/2024 ghi nhận tăng so với 3 tháng cuối năm

Giá đất nền TP. Đà Lạt và Bảo Lâm trong quý I/2024 ghi nhận tăng so với 3 tháng cuối năm

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi Sở Xây dựng về giao dịch các loại hình bất động sản qua công chứng trong quý I/2024, cho thấy toàn Tỉnh có hơn 4.100 giao dịch bất động sản trong 3 tháng đầu năm.

Riêng với loại hình đất nền xây dựng nhà ở, có 3.811 lô đất được mua bán với giá trị gần 4.600 tỷ đồng, giảm gần 9% về số lượng và hơn 3% về giá trị so với quý IV/2023. Bình quân mỗi lô đất có giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Trong đó, TP. Đà Lạt có 209 lô với giá trị giao dịch gần 1.690 tỷ đồng, giảm hơn 30% và giảm 16% về giá trị so với quý IV/2023. Tuy nhiên, mức giá bình quân lại ghi nhận tăng. Trung bình mỗi lô đất nền được mua bán trong quý đầu năm có giá hơn 8 tỷ đồng, tăng gần 1 tỷ đồng so với 3 tháng cuối năm ngoái.

Địa phương có giao dịch nhiều nhất trong quý là huyện Bảo Lâm với 925 lô đất nền, giá trị gần 750 tỷ đồng, tương đương 810 triệu đồng/lô. Đây cũng là địa phương có giao dịch đất nền tăng mạnh, lần lượt 14% và hơn 34% về số lượng và giá trị so với quý IV/2023.

Tuy nhiên, nhiều huyện khác ở Lâm Đồng vẫn ghi nhận lượng giao dịch đất nền giảm trong quý I, như Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương... với mức giảm khoảng 4 - 30%.

Nhà đất TP.HCM rao bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành công

Nhiều tài sản là bất động sản ở TP.HCM được rao bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành công vì nhiều nguyên nhân.

Nhiều nhà đất tại TP.HCM được đem ra đấu giá. Ảnh minh họa

Nhiều nhà đất tại TP.HCM được đem ra đấu giá. Ảnh minh họa

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM mới đây có thông báo đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng tại số 128/10/2 đường Cống Hộp Rạch Bùng Binh, Quận 3. Điều đáng nói, tài sản này đã được đấu giá tới lần thứ 18.

Diện tích khu đất theo giấy chứng nhận đạt gần 209 m2, hiện trạng có nhà cấp 4, 2 tầng với diện tích sàn xây dựng hợp lệ gần 406 m2. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là hơn 10 tỷ đồng. Thời gian đấu giá từ ngày 20/3 - 9/4. Tiền đặt cọc trước là 2 tỷ đồng, tương đương 20% giá khởi điểm.

Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 743/1 Hồng Bằng, Quận 6 cũng được đấu giá tới lần thứ 9. Diện tích khu đất hơn 692 m2, trong đó có nhà cấp 4 với diện tích sàn xây dựng 178 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 33 tỷ đồng.

Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 thông báo đấu giá lần thứ 7 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 543/4 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 15, Quận 10. Diện tích 27,6 m2, nhà trong hẻm, gồm 1 trệt 2 lầu, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng.

Căn hộ số 10.3 Ruby 2 Chung cư cao tầng Saigon Pearl, số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh cũng được đem ra đấu giá. Diện tích sàn 138 m2, sở hữu lâu dài, giá khởi điểm gần 8,7 tỷ đồng. Khách hàng phải tự xác minh về hiện trạng, tình trạng, các thông tin quy hoạch liên quan đến tài sản và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề trên khi đăng ký tham đấu giá.

Chi cục Thi hành án dân sự Quận 12 cũng thông báo không có người tham gia đấu giá lần 8 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 41/8 khu phố 4, phường Hiệp Thành. Một khu đất khác cũng được đấu giá tới lần thứ 14 nhưng bất thành. Tài sản là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 506, tờ bản đồ số 71 tại phường An Phú, TP .Thủ Đức.

Nhiều tài sản bất động sản đấu giá không thành vì nhiều nguyên nhân. Ngoài việc thị trường gần đây vừa trải qua giai đoạn khó khăn, thanh khoản thấp thì còn có vấn đề thủ tục pháp lý liên quan tài sản đấu giá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023. Theo đó, diện tích rừng (gồm diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ) đạt 14.860.309 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751 ha; rừng trồng 4.730.557 ha.

Cán bộ Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang, tích cực kiểm tra rừng thường xuyên

Cán bộ Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang, tích cực kiểm tra rừng thường xuyên

Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ đạt 13.927.122 ha; trong đó, rừng tự nhiên 10.129.751 ha, rừng trồng 3.797.371 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.

Trong số các vùng sinh thái, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất với 5.621.185 ha, tỷ lệ che phủ rừng cũng lớn nhất - 54,23%. Tiếp theo là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 5.439.645 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,04%. Khu vực Tây Nguyên có 2.585.700 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,34%.

Khu vực có diện tích rừng ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 244.643 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng 5,40%.

Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có diện tích rừng tương ứng là 489.406 ha và 479.730ha; tỷ lệ độ che phủ rừng lần lượt là 21,26% và 19,6%.

Trong số các tỉnh có rừng trên toàn quốc, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất với 1.018.788 ha; tiếp theo là Quảng Nam với 681.156 ha, xếp thứ 3 là Sơn La với 676.890 ha.

Ngoài ra, một số tỉnh có diện tích rừng lớn như Thanh Hóa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Lạng Sơn.

Cũng theo công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất là Bắc Kạn với 73,38%; tiếp theo là Quảng Bình với 68,70%; Tuyên Quang 65,18%.

Trước đó, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 được công bố bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha; trong đó rừng tự nhiên có 10.134.082 ha, rừng trồng có 4.655.993 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.

Công ty xả thẳng nước thải ra sông bị phạt 3,4 tỷ đồng

Doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn ở huyện Sông Hinh vừa bị UBND tỉnh Phú Yên phạt gần 3,4 tỷ đồng do xả nước thải ra sông, suối mà không qua xử lý.

Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh (Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên) đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước
Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh (Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên) đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước

Qua kiểm tra, ngành chức năng xác định Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên xử lý sai quy trình nước thải sau khi rửa rau củ; tự ý xây mương bêtông xi măng để dẫn nước thải không qua xử lý, sau đó chảy ra suối và sông Hinh; lượng nước thải ra môi trường hơn 1.500 m3 mỗi ngày, vượt ngưỡng quy chuẩn; sử dụng 9.500 m3 nước mỗi ngày - vượt 2.840 m3 so với công suất được cấp phép.

Ngoài ra, năm 2023, công ty này thông tin không trung thực về khai thác, sử dụng nước và xả thải - số liệu dùng trên thực tế gấp 3 lần báo cáo.

Cơ quan chức năng yêu cầu, trong 30 ngày kể từ lúc nhận quyết định xử phạt, Công ty phải tháo dỡ công trình vi phạm, khắc phục ô nhiễm, chi trả kinh phí kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.

Tin cùng chuyên mục