Bản tin thời sự sáng 26/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều cán bộ Hà Nội bị kỷ luật vì vi phạm liên quan Công ty Thuận An; các tỉnh thành còn dư hơn 2.200 tỷ đồng Quỹ Phòng chống thiên tai; sạt lở chia cắt tuyến đường kết nối 3 huyện phía Nam Lâm Đồng; TP.HCM chốt thời gian hoàn thành metro số 1 vào cuối quý IV; vàng nhẫn trơn lập đỉnh 83 triệu đồng một lượng…

Nhiều cán bộ Hà Nội bị kỷ luật vì vi phạm liên quan Công ty Thuận An

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cách chức, cho thôi chức vụ nhiều cán bộ Ban giao thông do liên quan tiêu cực gói thầu thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 thời điểm đang thi công
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 thời điểm đang thi công

Ngày 25/9, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội công bố thông tin xử lý vi phạm tổ chức đảng và đảng viên liên quan Gói thầu Thi công xây dựng cầu đoạn từ trụ 25 đến trụ 47 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Gói thầu do Liên danh Công ty CP Phát triển xây dựng thương mại Thuận An và Công ty CP Cầu 7 Thăng Long thực hiện.

Theo kết luận, Đảng ủy Ban giao thông đã vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Một số lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu; quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội quyết định cảnh cáo Đảng ủy Ban giao thông nhiệm kỳ 2020 - 2025; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Trịnh Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý thực hiện dự án 2, và ông Lê Văn Măng, viên chức Phòng Quản lý thực hiện dự án 2.

Ông Nguyễn Chí Cường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban giao thông, và ông Phạm Văn Duân, Phó giám đốc, bị cảnh cáo. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, nguyên Phó giám đốc Ban giao thông; ông Nguyễn Đình Đán và ông Vũ Tiến Bình, viên chức Phòng Quản lý thực hiện dự án 2, bị khiển trách.

Trước đó một ngày, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp, quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Ban giao thông, và ông Đỗ Đình Phan, Phó giám đốc. Ông Nguyễn Chí Cường thôi giữ chức vụ Giám đốc Ban giao thông và ông Phạm Văn Duân thôi giữ chức Phó Giám đốc.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công đầu năm 2021, hoàn thành và thông xe, đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 8/2023. Tại dự án này, nhà thầu Công ty Thuận An đã liên danh với Công ty CP Cầu 7 Thăng Long trúng thầu thi công xây dựng một phần cầu.

Giá trị hợp đồng của gói thầu thuộc Dự án là gần 290 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thuận An thi công các hạng mục có tổng giá trị hơn 209 tỷ đồng, Công ty CP Cầu 7 Thăng Long là hơn 80 tỷ đồng.

Các tỉnh thành còn dư hơn 2.200 tỷ đồng Quỹ Phòng chống thiên tai

Đến tháng 9/2024, Quỹ phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành kết dư hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó Lào Cai còn hơn 11 tỷ đồng, nhưng thiệt hại sau bão Yagi hơn 3.200 tỷ đồng.

Bộ đội dầm mình trong bùn nhão tìm kiếm nạn nhân ở Làng Nủ

Bộ đội dầm mình trong bùn nhão tìm kiếm nạn nhân ở Làng Nủ

Quỹ phòng chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm Quỹ phòng chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.

Quỹ cấp tỉnh được thành lập từ năm 2014, quỹ trung ương chưa hoạt động do vướng mắc về mô hình hoạt động theo Nghị định 78/2021. Nguồn quỹ đến từ sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn; điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh; tiền lãi các khoản gửi; tồn dư từ năm trước sang năm sau.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, từ năm 2014 đến 20/9/2024, Quỹ phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ đồng, còn kết dư 2.263 tỷ đồng. Quỹ sẽ chi cho ba hoạt động chính là ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hoạt động phòng ngừa.

Ngoài sử dụng Quỹ cho tỉnh mình thì chủ tịch các tỉnh thành có thể quyết định điều chuyển Quỹ để hỗ trợ trung ương cũng như các tỉnh khác khắc phục hậu quả thiên tai. Đơn cử năm 2017 và năm 2021, TP.HCM hỗ trợ Công ty Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7,5 tỷ đồng. TP. Đà Nẵng hỗ trợ cho 14 tỉnh ở miền Bắc và miền Trung gần 50 tỷ đồng trong những năm qua.

Sau thiệt hại do bão Yagi, một số địa phương dự kiến sử dụng Quỹ để khắc phục hậu quả, như Lào Cai 5 tỷ đồng, Hải Phòng 50 tỷ đồng, Điện Biên 3 tỷ đồng, Yên Bái 13 tỷ đồng, Thái Nguyên 10 tỷ đồng, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Sạt lở chia cắt tuyến đường kết nối 3 huyện phía Nam Lâm Đồng

Sau những ngày mưa lớn kéo dài, Tỉnh lộ 721 đoạn qua huyện Đạ Tẻh đi Bù Đăng, tỉnh Bình Phước sụt lún, đứt gãy mặt đường, giao thông bị gián đoạn.

Lực lượng chức năng huyện Đạ Tẻh chốt chặn 2 đầu, căng dây cảnh báo không cho phương tiện lưu thông tại khu vực này

Lực lượng chức năng huyện Đạ Tẻh chốt chặn 2 đầu, căng dây cảnh báo không cho phương tiện lưu thông tại khu vực này

Rạng sáng 25/9, Tỉnh lộ 721 đoạn qua thôn Lộc Hòa, xã Đạ Lây, Đạ Tẻ bị sụt lún tạo thành hố ăn sâu vào nền đường ở hướng từ huyện Bù Đăng vào Đạ Tẻh.

Lực lượng chức năng đã căng dây, lắp biển hai đầu vị trí sạt lở, đồng thời bố trí người gác để hướng dẫn các loại xe đi theo Tỉnh lộ 725, xa hơn đường cũ khoảng 50 km.

Ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, vị trí này có nguy cơ sạt lở thêm nên chính quyền buộc phải phong tỏa, cấm ôtô lưu thông hai chiều để đảm bảo an toàn. Huyện đã báo cáo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng sớm xử lý sự cố để đường sớm thông trở lại.

Tỉnh lộ 721 dài hơn 50 km, là tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 20 với 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đi huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

TP.HCM chốt thời gian hoàn thành metro số 1 vào cuối quý IV

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành thi công, vận hành thương mại toàn tuyến vào cuối quý IV theo quyết định mới nhất của UBND TP.HCM.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 98% tổng khối lượng

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 98% tổng khối lượng

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến cuối quý IV.

Các nội dung khác không thay đổi so với chủ trương đầu tư Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đó.

UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố (MAUR - là chủ đầu tư) tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định, đảm bảo thời gian hoàn thành thi công, vận hành thương mại toàn tuyến vào cuối quý IV.

MAUR có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các đầu việc còn lại đúng tiến độ, có cam kết ràng buộc trách nhiệm các bên, chế tài xử lý; nhận diện các rủi ro tiềm ẩn.

UBND TP.HCM lưu ý, MAUR chủ động có giải pháp hòa giải hoặc biện pháp xử lý phù hợp đối với các nhà thầu đang khiếu nại, không để các vướng mắc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Đồng thời, MAUR không được để phát sinh các chi phí do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; trong trường hợp có phát sinh chi phí liên quan, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có phương án xử lý theo quy định pháp luật.

Lý do điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án là tại quyết định điều chỉnh trước đây, metro số 1 có mốc tiến độ hoàn thành thi công cuối quý IV/2023. Tuy nhiên, khối lượng công việc của Dự án đến nay đạt khoảng 98% và vẫn chưa hoàn tất các đầu việc cuối cùng để đưa Dự án vào nghiệm thu.

Vì vậy, việc phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công tuyến metro số 1 từ cuối quý IV/2023 thành cuối quý IV/2024, để có cơ sở tiếp tục giải ngân cho Dự án.

Dự án metro số 1 hiện đạt 98% tổng khối lượng, dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Vàng nhẫn trơn lập đỉnh 83 triệu đồng một lượng

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, xác lập kỷ lục mới 83 triệu đồng.

Giao dịch vàng nhẫn trơn tại SJC

Giao dịch vàng nhẫn trơn tại SJC

Ngày 25/9, các thương hiệu kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh mạnh giá nhẫn trơn 24K. Mỗi lượng mua vào tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 800.000 đồng, còn bán ra tăng một triệu đồng, lên mức kỷ lục mới 80,8 - 82,3 triệu đồng.

Tại các thương hiệu khác, nhẫn trơn thậm chí lên cao hơn. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết nhẫn trơn 82 - 83 triệu đồng một lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng nâng giá nhẫn trơn lên 81,9 - 82,95 triệu.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước ngày 25/9 không thay đổi giá bán vàng miếng can thiệp, nên giá mặt hàng này trên thị trường vẫn đi ngang. SJC niêm yết giá mua bán vàng miếng tại 81,5 - 83,5 triệu đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần qua, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 3 triệu đồng và liên tiếp xác lập kỷ lục mới. So với đầu năm, nhẫn trơn tăng hơn 19 triệu đồng một lượng, tương đương hiệu suất sinh lời gần 31%.

Trong khi đó, vàng miếng kém "nhạy" hơn so với nhẫn trơn, trước các biến động của thị trường quốc tế. Vàng miếng tăng 1,7 triệu đồng trong tuần qua và cao hơn gần 10 triệu đồng so với đầu năm, tương đương mức sinh lời 13%.

Trên thị trường quốc tế, kim loại quý có thời điểm lên 2.670 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới vượt 76 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới neo quanh 4 triệu đồng một lượng.

Doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long bị phạt gần 10 tỷ đồng vì khai thác cát lậu

Khai thác trái phép hơn 700 m3 cát lòng sông Hậu, Công ty TNHH Môi trường Trung Hưng bị UBND tỉnh Vĩnh Long xử phạt 9,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long bị phạt gần 10 tỷ đồng vì khai thác cát lậu. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long bị phạt gần 10 tỷ đồng vì khai thác cát lậu. Ảnh minh họa

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Môi trường Trung Hưng (địa chỉ tại tỉnh Ninh Bình) được UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành ngày 25/9.

Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt 350 triệu đồng về hành vi khai thác cát sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời phạt bổ sung 9,25 tỷ đồng (tương đương giá trị sà lan tự hành và cần cẩu là tang vật vi phạm) và tịch thu toàn bộ hơn 700 m3 cát đã khai thác trái phép.

Trước đó, hôm 28/7, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và lập biên bản việc Công ty TNHH Môi trường Trung Hưng khai thác lậu số cát trên tại lòng sông Hậu, thuộc thủy phận xã Phú Thành, huyện Trà Ôn.

Tình trạng khai thác cát lậu tại miền Tây diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, manh động. Nhiều "cát tặc" sẵn sàng chống trả, cố tình cung cấp thông tin không chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi bị phát hiện, xử lý.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, công an các địa phương ở miền Tây phát hiện hơn 1.390 vụ khai thác cát trái phép, khởi tố 6 vụ án với 26 bị can, xử phạt hành chính hơn 22 tỷ đồng...

Lập hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

Chính quyền địa phương đang xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn từ trên cao

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn từ trên cao

Ngày 25/9, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) cho biết, vừa có cuộc họp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các sở, ngành, đơn vị liên quan về xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới PN-KB trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Dự kiến việc lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới PN-KB có diện tích 484.326 ha, dân số 133.642 người.

Trong đó, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển được lấy theo ranh giới vùng lõi VQG PN-KB và khu di sản VQG PN-KB, thuộc địa phận 2 huyện, 7 xã/thị trấn, diện tích 123.326 ha.

Vùng đệm được lấy theo ranh giới vùng đệm VQG PN-KB thuộc địa phận 3 huyện, 13 xã/thị trấn, diện tích 220.000ha; vùng chuyển tiếp nằm trên địa phận 6 huyện/thị xã, 18 xã/thị trấn, diện tích 141.000 ha.

Được biết, để được đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần đạt được 7 tiêu chí bao gồm: Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người; Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại khu vực; Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp; Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp, để cùng thực hiện những chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.

Đến nay, trên thế giới có 738 khu dự trữ sinh quyển tại 134 quốc gia; bao gồm 22 khu dự trữ sinh quyển thế giới xuyên biên giới đã được công nhận. Tại Việt Nam, có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tin cùng chuyên mục