Cấm người, xe vào trung tâm TP.HCM từ 3h ngày 27/4
Người, xe không được vào hơn 20 tuyến đường tại Quận 1, TP.HCM từ 3h đến 12h ngày 27/4 để phục vụ tổng duyệt diễu binh chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
![]() |
Đoàn diễu binh ở trung tâm TP.HCM trong buổi sơ duyệt |
Việc điều chỉnh giao thông nhằm phục vụ buổi tổng duyệt diễu binh cấp Nhà nước, được tổ chức trên đường Lê Duẩn, Quận 1, theo thông báo của Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM (PC08). Đây là ngày đầu tiên cả người, xe bị hạn chế vào khu vực tổ chức sự kiện từ rạng sáng, do những đợt hợp luyện hay sơ duyệt các ngày trước đều diễn ra vào buổi tối.
Cụ thể, xe và người không có nhiệm vụ sẽ không được vào khu vực hạn chế, gồm: cầu Ba Son (hướng TP. Thủ Đức sang Quận 1), đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ Nguyễn Đình Chiểu tới Nguyễn Hữu Cảnh), Đinh Tiên Hoàng (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn), Tôn Đức Thắng (từ Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng), Mạc Đĩnh Chi (từ Trần Cao Vân đến Nguyễn Du).
Các tuyến khác cũng cấm xe, gồm: Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Hồ Con Rùa đến Nhà thờ Đức Bà); Hai Bà Trưng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định (từ Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Nguyễn Du (từ Tôn Đức Thắng đến Cách Mạng Tháng 8); Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp Cách Mạng Tháng 8).
Ngoài ra, khu vực cấm xe và người không làm nhiệm vụ còn nằm trong vòng giới hạn của những tuyến đường nêu trên, như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi...
Sau buổi tổng duyệt, đến ngày 30/4 khi chính thức diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xe cũng bị cấm vào khu vực trên từ 3h đến 12h. Ngoài ra, Thành phố cũng hạn chế xe tải vào khu vực nội đô nhằm đảm bảo an toàn.
Sẽ trình Quốc hội cơ chế đặc thù đầu tư dự án đường sắt trước ngày 5/5
Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
![]() |
Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn thực hiện dự án đường sắt |
Ngày 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất (29/3), Thủ tướng đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.
Theo các báo cáo tại phiên họp, ngoài 5 nhiệm vụ thường xuyên, trong 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 12 nhiệm vụ chưa đến hạn, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo về tình hình thực hiện 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM.
Kết luận phiên họp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.
Về vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
“Phải huy động tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch tổng thể triển khai, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12/2026.
Với Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận nhiệm vụ của 12 Thanh tra bộ
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội quy định, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận nhiệm vụ của 12 Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh.
![]() |
Trụ sở Thanh tra Chính phủ |
Trình Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 26/4, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Dự thảo lược bỏ 54/118 điều của Luật Thanh tra năm 2022 quy định về Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện và cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Theo ông Phong, việc này là phù hợp khi triển khai Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; kết thúc hoạt động của tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo Luật quy định Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi thấy cần thiết.
Chánh Thanh tra tỉnh cũng được đề nghị giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp cơ sở cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh tra cấp tỉnh khi cần thiết. Điều này nhằm tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, giữa Thanh tra tỉnh với các sở và UBND cấp cơ sở, đồng thời đảm bảo sự tham gia của người có năng lực, chuyên môn phù hợp vào các đoàn thanh tra.
Ông Phong cho biết, việc lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022 sẽ giúp cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, bao gồm các thủ tục do nhiều cấp thanh tra và cơ quan thanh tra chuyên ngành thực hiện trước đây.
Cuối tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp Trung ương và địa phương.
Theo đó, ở Trung ương, Thanh tra các bộ sẽ kết thúc hoạt động để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc Thanh tra Chính phủ…
Quảng Nam, Đà Nẵng sắp xếp 4.291 trụ sở và 760 xe công sau sáp nhập
Sau khi Đà Nẵng và Quảng Nam chính thức hợp nhất, việc sắp xếp lại 4.291 trụ sở làm việc và 760 xe công đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
![]() |
Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng vừa thông qua Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng |
Ngày 26/4, Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng thông qua Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Hiện có tổng cộng 4.291 trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong đó, Đà Nẵng có 1.681 cơ sở và Quảng Nam có 2.610 cơ sở. Sau hợp nhất, trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ được đặt tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng, kết hợp sử dụng một số nhà, đất còn trống trên địa bàn.
Đồng thời, một số cơ quan sẽ tiếp tục hoạt động tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) để hỗ trợ người dân khu vực phía Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với thiên tai. Việc bố trí này nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, tránh lãng phí nguồn lực.
Đối với các trụ sở dôi dư, Đề án đề xuất chuyển đổi công năng thành trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc các cơ sở công vụ tại vùng sâu, vùng xa. Các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.
Riêng đối với trụ sở cấp xã, phường, thị trấn, do số lượng hiện tại khá lớn, đặc biệt là tại Quảng Nam (247 trụ sở so với 78 đơn vị hành chính dự kiến sau sắp xếp), Đề án hướng đến việc tiếp tục sử dụng các trụ sở hiện có, ưu tiên tiêu chí thuận tiện cho người dân và giảm thiểu lãng phí. Các trụ sở dôi dư sẽ được chuyển đổi công năng phục vụ các hoạt động công cộng khác như trụ sở công an, ban chỉ huy quân sự, trạm y tế, trường học…
Đồng thời, Đề án cũng đề cập đến việc sắp xếp lại 760 xe ô tô công của hai địa phương (Đà Nẵng 470 xe, Quảng Nam 290 xe). Xe chức danh sẽ được tiếp tục bố trí theo quy định. Xe công phục vụ công tác chung cấp tỉnh sẽ được phân bổ lại cho các cơ quan hành chính, Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Xe công cấp huyện sẽ được bố trí lại cho cấp cơ sở. Xe chuyên dùng sẽ tiếp tục được sử dụng đúng mục đích.
Đường cửa ngõ phía Đông TP.HCM được mở rộng gấp ba
Đoạn đường Nguyễn Thị Định ở TP. Thủ Đức được mở rộng lên 30 m, gấp ba lần hiện trạng với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, giúp giảm ùn tắc khu Đông của Thành phố.
![]() |
Đoạn đường Nguyễn Thị Định sắp được mở rộng |
Dự án được khởi công sáng 26/4, dự kiến hoàn thành tháng 6/2026. Đoạn đường dài khoảng 2 km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, được mở rộng từ 7 - 8 m lên 30 m. Trong đó, mặt đường có chiều rộng 21 m, 6 làn xe và vỉa hè mỗi bên rộng 4,5 m. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh cũng được xây dựng đồng bộ dọc tuyến.
Trong tổng vốn đầu tư Dự án, kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn với gần 1.800 tỷ đồng. Phần còn lại là xây lắp cùng các khoản dự phòng, tư vấn, quản lý... Để thực hiện công trình, TP. Thủ Đức thu hồi gần 64.000 m2 với hơn 440 trường hợp bị ảnh hưởng. Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng.
Dự án mở rộng đoạn đường này đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, đặc biệt là công tác đền bù nên công trình chưa được triển khai. Năm 2023, Dự án được Thành phố điều chỉnh lại theo tình hình thực tế làm cơ sở thực hiện.
Nguyễn Thị Định là đường dẫn vào cảng Cát Lái - cảng lớn nhất nước về sản lượng hàng hóa. Trong đó, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy nhỏ hẹp, qua các khu dân cư dày đặc và trường học nên xe trọng tải lớn đang phải đi tránh qua các tuyến đường khác.
Bình Thuận sẽ rà soát, xử lý mạnh tay loạt dự án đầu tư chậm triển khai
Bình Thuận còn 246 dự án đầu tư chưa triển khai, chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực, sẽ bị rà soát và đề xuất biện pháp xử lý.
![]() |
Khu vực ven biển Phan Thiết có nhiều dự án triển khai |
Theo Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, tính đến hết ngày 15/4/2025, trên địa bàn có 1.630 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 1.765.037 tỷ đồng.
Cũng theo đơn vị này, 3 năm qua, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 129 dự án đầu tư, với tổng số tiền xử phạt 10,795 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động đối với 59 dự án đầu tư, quyết định tạm ngừng đối với 4 dự án đầu tư.
Hiện toàn Tỉnh còn 246 dự án đầu tư chưa triển khai, chậm triển khai cần phải được rà soát, theo dõi và đề xuất biện pháp xử lý.
Nguyên nhân chậm triển khai dự án được các sở, ngành, địa phương chỉ ra chủ yếu do công tác lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và đô thị ở một số địa phương còn rất chậm; việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng, lâm nghiệp, khoáng sản… còn nhiều hạn chế.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát đối với các dự án đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai chậm.
Đối với các dự án đầu tư có tác động nhưng chậm triển khai, Sở Xây dựng và địa phương rà soát tiến độ xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định các trường hợp không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng để đề xuất xử lý.
Đối với các dự án đầu tư chưa tác động dù đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, trường hợp không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng hoặc chậm sử dụng đất 24 tháng thì đề xuất hướng xử lý, làm cơ sở để tiến hành chấm dứt hoạt động dự án.
Đối với các dự án đầu tư chưa được giao đất, cho thuê đất thì kiểm tra tiến độ, năng lực của nhà đầu tư, rà soát nguyên nhân từng trường hợp, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các trường hợp đủ điều kiện chấm dứt hoạt động theo quy định.
Chủ tịch UBND Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xác định giá đất.
Canada điều tra chống bán phá giá với thép Việt Nam
Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá với dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ Việt Nam.
![]() |
Canada điều tra chống bán phá giá với một số mặt hàng dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa |
Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số mặt hàng dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguyên đơn khởi kiện là Sivaco Wire Group - một nhà sản xuất dây thép hàng đầu tại Canada, được thành lập từ năm 1949.
CBSA sẽ có bản tuyên bố lý do trong 15 ngày (dự kiến ngày 7/5) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc điều tra. Trong 90 ngày, cơ quan này sẽ có kết luận sơ bộ (dự kiến ngày 21/7) và có thể áp dụng thuế tạm thời trong thời gian này.
Dựa trên số liệu từ nguồn Trademap, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép nêu trên của Việt Nam sang Canada trong giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt đạt 1,6 triệu USD, 543.000 USD và 860.000 USD.
Ngoài ra, Tòa án Thương mại quốc tế Canada sẽ điều tra về thiệt hại với ngành công nghiệp Canada và đưa ra kết luận sơ bộ trong 60 ngày (dự kiến vào 21/6). Nếu họ kết luận không có thiệt hại theo quy định, việc điều tra sẽ được chấm dứt.
CBSA đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho các nhà xuất khẩu Việt Nam nhằm thu thập dữ liệu phục vụ điều tra. Theo đó, các doanh nghiệp nhận yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về doanh số, chi phí và cấu trúc giá liên quan đến các lô hàng xuất khẩu sang Canada trong năm 2024. Đồng thời, CBSA cũng yêu cầu cung cấp dữ liệu về hoạt động bán hàng nội địa, chi phí với hàng hóa tương tự trong cùng thời gian này.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan theo dõi chặt diễn biến tiếp theo của vụ việc, chủ động nghiên cứu, nắm quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Canada và xác định chiến lược kháng kiện phù hợp.
Các doanh nghiệp cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Canada trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Theo cơ quan của Bộ Công Thương, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Canada sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế cáo buộc cao nhất cho doanh nghiệp.
Đề xuất nâng trợ cấp lên 1 triệu đồng với thanh niên xung phong
Trợ cấp với thanh niên xung phong có thể nâng từ 540.000 đồng mỗi tháng lên 1 triệu đồng, theo đề xuất của Bộ Nội vụ.
![]() |
Đồng đội thăm nơi an nghỉ của 13 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn, Nghệ An |
Tại Dự thảo Nghị định điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, Bộ Nội vụ đề xuất nâng trợ cấp với hai nhóm này từ 540.000 đồng lên 1 triệu đồng mỗi tháng.
Bộ giải thích, mức chi trả giữ nguyên từ năm 2016 đến nay còn thấp, cần điều chỉnh để bảo đảm cuộc sống cho những người đã cống hiến tuổi xuân trong kháng chiến, nay tuổi cao, sức yếu.
Trường hợp thuộc quy định trên từ trần kể từ ngày 1/9/2025 mà chưa được nâng trợ cấp theo quy định thì người tổ chức mai táng được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch kể từ ngày điều chỉnh đến tháng thanh niên xung phong từ trần.
Chính sách được thực hiện từ ngày 1/9, dự kiến kinh phí tăng thêm hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Số người thụ hưởng hơn 3.600, tính tới cuối năm 2023.
Tiếp thu góp ý từ bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đưa quy định trợ cấp hàng tháng của các nhóm này sẽ bằng 2 lần chuẩn trợ giúp xã hội thay vì khoản tiền cụ thể, để mỗi lần Chính phủ điều chỉnh chuẩn trợ giúp xã hội thì tiền hỗ trợ với thanh niên xung phong cũng nâng theo mà không cần ban hành chính sách riêng.
Không công bố thông tin, Công ty CP BB Power Holdings bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP BB Power Holdings do không thực hiện công bố thông tin định kỳ.
![]() |
Công ty CP BB Power Holdings bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa |
UBCKNN vừa ban hành Quyết định số 71/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP BB Power Holdings (địa chỉ: A203 tháp The Manor, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
BB Power Holdings bị phạt 92.500.000 theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty CP BB Power Holdings không thực hiện công bố thông tin định kỳ đối với các tài liệu sau: Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên năm 2023, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên năm 2024.
Ngoài ra, Công ty gửi nội dung công bố thông tin không đúng thời hạn cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, Việc thay đổi ngày thanh toán lãi, ngày trả gốc, lãi suất mã BBP.H.20.23.001.