Bản tin thời sự sáng 27/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định; Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ việc bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" bị phá hoại; triển khai hơn 20 điểm ghi hình phạt nguội trên các tuyến đường nội đô tại Hà Nội…

Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 26/5/2025 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định.

Khu công nghiệp Bảo Minh, tỉnh Nam Định

Khu công nghiệp Bảo Minh, tỉnh Nam Định

Theo Quyết định, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Trưởng Ban Quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ việc bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" bị phá hoại

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4623/VPCP-KGVX ngày 25/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính xử lý thông tin phản ánh về bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn".

Hình ảnh Ngai vua triều Nguyễn theo hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: Cục Di sản văn hóa cung cấp

Hình ảnh Ngai vua triều Nguyễn theo hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: Cục Di sản văn hóa cung cấp

Ngày 24/5/2025, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về việc bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" trưng bày tại Điện Thái Hòa thuộc Di tích Cố đô Huế bị phá hoại. Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa cho biết, vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24/5/2025, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm, sinh ngày 10/2/1983, thường trú tại Tổ 7, Khu vực 4, phường Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế mua vé vào cổng của Đại nội Huế.

Qua trích xuất camera và điều tra bước đầu của lực lượng chức năng thì tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ là Đặng Quang Long và Đào Hoàng Vũ đều có mặt ở khu vực Điện Thái Hoà. Lúc vào khu vực Điện Thái Hòa, đối tượng có biểu hiện không bình thường, một nhân viên bảo vệ đã mời đối tượng đi ra phía hậu điện. Tuy nhiên, đối tượng sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.

Để tránh việc đối tượng manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng đi ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12 giờ 10 phút đã khống chế đối tượng Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản bắt người.

Ngay sau đó, lực lượng Công an phường Đông Ba đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với đối tượng Hồ Văn Phương Tâm, tuy nhiên chưa thể ghi lời khai của đối tượng do đối tượng có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm không thể trả lời các câu hỏi của điều tra viên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế đang tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Hồ Văn Phương Tâm và phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan nhằm giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính yêu cầu UBND thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn", đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.

Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6/2025.

Đồng thời chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2025.

Triển khai hơn 20 điểm ghi hình phạt nguội trên các tuyến đường nội đô tại Hà Nội

Ngày 26/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, thiết lập kỷ cương trong chấp hành pháp luật giao thông, từ ngày 26/5 đến hết ngày 14/10, Cảnh sát giao thông Hà Nội triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm bằng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Từ 6 giờ 30 sáng 26/5, cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đồng loạt triển khai hơn 20 điểm ghi hình phạt nguội lưu động trên các tuyến đường nội đô; bắt đầu sử dụng thiết bị nghiệp vụ để ghi hình vi phạm trên nhiều nút giao thông trọng điểm như Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Lộc, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng…

Đây là hệ thống camera lưu động sử dụng máy ảnh chuyên dụng, cho chất lượng hình ảnh chi tiết hơn, rõ nét hơn, đầy đủ thông tin, đảm bảo công khai minh bạch hình ảnh người và phương tiện bị phạt nguội.

Sau khi thiết bị chuyên dụng phát hiện vi phạm sẽ được truyền về các chốt trực gần nhất để dừng phương tiện xử lý. Nếu không thể dừng phương tiện ngay, lực lượng chức năng sẽ xác minh, xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Công an thành phố Hà Nội cho biết kế hoạch này tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như không chấp hành tín hiệu đèn, đi sai làn, phần đường, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, điều khiển xe trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm, chở quá người, dùng điện thoại khi lái xe, vi phạm liên quan đến biển số.

Đồng thời, kế hoạch này giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hà Nội thí điểm cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND 24/5 về việc thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Đường sắt đô thị. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Đường sắt đô thị. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo kế hoạch ban hành kèm Quyết định, Thành phố xác định mục tiêu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 188. Kế hoạch gồm 7 nhóm nội dung trọng tâm, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng các văn bản cụ thể hóa quy định của Nghị quyết; tổ chức quy hoạch mạng lưới đường sắt và khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư lớn giai đoạn 2026 - 2045.

Về xây dựng văn bản quy phạm, Thành phố sẽ kiện toàn tổ công tác liên ngành; ban hành hướng dẫn, quy định chi tiết việc lựa chọn tuyến, vị trí công trình, cơ chế chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn thiết kế, cũng như tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp đường sắt đô thị.

Công tác quy hoạch sẽ tập trung rà soát hiện trạng đất đai dọc các tuyến đường sắt, cập nhật quy hoạch các khu vực TOD và tích hợp vào các đồ án điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải và quy hoạch điện của Thủ đô, nhằm đảm bảo nguồn lực đất đai và hạ tầng năng lượng cho các dự án.

Trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án, UBND Thành phố yêu cầu lập phương án huy động vốn cho giai đoạn trung hạn 2026 - 2030, 2031 - 2035; sử dụng linh hoạt ngân sách địa phương để ứng vốn cho các thủ tục ký kết hiệp định vay ODA. Đồng thời, Thành phố sẽ bố trí vốn đầu tư công cho một số hoạt động trước khi có quyết định đầu tư chính thức, chuẩn bị kỹ công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật. Về tiến độ cụ thể, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành đoạn ngầm và đưa vào vận hành toàn tuyến Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2027.

Trong tháng 10/2025, sẽ khởi công hai tuyến: tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc. Ngoài ra, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai các đoạn như tuyến số 3 (ga Hà Nội - Yên Sở), tuyến số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Nội Bài), tuyến 2A kéo dài đến Xuân Mai. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện các tuyến theo quy hoạch đến năm 2045.

Sẽ có tàu chạy thẳng Hà Nội - Bắc Kinh từ 27/5

Sau 5 năm dừng hoạt động, những hành khách đầu tiên của tuyến đường sắt liên vận Việt - Trung đã về tới Việt Nam. Hành khách sẽ làm thủ tục xuất nhập cảnh tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) và Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).

Những hành khách đầu tiên đặt chân tại ga Đồng Đăng

Những hành khách đầu tiên đặt chân tại ga Đồng Đăng

Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đêm ngày 25/5, đoàn khách trên chuyến tàu liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc đã đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) để thực hiện thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, việc khôi phục hoạt động chạy tàu khách liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt và mở rộng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế bằng tàu hỏa. Từ đó góp phần thúc đẩy thương mại song phương, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa và nhân dân, tạo thêm lựa chọn phương tiện di chuyển an toàn, thuận tiện, tiết kiệm và thân thiện với môi trường cho nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Sau khi khôi phục chuyến tàu khách liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, hằng ngày sẽ có 2 đoàn tàu mang số hiệu MR1 và MR2, xuất phát từ ga Gia Lâm (Hà Nội) tới ga Nam Ninh (Trung Quốc) và ngược lại.

Cụ thể, tàu MR1 sẽ xuất phát tại ga Gia Lâm lúc 21h20 và đến ga Nam Ninh lúc 10h06 hôm sau. Ở chiều ngược lại, tàu MR2 xuất phát tại ga Nam Ninh lúc 18h05 và đến ga Gia Lâm lúc 5h30 hôm sau. Hành khách sẽ làm thủ tục xuất nhập cảnh tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) và Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).

Đặc biệt, từ ngày 27/5, ngành đường sắt hai nước sẽ tổ chức chạy tàu thẳng từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đến ga Bắc Kinh (Trung Quốc) và ngược lại. Tàu xuất phát từ ga Gia Lâm vào 21h20 ngày thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, đến ga Bắc Kinh Tây vào thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần.

Về giá vé, chặng Hà Nội - Nam Ninh có giá khoảng 1 triệu đồng/vé/lượt, chặng Hà Nội - Bắc Kinh có giá vé 9.378.000 đồng/vé/lượt. Đặc biệt, trẻ em dưới 4 tuổi được miễn vé, từ 4 đến 12 tuổi được giảm 50% (mỗi người lớn được kèm 1 trẻ em), đoàn từ 6 người trở lên được giảm 25% giá vé.

Tin cùng chuyên mục