Bản tin thời sự sáng 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mục tiêu EVN có lãi năm 2025, với tăng trưởng doanh thu bình quân 7 - 10%; Quân khu 5 huy động hơn 60.000 cán bộ chiến sĩ ứng phó bão số 6; Quảng Ninh gia hạn dự án đường hơn 6.400 tỷ đồng; đã cấp điện trở lại cho hơn 500.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 6…

Mục tiêu EVN có lãi năm 2025, với tăng trưởng doanh thu bình quân 7 - 10%

Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi, với tăng trưởng doanh thu bình quân 7 - 10%.

EVN đã lỗ lũy kế hơn 56.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023

EVN đã lỗ lũy kế hơn 56.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký quyết định phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến hết năm 2025.

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Đề án cũng đặt mục tiêu doanh thu toàn tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước trên 23.000 tỷ đồng/năm và hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đề án, EVN sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch tài chính đảm bảo sử dụng tối ưu, hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn huy động được với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trong và ngoài nước.

Đồng thời, Tập đoàn xây dựng phương án tài chính, phương án cân đối vốn và dòng tiền để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các giải pháp đến tình hình tài chính, khả năng cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện quan trọng đến hết năm 2025.

Theo kế hoạch, công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giữ nguyên các đơn vị trực thuộc (trừ Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4).

Doanh nghiệp do EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP.HCM; Tổng công ty Phát điện 1; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.

Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4; Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP; Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP.

Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3.

Quân khu 5 huy động hơn 60.000 cán bộ chiến sĩ ứng phó bão số 6

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động hơn 60.000 cán bộ chiến sĩ, triển khai phương tiện ứng phó với bão số 6 theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống.

Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão, lũ

Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão, lũ

Thực hiện công điện của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các đơn vị đã khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống bão. Quân khu 5 đã huy động hơn 60.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm xe ô tô, xe đặc chủng, gần 500 xuồng ca nô để trực ứng phó bão số 6. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ban ngành đoàn thể địa phương, các đơn vị đứng chân trên địa bàn để cơ động trong các tình huống.

Trước khi bão số 6 đổ bộ, Quân khu 5 đã thành lập các đoàn công tác, kiểm tra công tác phòng chống bão tại các đơn vị, địa bàn. Lực lượng quân đội hoàn tất việc gia cố, chằng chống doanh trại, kho tàng, chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng ở các đơn vị đã về cơ sở tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, hỗ trợ di dời, sơ tán nhân dân vùng xung yếu, nguy hiểm, giúp ngư dân đưa phương tiện, tàu thuyền về nơi neo đậu.

Khi bão số 6 tiếp cận thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã triển khai lực lượng và trang thiết bị, phương tiện đặc chủng như ca nô, xuồng máy, xe kéo, cơ động đến các khu vực trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kịp thời xử lý các tình huống trong và sau bão.

Quảng Ninh gia hạn dự án đường hơn 6.400 tỷ đồng

Tỉnh Quảng Ninh vừa gia hạn dự án đường 6.400 tỷ đồng kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với thị xã Đông Triều thêm 9 tháng, tức đến 9/2025 hoàn thành.

Dự án đường ven sông, đoạn qua TP. Đồng Triều

Dự án đường ven sông, đoạn qua TP. Đồng Triều

Dự án đường ven sông Đá Bạch kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều được phê duyệt cuối năm 2021, đi qua thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí và TP. Đông Triều.

Tuyến đường dài 40,25 km, mỗi chiều có ba làn xe, dải đất ở giữa rộng trên 40 m để dự phòng mở rộng. Đoạn qua thị xã Quảng Yên dài một km, qua TP. Uông Bí 13,5 km, qua TP. Đông Triều 26,5 km. Toàn tuyến có 13 cầu vượt sông, 10 nút giao cùng mức, ba hầm chui dân sinh, hệ thống điện chiếu sáng, an toàn giao thông đồng bộ.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường có ý nghĩa chiến lược, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh, kết nối với đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, định hướng phát triển chuỗi đô thị công nghiệp xanh, du lịch văn hóa lịch sử, mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng và liên vùng.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2024. Tuy nhiên, 13 cầu cơ bản mới thi công xong móng, trụ và đang lao lắp, làm mặt cầu, xử lý nền đất yếu đường dẫn đầu cầu. Các gói thầu thi công đường thực hiện không liền mạch, chủ yếu mới thay đất yếu, làm hệ thống thoát nước và chưa đắp nền đường.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh (chủ đầu tư dự án) cho biết, tuyến đường thi công trên nền địa chất yếu, cần thời gian gia cố. Ngoài ra, 2 năm qua mưa nhiều, nguồn vật liệu san lấp lại khan hiếm. Vì vậy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý gia hạn Dự án đến ngày 2/9/2025.

Đã cấp điện trở lại cho hơn 500.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 6

Theo thống kê, cơn bão số 6 đã ảnh hưởng tới khoảng 700.000 khách hàng sử dụng điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Công nhân PC Quảng Nam xử lý sự cố sau ảnh hưởng của bão số 6

Công nhân PC Quảng Nam xử lý sự cố sau ảnh hưởng của bão số 6

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, bão số 6 (Trà Mi) đổ bộ đất liền các tỉnh miền Trung trưa 27/10 đã gây ra nhiều sự cố trên lưới điện các tỉnh trong khu vực.

Theo thống kê ban đầu, cơn bão đã làm xảy ra 203 sự cố tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên bao gồm: Quảng Bình (29 vụ), Quảng Trị (32 vụ), Thừa Thiên Huế (45 vụ), Đà Nẵng (52 vụ), Quảng Nam (35 vụ), Quảng Ngãi (2 vụ), Bình Định (4 vụ), Kon Tum (3 vụ) và Gia Lai (2 vụ).

Tới 15h cùng ngày, EVNCPC đã nhanh chóng cấp điện trở lại cho 502.600 khách hàng, chiếm 10,5% tổng số khách hàng toàn EVNCPC và chiếm 71,9% tổng số khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 6. Đồng thời, tổng công ty đã khắc phục được 140 sự cố lưới điện tại các tỉnh.

Hiện tại, các đơn vị trong EVNCPC đang tập trung nhân lực sớm khắc phục các sự cố còn lại tại các tỉnh thành bao gồm Quảng Bình (4 vụ), Quảng Trị (17 vụ), Thừa Thiên Huế (27 vụ), Đà Nẵng (13 vụ), Quảng Nam(11 vụ) và Kon Tum (1 vụ).

Hải Dương điều chỉnh gần 316 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 18 dự án

HĐND tỉnh Hải Dương vừa quyết định điều chỉnh gần 316 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 cho 18 dự án, công trình.

Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hải Dương giai đoạn II được bổ sung 20 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024

Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hải Dương giai đoạn II được bổ sung 20 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024

Theo đó, HĐND tỉnh Hải Dương thống nhất điều chỉnh giảm vốn đầu tư công ngân sách Trung ương gần 133 tỷ đồng của 7 dự án để bổ sung vốn cho 2 dự án. Đồng thời điều chỉnh giảm hơn 183 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương của 5 dự án để bổ sung cho 4 dự án khác.

Những dự án giảm vốn đều không có khả năng giải ngân vốn đã giao nên được điều chỉnh giảm để bổ sung cho các dự án chưa bố trí đủ vốn và có thể giải ngân hết 100% vốn bổ sung trong niên độ ngân sách năm 2024. Việc điều chỉnh kịp thời nguồn vốn giữa các dự án là cơ sở để tỉnh hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Hải Dương cũng quyết định phân bổ vốn đầu tư công ngân sách địa phương 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2024 nguồn ngân sách tỉnh để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, giao cấp huyện thực hiện đầu tư các dự án xây dựng trụ sở công an cấp xã, phòng học còn thiếu, chợ nông thôn.

Dự án Hanoi Melody (Hà Nội) xin được thi công, bán hàng trở lại

Chủ đầu tư Dự án Hanoi Melody ở Linh Đàm, Hoàng Mai xin Hà Nội cho thi công, kinh doanh trở lại sau hơn một năm đình trệ.

Phối cảnh các tòa cao tầng Dự án Hanoi Melody Residences

Phối cảnh các tòa cao tầng Dự án Hanoi Melody Residences

Dự án nhà ở thấp tầng và khu nhà ở tái định cư kết hợp thương mại tại ô đất PT1 và một phần PT2 tại khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư. Các tòa chung cư tại dự án này có tên thương mại Hanoi Melody Residences do Hưng Thịnh Land phát triển, được khởi công từ năm 2022.

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, dự án này đã dừng mọi hoạt động thi công và kinh doanh theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội để khắc phục các vấn đề tồn tại. Cụ thể, tòa NO-02, NO-04 dừng thi công tại tầng 11, NO-03 dừng tại tầng 2, toà NO-01 và gara ngầm (xây dựng nhà tái định cư) chưa thi công. Một phần ô đất PT2 bố trí 198 căn nhà ở thương mại thấp tầng.

Hiện tại, UBND quận Hoàng Mai cho biết chủ đầu tư đã hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến Dự án và thủ tục bàn giao mốc giới trên thực địa. Chủ đầu tư cũng xin UBND TP. Hà Nội cho phép Dự án được tiếp tục thi công và kinh doanh trở lại.

Dựa trên đề xuất của chủ đầu tư, Quận Hoàng Mai cũng đã giao các phòng ban nghiên cứu, rà soát và quận đánh giá dự án này có thể tiếp tục triển khai thi công trở lại.

Bên cạnh đó, quận cũng kiến nghị thành phố cho điều chỉnh gia hạn chủ trương đầu tư Dự án Hanoi Melody Residences. Bởi đến nay Dự án đã hết hạn theo chủ trương cấp hồi tháng 7/201 - tiến độ được duyệt chỉ đến quý IV/2019.

Ngày 24/10, Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có ý kiến về dự án này. Ông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh chủ trương Dự án (gồm tiến độ thực hiện, tăng quy mô số căn hộ tái định cư tại công trình NO-01). Căn cứ quy hoạch trước đây, 4 block nhà cao tầng của Dự án Hanoi Melody Residences có tổng quy mô hơn 1.850 căn hộ.

TP. Hà Nội giao UBND quận Hoàng Mai có trách nhiệm quyết định việc tiếp tục triển khai thi công của dự án này. Trường hợp cần thiết, Quận có thể xin hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam

Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ có giải pháp chặn nền tảng này.

Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại.

Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại.

Từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam, nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Ngoài Temu, gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Tại công văn vừa ban hành, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việc này phải thực hiện ngay trong tháng 10. Trường hợp cần thiết, Bộ này phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để "có giải pháp kỹ thuật chặn phù hợp".

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thừa nhận thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mại điện tử, gồm các sàn xuyên biên giới trên.

Nhà chức trách khuyến cáo người dân không giao dịch với các nền tảng khi chưa được xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Cục Thương mại và Kinh tế số cũng được giao tham mưu cho lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký.

Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký…

Sóc Trăng khai thác thêm mỏ cát trên sông Hậu phục vụ cao tốc

Ngày 27/10, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Tuấn tổ chức lễ khởi công dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Mỏ cát MS03 (sông Hậu)

Mỏ cát MS03 (sông Hậu)

Ngày 27/10, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Tuấn tổ chức lễ khởi công Dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) trên sông Hậu thuộc địa bàn xã xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Đây là mỏ cát có mã số MS04. Mỏ cát được khai thác để tăng cường nguồn vật liệu xây dựng phục vụ Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng, mỏ cát MS04 có diện tích hơn 100 ha, tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác là trên 4,2 triệu mét khối. Thời gian khai thác được cơ quan chức năng cho phép mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Như vậy là đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai khai thác được 6 mỏ cát cả khai thác cát sông và cát biển để phục vụ thi công cao tốc trục ngang và trục dọc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh và khu vực.

Khánh thành tượng đài con tàu tập kết ra Bắc

Tượng đài nằm trong quần thể Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ở Sầm Sơn, hoàn thành sau hơn 2 năm thi công.

Con tàu tập kết ở Cảng Hới TP. Sầm Sơn hoàn thành

Con tàu tập kết ở Cảng Hới TP. Sầm Sơn hoàn thành

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với cụm công trình biểu tượng "con tàu ký ức", được tỉnh Thanh Hóa khánh thành tối 27/10, nhân kỷ niệm 70 năm Sầm Sơn đón chuyến tàu tập kết đầu tiên cập cảng Hới.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn.

Dự án thực hiện trên quy mô hơn 40.000 m2, khởi công cuối tháng 8/2022 do UBND TP. Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách Tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP. Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.

Khu lưu niệm được chia làm ba phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600 m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật...

Tượng đài con tàu được làm bằng bêtông cốt thép, có diện tích khoảng 3.200 m2. Điểm cao nhất là mũi tàu cao 12 m, đứng ở vị trí này có thể bao quát quang cảnh cảng Hới và một phần trung tâm TP. Sầm Sơn, phía sau là hạ nguồn con sông Mã đổ ra biển. Trong lòng tượng đài có một bảo tàng thu nhỏ mô phỏng các con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ)... đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.

Phù điêu hình cánh cung rộng khoảng 500 m2 cũng được làm bằng đá khối granite, tái hiện những hoạt động của đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam trong quá trình di chuyển từ quê nhà đến khu vực tập kết phía Bắc, với điểm đến đầu tiên là Sầm Sơn…

Ngoài ra, công trình còn có con đường ký ức bằng gốm sứ dài hơn 1,1 km; công viên chuyên đề gần 24.000 m2.

Sau Hiệp định Genève 1954, Thanh Hóa đã đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong bảy đợt (từ 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết tại Thanh Hóa.

Tin cùng chuyên mục