Chính phủ trình Quốc hội xem xét khởi động lại điện hạt nhân Ninh Thuận
Để đa dạng hóa nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng 8 năm trước.
Hai vị trí được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận |
Báo cáo đề nghị tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội, chiều 27/11. Trước đó, dự án này đã dừng theo quyết định năm 2016.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện sẽ tăng từ 80.000 MW hiện nay lên 150.000 MW vào 2030 và đạt khoảng 490.000 - 573.000 MW vào năm 2050. Tại quy hoạch này, nhiều nguồn điện than và khí LNG bị khuyến cáo hạn chế và gặp khó khăn trong triển khai.
Do đó, phát triển nguồn điện cần đáp ứng mục tiêu kép là có nguồn điện mới để đủ điện, chuyển dịch năng lượng xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
"Khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện bình quân của loại nguồn điện này có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống, nhất là điện than, LNG với giá nhiên liệu tăng dần.
Theo Chính phủ, địa điểm chọn đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là 2 địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Theo quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt năm 2009, Dự án gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.
Dự kiến, chủ trương tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được Quốc hội, xem xét và đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8.
Tiêu thụ thép xây dựng cao nhất gần 3 năm
Tổng lượng thép xây dựng bán trong tháng 10 đạt hơn 1,25 triệu tấn, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất gần 3 năm qua.
Tổng lượng thép xây dựng bán trong tháng 10 đạt hơn 1,25 triệu tấn, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái |
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, thép thành phẩm trong tháng vừa qua tiêu thụ gần 2,74 triệu tấn, cao hơn 9,4% so với tháng 9 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng đến từ thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và SPM. Sự khởi sắc chủ yếu đến từ thị trường nội địa khi xuất khẩu vẫn đi lùi.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận hơn 1,25 triệu tấn được bán ra, tăng lần lượt gần 34% và 44% so với tháng trước và cùng kỳ 2023. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 3/2022. Bán hàng đang vượt hơn 185.000 tấn so với tổng lượng thép xây dựng được sản xuất ra trong tháng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, thị trường đã tiêu thụ hơn 9,96 triệu tấn thép xây dựng, cao hơn cùng kỳ 2023 khoảng 11%. Điều này cho thấy sức mua một phần đã phục hồi.
Tiêu thụ cải thiện dù trong tháng 10, thép xây dựng đã có 5 lần tăng giá liên tiếp. Đơn cử như Hòa Phát có giá thép cuộn CB240 hiện là 13,94 triệu đồng mỗi tấn, tăng thêm 510.000 đồng sau 5 lần điều chỉnh. Còn thép thanh vằn D10 CB300, giá bán khoảng 14,14 triệu đồng mỗi tấn, tăng 740.000 đồng so với giữa tháng 9.
Việc tăng giá cũng được các hãng khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... áp dụng. Như vậy, giá thép xây dựng đang về ngang vùng giữa tháng 6, trước khi diễn ra đợt giảm giá khá mạnh xuyên suốt sau đó.
Bộ Tài chính đưa ra đề xuất mới giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giảm số bậc trong biểu thuế Thu nhập cá nhân. Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được ban hành từ năm 2007 và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc quản lý thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật bộc lộ một số hạn chế nhất định, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, Bộ này đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Bộ Tài chính cho biết, đã có 3 lần sửa đổi kể từ khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân bắt đầu được áp dụng, từ năm 2009 đến nay, từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.
Bộ Tài chính khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành của Việt Nam đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bởi nếu mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này là đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập, vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại "chính sách thuế đối với người có thu nhập cao" như giai đoạn trước đây.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Dừng chuyển nhượng một số lô đất của Phát Đạt, Danh Khôi trong Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định)
Bình Định yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng một số lô đất tại phân khu số 2, 4, 9 Khu kinh tế Nhơn Hội đến khi chủ đầu tư nộp đủ thuế.
Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội |
UBND tỉnh Bình Định vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng liên quan đến việc triển khai các dự án phát triển đô thị tại phân khu số 2, 4, 9 Khu kinh tế Nhơn Hội.
Trước đó, đầu tháng 11, lãnh đạo Tỉnh đã có cuộc họp với Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings về tình hình triển khai các dự án. Kết luận nêu các dự án chưa hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, việc giải quyết còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và môi trường đầu tư của Tỉnh.
Lãnh đạo Tỉnh thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế về việc tạm dừng giao dịch các lô đất mà nhà đầu tư chưa chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân. Quyết định này áp dụng đến khi nhà đầu tư hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật, nghĩa vụ thuế, kê khai và nộp đủ lệ phí trước bạ nhà, đất.
Cụ thể, công ty Phát Đạt và Danh Khôi được yêu cầu hoàn thành công trình điện, nước tại phân khu số 2, 4, 9 trong tháng 11/2024 và sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục xuống cấp trước ngày 30/6/2025. Doanh nghiệp phải hoàn tất hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của các hạng mục còn lại cũng như thủ tục đầu tư Khu thung lũng xanh để triển khai vào tháng 2/2025.
Tỉnh Bình Định cũng yêu cầu 2 đơn vị trên chịu trách nhiệm trả lời các nội dung đơn thư kiến nghị của các hộ dân với cam kết đầy đủ. Nội dung phản hồi gửi về Ban Quản lý Khu kinh tế để theo dõi, hoàn thành trong tháng 11/2024.
Ban Quản lý Khu kinh tế phải kiểm tra, giám sát việc triển khai theo các mốc thời gian nêu trên. Nếu quá thời hạn mà chưa hoàn thành, đơn vị xem xét biện pháp xử lý.
Phân khu số 2, 4, 9, Khu kinh tế Nhơn Hội (tên thương mại là Khu đô thị mới Nhơn Hội New City) có quy mô 116 ha do Phát Đạt làm chủ đầu tư, Danh Khôi là đơn vị phát triển. Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, phân khu số 2 gần 36 ha và số 4 hơn 34 ha được quy hoạch đất ở đô thị. Phân khu số 9 gần 46 ha xây dựng chung cư cao cấp.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Phát Đạt cho thấy từ năm 2019, Công ty đã bắt đầu bán sỉ từng phần dự án cho nhóm Danh Khôi. Sau đó, nhóm Danh Khôi tiếp tục phân phối và chuyển nhượng cho nhà đầu tư cá nhân. Cuối năm 2020, Danh Khôi hoàn tất mua lại toàn bộ khu cao tầng phân khu 4, thuộc Nhơn Hội New City của Phát Đạt với quy mô 17 toà nhà và hàng chục nghìn căn hộ.
Đấu giá đất ở Hưng Yên khởi điểm chưa đến 6 triệu/m2, giá trúng lên 110 triệu/m2
Với giá khởi điểm 5,76 triệu đồng/m2, lô đất LK4-30 (thôn Hào Xuyên, xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) có diện tích 178 m2 được trả giá cao nhất hơn 110,76 triệu đồng/m2.
Đấu giá đất ở Hưng Yên khởi điểm chưa đến 6 triệu/m2, giá trúng lên 110 triệu/m2. Ảnh minh họa |
Ngày 27/11, lãnh đạo UBND xã Tân lập cho biết, UBND huyện Yên Mỹ cùng với công ty đấu giá đã tổ chức đấu giá thành công 50 lô đất làm nhà ở tại thôn Hào Xuyên.
Theo đó, lô đất LK4-30 được trả giá cao nhất hơn 110,76 triệu đồng/m2, diện tích 178 m2. Lô đất được trả giá thấp hơn là LK4-16, có giá trúng 108,96 triệu đồng/m2, diện tích 88 m2. Các lô còn lại có giá trúng dao động từ 50 triệu đồng/m2 đến gần 100 triệu đồng/m2.
Các lô đất được đấu giá có diện tích từ 88-260m2 và giá khởi điểm giao động từ 3,6 - 5,76 triệu đồng/m2.
Việc đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp tối thiểu 3 vòng và tối đa 5 vòng. Bước giá cho 3 vòng đầu là 10 triệu đồng, còn vòng 4 và 5 là 5 triệu đồng. Khoảng 300 người tham dự và có hơn 200 bộ hồ sơ đăng ký phiên đấu giá này.
Đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong năm 2025
Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm trong năm 2025.
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng |
Các dự án này gồm: đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng khu đất còn lại phía Bắc sân bay và Dự án mở rộng nhà ga T1.
Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa có diện tích đất sử dụng là hơn 28.745 m2, được xây dựng có công suất khai thác 100.000 tấn hàng hóa/năm trong phạm vi khu đất 14.004 m2 còn lại là bãi tập kết hàng hóa - đỗ xe ga hàng hóa và công trình kỹ thuật phụ trợ.
Dự án xây dựng Nhà ga hàng hóa có tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (CTTP). Hiện Dự án đang được kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 600 tỷ đồng để đảm bảo công suất 100.000/tấn/năm. Công trình dự kiến khởi công trong quý III/2025 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2026.
Cùng với đó là Dự án Xây dựng hạ tầng khu đất còn lại phía Bắc sân bay để xây dựng các tuyến đường giao thông như tuyến T1A chạy chính giữa khu đất quy hoạch. Tuyến đường T2A chạy dọc phía Đông khu đất và kết nối vào sân đỗ máy bay tại phía Bắc của Nhà ga hàng hóa; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, cấp nước, chiếu sáng, cấp điện tổng, thông tin liên lạc… Dự án đã được bàn giao mặt bằng và triển khai thi công vào ngày 11/11/2024 và dự kiến hoàn thành thi công và ngày 11/4/2025.
Dự án thứ ba được triển khai là mở rộng nhà ga T1 theo quy hoạch đã được duyệt với 10 triệu hành khách/năm; nâng tổng công suất của cảng T1, T2 và T1 mở rộng đạt 14 triệu hành khách/năm. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2026 - 2028.
Ninh Thuận đã thu hút được 472 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 238.000 tỷ đồng
Trong 472 dự án với tổng vốn đăng ký 238.126 tỷ đồng thu hút được, đến đầu tháng 11/2024, Ninh Thuận có 346 dự án đã đi vào hoạt động.
Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em rộng 8,69 ha tại Khu công nghiệp Du Long |
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 31/10/2024, có 56 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn 49.693 tỷ đồng.
Trong đó, 8 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (24.077 tỷ đồng); 5 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư (7.808 tỷ đồng); 43 dự án được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn tăng thêm 17.808 tỷ đồng.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, trong số những dự án được quyết định chủ trương trong năm 2024 có Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa với tổng vốn đầu tư 22.865 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải với tổng vốn 1.136 tỷ đồng.
Lũy kế, tính ngày 6/11/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 472 dự án với tổng vốn đăng ký 238.126 tỷ đồng.
Cụ thể, 346 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 73,3%); 78 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt (chiếm tỷ lệ 16,5%); 48 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.
Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có 139 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 52.300 tỷ đồng (97 dự án đi vào hoạt động; 18 dự án đang triển khai thi công; 24 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai).
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có 110 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 48.424 tỷ đồng (79 dự án đi vào hoạt động; 10 dự án đang triển khai thi công; 21 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai).
Lĩnh vực khoáng sản có 72 dự án với tổng vốn đăng ký 5.692 tỷ đồng (50 dự án đi vào hoạt động); lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 63 dự án với tổng vốn đăng ký 5.218 tỷ đồng (48 dự án đi vào hoạt động); lĩnh vực xã hội hóa có 33 dự án với tổng vốn đăng ký 1.475 tỷ đồng (26 dự án đi vào hoạt động)…
Đối với lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, Ninh Thuận có 55 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 125.015 tỷ đồng (tuy chỉ chiếm tỷ lệ 11,7% số dự án nhưng chiếm đến 52,5% tổng vốn đăng ký). Đến đầu tháng 11/2024, 46 dự án đi vào hoạt động; 2 dự án đang triển khai thi công; 7 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu công khai thông tin liên quan bất động sản
Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Dự án khu dân cư Tân Thịnh (Trảng Bom) của LDG |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động bất động sản trên địa bàn Tỉnh.
Theo đó, UBND Tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan khác theo thẩm quyền.
Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật. Tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Đồng thời, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các dự án bất động sản đã được phê duyệt, các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm đảm bảo minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, UBND Tỉnh cũng giao Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.