Bản tin thời sự sáng 28/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Kho bạc Nhà nước gửi 270.000 tỷ đồng tại ngân hàng; Bắc Ninh thanh tra khu đô thị phục vụ khu công nghiệp nghìn tỷ; ngày 27/1 sẽ khai hội chùa Hương năm 2023; cấm xe container vào hai đường trung tâm TP.HCM từ 31/12; TP. Nha Trang dự kiến mở rộng thêm 880 ha…

Kho bạc Nhà nước gửi 270.000 tỷ đồng tại ngân hàng

900.000 tỷ đồng ngân sách tồn quỹ đang nằm trong hệ thống ngân hàng, gồm gần 700.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước và 270.000 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại 4 nhà băng.

900.000 tỷ ngân sách tồn quỹ đang nằm trong hệ thống ngân hàng

900.000 tỷ ngân sách tồn quỹ đang nằm trong hệ thống ngân hàng

Chiều 27/12, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước (thuộc Kho bạc Nhà nước) đã làm rõ về khoản 900.000 tỷ đồng mà đơn vị này được giao quản lý. Trước đó, có thông tin khoản tiền này là vốn đầu tư công chậm giải ngân đang "mắc kẹt" tại các ngân hàng thương mại.

Ông Lưu Hoàng cho biết, số tiền hơn 900.000 tỷ đồng này là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, các tỉnh, huyện, và hơn 100.000 số dư tài khoản của các đơn vị, tổ chức công lập... Trong đó, chiếm đa phần là tồn quỹ ngân sách địa phương, số dư tồn quỹ Nhà nước là không lớn.

Kho bạc Nhà nước đã gửi 900.000 tỷ đồng tại hai nơi, gồm 700.000 tỷ đồng không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Phần còn lại, khoảng 270.000 tỷ đồng được gửi tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) kỳ hạn 1 - 3 tháng với lãi suất khoảng 6% một năm.

Theo quy định có hiệu lực từ tháng 11/2019, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức này sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước.

Để được "chọn mặt gửi tiền", đầu tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách "nhà băng có mức độ an toàn cao" do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính. Sau đó, từ danh sách này, Kho bạc Nhà nước sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí theo Thông tư 64/2019 do Bộ Tài chính quy định. Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.

Bắc Ninh thanh tra khu đô thị phục vụ khu công nghiệp nghìn tỷ đồng

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện Dự án Khu đô thị phục vụ Khu công nghiệp Thuận Thành III, phân khu B do Công ty CP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thanh tra khu công nghiệp Thuận Thành III

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thanh tra khu công nghiệp Thuận Thành III

Theo quyết định, đối tượng được thanh tra là Công ty CP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh (Công ty Trung Quý - Bắc Ninh), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND huyện Thuận Thành và các đơn vị liên quan đến nội dung thanh tra.

Nội dung gồm thanh tra các quy định về quy hoạch đô thị; quy định về đầu tư; quy định về nhà ở; quy định về đầu tư xây dựng công trình; các quy định về đất đai; quy định về bảo vệ môi trường; quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy định về kinh doanh bất động sản và các quy định khác có liên quan.

Thời kỳ thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án đến nay. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày 22/12.

Được biết, đầu năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu đô thị phục vụ Khu công nghiệp Thuận Thành III, phân khu B.

Sau điều chỉnh, Dự án có diện tích quy hoạch gần 76 ha, thuộc xã Gia Đông, huyện Thuận Thành. Quy mô dân số của Dự án là 14.000 - 15.000 người. Khu đô thị được tổ chức thành các khu đất chức năng chính công cộng, thương mại dịch vụ, cây xanh, thể dục thể thao, nhà ở, đồng bộ về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trong năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lần lượt giao đất 2 đợt cho Công ty Trung Quý - Bắc Ninh thực hiện Dự án với tổng diện tích hơn 69 ha.

Ngày 27/1 sẽ khai hội chùa Hương năm 2023

Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023 với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện" sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 - 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba năm Quý Mão).

Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023 sẽ khai mạc vào ngày 27/1/2023

Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023 sẽ khai mạc vào ngày 27/1/2023

Theo đó, ngày khai hội là 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ hội tổ chức với quy mô cấp huyện, gắn với tôn vinh giá trị quần thể khu di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt.

Điểm nổi bật của lễ hội năm 2023 là Ban Tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Đồng thời, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.

Năm nay, Công ty CP Chùa Hương xanh xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn…

Cấm xe container vào hai đường trung tâm TP.HCM từ 31/12

Từ 31/12, xe container không được chạy qua đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần (Quận 1, 3) để tránh ùn tắc và tai nạn, theo quyết định của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM.

Vị trí hai tuyến đường cấm xe container từ ngày 31/12

Vị trí hai tuyến đường cấm xe container từ ngày 31/12

Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, xe bị cấm chạy suốt tuyến, từ điểm giao đường Hoàng Sa đến Lý Thái Tổ, dài 4 km. Đường Võ Văn Tần từ Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa) đến tuyến Cao Thắng, dài 2 km, xe container cũng không được chạy qua.

Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp Quận 1, 3 và CSGT triển khai quyết định trên, đồng thời theo dõi để điều chỉnh nếu có bất cập.

Hiện, xe container và ô tô tải trọng trên 2,5 tấn chỉ được vào nội đô thành phố từ 22h đến 6h hôm sau. Trong khi khoảng thời gian 22h - 22h30, xe trên các tuyến đường ở trung tâm vẫn khá đông, nên ô tô trọng tải lớn ra vào dễ gây ùn tắc, tai nạn.

Trước đó hồi đầu tháng 11, TP.HCM đã cấm xe container qua hai đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu (Quận 3).

Ngoài giải pháp trên, Thành phố cũng đang tính cấm xe khách giường nằm vào nội đô trước Tết Quý Mão 2023 từ 6h - 22h, để hạn chế "xe dù, bến cóc" và giảm ùn tắc. Hành lang cấm xe giường nằm vào nội đô cũng tương tự như với xe container, theo vành đai các tuyến: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1.

TP. Nha Trang dự kiến mở rộng thêm 880 ha

4 xã và thị trấn thuộc huyện Diên Khánh với tổng diện tích khoảng 880 ha dự kiến được sáp nhập vào TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2040.

Trung tâm TP. Nha Trang từ trên cao

Trung tâm TP. Nha Trang từ trên cao

Theo tờ trình thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh Khánh Hoà gửi Bộ Xây dựng, các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) sẽ nhập vào TP. Nha Trang.

Nha Trang hiện có diện tích hơn 26.600 ha, gồm 19 phường, 8 xã với hơn 330.000 người. Sau sáp nhập, thành phố biển đến năm 2040 sẽ rộng hơn 27.500 ha (bao gồm diện tích đồi núi vùng ven thành phố) với dân số 780.000 người. Trong đó, riêng người thường trú khoảng 570.000.

Theo quy hoạch, Nha Trang sẽ trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Khánh Hòa; trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Về chiến lược phát triển, Nha Trang tập trung bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, với du lịch là ngành kinh tế chính; phát triển đô thị thông minh...

Về không gian, thành phố biển sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm với trung tâm chính là dải đô thị ven biển, các khu vực khác gồm: sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, dọc đường Võ Nguyên Giáp... Ngoài ra, các khu vực trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố cũng sẽ được đầu tư, phát triển.

Năm 2022, ACV lãi trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng

Năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lãi trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cả hai năm dịch cộng lại.

Năm 2022, ACV lãi trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng

Năm 2022, ACV lãi trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng

ACV đã vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại hội cổ đông giao. Tổng lượng hành khách qua 22 sân bay thuộc quản lý của ACV đạt 99 triệu lượt, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt cất hạ cánh tăng 125% lên 658.000 chuyến bay.

Nhờ sự phục hồi mạnh mẽ này, ACV ước đạt doanh thu hơn 15.380 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, ACV lãi trước thuế khoảng 7.560 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với mức nền thấp của năm 2021. Con số này bằng 70% lợi nhuận của ACV vào thời điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch năm 2019.

ACV cho biết năm nay đã đảm bảo đầy đủ chính sách phúc lợi, thu nhập ổn định cho hơn 9.600 người lao động và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.548 tỷ đồng.

Năm 2022, ACV cũng đã thực hiện theo tiến độ một số dự án trọng điểm như xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga hàng không T3 tại Tân Sơn Nhất...

Sang năm 2023, ACV đặt mục tiêu phục vụ 116 triệu khách, tăng 18% so với năm 2022. Các chỉ tiêu doanh thu, lãi trước thuế lần lượt tăng 20% và 11% lên 18.414 tỷ đồng và 8.448 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không Điện Biên, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài, Nhà ga T2 Cát Bi...

Động đất 4,1 độ ở Nghệ An

Trận động đất mạnh 4,1 độ xảy ra ở huyện Tương Dương lúc 14h36 ngày 27/12, hiện chưa ghi nhận thiệt hại.

Vị trí động đất 4,1 độ tại huyện Tương Dương, chiều 27/12

Vị trí động đất 4,1 độ tại huyện Tương Dương, chiều 27/12

Tương Dương là huyện miền núi, dân cư thưa thớt. Người dân địa phương cho biết không cảm nhận được rung lắc rõ ràng. Chính quyền cũng chưa ghi nhận thiệt hại.

Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Huyện Tương Dương nằm trong đứt gãy địa chất, sau thời gian tích lũy đủ năng lượng sẽ giải phóng, tạo ra động đất.

Trước đó 2h55 ngày 31/10, trận động đất 2,8 độ cũng xảy ra ở Tương Dương. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.

Huyện Tương Dương cách TP. Vinh gần 200 km, phía bắc và nam giáp Lào, diện tích 2.812 km2, dân số hơn 78.000.

Tin cùng chuyên mục