Bản tin thời sự sáng 28/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quán ăn, cà phê ở TP.HCM dừng bán tại chỗ từ 0h ngày 28/5; chiều ngày 27/5, tiêm khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân Bắc Giang và Bắc Ninh; dừng nhập cảnh hành khách tại Tân Sơn Nhất; đề xuất mở rộng cầu vượt Mai Dịch; Đà Nẵng cho grab, taxi, shipper được hoạt động trở lại…

Quán ăn, cà phê ở TP.HCM dừng bán tại chỗ từ 0h ngày 28/5

Quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè không được bán tại chỗ, dịch vụ làm đẹp, hớt tóc, gội đầu phải dừng để phòng dịch, theo yêu cầu của UBND TP.HCM.

Quán ăn trên đường D5, quận Bình Thạnh

Quán ăn trên đường D5, quận Bình Thạnh

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tạm dừng dịch vụ làm đẹp, cắt tóc gội đầu; ngưng các nghi lễ tôn giáo; hàng quán ăn uống không được bày bàn buôn bán, chỉ phục vụ mang về.

Các nhà hàng trong khách sạn chỉ được phục vụ khách lưu trú tại đây. Nghi lễ tôn giáo và các sinh hoạt từ 10 người trở lên tại các cơ sở thờ tự phải dừng.

Động thái lần này của người đứng đầu chính quyền thành phố cứng rắn hơn cách đây vài ngày khi chỉ yêu cầu quán ăn nhỏ "dưới 10 lao động" không được phục vụ tại chỗ. Còn các quán ăn có trên 10 lao động, nhà hàng trong khách sạn vẫn được phục vụ khách với điều kiện không quá 20 người cùng lúc. Các lễ hội, hội nghị, hội thảo, nghi lễ dưới 30 người vẫn được hoạt động.

Ông Phong cũng yêu cầu tổ chức giãn cách mật độ mua sắm, không tập trung đông người tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối... Các cơ quan đơn vị đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong công tác phòng chống dịch ở các điểm nguy cơ mà ngành y tế xác định như: chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, nhà ga, bến xe, trước cổng bệnh viện...

Chiều ngày 27/5, tiêm khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân Bắc Giang và Bắc Ninh

2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ nhận được vắc xin ngừa Covid-19, từ chiều ngày 27/5 bắt đầu tiêm rộng rãi cho công nhân.

Chiều ngày 27/5, tiêm khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân Bắc Giang và Bắc Ninh

Chiều ngày 27/5, tiêm khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân Bắc Giang và Bắc Ninh

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, toàn bộ lô vắc xin AstraZeneca lần 4 gồm 288.000 liều về Việt Nam vào tối 25/5 đã được chuyển khẩn cấp cho Bắc Giang và Bắc Ninh, cộng thêm số vắc xin đã được phân bổ đợt 3, mỗi tỉnh sẽ tổng cộng hơn 150.000 liều.

Trong chiều ngày 27/5, Bắc Ninh sẽ tiêm cho 100 công nhân tại Công ty Funing Precision Component, Bắc Giang sẽ triển khai tiêm cho 300 công nhân Công ty Phú Hồng.

Ông Tuyên cho biết, tinh thần của Thủ tướng là từ giờ, bất cứ có đợt vắc xin nào về, ngoài ưu tiên tiêm cho tuyến đầu chống dịch sẽ phải ưu tiên tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp nguy cơ cao, trước tiên ưu tiên cho Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó đến các tỉnh khác.

Thứ trưởng nói thêm, tới đây Việt Nam có thể tiếp cận thêm nhiều nguồn vắc xin, song hạn sử dụng có hạn, do đó nếu không tiêm tổng lực sẽ không đảm bảo được yêu cầu.

Vì vậy, tất cả các tỉnh, kể cả địa phương chưa có dịch Covid-19 cũng phải thành lập ngay các tổ tập huấn tiêm vắc xin, lấy cán bộ từ Trung tâm y tế các quận, huyện, nếu không sẽ không đủ số lượng nhân lực.

Song song đó, phải tập huấn, thành lập các tổ xử lý cấp cứu, đề phòng các trường hợp không may xảy ra sự cố sốc phản vệ. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm tiêm chủng.

Dừng nhập cảnh hành khách tại Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu sân bay Tân Sơn Nhất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 27/5 để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhân viên y tế đọc tên các hành khách chuẩn bị vào lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tháng 5

Nhân viên y tế đọc tên các hành khách chuẩn bị vào lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tháng 5

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc tạm dừng nhập cảnh hành khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài đến hết 4/6. Hành khách xuất cảnh ra nước ngoài vẫn bình thường.

Theo Cục Hàng không, yêu cầu trên thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và đề nghị của UBND TP.HCM.

Hiện nay, các chuyên gia, lao động nước ngoài, người Việt Nam về nước được nhập cảnh tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vân Đồn, sau đó cách ly tập trung tại cơ sở quân đội hoặc các khách sạn, doanh nghiệp...

Đề xuất mở rộng cầu vượt Mai Dịch

Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất mở rộng cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội) thêm 7,7 m với 2 làn xe mỗi chiều.

Cầu vượt Mai Dịch sẽ kết nối đồng bộ với đường vành đai 3 trên cao

Cầu vượt Mai Dịch sẽ kết nối đồng bộ với đường vành đai 3 trên cao

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cơ quan này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc cầu Mai Dịch hiện nay để tổ chức lại giao thông trên cầu.

Mỗi bên cầu vượt Mai Dịch sẽ được xây dựng mở rộng 7,75 m gồm một làn xe cơ giới (3,5 m) và một làn xe hỗn hợp (3 m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa. Đoạn cầu mở rộng là kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp.

Theo ông Roãn, sau khi hoàn thành, làn ở giữa cầu Mai Dịch sẽ là làn cao tốc phục vụ xe chạy thẳng trên cầu cạn Vành đai 3 (từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long và ngược lại); các xe còn lại qua cầu sẽ đi vào làn hỗn hợp để tránh xung đột.

Tổng mức đầu tư của hạng mục bổ sung và tổ chức giao thông nút Mai Dịch dự kiến khoảng 338,5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Dự kiến hạng mục bổ sung thực hiện từ quý II và hoàn thành quý IV/2024.

Bình Dương tạm cấm các phương tiện đi trên nhiều đường huyết mạch từ 1/6

Thời gian áp dụng cấm xe đầu kéo, rơmoóc, xe tải nặng đi trên nhiều tuyến đường huyết mạch giờ cao điểm ở Bình Dương bắt đầu từ ngày 1/6 tới.

Tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn thường xuyên ùn tắc giao thông nhiều giờ liền

Tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn thường xuyên ùn tắc giao thông nhiều giờ liền

Ngày 27/5, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao đã ký công văn liên quan đến việc chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải thí điểm phân luồng giao thông theo giờ ở một số tuyến huyết mạch trên địa bàn.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/6, Bình Dương sẽ thí điểm cấm các phương tiện kéo rơmóoc và sơmi rơmoóc lưu thông trên các tuyến: Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã 5 Phước Kiến đến cầu Vĩnh Bình; đường ĐT.743 (đoạn từ giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ ĐT.743b với đường Độc Lập - Khu công nghiệp Sóng Thần 1); đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn từ giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với ĐT.743a (giáp Khu du lịch Thủy Châu); đường Huỳnh Văn Cù đoạn từ ngã 5 Phước Kiến đến ngã ba Bến Đò (Củ Chi); đường ĐT.747 đoạn từ ngã tư Miếu Ông Cù đến cầu Ông Tiếp; đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Quốc lộ 13 đến đường Phú Lợi.

Khung giờ cấm từ 6 - 8h sáng, từ 16 - 18h chiều. Đối với ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe trên 10 tấn (trừ phương tiện kéo rơmóoc và xe sơmi rơmoóc) cấm lưu thông buổi trưa từ 11 - 14h.

Đà Nẵng cho grab, taxi, shipper được hoạt động trở lại

Các loại hình xe taxi, GrabCar, GrabBike và shipper ở Đà Nẵng sẽ được hoạt động trở lại từ 6 giờ ngày 28/5 với điều kiện chủ phương tiện phải có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.

Đà Nẵng cho phép xe taxi, GrabCar, GrabBike và shipper hoạt động trở lại nhưng phải có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2

Đà Nẵng cho phép xe taxi, GrabCar, GrabBike và shipper hoạt động trở lại nhưng phải có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có ý kiến chỉ đạo, cho phép dịch vụ vận chuyển hoạt động trở lại kể từ 6 giờ ngày 28/5.

Theo đó, các dịch vụ được hoạt động trở lại bao gồm: xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm các loại hình ứng dụng công nghệ như GrabCar...); hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh (bao gồm loại hình ứng dụng công nghệ, như GrabBike,…) và hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh của người giao hàng công nghệ (Shipper).

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các chủ phương tiện và người điều khiển các phương tiện phải có bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và quy định phòng, chống dịch trên phương tiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Riêng đối với người điều khiển các phương tiện phải có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2 và thực hiện khai báo y tế điện tử hàng ngày, mở/bật ứng dụng Bluezone thường xuyên khi hoạt động. Người điều khiển phương tiện cũng có trách nhiệm từ chối phục vụ nếu khách hàng chưa thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị chỉ cấp tài khoản cho các đối tác đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; bổ sung tính năng hiển thị thông tin kết quả xét nghiệm của đối tác khi người dùng đặt dịch vụ để biết, tin tưởng trong quá trình sử dụng.

Kỳ điều chỉnh ngày 27/5, giá xăng, dầu giữ nguyên

Ở kỳ điều chỉnh ngày 27/5, giá xăng dầu được giữ nguyên so với 15 ngày trước.

Kỳ điều chỉnh ngày 27/5, giá xăng, dầu giữ nguyên

Kỳ điều chỉnh ngày 27/5, giá xăng, dầu giữ nguyên

Theo thông tin điều hành giá bán lẻ xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên 18.420 đồng một lít. Xăng RON 95 là 19.530 đồng.

Giá các mặt hàng dầu giữ nguyên. Dầu diesel là 14.770 đồng. Dầu hoả là 13.820 đồng. Dầu madut 14.270 đồng một kg.

Như vậy, sau hai kỳ tăng giá liên tiếp, đây là lần thứ hai kể từ kỳ điều hành ngày 10/2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được giữ nguyên.

Cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn giá cho tất cả mặt hàng, nhưng chi 1.782 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92 và 875 đồng cho RON 95 (kỳ trước là 1.050 đồng). Mức chi quỹ với dầu madut là 37 đồng một kg, kỳ trước 500 đồng; dầu diesel là 593 đồng mỗi lít; dầu hỏa chi ở mức 483 đồng một lít.

Tiệm vàng Hoàng Khiêm tại Cà Mau bị nghi trốn thuế hơn 100 tỷ đồng

Tiệm vàng Hoàng Khiêm đăng ký nộp thuế khoán dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, song hàng ngày bán ra gần 1.000 lượng vàng, bị tình nghi trốn thuế hơn 100 tỷ đồng.

Tiệm vàng Hoàng Khiêm tại huyện Đầm Dơi

Tiệm vàng Hoàng Khiêm tại huyện Đầm Dơi

Ngày 27/5, Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án Trốn thuế để làm rõ dấu hiệu tội phạm tại Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Khiêm (tiệm vàng) ở huyện Đầm Dơi do ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm chủ.

Trước đó, Chi cục thuế huyện Đầm Dơi xác định, tiệm vàng Hoàng Khiêm mua vàng về phân kim, gia công, chế tác thành vàng 9999 để bán nhưng không kê khai bổ sung với cơ quan thuế.

Từ năm 2008 đến 2011, tiệm này bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, có ngày bán hơn 7.000 lượng. Nhưng đây là đơn vị được nộp thuế khoán, mỗi tháng dưới 10 triệu đồng, và doanh thu ấn định hơn 700 triệu đồng. Từ đó, Chi cục thuế cho rằng tiệm vàng này có dấu hiệu trốn thuế hơn 61 tỷ đồng. Vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

Theo Công an tỉnh Cà Mau, từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, ông Khiêm xuất hóa đơn thông thường và nhái chữ ký của chị ruột để bán 882.081 lượng vàng nguyên liệu với tổng giá trị hơn 20.753 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp tại TP.HCM. Do nguồn vàng đầu vào của 3 đơn vị này có quan hệ mua bán với doanh nghiệp của ông Khiêm, nhưng đều thực hiện tại Sài Gòn, nên tháng 5/2015 hồ sơ được chuyển cho Công an TP.HCM thụ lý theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, Công an TP.HCM tình nghi tiệm vàng Hoàng Khiêm trốn thuế hơn 100 tỷ đồng nên chuyển lại cho Công an tỉnh Cà Mau làm rõ.