Bản tin thời sự sáng 28/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội cho phép người dân tập thể dục thể thao ngoài trời và mở cửa trung tâm thương mại từ ngày 28/9; nguyên Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật; hơn 2 triệu học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến; đề xuất đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây cầu Đuống mới; xe chở hàng hóa nhận mã QR trên phần mềm của Bộ Công an…

Hà Nội cho phép người dân tập thể dục thể thao ngoài trời và mở cửa trung tâm thương mại từ ngày 28/9

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời. Trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa trở lại.

Hà Nội cho phép người dân tập thể dục thể thao ngoài trời từ ngày 28/9

Hà Nội cho phép người dân tập thể dục thể thao ngoài trời từ ngày 28/9

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký văn bản hỏa tốc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Cụ thể, từ ngày 28/9, UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và Thành phố, gồm: Thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về); cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

UBND Thành phố giao Sở Y tế phối hợp các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2 - 3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vắc xin mũi một để hoàn thành việc tiêm vét mũi một; hoàn thành việc tiêm mũi hai cho các trường hợp đến thời hạn tiêm…

Nguyên Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật

Nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng bị cho là "mua thông tin" về quá trình cơ quan điều tra xác minh sai phạm tại đơn vị mình.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật

Nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật

Ngày 27/9, hành vi của ông Diệp Dũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần 2, chuyển sang VKS đề nghị truy tố tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo buộc cùng tội danh là cựu cán bộ công an Nguyễn Hoài Bắc và bạn gái Lê Thị Phương Hồng (kinh doanh tự do).

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 9/2020, Cơ quan An ninh điều tra làm việc với ông Dũng về nội dung sai phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Ông Dũng cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm cho mình.

Từ lời khai của ông Dũng, cơ quan điều tra làm việc với cán bộ tham gia xác minh vụ việc, phát hiện ông Bắc (thành viên tổ xác minh) đã làm lộ thông tin. Còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là Hồng - sống như vợ chồng với Bắc.

Hồi tháng 7/2020, trong các câu chuyện, tin nhắn hàng ngày, Bắc kể cho Hồng nghe một số thông tin liên quan tới vụ án Saigon Co.op.

Hồng là tiểu thương buôn bán, quen biết ông Dũng. Muốn lấy lòng Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op để được giới thiệu mối cung cấp hàng hóa rẻ, bà này chủ động liên hệ với Dũng đề nghị sẽ cung cấp thông tin quan trọng đã khai thác được từ Bắc về quá trình điều tra sai phạm tại đây.

Tháng 9/2020, đôi bên gặp mặt, trao đổi nội dung, tài liệu liên quan sai phạm của ông Dũng dẫn đến việc Saigon Co.op bị truy thu thuế. Ông Dũng sau đó nhờ tài xế của mình gặp bà Hồng, đưa phong bì 100 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, bà Hồng đã cung cấp cho ông Dũng một số thông tin chứa tài liệu mật là kết quả xác minh vụ Saigon Co.op.

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội sẽ tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố ngày 27/9.

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu tất cả nhà trường trên địa bàn thường xuyên sử dụng kho học liệu điện tử phục vụ việc dạy học trực tuyến, đáp ứng mục tiêu tạm dừng đến trường, không dừng việc học.

Dù học sinh không tới trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội vẫn yêu cầu các trường bố trí cán bộ, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50, tức 50% làm việc tại trường và 50% sử dụng công nghệ làm việc tại nhà. Các hoạt động hội họp tập trung không được phép quá 20 người trong một phòng.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại nơi công cộng và cơ sở kinh doanh, trừ hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không tham gia hoạt động ở các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; không tụ tập từ 10 người trở lên và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m tại nơi công cộng, khai báo y tế hàng ngày.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị nhà trường chuẩn bị điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống Covid-19 để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường khi điều kiện cho phép. Nhà trường phối hợp với cơ quan y tế địa phương, tổ chức tiêm vaccine cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cuối tuần trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng cơ quan y tế xây dựng dự thảo bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học để trình UBND Thành phố và sẽ áp dụng khi trường học mở cửa trở lại.

VNVC tiếp tục bàn giao hơn 1,3 triệu liều vaccine Covid-19

Trưa 27/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã tiếp tục bàn giao 1.317.500 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho Bộ Y tế…

Hệ thống tiêm chủng VNVC tiếp tục bàn giao 1.317.500 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho Bộ Y tế.

Hệ thống tiêm chủng VNVC tiếp tục bàn giao 1.317.500 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho Bộ Y tế.

Như vậy, chỉ trong 4 tuần của tháng 9/2021, VNVC đã bàn giao hơn 5 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho Bộ Y tế, kịp thời tăng cường cho TP.HCM và các địa phương chống dịch.

Các lô vaccine này thuộc hợp đồng của Hệ thống tiêm chủng VNVC đặt mua trước 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca từ cuối năm 2020. Đến nay, hợp đồng lịch sử này của VNVC đã mang về gần 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho hàng chục triệu người dân, đóng góp to lớn vào công cuộc chống đại dịch Covid-19 của nước ta.

VNVC là đơn vị đầu tiên đặt mua vaccine Covid-19 thành công và mang vaccine về Việt Nam sớm nhất với số lượng vaccine nhiều nhất, cho đến thời điểm này.

Để mang được số vaccine này về cho đất nước, từ tháng 11/2020, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 với AstraZeneca, ngay khi vaccine còn trong quá trình thử nghiệm.

Đề xuất đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây cầu Đuống mới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu xây dựng hai cầu đường sắt và đường bộ mới để thay thế cầu Đuống hiện nay.

Cầu Đuống hiện nay chung đường sắt và đường bộ

Cầu Đuống hiện nay chung đường sắt và đường bộ

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Ban Quản lý dự án 6 vừa kiến nghị Bộ thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án gồm xây mới cầu đường sắt cách cầu Đuống hiện nay về phía thượng lưu khoảng 16 m và xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch, qua đó tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Kết cấu hai công trình đều sử dụng cầu vòm thép.

Cầu đường sắt sẽ nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75 m để đảm bảo thông thuyền. Cầu Đuống cũ được tháo dỡ các dầm và đập mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 1.793 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 776 tỷ đồng, xây dựnh 680 tỷ đồng, còn lại là quản lý dự án. Công trình dự kiến triển khai từ nay đến năm 2025.

Theo Bộ GTVT, tuyến hành lang đường thủy số một của Đồng bằng Bắc Bộ từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho tàu đến 800 tấn đi lại. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa...

Tuy nhiên, hạn chế của tuyến đường thủy này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống. Do đó, cải tạo điểm ách tắc tại cầu Đuống là yêu cầu cần thiết phục vụ giao thông đường thủy.

Cầu Đuống là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên Quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Xe chở hàng hóa nhận mã QR trên phần mềm của Bộ Công an

Chủ xe chở hàng hóa được yêu cầu khai báo hành trình và nhận mã QR trên phần mềm của Bộ Công an, thay cho phần mềm của Tổng cục Đường bộ.

Xe chở hàng hóa nhận mã QR trên phần mềm của Bộ Công an

Xe chở hàng hóa nhận mã QR trên phần mềm của Bộ Công an

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị các tỉnh, thành triển khai thử nghiệm phần mềm kiểm soát tài xế và người đi cùng trên xe ôtô vận tải hàng hóa của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06 - Bộ Công an).

Theo đó, các đơn vị vận tải, người điều kiển xe chở hàng hóa kê khai thông tin phần mềm của C06. Khi sử dụng phần mềm của C06, người trên ôtô hàng hóa sẽ kê khai thông tin và được cấp QR Code theo hướng dẫn. Lái xe in QR Code ra khổ giấy A5, dán trên kính xe phía trước, kính hai bên thành xe.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong giai đoạn thí điểm, các đơn vị vẫn có thể khai thông tin trên cả hai hệ thống phần mềm của hai cơ quan. Đến khi phần mềm của C06 hoạt động ổn định thì sẽ dừng cấp mã QR vận tải hàng hóa trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ.

Cục C06 thực hiện việc cấp mã QR để phục vụ công tác quản lý người trên xe ôtô chở hàng hóa. Phần mềm khi khai báo y tế của Bộ Y tế cũng sẽ được tích hợp vào phần mềm của Cục C06 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

TP.HCM khởi động 63 công trình nâng cấp, bảo trì giao thông

Ngoài thi công trở lại 37 công trình bị ngưng do dịch, đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM được khởi công 26 công trình nâng cấp, duy tu hạ tầng giao thông trong tháng 10.

Hầm sông Sài Gòn, nơi được khôi phục lại hoạt động duy tu, bảo trì

Hầm sông Sài Gòn, nơi được khôi phục lại hoạt động duy tu, bảo trì

Việc khởi động những công trình này vừa được Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Phan Công Bằng chấp thuận, sau khi các đơn vị đề xuất triển khai, có phương án phòng chống dịch theo tiêu chí an toàn trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.

Hiện, nhóm 22 công trình do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư sẽ có 17 công trình triển khai trở lại và 5 công trình khởi công mới. Đây phần lớn là các công trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cầu, đường ở các Quận 12, 8, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... cần thực hiện thường xuyên.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng được khôi phục hoạt động xây dựng và khởi công mới 11 công trình. Trong đó, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai dự án đường song hành Võ Văn Kiệt (Quận 1); duy tu, bảo trì hầm vượt sông Sài Gòn; bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu, camera giao thông; hệ thống cân tải trọng xe tự động...

Đường thuỷ gồm 26 công trình, trong đó 19 công trình dự kiến khởi công mới trong tháng 10 năm nay. Những công trình này do Trung tâm Quản lý đường thuỷ và Cảng vụ đường thuỷ nội địa làm chủ đầu tư, phục vụ duy tu, nạo vét các tuyến kênh rạch, kè... trên địa bàn. Kế đến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng khôi phục lại 4 công trình duy tu, nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động của xe buýt tại Thành phố.