Gần 1,17 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025
Gần 1,17 triệu học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 95.000 so với năm ngoái.
![]() |
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 |
Hệ thống Quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo khóa chức năng đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lúc 17h.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hơn 1,12 triệu học sinh lớp 12 đăng ký thành công, số thí sinh tự do là gần 42.800. Tất cả thí sinh dự thi vào 2 ngày 26 - 27/6.
Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải làm 4 bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn 2 môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm các môn thi chiếm 50%; còn lại là điểm học bạ lớp 10, 11, 12 (50%) và điểm ưu tiên nếu có. So với trước, điểm học bạ tăng 20%.
Hơn 16.100 thí sinh tự do cũng đăng ký thi theo chương trình này, dù trước đó học chương trình cũ (2006).
Hơn 26.700 thí sinh tự do còn lại đăng ký thi theo chương trình cũ. Các thí sinh sẽ làm bài Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng 1 trong 2 bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố ngày 16/7. Năm ngoái, khoảng 99,4% trong hơn một triệu thí sinh đỗ tốt nghiệp, là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2015.
Hầu hết đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào. Trong gần 615.000 thí sinh nhập học đại học năm 2024, hơn 52% đăng ký xét tuyển bằng phương thức này. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong 3 năm qua.
152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
Cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, dẫn đầu là TP.HCM, tiếp theo là Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội.
![]() |
Cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo |
Chiều 28/4, Cục Xuất nhập khẩu công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 28/4/2025. Theo đó, cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp, Long An có 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.
Một số địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế.
Trước đó, theo danh sách Bộ Công Thương công bố, tính đến ngày 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Số liệu của Cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm 20,18%.
Nguồn cung lúa gạo tại châu Á dồi dào hơn 2 năm trước. Đặc biệt, Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian hạn chế là nguyên nhân khiến giá không còn giữ được mức cao. Chưa kể, Ấn Độ có lượng gạo dự trữ cao kỷ lục, khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, trị giá xuất khẩu gạo vẫn tăng.
Đề nghị không chuyển đại học trọng điểm, đa ngành về Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Nội vụ đề nghị không chuyển các trường đại học trọng điểm, đa ngành, có chức năng quản lý nhà nước thuộc địa phương và bộ ngành khác về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
![]() |
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, thuộc Bộ Nội vụ |
Trong văn bản vừa gửi, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ để "bỏ nhiệm vụ" xây dựng Đề án chuyển các đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực về bộ này quản lý.
Một trong những căn cứ là ý kiến của Thủ tướng tại Bút phê ngày 23/4, trong đó nêu: Dứt khoát không đưa các trường tại địa phương, bộ, ngành về quản lý ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tinh thần biết mới quản lý, còn bộ là quản lý về mặt nhà nước chứ không quản lý trực tiếp.
Bộ Nội vụ còn đề nghị, Bộ Giáo dục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo điều kiện cho các trường đổi mới, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, Bộ cần phối hợp, hướng dẫn bộ, ngành và địa phương sắp xếp, đầu tư phát triển các trường đại học trong phạm vi quản lý theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng các ngành chuyên sâu, đặc thù.
Các trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý rà soát, xây dựng đề án tự chủ, trong đó xác định lộ trình tự chủ; bảo đảm hết năm 2025 đạt mức tự chủ chi thường xuyên (lương, phụ cấp, bảo hiểm...) trở lên.
Theo thống kê tới tháng 3/2025, cả nước có khoảng 200 trường đại học công lập, thuộc 60 cơ quan chủ quản. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý khoảng 60 trường, 23 địa phương quản lý 26 trường, còn lại hơn 20 bộ, ngành và cơ quan ngang bộ quản lý khoảng 110 trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc này gây chồng chéo, giảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo Nghị quyết 03 của Chính phủ hồi đầu tháng 1, Bộ là cơ quan chủ trì xây dựng đề án chuyển trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực về trực thuộc, hoàn thành trong năm 2025.
Hai dự án tại Khu đô thị Thủ Thiêm của CII được gỡ vướng
Hai dự án hạ tầng kỹ thuật nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do CII - ông lớn hạ tầng TP.HCM - đầu tư vừa được chốt thời gian tính tiền sử dụng đất, theo Quyết định 91 của Chính phủ.
![]() |
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên sông Sài Gòn |
Trong thông báo gửi đến cổ đông, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91 ngày 24/4, quy định thời điểm xác định giá đất của các hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, 2 dự án do CII đầu tư là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và Dự án đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được chốt thời gian định giá đất.
Nghị định 91 quy định thời điểm xác định giá đất thanh toán cho nhà đầu tư được tính từ lúc ký tắt hợp đồng BT (ký tắt có ý nghĩa ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên trước khi ký chính thức), căn cứ theo nguyên tắc bù trừ giữa tổng vốn đầu tư dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Trường hợp sau khi quyết toán có chênh lệch giữa giá trị quỹ đất và giá trị quyết toán dự án BT, UBND TP.HCM và nhà đầu tư sẽ thanh toán phần chênh lệch theo hợp đồng.
Theo hợp đồng BT ký giữa UBND TP.HCM và CII, Công ty được giao, cho thuê 9 lô đất với tổng diện tích gần 96.132 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, có 7 lô đất được ký tắt hợp đồng BT năm 2015 và 2 lô đất ký hợp đồng chính thức năm 2016.
Hiện tại, CII đã khai thác xong 3 lô đất (số hiệu 3-1, 3-15, 4-7) với tổng diện tích hơn 35.952 m2, được biết đến là bộ 3 dự án Lakeview 1, Lakeview 2 và The River Thủ Thiêm; 1 lô đất gần 9.474 m2 (3-2) đã đầu tư 90% với tên thương mại là D’Verano. CII còn 5 lô đất tại dự án này ở Thủ Thiêm chưa đầu tư là Lakeview 4 (lô 4-8), D’Vernal (lô 3-6), Riverfront Residence (lô 3-13), The River 2 (lô 3-16), công trình thương mại lô 1-18.
Novaland thắng kiện ở dự án 10.000 tỷ đồng
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tuyên Taekwang Vina phải chuyển nhượng Dự án Khu dân cư 7/5 (TP.HCM) gần 10.000 tỷ đồng cho công ty con của Novaland.
![]() |
Phối cảnh Dự án Khu dân cư 7/5 |
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa đưa ra kết luận "văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán của Công ty CP TKG Taekwang Vina là trái pháp luật". VIAC bác bỏ toàn bộ yêu cầu của doanh nghiệp có vốn góp của Hàn Quốc này và chấp thuận yêu cầu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Địa ốc Gia Huy (công ty con của Novaland - NVL).
Cụ thể, đối tác Hàn Quốc phải tiếp tục chuyển nhượng dự án bất động sản tại phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức, TP.HCM (Dự án Khu dân cư 7/5) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cho phía Novaland. Công ty Gia Huy sẽ là bên tiếp tục thực hiện dự án này.
Dự án Khu dân cư 7/5, trước đây là khu vực trường bắn do Quân khu 7 quản lý. Tháng 12/2003, Thủ tướng có quyết định thu hồi khu đất và giao cho UBND TP.HCM quản lý, sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2004 - 2013, Dự án được giao cho Công ty 7/5 xây dựng khu dân cư theo quy hoạch. Đến tháng 12/2014, Công ty TNHH A Sung (thuộc sở hữu 100% của Taekwang Vina) trở thành chủ đầu tư dự án.
Tháng 4/2018, Taekwang Vina ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn Công ty A Sung cho Công ty Gia Huy, tức chuyển giao toàn quyền sở hữu Dự án Khu dân cư 7/5. Taekwang Vina đã nhận trước một phần giá trị chuyển nhượng, phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn tất các điều kiện của giao dịch, quan trọng nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất "sạch" theo đúng cam kết. Nếu vi phạm thời hạn, Taekwang Vina phải chịu phạt 1% giá trị giao dịch cho mỗi tháng chậm thực hiện.
Sau đó, Taekwang Vina được cho là vi phạm thời hạn đền bù và có yêu cầu gia hạn cùng miễn phạt, được phía Novaland chấp thuận. Tháng 12/2018, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn đã huy động gói trái phiếu 1.730 tỷ đồng nhằm chuẩn bị thanh toán phần còn lại cho đối tác Hàn Quốc. Tuy nhiên, Taekwang Vina chưa mở phong tỏa tài khoản để nhận tiền, khiến mâu thuẫn giữa các bên ngày càng căng thẳng.
Đến năm 2023, Taekwang Vina đơn phương tuyên bố chấm dứt hợp đồng mua bán. Do đó, Công ty Gia Huy đã khởi kiện đối tác tại VIAC, yêu cầu buộc Taekwang Vina tiếp tục thực hiện hợp đồng…
Ôtô được vào 30 km cao tốc Bến Lức - Long Thành từ chiều 28/4
Sau khi khai thác tạm khoảng 30 km, cao tốc Bến Lức - Long Thành cho xe chạy 60 - 100 km/h trên tuyến chính, 40 - 60 km/h ở các nhánh, chưa thu phí, từ 18h ngày 28/4.
![]() |
Đoạn cao tốc mới đưa vào khai thác tạm ở khu vực phía Tây TP.HCM |
Phương án tổ chức giao thông trên tuyến vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra, sau khi dự án thông xe thêm 18 km, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác tạm lên khoảng 30 km. Các đoạn đưa vào sử dụng tạm thuộc khu vực đầu tuyến đi qua Long An, phía Tây TP.HCM và cuối tuyến ở Đồng Nai.
Từ 18h ngày 28/4, xe được vào các đoạn cao tốc mới khai thác, trừ môtô, xe máy; xe có tốc độ thiết kế nhỏ hơn vận tốc tối thiểu ở cao tốc; xe 4 bánh chở người, hàng hóa có gắn động cơ... Xe thô sơ, người đi bộ cũng không được vào cao tốc trừ các đơn vị quản lý, bảo trì.
Riêng đoạn đầu tuyến từ nút giao Quốc lộ 1 đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ôtô tải trên 10 tấn không được chạy, tài xế cần theo biển chỉ dẫn để chủ động hành trình.
Trên các đoạn cao tốc mới đưa vào khai thác có nhiều nút giao lớn. Trong đó, khu vực đầu tuyến từ Long An đến TP.HCM dài khoảng 21 km có ba vị trí, gồm: giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nút giao số 1), với Quốc lộ 1 (nút giao số 2) và với đường Nguyễn Văn Tạo (nút giao số 4).
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, hiện giảm xuống còn 29.587 tỷ đồng. Tuyến đường có 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h.
Đề xuất bán phương tiện vi phạm để giảm tải kho bãi
Chính phủ đề xuất cơ quan chức năng được bán tang vật, phương tiện vi phạm nếu không có điều kiện bảo quản hoặc việc lưu giữ có nguy cơ gây hại cho cộng đồng.
![]() |
Xe tang vật vi phạm hư hỏng được xếp chồng chất tại bãi tạm giữ của Công an TP.HCM |
Sáng 28/4, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dự luật bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu không đến nhận và không xác định được người sử dụng hợp pháp.
Các trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: Tang vật có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho rằng, quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải quản lý tang vật và giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện sẽ gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu quan điểm: "Tất cả địa phương, đặc biệt là TP.HCM không còn bãi để giữ xe vi phạm, việc xử lý các tài sản này đang rất vướng về mặt pháp lý. Điều này cũng gây lãng phí tài sản rất lớn nên cần xử lý dứt điểm".
Kho tang vật lớn nhất của TP.HCM rộng hơn 20.000 m2 với 9 khu nhà hai tầng đạt chuẩn, có mái che và hệ thống phòng cháy chữa cháy, đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhiều năm qua. Nơi đây đang lưu giữ hơn 17.000 xe máy và ôtô vi phạm, vượt xa sức chứa. Công an TP.HCM cho biết, tình trạng tương tự xảy ra ở tất cả các bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn thành phố, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Dự Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp 5 và thông qua theo quy trình rút gọn.