Bản tin thời sự sáng 29/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại; Hà Nội muốn có gần 100 km đường sắt đô thị đến năm 2030; quận trung tâm TP.HCM dự kiến thu 750 triệu đồng phí sử dụng vỉa hè; Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế…

Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại

Chính phủ đề xuất mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.

Bất động sản khu đông dọc theo Xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức

Bất động sản khu đông dọc theo Xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức

Theo Nghị quyết ngày 28/5, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mở rộng các loại đất làm dự án nhà ở thương mại.

Luật Đất đai 2024 quy định, chủ đầu tư muốn triển khai dự án nhà ở thương mại chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở. Thực tế, không hộ gia đình hay cá nhân nào có diện tích đất ở đủ lớn, do hạn mức giao đất tối đa 400 m2. Với doanh nghiệp, đơn vị đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác mới được quyền chuyển mục đích sử dụng, để xây nhà thương mại.

Để cải thiện nguồn cung nhà ở, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại trong 5 năm, từ 1/1/2025.

Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.

Theo dự thảo Nghị quyết, 3 loại đất thực hiện dự án thí điểm, gồm đất thuộc đô thị, khu quy hoạch phát triển đô thị đã được duyệt. Ngoài ra, đất của doanh nghiệp đã thu tiền sử dụng, thuê đất hoặc của cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch... cũng nằm trong diện thí điểm.

Các dự án thí điểm chiếm tối đa 30% lượng dự án, tổng diện tích nhu cầu phát triển nhà ở tới 2030. Danh mục dự án thí điểm được UBND cấp tỉnh duyệt, phù hợp với tình hình địa phương và được HĐND thông qua.

Hà Nội muốn có gần 100 km đường sắt đô thị đến năm 2030

UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km đường sắt đô thị và hoàn thành mạng lưới 550 km đến năm 2045.

Tàu điện Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được vận hành đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã trong năm nay

Tàu điện Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được vận hành đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã trong năm nay

UBND TP. Hà Nội vừa xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về dự thảo Đề án tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô. Trong đó, đường sắt đô thị được xác định là trục xương sống của hạ tầng giao thông vận tải.

Cụ thể, đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8 km đường sắt đô thị; lập đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2035.

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301 km và đến năm 2045 sẽ hoàn thành toàn bộ 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 550 km theo quy hoạch chung Thủ đô.

Trên cơ sở mục tiêu đầu tư, UBND TP. Hà Nội đề xuất "một kế hoạch, ba phân kỳ" để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo đó, giai đoạn đầu đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội cần khoảng 14,6 tỷ USD để xây dựng 96,8 km đường sắt. Nếu hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7 - 8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển 2,2 - 2,6 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2035, Hà Nội cần khoảng 22,5 tỷ USD để đầu tư 301 km đường sắt. Nếu đạt mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 35 - 40% lượng khách và có thể vận chuyển được 9,7 - 11,8 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2045, Hà Nội phấn đấu hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá, phương án "một kế hoạch, ba phân kỳ" sẽ đáp ứng mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 và vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 55%, nhưng khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nguồn lực cao. Nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn nên Thành phố sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn, cộng với chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ gây áp lực lên ngân sách.

Quận trung tâm TP.HCM dự kiến thu 750 triệu đồng phí sử dụng vỉa hè

Gần ba tuần thí điểm cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh ở 11 tuyến đường thuộc Quận 1, gần 200 hộ đăng ký với tổng mức phí dự kiến đóng gần 750 triệu đồng.

Người đi bộ trên vỉa hè đường Hải Triều, quận 1, một trong các tuyến cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh

Người đi bộ trên vỉa hè đường Hải Triều, quận 1, một trong các tuyến cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh

Thông tin được đại diện UBND Quận 1 cho biết chiều 28/5, khi cập nhật tình hình thu phí sử dụng một phần vỉa hè làm điểm kinh doanh, buôn bán ở 11 tuyến đường đang thí điểm trên địa bàn. Trong tổng mức phí nêu trên, địa phương đã thu gần 250 triệu đồng. Số còn lại là khoản tạm tính dựa trên diện tích các hộ đã đăng ký, sau khi chấp thuận mới thu phí.

Phường Bến Thành có số lượng đăng ký nhiều nhất với 126 trường hợp. Kế đến là các phường Đa Kao, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Cư Trinh, Bến Nghé, Cô Giang... Trong đó, tuyến "đắt khách" nhất là Lê Thánh Tôn với 71 trường hợp đã đăng ký sử dụng một phần vỉa hè. Nhiều đường khác, số hộ đăng ký cũng tăng nhanh so với vài ngày đầu thí điểm, như Phan Bội Châu (34 hộ), Phan Chu Trinh (23 hộ), Trần Hưng Đạo (21 hộ)... Thống kê ngày cao nhất có 20 - 23 hộ đăng ký.

Quận 1 là địa phương đầu tiên tại TP.HCM thí điểm sử dụng một phần vỉa hè để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí. Theo phương án của Quận, phần diện tích kinh doanh ở vỉa hè bố trí về phía nhà dân và cho để xe máy tự quản sát mép đường. Phần giữa vỉa hè là lối cho người đi bộ với chiều rộng ít nhất 1,5 m.

Với 11 tuyến đang thí điểm, việc đăng ký sử dụng vỉa hè được quận triển khai qua phần mềm. Trên ứng dụng sẽ cung cấp chức năng hè phố, thủ tục đăng ký, mức phí... Khi đáp ứng các điều kiện, người dân sẽ được cấp phép và đóng phí tuỳ theo diện tích, thời gian. Hiện, chỉ chủ hộ hoặc người đang thuê nhà mới được xem xét cho sử dụng vỉa hè.

Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế

Ngành thuế được yêu cầu đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Ngành thuế được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế

Ngành thuế được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế

Thông tin trên được nêu trong văn bản về chỉ đạo công tác quản lý thuế của Bộ Tài chính. Đại diện ngành tài chính thông tin, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng qua có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả giao dịch. Tuy nhiên, ở một số ngành hàng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao trong thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ban này do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Các thành viên là đại diện các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc...

Ban chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế. Đồng thời, đơn vị này được giao chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế.

"Đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký", văn bản nêu.

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tăng cường đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước đến hết năm không vượt quá 8%. Tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước.

Bảo hiểm chi trả khoảng 2,72 tỷ đồng bồi thường thiệt hại vụ cháy tại Trung Kính

Tổng hợp báo cáo đến ngày 27/5, 4 doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người (6 trường hợp tử vong) trong vụ cháy với số tiền chi trả bảo hiểm ước là 2,72 tỷ đồng.

Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính

Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính

Ngày 28/5, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết đã có 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gửi báo cáo về tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trong vụ cháy tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội trong ngày 24/5.

Tổng hợp báo cáo đến ngày 27/5, 4 doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người (6 trường hợp tử vong) trong vụ cháy với số tiền chi trả bảo hiểm ước là 2,72 tỷ đồng.

Cụ thể, khối công ty bảo hiểm nhân thọ có 2 công ty có khách hàng là nạn nhân trong vụ cháy. Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam có 2 trường hợp khách hàng tử vong với số tiền chi trả bảo hiểm cho mỗi khách hàng 1 tỷ đồng. Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life đã rà soát danh sách khách hàng và đang hoàn tất thủ tục bồi thường cho một trường hợp khách hàng tử vong trong vụ cháy, ước số tiền chi trả là 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có 3 trường hợp khách hàng tử vong với số tiền chi trả bảo hiểm ước là 220 triệu đồng. Cụ thể, Công ty Bảo hiểm PVI có 1 trường hợp khách hàng tử vong, ước số tiền chi trả là 20 triệu đồng. Công ty Bảo hiểm PJICO có 2 trường hợp khách hàng tử vong, ước số tiền chi trả là 200 triệu đồng (trong đó có một trường hợp là sinh viên với mức trách nhiệm 20 triệu đồng, một trường hợp với mức trách nhiệm là 180 triệu đồng). Hiện nay, PJICO cho biết đang hoàn tất thủ tục và trao đổi với gia đình nạn nhân để hẹn thời gian chi trả trực tiếp cho đại diện gia đình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn tiếp tục chủ động rà soát thông tin khách hàng và sẽ thực hiện ngay các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm.

TP.HCM sắp giải tỏa hơn 1.500 căn nhà làm dự án ở Quận 8

Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) sẽ giải tỏa 1.571 căn nhà, trong đó hơn 1.000 căn nhà phải giải tỏa trắng. Đa số các nhà dân ở đây không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TP.HCM sẽ giải tỏa hơn 1.500 căn nhà cải tạo bờ Bắc kênh Đôi

TP.HCM sẽ giải tỏa hơn 1.500 căn nhà cải tạo bờ Bắc kênh Đôi

Tại kênh Đôi (cả bờ Bắc và Nam) hiện có có hàng nghìn căn nhà “ổ chuột”. Nhiều ngôi nhà đang lấn hẳn ra mặt kênh. Có nhà chỉ dựng tạm bằng vài cọc gỗ liêu xiêu có thể đổ sập bất cứ khi nào.

Ông Nguyễn Hồng Thuận - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 8 cho biết, để làm Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng giải tỏa với tổng diện tích thu hồi hơn 5,5 ha.

Trong số này, có 1.005 trường hợp giải tỏa trắng và 566 trường hợp giải tỏa một phần.

Qua rà soát của Quận 8, trong số các trường hợp giải tỏa trắng có tới 909 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (chiếm 90,4%). Nguyên nhân do đây là nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch...

Về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, ông Nguyễn Hồng Thuận cho biết, với những căn nhà tồn tại trước 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí so với diện tích đất ở; từ 15/10/1993 - 1/7/2004 sẽ được hỗ trợ 30%. Các hộ dân này sẽ được hưởng các chính sách tái định cư.

UBND Quận 8 đã đề xuất 676 nền đất và căn hộ để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Dự kiến bố trí 17 nền đất tại Khu dân cư Cảng sông Phú Định, Khu dân cư Hồng Quang, Khu tái định cư Bông Sa.

659 căn hộ tại Chung cư 481 Bến Ba Đình (218 căn), Khu nhà ở xã hội Hưng Phát (315 căn), Chung cư cao tầng Riverside Apartment (76 căn), Chung cư cao tầng Tân Phú (50 căn).

Tuy nhiên, số lượng nhà lấn chiếm tồn tại sau 1/7/2004 chưa có quy định để bồi thường. UBND Quận 8 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nghiên cứu các quy định pháp luật để đề xuất kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống.

“Những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư được xem xét giải quyết cho thuê, thuê mua trả góp căn hộ để ổn định cuộc sống sau giải tỏa”, ông Nguyễn Hồng Thuận nói.

Hơn 100 hồ sơ đền bù cao tốc ở Đồng Nai có dấu hiệu 'chỉnh sửa'

Sau khi rà soát hồ sơ, UBND phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, phát hiện 112 hồ sơ không đủ pháp lý, có dấu hiệu chỉnh sửa.

Đoạn nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với Quốc lộ 51 đi qua phường Phước Tân chưa được giải phóng mặt bằng

Đoạn nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với Quốc lộ 51 đi qua phường Phước Tân chưa được giải phóng mặt bằng

Ngày 28/5, UBND TP. Biên Hòa cho biết, trả lại 112 hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng ở phường Phước Tân cho Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư Đồng Nai do pháp lý chưa đầy đủ, hợp lệ.

Trước đó ban này kiểm đếm, bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở địa bàn TP. Biên Hoà. Trong tổng số 286 hồ sơ nhà, đất ở phường Phước Tân đã lập hồ sơ, cơ quan chức năng phát hiện 112 hồ sơ tại 69 thửa đất có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xoá thời gian sở hữu đất, thay đổi chủ sở hữu tài sản, viết lại giấy mua bán tay... Đến nay mới có 12 hộ cung cấp đủ giấy tờ chứng minh được tài sản trên đất của mình.

Tại cuộc họp về công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều 28/5, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị lãnh đạo TP. Biên Hòa chỉ đạo phường Phước Tân rà soát kỹ các hồ sơ nói trên. Địa phương chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu phát hiện cán bộ phường cố tình làm sai.

Phường Phước Tân là một trong những địa phương gặp khó trong giải phóng mặt bằng của Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi có gần 700 căn nhà được xác định xây trái phép. Đến nay, Phường đã bàn giao 2,6 ha mặt bằng (khoảng 12%) để thực hiện Dự án.

Khởi công giữa tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tùy đoạn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông Vận tải triển khai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn 3 dài 19,5 km.

Để xây dựng hai đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn, Đồng Nai phải thu hồi đất của hơn 2.000 hộ ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành.

Tin cùng chuyên mục