Bản tin thời sự sáng 30/6

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Bình Dương; đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt; Chứng khoán giảm mạnh nhất 3 tháng; xem xét Đề án thành lập quận Đông Anh vào đầu tháng 7; Hà Nam xử phạt Công ty dệt may Vũ Băng hơn 2,6 tỷ đồng do xả thải ra sông…

Khởi công Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Bình Dương

Vành đai 3 TP.HCM, đoạn đi qua Bình Dương dài 26,6 km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng được khởi công sáng 29/6.

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc Vành đai 3 tại TP. Thuận An

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc Vành đai 3 tại TP. Thuận An

Đây là dự án thành phần tiếp theo được thực hiện sau khi hai đoạn đi qua TP.HCM (hơn 47 km) và Đồng Nai (hơn 11 km) đã khởi công vào ngày 18/6. Trong đó, đoạn nút giao Tân vạn dài 2,7 km, tuyến Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km và đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km (đã được đầu tư).

Vành đai 3 qua Bình Dương thiết kế chuẩn cao tốc với đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu tuyến được đầu tư 4 làn xe và nâng lên 8 làn khi hoàn thiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, đây là dự án rất quan trọng trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công trình không chỉ giảm mật độ xe vào các đô thị lớn mà còn mở ra hướng phát triển cho nhiều địa phương giáp ranh TP.HCM gồm TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An.

Với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng, Vành đai 3 TP.HCM là dự án có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay. Tuyến đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.

Đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt

Trưởng phòng quản lý đô thị TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị đình chỉ công việc để làm rõ trách nhiệm trong cấp phép, giám sát xây dựng ở nơi vừa sạt lở khiến 2 người chết.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 2 người chết.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 2 người chết.

Chiều 29/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt. Việc này để làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phòng và các tập thể, cá nhân liên quan trong cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực vừa xảy ra sự cố.

Ngoài ra, toàn bộ công trình tại khu vực sạt lở, có độ dốc lớn... cần dừng thi công để rà soát, đánh giá, quan trắc độ an toàn. Sở Xây dựng được giao kiểm tra, đánh giá cấp phép, hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình công trình ở khu vực xảy ra sạt lở, giám sát thi công. Ở sự cố vừa xảy ra, chính quyền tỉnh chỉ đạo điều tra vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố.

Động thái nói trên được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra sau khi ở địa bàn, nhất là Đà Lạt liên tục xảy ra sạt lở gây tổn thất người và tài sản. Cụ thể sáng 29/6, bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 (Đà Lạt) đổ ập đoạn dài hơn 50 m, gây hư hỏng, vùi lấp ba căn nhà 3-4 tầng, lán trại, hai người chết.

Hiện trường sự cố là khu đất rộng khoảng 1.000 m2 có địa hình dốc đứng đang được thi công bờ taluy tạo mặt bằng phẳng. Tại đây có bốn bậc mặt bằng được xây bêtông cốt thép bị phá vỡ kết cấu ở tầng 3 và 4. Hàng nghìn khối đất đá đổ tràn xuống phía dưới.

Chứng khoán giảm mạnh nhất 3 tháng

Nhà đầu tư ồ ạt xả hàng, nhất là hai mã DIG và HPG, khiến VN-Index phiên ngày 29/6 giảm gần 13 điểm, mạnh nhất từ cuối tháng 3.

Chứng khoán giảm mạnh nhất 3 tháng

Chứng khoán giảm mạnh nhất 3 tháng

Sắc xanh chỉ xuất hiện trên đồ thị VN-Index vài phút trong phiên ATO. Ngay sau đó, chỉ số đại diện sàn TP.HCM đi dưới tham chiếu đến cuối ngày. Một số thời điểm, VN-Index được nâng nhẹ lên sát tham chiếu nhưng lực bán ồ ạt trong cuối phiên đã kéo chỉ số này chốt ở 1.125,4 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.

Thị trường xấu đi khi nhóm cổ phiếu trụ liên tục bị bán ra. VN30 hôm nay mất gần 16 điểm với 28 mã giảm. Tính chung sàn HoSE, số lượng cổ phiếu giảm giá lên đến 361 mã, nhiều gấp 4 số cổ phiếu tăng. Nguyên vật liệu, công nghiệp, tài chính và bất động sản là những nhóm làm giảm điểm nhiều nhất cho thị trường.

Chịu áp lực bán ra mạnh nhất phiên ngày 29/6 là hai mã DIG và HPG. Mở cửa với lệnh bán ồ ạt trong phiên ATO, mã chứng khoán của Tổng công ty Đầu tư phát triển Xây dựng (DIG) lập tức giảm mạnh. Lực bán chủ động chiếm áp đảo cả ngày với biên độ hơn 63%, theo ước tính của VNDirect. Chốt phiên, DIG giảm 5,8% thị giá với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.040 tỷ đồng, dẫn đầu sàn HoSE.

Thanh khoản toàn sàn HoSE giảm nhẹ về hơn 17.300 tỷ đồng. Khối ngoại có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp với biên độ khoảng 115 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuộng gom hàng HPG khi mã này dẫn đầu top mua ròng với gần 182 tỷ đồng.

Xem xét Đề án thành lập quận Đông Anh vào đầu tháng 7

Tại kỳ họp thứ 12 tới đây, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét Đề án thành lập quận Đông Anh và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại kỳ họp thứ 12 tới đây, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét Đề án thành lập quận Đông Anh

Tại kỳ họp thứ 12 tới đây, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét Đề án thành lập quận Đông Anh

Ngày 29/6, HĐND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI.

Theo đó, kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ) năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 6/7/2023.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, kỳ họp dự kiến sẽ xem xét 57 nội dung, trong đó có 19 báo cáo và 38 nội dung ban hành nghị quyết.

Trong các báo cáo có Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố (đến tháng 6/2023); Báo cáo của UBND Thành phố về tình hình, tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”...

Các nội dung ban hành Nghị quyết có Nghị quyết xem xét thông qua điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng đến ngày 31/12/2024; Quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, HĐNQ Hà Nội cũng sẽ xem xét thông qua Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh theo kết luận số 1170-TB/TU ngày 23/5/2023 của Thường trực Thành ủy.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 11/6, UBND huyện Đông Anh cũng đã thực hiện lấy ý kiến cử tri trực tiếp tại hộ gia đình đối với “Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh”. Kết quả tổng hợp cho thấy, 99,26% cử tri đồng ý với Đề án thành lập quận Đông Anh và 99,25% cử tri đồng ý với Đề án thành lập các phường thuộc quận Đông Anh.

Đề nghị kỷ luật Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa ra thông báo kết luận kỳ họp thứ 27, khóa XI, trong đó có nội dung đề nghị kỷ luật Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai.

Dự án Khu dân cư Phước Thái, TP. Biên Hoà nơi xảy ra sai phạm đất đai

Dự án Khu dân cư Phước Thái, TP. Biên Hoà nơi xảy ra sai phạm đất đai

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thông qua việc kiểm điểm, xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Thời điểm còn làm Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, ông Tuấn Anh đã có khuyết điểm, vi phạm liên quan quá trình thực hiện Dự án khu dân cư thương mại Phước Thái (TP. Biên Hoà).

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Nguyễn Tuấn Anh.

Hà Nam xử phạt Công ty dệt may Vũ Băng hơn 2,6 tỷ đồng do xả thải ra sông

UBND tỉnh Hà Nam mới ra quyết định xử phạt Công ty TNHH dệt may Vũ Băng hơn 2,6 tỷ đồng vì xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Châu Giang.

Công an tỉnh Hà Nam bắt quả tang Công ty TNHH dệt may Vũ Băng xả nước thải không qua xử lý ra sông Châu Giang

Công an tỉnh Hà Nam bắt quả tang Công ty TNHH dệt may Vũ Băng xả nước thải không qua xử lý ra sông Châu Giang

Theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam, đơn vị này vừa bắt quả tang và chuyển hồ sơ sang UBND tỉnh này để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH dệt may Vũ Băng về hành vi xả thải trộm ra sông Châu Giang. Số tiền mà UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định xử phạt là 2,648 tỷ đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gây ra.

Trước đó, vào ngày 18/4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hà Nam phát hiện Công ty TNHH dệt may Vũ Băng chuyên tái chế vải sợi tại Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp ở xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân) thực hiện hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Châu Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện công ty này tự ý lắp đặt, đấu nối đường ống nhựa có đường kính 63mm, dài khoảng 1,4km, vùi lấp trong các mương thoát nước, khu canh tác và nghĩa trang của xã Hòa Hậu để xả nước thải ra sông.

Tháo dỡ xong hai trạm BOT trên Quốc lộ 1K

Sau gần một tháng, hai trạm thu phí trên Quốc lộ 1K qua Bình Dương, Đồng Nai đã được tháo dỡ xong, đang hoàn trả mặt đường.

Trạm BOT Quốc lộ 1K ở cửa ngõ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã được hoàn trả mặt đường, lắp dải phân cách

Trạm BOT Quốc lộ 1K ở cửa ngõ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã được hoàn trả mặt đường, lắp dải phân cách

Ngày 29/6, ông Kiều Vũ Hiệp - Phụ trách Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2 (QLĐB IV) cho biết, hai trạm thu phí T1, T2 thuộc dự án BOT Quốc lộ 1K qua địa phận tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã được tháo dỡ, đang hoàn trả mặt đường.

Hai trạm này đã tạm dừng thu phí gần 3 năm qua. Việc tháo dỡ thuộc dự án sửa chữa đột xuất nhằm hoàn trả mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trên Quốc lộ 1K, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 8/2023.

Trong quá trình thi công tháo dỡ trên mặt đường đang khai thác, nhà thầu phải điều tiết phân làn giao thông. Như vậy, công tác tháo dỡ hai trạm thu phí đã hoàn thành trước gần 2 tháng, nhà thầu thi công đang hoàn thiện các hạng mục ATGT còn lại.

Trước đó vào cuối tháng 10/2020, hai trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1K đã tạm dừng hoạt động vì hết thời gian thu phí.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1K dài hơn 10km đi qua TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng. Dự án do Liên danh Công ty CPĐT 194 - Công ty CP Rạng Đông - Công ty TNHH XDĐT cơ sở hạ tầng Phú Thọ - Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô - Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (các nhà đầu tư), Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1K (doanh nghiệp dự án) thực hiện.

Tin cùng chuyên mục