Bản tin thời sự sáng 30/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc hội chốt tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7; Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Prague; thuế VAT giảm tiếp 2% đến cuối năm nay; từ 1/7, cảnh sát giao thông kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe qua VNeID…

Quốc hội chốt tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7

Tại nghị quyết Kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.

Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

Với các đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát toàn bộ khung pháp lý để có cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan cho phù hợp trước 31/12/2024. Phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù sẽ được bảo lưu.

Do chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới như nghị quyết về cải cách tiền lương nên Quốc hội đồng ý giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Từ 1/7, tiền lương công chức, viên chức vẫn được tính trên nền lương cơ sở nhân hệ số hiện hưởng tùy từng nhóm. Phụ cấp được tính căn cứ trên nền 2,34 triệu đồng nhân hệ số được hưởng. Ngoài ra, các khoản phụ cấp tính theo % lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng lương cơ sở cộng mức phụ cấp đó nhân với tỷ lệ % được hưởng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 phải tăng thêm 913.300 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương.

Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Prague

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Ủy ban ASEAN (ACP), Đại sứ Việt Nam đề xuất một số sáng kiến nhằm triển khai các hoạt động của Ủy ban trong 6 tháng cuối năm 2024 như Lễ kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN (8/8)...

Lễ bàn giao vai trò Chủ tịch luân phiên ACP từ Đại sứ Malaysia Suzilah Mohd Sidek sang Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam

Lễ bàn giao vai trò Chủ tịch luân phiên ACP từ Đại sứ Malaysia Suzilah Mohd Sidek sang Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam

Ngày 28/6, tại thủ đô Prague của Cộng hòa Séc, Ủy ban ASEAN (ACP) đã họp phiên thứ 26 nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và tổ chức lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên ACP từ Đại sứ Malaysia Suzilah Mohd Sidek sang Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam.

Tham dự cuộc họp và lễ chuyển giao có các đại sứ, đại biện và cán bộ đại sứ quán các nước ASEAN tại Cộng hòa Séc.

Tại cuộc họp, các đại sứ đánh giá cao hoạt động của Ủy ban trong nửa đầu năm 2024 với điểm nhấn là Lễ hội quảng bá ẩm thực, văn hóa ASEAN (tháng 5/2024) và Hội chợ hàng tiêu dùng và ẩm thực ASEAN (tháng 6/2024), góp phần tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò và nâng cao hình ảnh của Ủy ban ASEAN.

Theo phân công của Ủy ban, Đại sứ Dương Hoài Nam chủ trì trình bày báo cáo đánh giá về tình hình nội trị, đối ngoại của Cộng hòa Séc, quan hệ giữa Cộng hòa Séc với các nước lớn, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm Visegrad.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ACP, Đại sứ Việt Nam đề xuất một số sáng kiến nhằm triển khai các hoạt động của Ủy ban trong 6 tháng cuối năm 2024 như Lễ kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN (8/8), Tuần lễ phim ASEAN+ (2 - 9/9), Hội chợ hàng hóa và văn hóa ẩm thực ASEAN...

Kết thúc cuộc họp, Đại sứ Malaysia Suzilah Mohd Sidek cùng Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam ký kết Biên bản chính thức chuyển giao chức vị Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN cho Việt Nam từ 1/7 đến 31/12/2024.

Thuế VAT giảm tiếp 2% đến cuối năm nay

Thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số hàng hóa, dịch vụ (trừ chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản) được giảm 2% thêm 6 tháng.

Việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng

Việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng

Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, với gần 95% đại biểu tán thành. Trong đó, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành, tới hết năm nay.

Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo các chuyên gia, giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng.

Việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước nửa cuối năm khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, ngân sách nhà nước ước tính giảm gần 47.500 tỷ đồng cả năm.

Quốc hội giao Chính phủ đảm bảo nguồn thu để không ảnh hưởng đến dự toán, các khoản chi, bội chi ngân sách và nhu cầu cấp bách phát sinh, khi giảm tiếp thuế này.

Từ 1/7, cảnh sát giao thông kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe qua VNeID

Theo Thông tư số 28/2024/TT-BCA, từ ngày 1/7, cảnh sát giao thông (CSGT) có thể kiểm tra thông tin người vi phạm qua ứng dụng VNeID. Việc này có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ nhưng sẽ thuận lợi hơn cho người dân.

Việc kiểm tra thông tin người vi phạm trên ứng dụng VNeID có giá trị như kiểm tra giấy tờ trực tiếp

Việc kiểm tra thông tin người vi phạm trên ứng dụng VNeID có giá trị như kiểm tra giấy tờ trực tiếp

Chiều 29/6, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Đáng chú ý, thông tư này sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.

Cụ thể, các loại giấy tờ gồm: giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe); giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...

Theo Cục CSGT, khi thông tin các loại giấy tờ trên của người dân đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý... thì việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát thông qua căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), cơ sở dữ liệu... sẽ có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.

"Việc kiểm tra thông tin của người dân đã được tích hợp trên ứng dụng sẽ tạo thuận lợi hơn cho chính họ và lực lượng chức năng. Bởi người dân đỡ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cùng một lúc, giảm bớt thời gian kiểm tra, kiểm soát so với trước đây", đại diện Cục CSGT chia sẻ.

Hòa Phát và 4 công ty bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt

Trong khi 4 công ty bị phạt vì vi phạm công bố thông tin thì Tập đoàn Hòa Phát bị xử phạt do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập.

Các quyết định xử phạt hành chính liên tiếp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố. Ảnh minh họa

Các quyết định xử phạt hành chính liên tiếp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG).

Tập đoàn Hòa Phát bị phạt tiền 112,5 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập. Đến thời điểm tháng 5/2024, Hòa Phát có 9 thành viên HĐQT nhưng chỉ có 2 thành viên HĐQT độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định.

Một doanh nghiệp khác cũng vừa bị UBCKNN xử phạt là Công ty CP Maroon Bells. Công ty này bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cũng với lý do "không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật", Công ty CP Xây dựng Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C bị UBCKNN xử phạt 92,5 triệu đồng; Công ty CP Thủy điện Đakrông bị phạt 85 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Rivera bị phạt 85 triệu đồng do không gửi nội dung công bố thông tin cho HNX…

Lắp camera phạt nguội tại các đường quanh trạm thu phí BOT ở Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo ngành chức năng lắp đặt hệ thống camera giám sát, kết nối dữ liệu đảm bảo tra cứu, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) tại các tuyến đường quanh trạm thu phí BOT.

Trạm thu phí BOT tại phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Trạm thu phí BOT tại phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Ngày 29/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký công văn gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT), UBND thị xã Điện Bàn và Công ty CP Xây dựng công trình 545 (Công ty 545, chủ đầu tư) về giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động của trạm thu phí BOT.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp để nghe Công ty 545 báo cáo tình hình Dự án thành phần 1 Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987 theo hợp đồng BOT.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng, Khu Quản lý đường bộ III, UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, làm việc với Công ty 545 và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lắp đặt hệ thống camera giám sát, kết nối dữ liệu đảm bảo tra cứu, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) tại các tuyến đường xung quanh trạm thu phí BOT tại phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty 545 có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của trạm BOT Điện Bàn, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất, gửi Sở GTVT để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND Tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền, đúng quy định.

Quảng Trị sẽ có dự án băng tải than đá dài hơn 6 km từ Lào về Việt Nam

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Tình trạng xe chở than ùn ứ tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Tình trạng xe chở than ùn ứ tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Dự án có chiều dài hơn 6 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.489 tỷ đồng nhằm tăng khối lượng vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam.

Dự án được đầu tư tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với mục tiêu giảm áp lực thông quan hàng hoá tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 15D. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Tiến.

Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82 ha, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm. Tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115 m được kết nối vào đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào. Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam, thôn A Đeng, xã A Ngo. Toàn tuyến được chia thành 7 đoạn với 7 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ. Thời gian hoạt động của Dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Giai đoạn 1 có công suất 15 triệu tấn/năm, dự kiến đầu tư năm 2024.

Trong những năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam diễn ra sôi động. Việc vận chuyển than qua cửa khẩu La Lay là tuyến đường ngắn nhất về các cảng biển tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.