Sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách kỷ lục ngày mùng 5 Tết
Trong ngày mùng 5 Tết Ất Tỵ 2025, sân bay Tân Sơn Nhất xác lập kỷ lục mới khi phục vụ hơn 150.500 lượt khách đi lại.
Sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp từ sáng sớm mùng 5 Tết Ất Tỵ 2025 |
Ngày 2/2 (mùng 5 Tết), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ hơn 150.500 hành khách và khai thác 979 chuyến bay, trong đó có hơn 93.000 lượt khách đến và 57.000 khách đi.
Như vậy, ngày 2/2, sân bay này xác lập kỷ lục mới về lượng khách đi lại trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 (số lượt khách nhỉnh hơn so với hôm 24 tháng Chạp, đỉnh điểm của giai đoạn trước Tết).
Ngày 2/2 là ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên sân bay Tân Sơn Nhất đã nhộn nhịp hành khách từ sáng sớm. Sau 9 ngày nghỉ, người dân trở lại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để chuẩn bị cho chuỗi ngày làm việc đầu năm mới.
Không chỉ ga quốc nội, khu vực ga quốc tế sân bay này cũng đông đúc. Ước tính, ngày mùng 5 Tết có khoảng 53.000 lượt khách quốc tế đến và đi.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, để giải tỏa nhanh hành khách hạ cánh, sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng cường nhân sự, tối ưu hóa quy trình làm thủ tục. Sau Tết, nhu cầu đi lại của hành khách bằng taxi, xe công nghệ tăng cao nên phải chờ khá lâu để bắt xe về nhà.
Nhân viên an ninh sân bay cũng được điều phối, hỗ trợ hành khách tại khu vực nhà ga và bãi đỗ xe. Từ mùng 4 - 8 Tết, ngành giao thông TP.HCM bố trí 2 xe buýt trung chuyển, miễn phí cho hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất ra khu vực bãi xe trước cổng sân bay để dễ dàng, thuận lợi đón taxi, xe công nghệ.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2025 có khoảng 87.358 lượt khách quốc tế đến Thành phố, tăng 16,5% so với con số 75.000 lượt của cùng kỳ năm 2024.
Số du khách quốc tế tăng cũng giúp cho công suất phòng của các cơ sở lưu trú tại TP.HCM tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 65%. Doanh thu ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với 6.550 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.
Gần 300 xe container ‘mở hàng’ cửa khẩu Lạng Sơn sang Trung Quốc
Sau 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại cửa khẩu ở Lạng Sơn như Hữu Nghị - huyện Cao Lộc và Tân Thanh - huyện Văn Lãng thông thương trở lại, hàng trăm xe container chở hàng qua biên giới Việt - Trung.
Gần 300 xe chở hàng đã xuất nhập khẩu ngay ngày đầu năm mới |
Theo báo cáo của lực lượng chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn, từ ngày 1/2, các hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có đăng ký từ trước được thực hiện qua cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh với số lượng 299 xe chở hàng (trong đó, xuất khẩu là 228 xe, nhập khẩu 71 xe).
Các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch đã tạo mọi điều kiện để hàng hóa “mở hàng” đầu năm một cách hanh thông, thuận lợi. Các cửa khẩu này sẽ hoạt động thông quan trở lại bình thường từ ngày 5/2.
Tại lối thông quan khu vực mốc 1104-1105 (Cốc Nam, huyện Văn Lãng), cửa khẩu phụ Na Hình (huyện Văn Lãng), cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình) sẽ đồng loạt hoạt động trở lại từ ngày 5/2.
Trước đó, do phía Trung Quốc nghỉ Tết nên Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 (Tân Thanh) sẽ tạm dừng thông quan hàng hóa từ ngày 28 - 31/1.
Từ ngày 1 - 4/2, cửa khẩu cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có đăng ký từ trước và sẽ hoạt động thông quan trở lại bình thường từ ngày 5/2.
Tại lối thông quan khu vực mốc 1104-1105 (Cốc Nam), cửa khẩu phụ Na Hình (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) và cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) sẽ nghỉ Tết từ ngày 28/1 - 4/2 và sẽ hoạt động trở lại từ ngày 5/2.
Chùa Hương đón hơn 8,7 vạn khách trước ngày khai hội
Trước ngày khai hội chính thức, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã đón hơn 8,7 vạn lượt khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Du khách về chùa Hương dịp Tết Ất Tỵ 2025 |
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), tính từ chiều 28/1 (29 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2 (mùng 5 Tết Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức đã đón hơn 8,7 vạn lượt khách thập phương về tham quan, thắng cảnh chùa Hương.
Trong đó, riêng mùng 5 Tết, lượng khách qua trạm kiểm soát vé Thiên Trù là hơn 36.500 khách.
Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, Lễ khai hội được tổ chức vào sáng sớm mùng 6 Tết (tức 3/2).
Năm nay, UBND huyện Mỹ Đức triển khai phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò để giảm phiền hà cho du khách. Đồng thời, điều này cũng giúp tránh thất thoát nguồn thu, minh bạch giá vé tham quan, phí dịch vụ.
Hiện tại, Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Hương Sơn đã sửa sang, sơn màu xanh cho hơn 3.700 thuyền đò chở khách. Các thuyền cũng được trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí...
9 ngày nghỉ Tết, xử phạt vi phạm giao thông hơn 172 tỷ đồng
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết, công an toàn quốc đã xử phạt xe vi phạm giao thông số tiền hơn 172 tỷ đồng.
Công an xử lý xe vi phạm giao thông |
Theo đó, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã huy động 25.556 lượt tổ công tác, 137.511 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát.
Công an đã phát hiện, xử lý 55.842 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phạt tiền 172 tỷ 161 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), chứng chỉ chuyên môn 2.985 trường hợp, 7.035 GPLX bị trừ điểm.
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, xử phạt giảm 40.261 trường hợp (mặc dù kỳ nghỉ năm nay dài hơn 02 ngày).
Về xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 17.149 trường hợp, so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 20.365 trường hợp.
Về xử lý phương tiện vi phạm tốc độ, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 13.296 trường hợp, so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 10.905 trường hợp.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, có tổng số 30 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ yếu tập trung vào các ngày cao điểm (ngày 26 Tết và ngày mồng 3 - 4 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống, làm việc.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình hình tai nạn giao thông như sau:
Tai nạn giao thông trong ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Ất Tỵ (ngày 2/2/2025), toàn quốc xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 18 người và 19 người bị thương. So với ngày 5 Tết Giáp Thìn 2024, giảm 29 vụ, giảm 17 người chết, 31 người bị thương.
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương.
Nhà ở xã hội mới tại Hà Nội dự kiến 25 triệu đồng một m2
Dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì có giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng một m2.
Khu đất triển khai dự án nhà ở xã hội có giá tạm tính 25 triệu đồng một m2 tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội |
Mức giá này được nêu trong bản công bố thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất NO1, thuộc khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được khởi công cuối năm ngoái.
Dự án này do Liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội - Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, giá bán tạm tính các căn hộ tại dự án này là 25 triệu đồng mỗi m2. Với đơn giá trên, căn hộ diện tích 70 m2 tại dự án ở Tân Triều có giá khoảng 1,75 tỷ đồng. "Chủ đầu tư sẽ công bố giá chính thức sau khi được cơ quan quản lý thẩm định theo quy định", sở này thông tin. Chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê căn hộ tại dự án từ quý cuối năm nay.
Nếu được duyệt, đây sẽ là mức giá nhà ở xã hội cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Gần nhất - tháng 3/2023, Dự án nhà xã hội NHS Trung Văn ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ghi nhận mức giá mở bán cao kỷ lục tại Thủ đô khi đó, hơn 19,5 triệu đồng một m2 (gồm VAT).
Khu nhà ở xã hội tại xã Tân Triều được xây dựng trên diện tích khoảng 9.300 m2 (thuộc quỹ đất 20% của khu đô thị mới hạ Đình). Công trình này cao 25 tầng nổi (5 tầng đế, 20 tầng căn hộ) và 1 tầng hầm.
Sau khi hoàn thành dự kiến vào IV/2027, Dự án cung cấp 440 căn hộ, trong đó có 365 căn nhà xã hội. Số lượng nhà ở xã hội để bán gồm 255 căn, 37 căn cho thuê mua, 73 căn cho thuê.
Khu nhà xã hội này cũng là dự án nhà ở cho người thu nhập thấp hiếm hoi được mở bán thời gian qua tại Hà Nội, sau NHS Trung Văn.
Nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội năm nay có thể khởi sắc hơn. Hồi tháng 11/2024, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đến hết năm 2025, thành phố dự kiến hoàn thành thêm 6.000 căn nhà tại 11 dự án.
Đà Nẵng mở bán 30 căn nhà ở xã hội đầu năm 2025
Đà Nẵng tiếp tục mở bán nhà ở xã hội Dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu đầu năm 2025.
Đà Nẵng thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh |
Dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh được xây dựng tại vệt kẹp ĐT 602 và Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Dự án do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, với quy mô 8 khối nhà chung cư, với 1.760 căn hộ, khu thể thao - dịch vụ, trường mầm non...
Theo Chủ đầu tư, giai đoạn 1 là xây dựng 2 tòa nhà chung cư E1 và E2 cao 12 tầng với 550 căn hộ có diện tích từ 32,37 - 66,3 m2, 28 ki-ốt thương mại. Giai đoạn 2, xây dựng 2 tòa nhà chung cư B1 và B1A cao 15 tầng với 448 căn hộ có diện tích từ 30 - 53 m2, 12 ki-ốt thương mại và khu dịch vụ thể thao, sân bóng đá, trường mầm non. Giai đoạn 3, xây dựng 4 tòa nhà chung cư E3, E4, B2, B2A cao 12 - 15 tầng với 998 căn hộ có diện tích từ 30 - 66,3 m2 và khu dịch vụ thương mại.
Theo thông báo, trong đợt này, Dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký với 30 căn hộ. Diện tích căn hộ từ 63,25 - 69,96m2.
Các đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại thành phố Đà Nẵng hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2 sàn/người tại thành phố Đà Nẵng. Đồng thời chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại thành phố Đà Nẵng.
Năm 2025, ngành gỗ nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD
Sau năm 2024 với kim ngạch kỷ lục, ngành gỗ nội thất Việt Nam đón thời cơ lẫn thách thức để thu về 18 tỷ USD xuất khẩu năm nay.
Gian hàng Vietnam Pavilion tại Tuần lễ thiết kế Milan 2024 làm từ hơn 400 module gỗ kết hợp vật liệu mây tự nhiên truyền thống |
Năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 16,25 tỷ USD, tăng hơn 20% so với 2023, theo Tổng cục Hải quan. Dù không thể chạm được mục tiêu 17,5 tỷ USD nhưng con số này cũng phá kỷ lục hồi 2022 (15,8 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2023. Nhiều mặt hàng nội thất chủ lực tăng trưởng hai chữ số, như đồ dùng phòng ngủ (28,8%), nhà bếp (19,6%), phòng khách và phòng ăn (19,4%). Các mặt hàng như ghế khung gỗ, ván sàn, dăm gỗ... cũng hút khách.
Năm 2025, theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn), ngành gỗ nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD.
Về phía cầu, công ty nghiên cứu The Business Research Company (Anh) dự báo thị trường nội thất toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 7,1% năm nay, đạt 822 tỷ USD. Thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch của Việt Nam, doanh số đồ nội thất và gia dụng đã tăng 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng 12/2024.
Riêng tháng trước, doanh số ngành hàng này đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023, mức cao nhất trong số các ngành bán lẻ, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Quảng Ninh đón gần 970.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.600 tỷ đồng
Đầu xuân năm mới, các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh như đền Cửa Ông, Yên Tử... tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách tăng từ 6 - 8 lần so với ngày thường.
Nghi lễ khai hội đền Cửa Ông thành phố Cẩm Phả năm 2024 |
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong 9 ngày nghỉ Tết, Tỉnh đón gần 970 nghìn lượt khách du lịch, tăng 21% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trong đó, khách quốc tế đạt gần 230 ngàn lượt, khách nội địa đạt trên 740 ngàn lượt; tổng thu du lịch đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, tăng 43%.
Đầu xuân năm mới, các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách đến tại đây tăng từ 6-8 lần so với ngày thường.
Riêng ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết), Quảng Ninh đón 208 nghìn lượt, tăng 14% so với ngày mùng 5 Tết Giáp Thìn 2024.
Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) đạt gần 15.600 lượt; Chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn) đạt khoảng 20.000 lượt; Khu di tích đặc biệt quốc gia Yên Tử (thành phố Uông Bí) đạt gần 24.300 lượt; Khu di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) đạt gần 23.000 lượt; Khu di tích Nhà Trần (thành phố Đông Triều) đạt 16.000 lượt khách.
Dịp này, các điểm du lịch nổi tiếng, khu vui chơi giải trí cũng đón lượng khách tăng từ 40-50%, như: vịnh Hạ Long đón gần 8 nghìn lượt; công viên Sun World Hạ Long đón 1,5 nghìn lượt; Bảo tàng Quảng Ninh đón gần 900 lượt khách… Khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái đạt trên 4.200 lượt.
Đặc biệt, trong ngày 29/1 (mùng 1 Tết), thành phố Hạ Long đón tàu biển du lịch 5 sao mang tên Silver Dawn chở gần 600 du khách quốc tế từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, “xông đất” Quảng Ninh.
Dự kiến, năm 2025 sẽ có khoảng 60 chuyến tàu biển đến từ nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc... mang theo gần 90.000 lượt khách đến Quảng Ninh, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2024.
Cựu Vụ phó của Bộ Công Thương bị truy tố nhận hối lộ 14,2 tỷ đồng
Ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bị cáo buộc gợi ý hai doanh nghiệp xăng dầu hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng để đổi nhà to hơn.
Ông Nguyễn Lộc An tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Xuyên Việt Oil ở TP.HCM |
Với hành vi này, ông Nguyễn Lộc An vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Tuấn Quỳnh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng bị truy tố tội Đưa hối lộ.
Trần Trác Việt Đức, Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Đỗ Thị Tuyết Nga, kế toán trưởng, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Ngoài vụ án này, hồi tháng 11/2024, ông An bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội Nhận hối lộ trong vụ án Xuyên Việt Oil. Cựu Vụ phó Thị trường trong nước bị xác định đã nhận 400 triệu đồng cùng chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 500 triệu của bà chủ Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh.
Theo cáo buộc, ông An đồng ý giúp đỡ bà Trần Thị Loan Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt, thành lập pháp nhân kinh doanh khí hóa lỏng, thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ, được cấp phép làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Khi Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra điều kiện thực tế, ông An được giao làm trưởng đoàn.
Tháng 8/2015, bà Phương đến nhà ông An tại tòa nhà Viglacera, quận Ba Đình, Hà Nội, nhờ giúp cho Bách Khoa Việt được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Vụ phó Thị trường trong nước đồng ý.
Một tháng sau, ông An gọi điện thoại bảo bà Phương hỗ trợ 9 tỷ đồng mua nhà, nói chuyển vào tài khoản vợ mình. Công ty Bách Khoa Việt của bà Phương sau đó đã chuyển đủ tiền.
Với sai phạm xảy ra tại Công ty Long Hưng, năm 2014, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Quỳnh đã liên hệ, nhờ ông An hướng dẫn thủ tục để có giấy phép nhập khẩu, kinh doanh dầu FO. Ông An đồng ý giúp đỡ, dặn nộp hồ sơ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Khi phụ trách đoàn, ông An chỉ kiểm tra hồ sơ và xác suất một số cửa hàng, đại lý xăng dầu của Công ty Long Hưng mà vẫn ký biên bản kiểm tra thực tế "đủ điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu".
Sau khi "trót lọt", Quỳnh đến gặp ông An tại Hà Nội để cảm ơn. Ông An gợi ý đang có nhu cầu mua nhà, đề nghị Quỳnh hỗ trợ 10 tỷ đồng. Quỳnh sau đó chuyển vào tài khoản vợ ông An 10 tỷ đồng nhưng đã đòi lại 5 tỷ đồng và được ông An trả lại.
Theo cáo trạng, cùng với số tiền nhận từ bà Phương và Quỳnh, ông An bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 14,2 tỷ đồng.