Hơn 41 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 bị sai thông tin
Theo đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang khoảng 154 triệu mũi, trong đó có hơn 41 triệu mũi bị xác thực sai thông tin.
Nền tảng Quản lý Tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang Bộ Công an có hơn 41 triệu mũi bị xác thực sai thông tin |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, cả nước đã tiêm hơn 200 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ mũi một vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 100%, mũi 2 là 99% và mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ mũi một là 99% và mũi 2 là 94%.
Bộ Y tế dự kiến bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 cho người dân từ ngày 15/4.
Đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng cho việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang khoảng 154 triệu mũi, trong đó có hơn 41 triệu mũi bị xác thực sai thông tin. Ngoài ra, khoảng 41 triệu mũi chưa được gửi do đã cũ hoặc thiếu thông tin cơ bản.
Do đó, giải pháp được đề ra để làm sạch dữ liệu, bổ sung mũi tiêm cũ là cơ sở tiêm chủng địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an bổ sung, xác minh, xác thực cũng như nhập dữ liệu lên hệ thống.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) Đỗ Trường Duy, đến nay, việc chuẩn bị cấp hộ chiếu vaccine cơ bản đã hoàn thành.
Hộ chiếu vaccine sẽ được hiện thị trên ứng dụng Số Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc khi người dân tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỷ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 đợt phát hành trái phiếu để huy động hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, do "che giấu, công bố thông tin sai sự thật".
Ủy ban chứng khoán hủy 9 đợt phát hành trái phiếu để huy động hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh. Ảnh minh họa |
Ba công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Các doanh nghiệp này đều là các công ty chưa đại chúng.
Theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Quyết định huỷ này là chưa từng có tiền lệ, sau khi Tân Hoàng Minh đã huy động thành công, nhận tiền từ các trái chủ.
Với quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán này. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được giao công bố thông tin hủy các đợt chào bán trái phiếu. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa nêu rõ phương án xử lý việc hoàn tiền lại cho các trái chủ ra sao.
Tân Hoàng Minh là tập đoàn được chú ý gần đây liên quan đến việc bỏ cọc gần 588,5 tỷ đồng của Lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. sau khi tham gia phiên đấu giá kỷ lục.
Vaccine cho trẻ từ 5 tuổi về Việt Nam ngày 10/5
Lô vaccine Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến về Việt Nam trong tháng 5 nếu hoàn thiện các thủ tục, theo Thứ trưởng Y tế.
Dự kiến ngày 10/5, lô vaccine Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi về Việt Nam |
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lô vaccine này nằm trong số vaccine mà Australia viện trợ Việt Nam. Chiều 3/4, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán nước này và Tổng giám đốc Pfizer tại Việt Nam. Cả hai đơn vị đều thống nhất sẽ đưa lô vaccine về Việt Nam nhanh nhất.
Theo ông Tuyên, Việt Nam đã cơ bản phủ đủ hai liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Tháng 12/2021, Bộ Y tế đề xuất và sau đó Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với Pfizer, một số tổ chức như Đại sứ quán Australia, Hà Lan, Mỹ tại Việt Nam đề nghị sẽ hỗ trợ vaccine cho trẻ. Vì vậy, Bộ Y tế đang điều chỉnh để trình Chính phủ, đảm bảo tỷ lệ mua và tỷ lệ nhận viện trợ đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để chậm trễ mua vaccine cho trẻ từ 5 - 12 tuổi. Sau đó, Bộ Y tế xin phép Thủ tướng tiếp nhận 4,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, do Australia có thể viện trợ cho Việt Nam.
Tư vấn dừng hợp đồng với Dự án Metro số 2
Đơn vị tư vấn Dự án Metro số 2 (TP.HCM) chấm dứt hợp đồng sau khi đàm phán bất thành với chủ đầu tư, dù trước đó đề xuất nối lại dịch vụ.
Sơ đồ tuyến Metro Số 2 |
Trong báo cáo tình hình triển khai tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vừa gửi UBND TP.HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, Tư vấn IC - tư vấn cho Dự án đã thông báo chính thức về việc chấm dứt hợp đồng. Động thái của đơn vị tư vấn đưa ra sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận ký Phụ lục hợp đồng số 13 nối lại dịch vụ cho Dự án. Trước việc tư vấn chấm dứt hợp đồng, MAUR chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu để tìm đơn vị tư vấn cho tuyến metro.
Tư vấn của tuyến Metro số 2 có vai trò hỗ trợ Dự án trong việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu... các gói thầu chính, cùng việc triển khai các đầu việc như gia hạn khoản đã vay, vay mới từ nhà tài trợ... Khi công trình đến giai đoạn thi công, đơn vị này cũng sẽ thực hiện các khâu giám sát.
Để triển khai Metro số 2, từ năm 2012, MAUR ký hợp đồng với Liên danh tư vấn IC (đứng đầu là công ty của Đức) trị giá gần 44 triệu Euro. Hợp đồng chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn A theo hình thức "trọn gói", tổng kinh phí gần 13 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu Euro tập trung vào giám sát thi công. Thời gian thực hiện giai đoạn A đến cuối năm 2015, nhưng Dự án kéo dài nên trước đó MAUR đã ký với Tư vấn IC 12 phụ lục.
Với Phụ lục số 13 (nội dung cập nhật các công việc, hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục với các nguồn vay từ nhà tài trợ...), hai bên đàm phán từ năm 2019, song qua nhiều phiên không đạt được thỏa thuận, do bên tư vấn tính chi phí phát sinh gần 3,7 triệu Euro. Tháng 5 năm ngoái, lãnh đạo TP.HCM thống nhất kết thúc hợp đồng với Tư vấn IC, sau đó phía tư vấn đề xuất mở đàm phán.
Metro số 2 có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao.
Người trên 14 tuổi đi khám bệnh chỉ cần căn cước công dân
Người bệnh trên 14 tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ cần sử dụng căn cước công dân.
Bộ Công an hiện đã cấp được hơn 50 triệu căn cước công dân gắn chip |
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã triển khai dùng thẻ căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
Theo đó, người bệnh khi đi khám bệnh (đối với trẻ đã được cấp căn cước công dân - trên 14 tuổi) hoặc làm các thủ tục hành chính tại Bệnh viện thì chỉ cần dùng căn cước công dân. Thông tin bảo hiểm y tế của người bệnh được tra trên cổng dữ liệu của Bảo hiểm Y tế Việt Nam.
Về cách thức triển khai, khi bệnh nhân đến khám, nhân viên của Bệnh viện sẽ kiểm tra căn cước công dân bằng quét mã QR code hoặc thông qua ứng dụng VNEID.
Nếu cơ sở y tế thấy thông tin hợp lệ, xác nhận tham gia bảo hiểm y tế thì đối chiếu thông tin, đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành, đồng thời thông tin cho bệnh nhân biết trong lần đi khám tiếp theo.
Theo đại diện Bệnh viện, việc dùng thẻ căn cước công dân cho việc khám chữa bệnh có ba ưu điểm chính. Thứ nhất, người bệnh không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc trừ trường hợp quên thẻ; thứ hai, sử dụng tiện lợi vừa là căn cước công dân vừa có tác dụng tra dữ liệu bảo hiểm y tế; cuối cùng, áp dụng ghi nhận dữ liệu cá nhân đối với từng trường hợp trên cổng dữ liệu Bảo hiểm Y tế Việt Nam.
Đến nay, Bệnh viện tiếp nhận hai trường hợp đến khám sử dụng thẻ căn cước công dân.
Đề xuất chi 2.000 tỷ đồng làm hầm chui đường Vành đai 3
Hầm chui được đề xuất xây dựng tại hai nút giao đường Hoàng Quốc Việt và đường trục Tây Thăng Long với Vành đai 3.
Nút giao đường Hoàng Quốc Việt với vành đai 3 |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội vừa đề xuất UBND Thành phố cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng hai hầm chui tại nút giao đường Vành đai 3 từ nguồn vốn đầu tư công.
Cụ thể, dự án hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long với Vành đai 3 dài 915 m, mặt cắt ngang 31,5 m, với 8 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt với Vành đai 3 dài 756 m, mặt cắt ngang 20,6 m, bảo đảm 4 làn xe, tổng mức đầu tư 975 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội giải thích, dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành. Vành đai 3 vừa là trục kết nối nhiều tỉnh với trung tâm thủ đô nên lưu lượng xe rất lớn. Theo quy hoạch, trên tuyến sẽ xây đồng bộ hai nút giao khác mức tại hai vị trí trên.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng Ban nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án trên…