Bản tin thời sự sáng 6/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh; Hà Nội khánh thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3; kiến nghị thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thêm một năm; dự án BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10…

Lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh

Toàn bộ hệ thống ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động với mức tăng cao nhất 1,9%, đưa mặt bằng về gần mức trước dịch.

Lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh

Lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh

Trong một tháng qua, hơn 30 đơn vị đồng loạt tăng lãi suất, trong đó có 20 nhà băng ghi nhận lãi suất tăng tại tất cả kỳ hạn.

Không có nhà băng nào giảm lãi suất và chỉ có 4 đơn vị giữ nguyên biểu lãi suất tháng 9 gồm Techcombank, ABBank, Oceanbank, CBBank.

Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động tăng trên diện rộng với mức tăng mạnh, sau hơn hai năm Covid-19 vừa qua.

Sau động thái nới trần huy động dưới 6 tháng, ước tính lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng trung bình 0,9% trong tháng qua, có nơi tăng tới 1,9%. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên cũng tăng trung bình 0,35 - 0,4% so với đầu tháng trước.

Với động thái điều chỉnh mạnh tay, mặt bằng lãi suất huy động của một số ngân hàng đã tương đương với mức trước dịch Covid-19.

Với kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng, có khoảng 15 nhà băng trả mức lãi suất ngang mức trần 5% một năm (tính cả gửi online). Với kỳ hạn 6 tháng, có 7 nhà băng trả lãi từ 7% một năm trở lên bao gồm NCB, Kienlongbank, CBBank, VietABank, BacABank, OCB và MSB.

Ở kỳ hạn 12 tháng, 13 nhà băng trả lãi từ 7% trở lên với mức cao nhất là 7,9% một năm tại VietABank. Các nhà băng còn lại trong nhóm này là MSB, CBBank, Kienlongbank, SCB, VietCapitalBank, OCB, DongABank, BacABank, NamABank, VietBank, MB và LienVietPostBank.

Để cạnh tranh hút tiền từ khách hàng, một số nhà băng thậm chí tung ra chương trình chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8% một năm - cao hơn nhiều so với biểu tiết kiệm.

Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng 28.100 tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở, tuy nhiên hút ròng hơn 35.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

Thanh khoản căng thẳng khiến lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng tăng mạnh. Riêng ngày 4/10, lãi suất chào vay mượn qua đêm vọt lên tới 8 - 9% một năm. Các kỳ hạn khác cũng đã giao dịch quanh 7,5%/năm.

Hà Nội khánh thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3

Sáng ngày 5/10, hầm chui Lê Văn Lương với vốn đầu tư 700 tỷ đồng bắt đầu thông xe, góp phần giảm ùn tắc tại nút giao với Vành đai 3.

Hầm chui Lê Văn Lương bắt đầu thông xe từ sáng 5/10

Hầm chui Lê Văn Lương bắt đầu thông xe từ sáng 5/10

Hầm có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475 m, trong đó hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào dài 380 m (mỗi bên 190 m).

Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5 m. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75 m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng một mét.

Đơn vị thi công đã xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài trên 300 m; xén hè mở rộng đường Tố Hữu khoảng 400 m.

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.

Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu. Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75 m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương.

Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT qua đoạn đường này cũng được khôi phục theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.

Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 được khởi công tháng 10/2020, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP Fecon - Công ty CP Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.

Kiến nghị thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thêm một năm

Chính phủ đề nghị kéo dài cơ chế đặc thù TP.HCM đến hết năm 2023 thay vì năm nay, sau đó tổng kết và đề xuất một số cơ chế đặc thù vượt trội.

Kiến nghị thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thêm một năm

Kiến nghị thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thêm một năm

Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành dựa trên đề xuất của TP.HCM, trao một số quyền cho Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022.

Sau gần 5 năm TP.HCM thực hiện cơ chế, tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công... chưa được TP.HCM tận dụng.

Chẳng hạn, về quyền quyết định tăng các khoản thuế, phí, và lệ phí, TP.HCM mới tăng mức thu phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp, giúp ngân sách thêm gần 133 tỷ đồng. Các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương... chưa thực hiện.

Sau áp dụng cơ chế đặc thù, Thành phố mới thu hút được 10 chuyên gia, người có tài năng đặc biệt. Nhìn nhận kết quả mới đạt bước đầu nhưng theo TP.HCM, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đã giúp khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám" và tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Vì thế, Thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì thí điểm thời gian tới.

Sau khi đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chính phủ kiến nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm nay và đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc trong tháng này.

Dự án BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10

Khi dự án BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ngành chức năng cũng tổ chức phân luồng phương tiện một cách hợp lý; xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên bắt buộc đi vào tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy.

Dự án BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10

Dự án BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10

Chiều ngày 5/10, UBND tỉnh Tiền Giang kết hợp với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và nhà đầu tư công bố thời gian chính thức thu phí trở lại Dự án BOT Cai Lậy vào lúc 7h ngày 7/10.

Nhằm bảo đảm các điều kiện để tái thu phí trở lại một cách an toàn, hiệu quả, bắt đầu lúc 13h ngày 25/9, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 (Nhà đầu tư Dự án BOT Cai Lậy) đã tiến hành cho thu phí thử đối với trạm phí trên Quốc lộ 1 và đến ngày 28/9 tiếp tục tiến hành thu phí thử trên trạm thu phí đặt trên tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy.

Khi Dự án BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ngành chức năng cũng tổ chức phân luồng phương tiện một cách hợp lý. Theo đó, xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên bắt buộc đi vào tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy.

Dự án BOT đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), gọi tắt là Dự án BOT Cai Lậy được khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1.389 tỷ đồng. Trong đó, phần tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy được đầu tư mới dài khoảng 12km với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng; phần sửa chữa, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Chính phủ đề nghị kiểm toán Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Chính phủ kiến nghị kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công

Đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán được Chính phủ nêu tại báo cáo gửi Quốc hội, về thực hiện Nghị quyết 44/2022 chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 11/1, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km); đi qua 12 tỉnh thành với 12 dự án độc lập, tổng vốn 146.990 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần trước khi chỉ định thầu các gói thầu này. Các hồ sơ này sẽ được Bộ Giao thông vận tải gửi sang Kiểm toán Nhà nước.

Chính phủ kiến nghị kiểm toán trước khi chỉ định thầu để việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán các gói thầu xây lắp tuân thủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, sử dụng vốn hiệu quả, công khai. Điều này cũng tránh gây thất thoát lãng phí, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trước khi chỉ định thầu.

Theo Chính phủ, sau 8 tháng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 triển khai, hiện báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần đã được phê duyệt, giao Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Vốn của từng dự án thành phần tại báo cáo nghiên cứu khả thi được điều chỉnh, nhưng cân đối để không vượt tổng mức sơ bộ được Quốc hội thông qua. Theo đó, tổng chiều dài 12 dự án thành phần giảm 7,8 km so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tổng mức đầu tư cũng giảm 4 tỷ đồng, còn 146.986 tỷ đồng.

Hà Nội trình thu phí bảo vệ môi trường với khí thải vào cuối năm

UBND TP. Hà Nội dự kiến trình HĐND đề án về các khoản phí bảo vệ môi trường với nước thải, khí thải, chất thải tại kỳ họp cuối năm 2022.

Trục đường Vành đai 3 tại Hà Nội

Trục đường Vành đai 3 tại Hà Nội

Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 115 về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Theo nghị quyết này, HĐND TP. Hà Nội được quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp nằm ngoài danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh đối với loại phí được quy định.

Chính phủ cho biết, Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thu phí, giá dịch vụ thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường vào cuối năm. Ngoài phí bảo vệ môi trường với nước thải, khí thải, chất thải, Thành phố muốn thu phí, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải khu vực làng nghề và nông thôn...

Chính phủ cho biết, sau ba năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; sửa đổi mức thu phí một số khoản phí và lệ phí.

Thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ. Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với camera giao thông hiện có).

Cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa bị bắt

Bà Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính, bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc sai phạm liên quan Dự án Hạc Thành Tower.

Dự án đất vàng tại đường Hạc Thành giao với đường Phan Chu Trinh là tuyến phố sầm uất, có giá đắt đỏ bậc nhất TP. Thanh Hoá

Dự án đất vàng tại đường Hạc Thành giao với đường Phan Chu Trinh là tuyến phố sầm uất, có giá đắt đỏ bậc nhất TP. Thanh Hoá

Ngày 5/10, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt, khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bà Đinh Cẩm Vân về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Vân nghỉ hưu từ 1/1/2021.

Liên quan vụ án, trước đó, cơ quan chức năng bắt ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính và Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả, Sở Tài chính (đã nghỉ hưu).

Cơ quan điều tra cáo buộc, khi còn công tác tại Sở Tài chính Thanh Hóa, các bị can Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùng và Văn Xuân Hùng đã tham mưu trực tiếp dẫn đến sai phạm, gây thất thu lớn cho ngân sách, liên quan Dự án "đất vàng" Hạc Thành Tower, tọa lạc ở ngã tư phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa.

Cụ thể, năm 1993, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho Công ty Kinh doanh nhà Thanh Hóa quản lý và kinh doanh, tổng diện tích hơn 7.400 m2. Vị trí khu đất thuộc khu nhà ở số 1, 2 và 3 đường Phan Chu Trinh.

Đến năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá giao đất thu tiền sử dụng đất tại đường Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Mã để triển khai dự án đầu tư. Diện tích đất giao thu tiền sử dụng đất là hơn 2.700 m2, với tổng số tiền phải nộp ngân sách nhà nước gần 57 tỷ đồng, tương ứng 21 triệu đồng mỗi m2.

Đến năm 2013, Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh, nâng diện tích từ hơn 2.700 m2 lên hơn 2.900 m2, nhưng tiền sử dụng đất Công ty Sông Mã phải nộp lại giảm từ gần 57 tỷ đồng xuống hơn 48 tỷ đồng.

Năm 2013, Công ty Sông Mã mới hoàn tất điều chỉnh mặt bằng quy hoạch, và được bàn giao đất thực địa một năm sau đó. Tuy nhiên, từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển quyền sử dụng đất đối với khu đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng Hạc Thành Tower cho Công ty TNHH Huy Hoàng (chủ đầu tư cấp 2).

Tin cùng chuyên mục