Chứng khoán tăng mạnh trong ngày đầu vận hành hệ thống KRX
VN-Index tăng gần 14 điểm nhưng thanh khoản tiếp tục ở mức thấp trong ngày đầu tiên vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX).
![]() |
Chứng khoán tăng mạnh trong ngày đầu vận hành hệ thống KRX |
Sau hơn 10 năm chuẩn bị, hệ thống KRX vận hành từ ngày 5/5, với nhiều thay đổi về thứ tự ưu tiên của các loại lệnh; nguyên tắc sửa, hủy lệnh; thời gian giao dịch đối với các mã hạn chế... KRX được kỳ vọng là bước đệm để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm nay.
Trong những phút đầu phiên, nhiều nhà đầu tư phản ánh việc truy cập vào ứng dụng giao dịch của các công ty chứng khoán bị chậm. Một số đăng nhập thành công nhưng không thể đặt lệnh và đồ thị VN-Index hiển thị không chính xác.
Đến cuối phiên, bảng điện tử của các công ty chứng khoán cũng không đồng nhất dữ liệu. Điển hình như VNDirect, Yuanta, SSI hiển thị sàn TP.HCM ngày 5/5 có 233 cổ phiếu tăng điểm, trong khi bảng giá của Vietcap và Mirae Asset Việt Nam chỉ thể hiện 220 mã chốt phiên trên tham chiếu.
Hệ thống ghi nhận một số trục trặc nhỏ, nhưng tâm lý nhà đầu tư tương đối hứng khởi khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào vận hành hệ thống được chờ đợi nhiều năm qua. Điều này thể hiện qua việc chỉ số VN-Index tăng gần 14 điểm so với tham chiếu, đóng cửa tại 1.240 điểm. Đây là vùng giá cao nhất trong 3 tuần trở lại đây.
Thị trường lệch về bên mua với số lượng mã tăng gấp khoảng 3 lần mã giảm. Rổ vốn hóa lớn cũng có cổ phiếu tăng áp đảo cổ phiếu giảm, lần lượt là 19 mã và 7 mã.
Thanh khoản sàn TP.HCM ngày 5/5 đạt 14.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước lễ. Rổ vốn hóa lớn đóng góp 6.300 tỷ đồng trong số này. Thị trường không có mã nào đạt mức khớp lệnh nghìn tỷ. FPT dẫn đầu về giá trị giao dịch với 773 tỷ đồng, tiếp đến SHB đạt 748 tỷ đồng và GEX đạt 535 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài ngày 5/5 giải ngân gần 2.050 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 1.920 tỷ đồng. Giá trị mua ròng theo đó đạt 126 tỷ đồng. VRE là tâm điểm hút ròng với 5,4 triệu cổ phiếu.
Bộ Tài chính nghiên cứu áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng nhà đất
Bộ Tài chính nghiên cứu phương án tính thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và giá bán bất động sản, tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp.
![]() |
Bất động sản khu đông TP.HCM (TP. Thủ Đức) với các dự án chung cư, nhà phố, đất nền... |
Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản. Việc này để phù hợp với thực tế thị trường, tối ưu số thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, hai phương pháp được cơ quan này nghiên cứu gồm tính trên thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng) hoặc áp dụng mức thuế suất chung trên tổng giá chuyển nhượng.
Theo Bộ Tài chính, mỗi phương pháp áp dụng sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, trường hợp tính thuế trên lãi sẽ dùng khi cơ sở dữ liệu xác định chính xác giá mua và chi phí liên quan. Hiện mức thuế suất được Bộ Tài chính đề xuất là 20%, để tương đồng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp nộp với chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp còn lại, không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản, cách tính thuế trên tổng giá chuyển nhượng bất động sản của cá nhân sẽ được áp dụng, với mức thuế suất dự kiến 2%.
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là một nguồn thu quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định, mức thu với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh, mức thuế phải nộp là 2% giá bán.
Từ 2015, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức thu thống nhất là 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản.
Cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công trở lại
Sau nhiều năm tạm ngưng, gói thầu cầu Phước Khánh (cầu cao nhất Việt Nam) trên cao tốc Bến Lức - Long Thành được thi công lại, dự kiến hoàn thành sau 15 tháng.
![]() |
Công trường cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng thi công nhiều năm nay |
Ngày 5/5, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, công trình được khởi động lại từ đầu tháng 5 sau khi hoàn tất lựa chọn nhà thầu thi công mới. Gói thầu hiện có tên J3-1 (thi công phần còn lại của Gói thầu J3 trước đây).
Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam là đơn vị trúng thầu với giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng, thời gian thi công trong 450 ngày.
Phước Khánh là một trong hai cây cầu lớn nhất trên cao tốc Bến Lức - Long Thành. Công trình bắc qua sông Lòng Tàu (nối Cần Giờ, TP.HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai). Cầu được thiết kế dây văng, dài hơn 3 km, rộng gần 22 m, tĩnh không 55 m - cao nhất trong các cây cầu tại Việt Nam.
Trước đó, gói thầu xây cầu Phước Khánh được VEC ký hợp đồng với Liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4, bắt đầu triển khai từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc về bố trí vốn và gia hạn hiệp định vay, nên từ năm 2020, Gói thầu tạm dừng khi đã đạt hơn 80% khối lượng. Sau nhiều năm, gói thầu này mới tìm được đơn vị thi công mới thay thế.
Việc khởi động lại gói thầu này được xem là bước quan trọng giúp nối thông cao tốc Bến Lức - Long Thành, bởi toàn tuyến nhiều gói thầu khác đã cơ bản hoàn thành, hoặc đang tăng tốc thi công.
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, hiện giảm xuống còn 29.587 tỷ đồng. Tuyến đường có 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, phân luồng xe không phải chạy qua nội đô TP.HCM. Tuy nhiên, Dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.
Hơn 1.600 phương tiện chở hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)
Trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 (từ 30/4 - 4/5), lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đã làm thủ tục thông quan cho 1.625 phương tiện chở hàng hóa xuất - nhập khẩu.
![]() |
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá qua Cửa khẩu Kim Thành |
Trong đó, 1.084 phương tiện chở hàng nhập khẩu, 541 phương tiện chở hàng xuất khẩu (trung bình lượng phương tiện chở hàng hóa xuất - nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu Kim Thành đạt 325 xe/ngày).
Các mặt hàng xuất - nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi, máy móc thiết bị, hóa chất, phân bón, ván bóc...
Mặc dù là dịp nghỉ lễ nhưng cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng tại Cửa khẩu Kim Thành đã duy trì đủ quân số theo quy định, đảm bảo giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu; hàng hóa được thông quan, vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Được biết, từ đầu năm đến nay, có gần 500 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá qua Cửa khẩu Kim Thành.
Các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
TP.HCM rà soát sữa giả tại hơn 4.600 nhà thuốc
Trong quá trình kiểm tra hơn 4.600 nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp duy nhất liên quan đến sữa giả Bold Milk Colostrum dành cho cơ xương khớp.
![]() |
Sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum nằm trong danh sách 72 loại sữa giả đang được điều tra |
Theo báo cáo Sở Y tế vừa gửi UBND TP.HCM, nhà thuốc bị phát hiện có kinh doanh sữa giả nằm ở đường Vũ Huy Tấn, Phường 3, quận Bình Thạnh. Cơ sở này chưa bán sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum ra thị trường. Sản phẩm được thu hồi ngay khi bị công bố nằm trong danh sách 72 sản phẩm đang điều tra hàng giả.
Hơn 4.600 nhà thuốc được kiểm tra, khảo sát thời gian qua chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc trên địa bàn. Việc kiểm tra đang tiếp tục được thực hiện. Trước đó, kết quả rà soát tất cả cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn đều không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường ngăn chặn và xử lý các hành vi làm giả, buôn bán thuốc chữa bệnh giả. Ban Chỉ đạo 389 (Sở Công Thương) phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn việc buôn lậu, bán thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại dược phẩm, dược liệu và thuốc Đông y.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM chủ động cùng các đơn vị kiểm tra, xử lý những trường hợp làm giả hoặc bán thuốc giả, thuốc không rõ xuất xứ, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm soát việc mua bán thuốc trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, hoạt động thời gian dài. Điển hình, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người. Hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả bị thu giữ tại Phú Thọ. Một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh cũng bị phát hiện là giả.
Sẽ tăng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tăng thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng.
![]() |
Người dân mua vàng tại một cửa hàng |
Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những định hướng quản lý thị trường vàng là tiếp tục truyền thông để cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách nhằm ổn định tâm lý thị trường.
Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Họ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) để tăng thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Việc này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, vi phạm để xử lý nghiêm.
Năm ngoái, nhà điều hành đã thanh tra 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng tại thời điểm đó liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung.
Tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp cuối tháng 11/2025, Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp nhằm ổn định, tăng quản lý và điều tiết thị trường vàng, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng và chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chức năng cần tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cũng như biện pháp phòng, chống buôn lậu mặt hàng này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân giá vàng miếng SJC tăng với tốc độ nhanh và chênh lệch tăng cao từ đầu tháng 4 do tâm lý kỳ vọng giá thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Fed, diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng, các cú sốc giá cả hàng hóa.
Một nguyên nhân khác do nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, nhà điều hành cũng không loại trừ việc có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng biến động thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi…
Hơn 1.100 tỷ đồng xây Cung Thiếu nhi ở Thủ Thiêm
TP.HCM sẽ đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng để làm dự án Cung Thiếu nhi ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
![]() |
Một phần Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn |
Theo quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM, Dự án Cung Thiếu nhi được xây dựng tại khu đất số 5-2 thuộc khu chức năng số 5, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Đây sẽ là nơi vui chơi, giải trí cho thiếu nhi Thành phố.
Cung Thiếu nhi TP.HCM sẽ có một tầng hầm và 10 tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 36.650 m2. Cụ thể, tầng hầm bố trí để xe, khán phòng đa năng, sân khấu, phòng chờ hóa trang, kho, kỹ thuật, vệ sinh... Tầng 1 sảnh sinh hoạt, khán phòng đa năng, nhà thể thao đa năng hơn 1.000 chỗ, không gian triển lãm - sự kiện, quầy phục vụ, kỹ thuật, khu ăn uống...
Tầng 2 khán phòng 300 chỗ, rạp chiếu phim, thư viện, khu thể thao, sân khấu, hóa trang; tầng 3 gồm các phòng quản lý, nghiệp vụ, khán phòng, hồ bơi... Tầng 4 là lớp võ thuật, cờ vua, giáo viên, kho dụng cụ thể thao; tầng 5 gồm: phòng STEM, robot, mỹ thuật ứng dụng, ngoại ngữ.
Tầng 6 có các phòng: nhạc, thu âm, hội họa, điêu khắc, giáo viên, kỹ thuật; tầng 7 là khoa thẩm mỹ nghệ thuật, múa, thời trang, kịch, nhào lộn; tầng 8 là nơi giao lưu văn học nghệ thuật, trải nghiệm vũ trụ, văn phòng, kho; tầng 9 là không gian trải nghiệm chuyên đề, mô hình Thủ Thiêm - quận 1, văn phòng, kỹ thuật; tầng 10 là nhà hàng, khu bếp, phục vụ, vệ sinh..
Hạng mục công trình phụ gồm sân khấu ngoài trời kết hợp quảng trường nước hơn 1.200 chỗ. Ngoài ra còn có các hạ tầng khác như giao thông, cây xanh, kè hồ trung tâm... Dự án thuộc nhóm A, tiến độ thực hiện đến cuối năm 2028. Thời hạn sử dụng 50 năm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha (trong đó khu đô thị mới 770 ha, tái định cư 160 ha), tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện với quận 1. Quy mô dân số khu đô thị này khoảng 200.000 người, tái định cư 45.000 người.