Bản tin thời sự sáng 7/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM tái khởi động nút giao 3 tầng, tổng vốn 3.600 tỷ đồng ở khu Đông; Hà Nội sẽ trồng rừng xung quanh hồ Trúc Bạch; Bắc Ninh thu hút gần 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI trong 4 tháng…

TP.HCM tái khởi động nút giao 3 tầng, tổng vốn 3.600 tỷ đồng ở khu Đông

Nút giao thông Mỹ Thủy (TP. Thủ Đức) quy mô 3 tầng, tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng được tái khởi động lại sau nhiều năm đình trệ vì vướng mặt bằng, dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm kẹt xe cửa ngõ phía Đông TP.HCM, nhất là khu vực ra vào cảng Cát Lái.

Nhà thầu triển khai máy móc thi công cầu Kỳ Hà 4 thuộc Dự án nút giao Mỹ Thủy

Nhà thầu triển khai máy móc thi công cầu Kỳ Hà 4 thuộc Dự án nút giao Mỹ Thủy

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), hiện TP. Thủ Đức đã bàn giao khoảng 40% mặt bằng của hạng mục cầu Kỳ Hà 4.

Những ngày qua, nhà thầu đã triển khai máy móc, thiết bị, vật tư triển khai thi công ép thử cọc bê tông ly tâm dự ứng lực, bê tông xác định chiều sâu và sức chịu tải, trước khi thi công chính thức. Cầu Kỳ Hà 4 dài 75 m với 4 làn xe, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2025.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối quý II/2024, TP Thủ Đức sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án nút giao thông Mỹ Thủy.

Sau đó, lần lượt trong tháng 7 và tháng 9 năm nay, Chủ đầu tư sẽ tiếp tục khởi công các hạng mục còn lại của Dự án nút giao Mỹ Thủy, gồm: xây dựng nhánh cầu vượt qua nút giao theo hướng Vành đai 2 - nhánh phải (4 làn xe ôtô); xây dựng cầu Kỳ Hà 3 - nhánh phải; xây dựng cầu vượt cho xe rẽ trái từ hướng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ đáp ứng 2 làn xe. Toàn bộ Dự án nút giao thông Mỹ Thủy dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Dự án nút giao thông Mỹ Thủy quy mô 3 tầng, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.998 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2016, nhưng đến nay mới hoàn thành 6/10 hạng mục như: Cầu Kỳ Hà 3 - nhánh trái dài 75 m (4 làn xe); hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái dài 505m (2 làn xe), cầu vượt trên đường Vành đai 2 (4 làn xe), cầu Mỹ Thủy 3 (6 làn xe)…

Từ năm 2021, Dự án tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Do chậm trễ nên tháng 8/2022, HĐND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh Dự án, tăng tổng mức đầu tư lên 3.622 tỷ đồng (tăng hơn 1.623 tỷ đồng).

Hà Nội sẽ trồng rừng xung quanh hồ Trúc Bạch

Quận Ba Đình (Hà Nội) sẽ thực hiện cải tạo Vườn hoa Trúc Bạch bằng cách trồng thêm nhiều rặng trúc, kết hợp chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đi bộ, phục vụ các hoạt động quảng bá văn hóa, giới thiệu ẩm thực.

Phối cảnh 3D khu vực Vườn hoa Trúc Bạch khi tiến hành cải tạo

Phối cảnh 3D khu vực Vườn hoa Trúc Bạch khi tiến hành cải tạo

Theo lãnh đạo UBND quận Ba Đình, thực hiện Chỉ thị 03 của Thành ủy, quận Ba Đình đang tiếp tục triển khai Dự án Vườn hoa tại phường Trúc Bạch, mong muốn tạo dựng được nhiều mảng xanh, địa điểm công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng cũng như khơi gợi lại những giá trị văn hóa xưa gắn với địa danh Ba Đình.

Theo đó, Dự án cải tạo Vườn hoa Trúc Bạch, nằm trên con phố chạy ven hồ Trúc Bạch đã được HĐND quận Ba Đình phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu tháng 4/2024.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, cái tên Trúc Bạch gắn với làng Trúc Yên, hay Trúc Lâm - nơi có rừng trúc thời xưa. Đây cũng là nơi nơi dệt lụa của các cung nữ thời chúa Trịnh Giang (thế kỷ 18). Lụa họ dệt rất đẹp, bóng bẩy, thường được gọi là lụa trúc (chữ Hán là Trúc Bạch). Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, và hồ ở đây cũng được gọi là hồ Trúc Bạch.

Với ý tưởng kể lại câu chuyện của vùng đất gắn với cái tên Trúc Bạch, UBND quận Ba Đình cho biết, ngôn ngữ tạo hình của vườn hoa sẽ sử dụng hình ảnh ước lệ bằng các băng ghế rộng như những dải lụa màu trắng, chạy xen lẫn những rặng trúc. Đây cũng là một trong các khu “rừng trúc” được trồng ven hồ, theo một chuỗi từ đầu phố Trấn Vũ giao với đường Thanh Niên.

Bên cạnh đó, UBND quận Ba Đình cũng sẽ đầu tư một con đường nối liền phố Trấn Vũ với phố Trúc Bạch, giúp giao thông quanh hồ được khép kín, người dân đi lại sẽ thuận tiện hơn.

"Các con phố nhỏ khu vực đảo Ngọc Ngũ Xã sẽ hết tình trạng ách tắc, tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian đi bộ, phục vụ các hoạt động văn hóa ẩm thực, giới thiệu sản phẩm OCOP tại đây", đại diện lãnh đạo quận Ba Đình thông tin. Việc này cũng có nghĩa các con phố nhỏ khu vực đảo Ngọc Ngũ Xã sẽ hết tình trạng ách tắc, tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian đi bộ, phục vụ các hoạt động văn hóa ẩm thực, giới thiệu sản phẩm OCOP tại đây.

Bắc Ninh thu hút gần 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI trong 4 tháng

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh thu hút đầu tư được 997,1 triệu USD vốn đầu tư FDI và hơn 3.601 tỷ đồng vốn trong nước.

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Ninh

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Ninh

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 45 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 488 triệu USD; cấp điều chỉnh vốn cho 44 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 409,1 triệu USD. Đồng thời chấm dứt hoạt động 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 18,68 triệu USD. Riêng tháng 4, Ban Quản lý các KCN cấp mới đăng ký đầu tư cho 12 dự án và cấp điều chỉnh vốn cho 13 dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 142,7 triệu USD.

Về thu hút vốn đầu tư trong nước, Ban Quản lý các KCN cấp mới đăng ký đầu tư cho 15 dự án; cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu cho 29 lượt dự án thứ cấp, tổng đăng ký đầu tư cấp mới và sau điều chỉnh đạt 3601 tỷ đồng (riêng trong tháng 4 đạt hơn 1.517,6 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 436 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 28,99%; 1.092 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25,09%; 167 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện; 111 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động…

Lũy kế đến nay, Bắc Ninh có 23.165 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 403.945 tỷ đồng. Trong đó, 18.423 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 367.104 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 19,93 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 1.967 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động với tổng số vốn điều lệ hơn 15.627 tỷ đồng; 2.775 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh với tổng số vốn điều lệ hơn 21.213 tỷ đồng.

Về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện quy trình yêu cầu báo cáo, xử lý vi phạm, thu hồi đối với 603 doanh nghiệp.

Đề nghị truy tố 8 cựu lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Tín Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV) và 7 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trụ sở của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco)

Trụ sở của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco)

Các bị can cùng bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Phước Ngọc (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Kinh doanh và quản lý nhà TP.HCM; cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Resco), Võ Hữu Hải, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đỗ Văn Phúc, Trần Công Đức (đều là cựu thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng và Nguyễn Đình Phú (đều là cựu Phó Tổng Giám đốc Resco).

Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM.

Kết luận điều tra xác định, các bị can đã có sai phạm trong việc chuyển nhượng hai mặt bằng ở 299/18 Lý Thường Kiệt (Phường 15, Quận 11); mặt bằng 682 Hồng Bàng (Phường 1, Quận 11), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tháng 10/2011 UBND TP.HCM chấp thuận cho Resco tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt; còn đối với mặt bằng 682 Hồng Bàng tiếp tục quản lý sử dụng để đầu tư khai thác kinh doanh theo quy hoạch của UBND Thành phố.

Tuy nhiên, khi được bàn giao các mặt bằng, Resco không thực hiện đầu tư khai thác kinh doanh mà chuyển nhượng mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt cho Công ty CP Địa ốc 7 (có 20% vốn góp của Resco) với giá 38 tỷ đồng.

Ngoài ra, Resco cũng chuyển nhượng mặt bằng tại 682 Hồng Bàng cho Công ty CP Xây dựng địa ốc Nam Việt (có 20% vốn của Resco) với giá 22 tỷ đồng. Đồng thời Resco cũng chuyển nhượng mặt bằng trung tâm thương mại Bình Đăng cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 với giá 90,9 tỷ đồng.

Theo kết luận, việc chuyển nhượng này không thông qua đấu giá, không đúng với chỉ đạo của UBND TP.HCM chỉ cho chuyển nhượng cho công ty thành viên.

Việc chuyển nhượng này dẫn đến thất thoát cho Resco lần lượt là 2 tỷ đồng; 1,7 tỷ đồng và 41,4 tỷ đồng đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt; 682 Hồng Bàng và mặt bằng Trung tâm thương mại Bình Đăng.

Đề xuất mở thêm 2 tuyến buýt mui trần ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị mở thêm 2 tuyến buýt hai tầng, thoáng nóc, chở khách tham quan khu nội đô, ngoài hai tuyến đã thí điểm.

Buýt mui trần đưa khách tham quan khu trung tâm TP.HCM

Buýt mui trần đưa khách tham quan khu trung tâm TP.HCM

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi cùng các doanh nghiệp hoàn chỉnh phương án triển khai. Hai tuyến mới hoạt động trong phạm vi từ Quận 1 đến chợ Lớn (quận 5, 6), thí điểm đến cuối năm 2025.

Tuyến thứ nhất số hiệu DL03, hoạt động 8h - 22h30 mỗi ngày, hành trình mỗi chuyến 90 phút, cự ly gần 20 km. Tour khởi hành từ bến xe buýt Sài Gòn, chạy qua các tuyến đường trung tâm quận 1, 5, 6 đến khu vực chợ Lớn và ngược lại.

Tuyến thứ hai số hiệu DL04, hoạt động 9h-16h, mỗi chuyến chạy khoảng 80 phút với cự ly gần 14 km. Xe cũng xuất phát từ bến xe buýt Sài Gòn nhưng hành trình từ quận 1 chạy qua các tuyến đường thuộc quận 3, 5, 6, đến khu vực chợ Lớn rồi vòng ngược trở lại.

Một số địa điểm tham quan chính trên hành trình những tuyến này như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà UBND TP.HCM, Dinh Độc Lập, nhà Thờ Đức Bà, cầu Ba Son, Tượng đài An Dương Vương, chợ Lớn...

Theo Sở Giao thông vận tải, việc mở thêm hai tuyến buýt nêu trên qua địa bàn quận 5, 6 sẽ góp phần phát triển kinh tế đêm, du lịch ở Thành phố. Hai tuyến này cũng có lộ trình khác nhau nên không gây ra sự trùng lặp.

Trước đó, TP.HCM đã thí điểm hai tuyến buýt hai tầng thoáng nóc chở khách du lịch, gồm DL01 (hoạt động từ năm 2019) và DL02 (năm 2022), giá vé dao động từ 100.000 - 500.000 đồng một người, tùy thời gian đi và dịch vụ kèm theo. Thống kê đến hết quý một năm nay, 2 tuyến này phục vụ khoảng 317.000 lượt khách du lịch.

Bắt Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai Trần Minh Lợi

Ngày 6/5, công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc, Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ điều tra.

Trung tâm đăng kiểm 60-01S, Đồng Nai

Trung tâm đăng kiểm 60-01S, Đồng Nai

Ngày 6/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc, Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác điều tra.

Các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can để phục vụ công tác điều tra.

Chiều cùng ngày, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai thông báo tạm dừng hoạt động kể từ ngày 7/5 cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, đầu tháng 5/2023, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-01S để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Sau đó, ông Trần Minh Lợi được giao Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-01S.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, đóng tại số 25, Đường 2A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, thành phố Biên Hòa.

Đây là trung tâm đăng kiểm xe cơ giới lớn nhất tỉnh Đồng Nai, với công suất kiểm định khoảng 200 lượt xe/ngày.

Quảng Bình sẽ xây hơn 11.000 căn hộ thu nhập thấp đến năm 2030

Theo mục tiêu, đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng 11.300 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Quảng Bình sẽ xây hơn 11.000 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp

Quảng Bình sẽ xây hơn 11.000 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, Tỉnh sẽ xây dựng 3.700 căn hộ, giai đoạn 2026 - 2030 là 11.300 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Xây dựng rà soát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các dự án đảm bảo phù hợp, khả thi.

Cùng với đó, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Xây dựng để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án theo tiến độ được phê duyệt.

Sở Xây dựng lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện, công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và có giải pháp thực hiện hoàn thành 500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến chỉ mật độ xây dựng công trình, quỹ đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư…