Robot đào hầm "thần tốc" tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã đến ga Cát Linh
Sau hơn 7 tháng hoạt động liên tục, ngày 7/3, robot đào hầm TBM mang tên "thần tốc" của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức đến ga S10 - Cát Linh.
![]() |
Robot đào hầm TBM mang tên "thần tốc" hoàn thành khoan và lắp đặt vỏ hầm với chiều dài khoảng 1.338 m để tới ga S10 - Cát Linh |
Ngày 7/3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, máy đào hầm TBM số 1 mang tên "thần tốc" đã chính thức đến ga S10 - Cát Linh, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
TBM "thần tốc" xuất phát từ ga S9 - Kim Mã từ ngày 30/7/2024. Sau nhiều tháng vận hành an toàn, robot này đã hoàn thành khoan và lắp đặt vỏ hầm với chiều dài khoảng 1.338 m để tới ga S10 - Cát Linh.
Tiếp đó, robot TBM số 2 mang tên "táo bạo" bắt đầu khởi động từ ga S9 - Kim Mã từ ngày 3/2. Dự kiến cả 2 máy TBM sẽ hoàn thành khoan hầm vào cuối năm 2025.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng ban MRB cho biết, việc TBM "thần tốc" chính thức đến ga S10 - Cát Linh là một bước tiến quan trọng của Dự án.
Theo ông Sơn, đến nay, tiến độ thi công tổng thể Gói thầu CP03 Hầm và các ga ngầm đạt hơn 55%. Trong đó, dốc hạ ngầm đã hoàn thành hơn 76%; ga S9 hoàn thành 50%; giếng đứng hoàn thành 24%; tuyến hầm đạt 51% khối lượng.
Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả các công trường. Cụ thể, ga S10 - Cát Linh đang triển khai phần kết cấu phụ trợ phía Nam, huy động và lắp đặt hệ thống khung đẩy để đón máy TBM.
Ga S11 - Văn Miếu hoàn thành đổ bê tông bản đáy; ga S12 - ga Hà Nội đang thi công song song bản trung chuyển và bản lửng.
Dự kiến, đoạn tuyến đi ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027, sau đó toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác, góp phần thay đổi diện mạo thủ đô.
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 2009, có chiều dài 12,5 km (8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm).
Ông Lê Trường Sơn được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
Ông Lê Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
![]() |
Ông Lê Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước |
Ngày 7/3, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề thứ 21.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Phước đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Ủy viên UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Huỳnh Anh Minh; đồng thời cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước đối với ông Huỳnh Anh Minh kể từ ngày 7/3.
HĐND tỉnh Bình Phước tiến hành bầu bổ sung, ông Lê Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh giữ chức Phó Chủ tịch UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, với số phiếu 100% (46/46 đại biểu có mặt).
Ông Lê Trường Sơn sinh ngày 27/11/1976, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, có trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị.
Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Lê Trường Sơn từng đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh. Từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2017, ông Lê Trường Sơn là Tỉnh ủy viên, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước.
Hai năm sau, ông Lê Trường Sơn được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài. Từ tháng 6/2019 đến tháng 11/2019, ông Lê Trường Sơn là Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài.
Từ năm 2020 đến nay, ông Lê Trường Sơn giữ các chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh.
Đà Nẵng thu ngân sách tăng 35,3% trong 2 tháng đầu năm 2025
Tổng thu ngân sách TP. Đà Nẵng đến ngày 25/2/2025 đạt hơn 6.280 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ 2024.
![]() |
Tổng thu ngân sách TP. Đà Nẵng đến ngày 25/2/2025 đạt hơn 6.280 tỷ đồng |
HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, điều chỉnh chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước năm 2025 lên hơn 30.000 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó. Đồng thời, phấn đấu nguồn thu từ đất đạt trên 4.500 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phải vượt ít nhất 10% so với dự toán 3.360 tỷ đồng Trung ương giao.
Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 25/2 đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 1.235 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 5.045 tỷ đồng. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (88,4%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi.
Trong tổng thu nội địa, chiếm tỷ trọng cao là các khoản thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (31,4%), thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (20,1%), thuế thu nhập cá nhân (15,2%), các khoản thu về nhà, đất (6,2%), thu từ doanh nghiệp nhà nước (5,9%).
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 25/2 đạt 8.426 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 101,9%).
Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng mỗi dự án nhà ở xã hội
Để đạt mục tiêu 6.300 căn nhà ở xã hội, Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ mỗi dự án tối đa 10 tỷ đồng xây hạ tầng và 100% chi phí giải phóng mặt bằng.
![]() |
Khu đô thị Phú Mỹ, nơi từng được đề xuất triển khai nhà ở xã hội |
Nội dung trên nằm trong dự thảo nghị quyết UBND Tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, để HĐND Tỉnh thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Theo dự thảo, Tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời chi tối đa 10 tỷ đồng mỗi dự án để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, bao gồm giao thông, chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, quản lý chất thải và vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, nhu cầu nhà ở xã hội trong Tỉnh hiện rất lớn, đặc biệt khi có 50.000 công nhân làm việc ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội được triển khai.
Nguyên nhân chính là các nhà đầu tư phải tự bỏ chi phí xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tổng chi phí dự án tăng cao. Điều này khiến giá bán hoặc thuê nhà ở xã hội vượt quá khả năng chi trả của người thu nhập thấp, làm giảm sức hút với doanh nghiệp.
Trước đó, Quảng Ngãi từng nhận 2 đề xuất từ các doanh nghiệp về việc đầu tư nhà ở xã hội.
Đầu năm 2021, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng đề nghị thực hiện Dự án Nhà ở xã hội HUD - Phú Mỹ tại Khu đô thị mới Phú Mỹ, nằm trên địa bàn phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi.
Dự án có diện tích khoảng 15.600 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có, vốn vay và huy động hợp pháp. Quy mô gồm một khối nhà 9 tầng với 130 căn hộ và 27 căn nhà thấp tầng kinh doanh thương mại.
Giữa năm 2022, Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng đô thị Tân Thái Bình Dương đề xuất đầu tư Dự án Khu nhà ở xã hội tại Đồng Nại, Khu kinh tế Dung Quất.
Tuy nhiên, cả hai dự án đều chưa thể triển khai do vướng mắc về cơ chế hỗ trợ, nguồn vốn và các thủ tục liên quan.
10 dự án điện gió gần 20.000 tỷ dự kiến đầu tư vào Bạc Liêu
Tỉnh Bạc Liêu vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quan tâm đầu tư 26 dự án với tổng vốn 85.600 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án điện gió quy mô 19.800 tỷ đồng.
![]() |
Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Ảnh minh họa |
Các chứng nhận trên được trao cho 23 doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu Liêu năm 2025, sáng 7/3. Trong số này, 10 dự án điện gió được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện tại các huyện Hòa Bình và Đông Hải với tổng công suất 550 MW, tổng vốn khoảng 19.800 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2018, 2022, Tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, đây là nền tảng rất quan trọng để tiếp tục mời gọi, thu hút các nguồn lực cho Tỉnh. Qua đó, Bạc Liêu thu hút được 201 dự án, trong đó có 183 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 65.000 tỷ đồng, 18 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 4,7 tỷ USD.
Bạc Liêu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, rộng khoảng 2.670 km2, có chiều dài bờ biển hơn 56 km, có 3 vùng sinh thái mặn - ngọt - lợ, trong đó, đất nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích nên địa phương xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển.
Bạc Liêu cũng xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp. Hiện Tỉnh đã thu hút được dự án điện khí LNG 3.200 MW, có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Năm 2025, Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8 - 9%; tăng kim ngạch xuất khẩu tôm; GRDP bình quân đầu người đạt 79 triệu đồng.
Đồng Nai tìm nhà đầu tư cho hơn 3.000 căn nhà xã hội
Hơn 3.000 căn nhà ở xã hội đang được Sở Tài chính Đồng Nai mời gọi đầu tư thuộc 2 dự án tại huyện Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa.
![]() |
Đồng Nai hiện có hơn 1.000 ha quỹ đất được quy hoạch làm nhà ở xã hội, nhiều nhất cả nước, tương ứng quy mô 50.000 căn. Ảnh minh họa |
Hai dự án được mời gọi đầu tư lần lượt là: Dự án nhà ở xã hội tại khu đất chung cư 2,1 ha thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Khu nhà ở xã hội này sẽ có quy mô khoảng 1.800 căn hộ, diện tích sử dụng từ 25 - 70 m2, cung cấp nơi an cư cho khoảng 2.800 công nhân, công chức viên chức và người dân lưu trú. Theo kế hoạch, Dự án sẽ có thời gian triển khai trong 30 tháng kể từ khi chọn được nhà đầu tư.
Dự án còn lại là nhà ở xã hội tại khu đất chung cư 14,5 ha thuộc Khu tái định cư phường Long Bình, TP. Biên Hòa. Khu nhà ở xã hội này có quy mô 1.250 căn hộ, diện tích từ 25 - 70 m2 với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong năm nay, chính thức khởi công vào đầu năm sau và bàn giao năm 2028.
Trước đó, tỉnh Đồng Nai mời nhà đầu tư quan tâm 3 dự án khu nhà ở xã hội tại TP. Biên Hòa, 1 dự án tại huyện Trảng Bom và 1 dự án tại huyện Nhơn Trạch, với quy mô hàng nghìn căn hộ.
Đồng Nai là tỉnh có đông dân và lực lượng công nhân lao động nhập cư, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh được giao thực hiện 22.500 căn. Tuy nhiên đến nay, Đồng Nai mới hoàn thành gần 1.700 căn. Từ nay đến năm 2030, Tỉnh được giao chỉ tiêu phát triển hơn 20.800 căn nhà ở xã hội.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương hiện có hơn 1.000 ha quỹ đất được quy hoạch làm nhà ở xã hội, nhiều nhất cả nước, quỹ đất này tương ứng quy mô 50.000 căn. Hiện có 10 dự án quy mô 13.000 căn đang triển khai, 7 dự án quy mô 8.000 căn đã duyệt chủ trương đầu tư và đang lựa chọn chủ đầu tư.
Khánh Hòa thí điểm 440 ha vùng nuôi biển công nghệ cao
UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao hơn 440 ha, góp phần giúp người nuôi tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế biển.
![]() |
Nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HPDE, theo công nghệ Nauy trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa |
Thông tin trên được UBND tỉnh Khánh Hòa và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) công bố chiều 7/3. Đề án được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1, thời gian thí điểm nuôi công nghệ cao đến hết năm 2029.
Đề án định hướng đưa ngành nuôi biển phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại theo quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ, giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho ngư dân, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển bền vững của Việt Nam. Công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới HPDE, FRP... có thể di chuyển được; lồng bán chìm tự động, nhiều tầng, giám sát yếu tố môi trường tự động; có camera giám sát, sử dụng năng lượng tái tạo; tích hợp thu hoạch và sơ chế cá trên biển, tạo sản phẩm cá sạch.
Theo đó vùng biển trong phạm vi 3 hải lý, diện tích nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng 3.600 tấn; vùng biển 3 - 6 hải lý diện tích đạt 200 ha, sản lượng hơn 5.100 tấn. Vị trí nuôi nằm ở vùng biển thuộc huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang.
Nhiệm vụ của Đề án là phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cải tiến chất lượng giống; quản lý chặt hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi của Tỉnh tăng từ 16.000 tấn (năm 2020) lên 22.500 tấn hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ nuôi biển công nghệ cao đã được nhiều đơn vị áp dụng như: Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh, Quỹ Thiện Tâm... với hàng trăm lồng nuôi vật liệu mới, sản lượng đạt hàng trăm tấn cá, tôm mỗi năm.
Hải Phòng muốn thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2026
Thành phố muốn thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2026, nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm thải, tiến tới phát thải bằng 0 vào năm 2050.
![]() |
Cầu Hoàng Gia bắc qua sông Cấm, kết nối nội thành TP. Hải Phòng với đảo Vũ Yên (huyện Thủy Nguyên) |
Thông tin trên được ông Dương Đình Ổn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nêu tại Hội thảo "Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp để phát triển bền vững Hải Phòng".
Theo ông Ổn, sàn giao dịch này là bước chuyển tiếp giúp chính quyền, doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon nội địa của Việt Nam tới đây, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giảm thải khí nhà kính của Hải Phòng trong lộ trình phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
Tín chỉ carbon sẽ được cấp dựa trên kết quả giảm thải khí nhà kính từ dự án, cơ sở đã kiểm kê, sau đó giao dịch theo cơ chế bù trừ. Doanh nghiệp có phát thải cao phải mua tín chỉ từ nhóm phát thải dưới hạn ngạch.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ chúng quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Thực tế, Hải Phòng đã kiểm kê khí nhà kính hơn 100 cơ sở trong danh mục phải thực hiện theo Quyết định 13/2024 của Thủ tướng. "Đây là bước quan trọng để cung cấp số liệu đánh giá mức độ, kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai", ông Ổn nói.
Dự kiến sau khi có hướng dẫn từ các bộ, ngành, Thành phố sẽ đề xuất các dự án tiềm năng tham gia thí điểm, đồng thời xây dựng quy trình thẩm định, quản lý giao dịch và xác nhận tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế. Trong năm nay, Thành phố sẽ xây khung chính sách, kỹ thuật cho việc thí điểm này.
Theo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ tháng 6 đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ 2029. Hai loại hàng hóa giao dịch chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Sàn giao dịch này sẽ là công cụ giúp Việt Nam tăng chuyển đổi xanh, hướng tới net zero vào năm 2050.
Hải Phòng cũng đặt mục tiêu net zero vào mốc thời gian trên. Theo kịch bản giảm thải, Thành phố sẽ tập trung vào các dự án công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng tái tạo, chất thải hộ gia đình, nông lâm nghiệp và sử dụng đất.
Đề xuất cấm ngân hàng mua bán thông tin tín dụng của khách
Bộ Công an đề xuất chính sách nghiêm cấm công ty tài chính, ngân hàng mua, bán hoặc chuyển giao trái phép thông tin tín dụng của khách hàng.
![]() |
Nhân viên làm việc tại một quầy giao dịch của ngân hàng ở Hà Nội |
Quy định này nằm trong Điều 27 Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an soạn thảo. Các tổ chức tài chính, ngân hàng và tín dụng không được phép gửi hoặc truyền dữ liệu về tài chính, tín dụng của khách hàng giữa các tổ chức này mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Các tổ chức này buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm, cũng như các tiêu chuẩn bảo mật về thanh toán và tín dụng theo quy định của pháp luật. Họ không được sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng để chấm điểm tín dụng hoặc đánh giá mức độ tín nhiệm mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Kết quả đánh giá thông tin tín dụng chỉ được thể hiện dưới dạng đạt/không đạt, có/không, hoặc thang điểm dựa trên dữ liệu thu thập trực tiếp từ khách hàng. Ngoài ra, các tổ chức này phải thông báo cho khách hàng bất kỳ sự cố hoặc việc mất thông tin tài khoản tài chính.
Tại Điều 27, Bộ Công an cũng đề xuất cấm các tổ chức kinh doanh dịch vụ thông tin tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính và trung gian thanh toán cung cấp hoặc chuyển giao trái phép dữ liệu cá nhân cho nhau hoặc cho các tổ chức khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
"Dữ liệu cá nhân nhạy cảm" là thông tin mà nếu bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân, liên quan đến quyền riêng tư. Loại dữ liệu này được bảo vệ ở mức cao hơn so với dữ liệu cá nhân thông thường. Bộ Công an cũng liệt kê các thông tin như định danh khách hàng, thông tin tài khoản, tiền gửi, tài sản và giao dịch thuộc danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Bộ Công an nhấn mạnh, việc siết chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm cần được quy định cụ thể trong Dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh và thu thập dữ liệu của các tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng pháp luật.
Cảnh sát đột kích 2 sòng bạc lớn do người Trung Quốc cầm đầu
Đột kích Câu lạc bộ thể thao Bridge và Poker Khải Hoàng, cảnh sát bắt giữ 97 người, trong đó có 69 người Trung Quốc; thu tang vật trị giá khoảng 720 tỷ đồng.
![]() |
Các nghi phạm bị bắt quả tang trên sới bạc |
Ngày 7/3, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, hai câu lạc bộ đánh bạc này do Khương Lỗi và Lưu Kiến Cơ (đều quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu. Hai người này sau đó câu kết với người Việt Nam để vận hành.
Sau quá trình trinh sát, chiều 6/3, Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đột kích câu lạc bộ Bridge và Poker Khải Hoàng tại tầng 2 Khách sạn Royal Lào Cai, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai.
Tại hiện trường, cảnh sát đã khống chế, bắt giữ 97 nghi phạm, trong đó 69 người quốc tịch Trung Quốc. Những người này lúc đó đang tổ chức đánh bạc dưới hình thức chơi trò Niu Niu, trò chơi 3 cây San Cung, Baccarat, Rồng Hổ.
Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ nhiều tiền nhân dân tệ và phỉnh, quy đổi trị giá khoảng 720 tỷ đồng; cùng 50 bộ bài lá, 30 bộ máy tính, 12 màn hình, 90 điện thoại di động và nhiều phương tiện khác phục vụ hoạt động phạm tội.
Luật chơi tại Câu lạc bộ Bridge và Poker Khải Hoàng là khách sẽ đổi chíp (phỉnh) ra tiền mặt là nhân dân tệ (tiền Trung Quốc); mỗi phỉnh bằng 1 nhân dân tệ (khoảng 3.540 đồng).
Công an tỉnh Lào Cai đang tiếp tục khai thác các dữ liệu thông tin, mở rộng điều tra để làm rõ hành vi vi phạm.