Bản tin thời sự sáng 9/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề nghị nhập điện gió từ Lào; giá vàng nhẫn vượt 69 triệu đồng; Tòa án Nhân dân tỉnh Kon Tum "hủy, sửa nhiều bản án trái pháp luật"; Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra vụ phá rừng làm đường đây điện 110 kV…

Bộ Công Thương đề nghị nhập điện gió từ Lào

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương nhập điện và cho phép đấu nối lưới vào Nhà máy Điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam.

Một dự án điện gió ở Ninh Thuận

Một dự án điện gió ở Ninh Thuận

Cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng chủ trương trên để giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc. Tại công văn trình Chính phủ ngày 6/3, Bộ Công Thương đánh giá, nhập khẩu điện từ Dự án Điện gió Trường Sơn (Lào) công suất 250 MW về Việt Nam phù hợp chủ trương nhập khẩu điện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ hai nước.

Theo EVN, tổng công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương nhập khẩu đến năm 2025 khoảng 1.977 MW, thấp hơn quy mô 3.000 MW theo hiệp định đã ký.

Việc nhập khẩu và đấu nối đường dây 220 kV cũng được Bộ Công Thương nhìn nhận là phù hợp với Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000 - 8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 vào năm 2050. Cùng với đó, ngành điện cũng quy hoạch 550 km đường dây dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển các nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo.

Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty CP Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý IV/2025. Nếu được duyệt chủ trương nhập khẩu, dự án này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.

Để đáp ứng tiến độ và thời gian vận hành vào quý IV/2025, chủ đầu tư sẽ làm toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ Nhà máy Điện gió Trường Sơn (trên đoạn lãnh thổ Việt Nam) bằng nguồn vốn tự có.

Ngoài Dự án điện gió Trường Sơn, mới đây, EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam Trong số này, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại sau thời gian này.

Để kéo điện từ Lào, ngoài đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ đầu tư từ tháng 9/2023, EVN đề nghị bổ sung các công trình lưới, đấu nối khác, gồm đường dây 220 kV, 500 kV mạch kép từ biên giới về Lao Bảo vào Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện quy hoạch này.

Toà án Nhân dân tỉnh Kon Tum "hủy, sửa nhiều bản án trái pháp luật"

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum vi phạm quy định của ngành tòa án trong công tác xét xử; hủy, sửa nhiều bản án trái pháp luật.

Trụ sở TAND tỉnh Kon Tum

Trụ sở TAND tỉnh Kon Tum

Chiều 8/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát thông cáo về Kỳ họp thứ 37 (ngày 6 - 8/3), nêu kết quả kiểm tra có dấu hiệu vi phạm với Ban Cán sự đảng TAND tỉnh Kon Tum.

Cơ quan này nhận thấy Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để TAND Tỉnh và một số tòa án cấp huyện vi phạm quy định của Đảng, pháp luật.

TAND Kon Tum còn vi phạm quy định của ngành tòa án trong công tác xét xử, áp dụng các điều luật, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tạm đình chỉ, cho hưởng án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Đơn vị còn hủy, sửa nhiều bản án trái quy định pháp luật.

Cơ quan kiểm tra trung ương cho rằng, các vi phạm, khuyết điểm nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến uy tín của tổ chức đảng và ngành tòa án tỉnh Kon Tum, "đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".

Trách nhiệm với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự đảng TAND tỉnh Kon Tum các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và bà Đỗ Thị Kim Thư, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án; ông Nguyễn Tiến Tăng, Phó Chánh án TAND Tỉnh. Liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Xây dựng thêm 113 điểm quan trắc chất lượng không khí

Từ nay đến năm 2030, các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục sẽ được phủ ở 63 tỉnh, thành phố, có 6 trạm nền đại diện cho 6 vùng kinh tế.

Trạm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội

Trạm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội

Theo Quy hoạch Quan trắc môi trường quốc gia vừa được Chính phủ ban hành, từ nay đến năm 2030, cả nước sẽ xây thêm 98 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục, sau năm 2030 sẽ xây thêm 15 trạm. Như vậy, cùng với 106 trạm đang hoạt động, cả nước sẽ có 216 trạm.

Trong 98 trạm quan trắc tự động liên tục mới sẽ có 62 trạm đo chất lượng không khí tác động (đặt tại nơi chịu nhiều sự tác động của con người để cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe người dân) và 6 trạm nền (đặt tại khu vực ít bị tác động bởi con người, đại diện cho chất tượng không khí của khu vực rộng lớn).

6 trạm nền sẽ đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Ở miền núi phía Bắc, trạm sẽ đặt ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; vùng Đồng bằng sông Hồng đặt tại xã Việt Hải, TP. Hải Phòng; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đặt tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.

Vùng Tây Nguyên, trạm đặt tại xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông; vùng Đông Nam Bộ đặt tại Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

18 điểm quan trắc xuyên biên giới đặt tại các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang. Các trạm quan trắc tự động sẽ đo được bụi PM 2.5, PM 10, SO2, NO2, CO, O3.

Đối với quan trắc định kỳ, cả nước sẽ có 148 trạm tập trung ở các tỉnh, thành có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội. Từ nay đến 2025, mỗi năm sẽ có 8 đợt quan trắc, sau đó tăng lên 12 đợt, cung cấp các thông số SO2, NO2, CO, bụi TSP. Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương bổ sung bụi PM 2.5.

Quy hoạch cũng đưa ra yêu cầu lồng ghép đo tiếng ồn tại 216 trạm quan trắc chất lượng không khí và bước đầu thiết lập mạng lưới quan trắc thủy ngân tự động.

Ngoài ra, quy hoạch cũng chỉ rõ việc đầu tư xây dựng trạm quan trắc chất lượng nước mặt, nước cửa sông, nước biển, chất lượng đất, đa dạng sinh học...

Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra vụ phá rừng làm đường đây điện 110kV

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xử lý vụ phá rừng thi công đường dây điện Thủy điện Tr'Hy tại huyện Tây Giang.

Nhìn từ trên cao, một khoảnh rừng bị phá nát để làm trụ điện

Nhìn từ trên cao, một khoảnh rừng bị phá nát để làm trụ điện

UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an Tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Giang và Công an huyện Đông Giang khẩn trương tiếp nhận hồ sơ vi phạm và điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đối với vụ phá rừng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 2 huyện Tây Giang và Đông Giang có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan điều tra trong việc điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ vụ án để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; Khẩn trương kiểm tra, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vụ phá rừng trái phép trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý.

Theo thông tin trước đó, vụ phá rừng phòng hộ tại 2 huyện miền núi cao Tây Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam để thi công trụ móng, đường dây điện 110 KV trên đất rừng khi chưa được cấp phép là vụ phá rừng lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam trong vài năm gần đây. Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Tr'Hy tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngang nhiên chặt phá, san ủi hơn 2,2 ha rừng tự nhiên khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Dự án Thủy điện Tr'Hy có công suất 30 MW, tại xã Tr'Hy, huyện Tây Giang được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, do Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng làm Chủ đầu tư.

Điều đáng nói, việc thi công các móng trụ diễn ra từ năm 2019 đến nay nhưng đến tháng 9/2023 mới được lực lượng Kiểm lâm phát hiện, xử lý vi phạm hành chính. Đến cuối tháng 2 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang mới khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để tiếp tục xác minh, xử lý.

90 doanh nghiệp tại Đồng Nai nợ thuế hơn 673 tỷ đồng

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo về việc công khai tên 90 doanh nghiệp trên địa bàn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm 31/1/2024.

Cục Thuế Đồng Nai công khai danh sách 90 doanh nghiệp nợ thuế. Ảnh minh họa

Cục Thuế Đồng Nai công khai danh sách 90 doanh nghiệp nợ thuế. Ảnh minh họa

Tổng số tiền thuế mà 90 doanh nghiệp còn nợ là hơn 673 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nợ nhiều nhất là hơn 107 tỷ đồng (Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang), kế đến là Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm nợ hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 15 doanh nghiệp nợ thuế từ 11 tỷ đồng đến hơn 74 tỷ đồng như: Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội nợ hơn 74 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai nợ hơn 38 tỷ đồng; Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai nợ hơn 35 tỷ đồng.

Hơn 5.000 thuê bao 2G bị chặn hòa mạng trong 3 ngày

Các thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) và không có chứng nhận hợp quy, đã không thể nhập mạng di động từ ngày 1/3.

Tháng 9/2024, tắt sóng 2G trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Tháng 9/2024, tắt sóng 2G trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong ba ngày từ 1 - 3/3, đã có khoảng 5.400 thuê bao 2G bị các nhà mạng chặn hòa mạng mới. Đây là một trong những giai đoạn bước đệm, trước khi hướng tới việc tắt sóng 2G trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào tháng 9/2024.

Trước đó, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng chặn các máy điện thoại "cục gạch" 2G nhập lậu, không hợp quy, hòa mạng. Việc này được thực hiện từ ngày 1/3.

Cụ thể, doanh nghiệp di động sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, quyết định này được đưa ra do các thuê bao hòa mạng mới (đối với mạng 2G) vẫn ở mức cao, với khoảng 300.000 điện thoại 2G mỗi tháng.

Trong khi đó, số lượng thuê bao 2G giảm chỉ khoảng 1%/tháng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G, vì số lượng thuê bao chưa giảm nhanh như kỳ vọng.

Ông Nhã cho biết, theo số liệu thống kê từ tháng 9/2023, Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Tuy vậy, các nhà mạng đã ráo riết vào cuộc, và đưa ra lộ trình cụ thể để hướng tới tắt sóng 2G.

Một số nhà mạng chuẩn bị các dòng điện thoại "cục gạch" 4G giá rẻ, khoảng vài trăm nghìn đồng, chỉ bao gồm dịch vụ thoại và nhắn tin. Các dòng điện thoại này nhằm phục vụ cho một tập khách hàng nhỏ, thường là người cao tuổi, người có thu nhập thấp, chưa có điều kiện tiếp cận với smartphone.

Ông Nhã cho biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tính đến phương án sử dụng nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.

Đề nghị truy tố thêm 4 bị can vụ sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đối với vụ án tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D.

Khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D

Khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D

Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan công an đề nghị truy tố thêm 4 bị can gồm: Nguyễn Quyết Nghĩa (nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 60-04D), Nguyễn Minh Thông và Trương Vĩnh Phát (hai đối tượng "cò" đăng kiểm) về tội "Nhận hối lộ" và Nguyễn Duy Khang (nhân viên Công ty TNHH Vận tải Hà Nguyễn) về tội "Đưa hối lộ".

Theo kết quả điều tra, từ ngày 29/6/2022 đến 14/12/2022, Khang đã chuyển cho Nghĩa tổng cộng 70,8 triệu đồng để đăng kiểm cho 14 xe của Công ty Hà Nguyễn và 1 xe cá nhân. Trong đó, số tiền hối lộ để bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định là 10,2 triệu đồng. Số tiền này Nghĩa được hưởng 2,5 triệu đồng, nhóm các đăng kiểm viên được hưởng 2,7 triệu đồng và Lương Minh Tú nhận được 4,9 triệu đồng.

Còn Trương Vĩnh Phát và Nguyễn Minh Thông được xác định không có hợp đồng lao động với Trung tâm 60-04D mà là “cò” đăng kiểm. Hai đối tượng này giữ vai trò giúp sức tích cực cho các đăng kiểm viên để nhận tiền hối lộ từ chủ xe.

Riêng Phát còn được Lương Minh Tú (Giám đốc Trung tâm) giao nhiệm vụ thay mặt mình để nhận khoản tiền từ các đăng kiểm viên và chia lại tiền cho mọi người. Cả Thông và Phát được chia từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày.

Trước đó, vào tháng 12/2023, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố đối với 11 bị can gồm: Lương Minh Tú (Giám đốc), các Phó Giám đốc là Lê Sơn Tuyền, Trần Đức Duy cùng 6 cựu nhân viên của Trung tâm đăng kiểm là Lê Văn Lộc, Nguyễn Thanh Hải, Lê Khánh Phương, Phạm Phú Giáo, Phan Hữu Lương và Đào Minh Hiển về tội "Nhận hối lộ".

Đồng thời, 2 bị can bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” gồm: Võ Chí Giang (cựu nhân viên Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn), Lê Tín Trung (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang).