TP.HCM thu ngân sách hơn 202.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2025
4 tháng đầu năm 2025, TP.HCM thu ngân sách 202.193 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán, tăng 3,76% so cùng kỳ.
![]() |
Bất động sản khu trung tâm TP.HCM với các cao ốc, chung cư, dự án... dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt |
Thông tin được bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết tại phiên họp kinh tế, xã hội tháng 4, sáng 8/5.
Trong đó, thu nội địa hơn 160.900 tỷ đồng, đạt 41,35% dự toán, tăng 2,84% so cùng kỳ và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 41.214 tỷ đồng, đạt 31,7% dự toán, tăng 7,53% so cùng kỳ.
Năm ngoái, tổng thu ngân sách của TP.HCM hơn 508.500 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán và cũng là lần đầu tiên nguồn thu trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng. Như vậy, với 4 tháng đầu năm số thu của Thành phố đã gần bằng 40% của năm ngoái. Hiện, TP.HCM nộp về trung ương 79% số thu trên địa bàn, bình quân mỗi năm địa phương này đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố, nguồn thu tăng do 4 tháng đầu năm kinh tế TP.HCM tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều đạt tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 9,07% so với cùng kỳ. Du lịch ước đạt 76.581 tỷ đồng, tăng 27,5%.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố ước đạt 63,89 triệu tấn, tăng 9,38% so với cùng kỳ trong khi đó sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa ước đạt 24,84 triệu tấn, tăng 14,19%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,9% so cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,7%, 3 ngành công nghiệp truyền thống tăng 13,6%.
Chứng khoán tăng mạnh nhất gần 1 tháng
Các cổ phiếu trụ và một số đại diện nhóm bất động sản kéo thị trường chứng khoán tăng hơn 19 điểm nhưng thanh khoản chỉ dưới 19.000 tỷ đồng.
![]() |
Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán |
Thị trường ngày 8/5 kỳ vọng vào kết quả cuộc đàm phán đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ về thuế đối ứng. Chứng khoán được nhuộm xanh cả ngày. Trong buổi sáng, thị trường chủ yếu đi trên 5 điểm so với tham chiếu, nhiều lần kiểm tra mốc 1.260 điểm nhưng bất thành do dòng tiền yếu, thiếu động lực dẫn dắt, trừ HHS tím trần từ sớm.
Sang buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE gần như tăng liền mạch khi lực cầu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Thị trường nhanh chóng vượt 1.260 và 1.270 điểm trước khi điều chỉnh nhẹ ở cuối phiên.
VN-Index đóng cửa ở sát 1.270 điểm, tăng hơn 19 điểm so với phiên 7/5. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ phiên 11/4. Nhờ đó, chứng khoán trở lại mức cao nhất kể từ 3/4 - phiên hoảng loạn sau tin áp thuế đối ứng của Mỹ.
Độ rộng thị trường nghiêng về sắc xanh với hơn 61% cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, biên độ tăng của phần lớn cổ phiếu chỉ ở mức khiêm tốn, chỉ số chung được kéo điểm chủ yếu nhờ các mã bluechip và một số đại diện thuộc nhóm bất động sản.
Tuy điểm số cải thiện tích cực, thanh khoản sàn HoSE vẫn ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch phiên 8/5 đạt trên 19.100 tỷ đồng, cao hơn phiên trước khoảng 2.000 tỷ. Đã gần một tháng qua, thị trường chưa thể lấy lại mốc thanh khoản tỷ USD.
Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà ưu tiên gom cổ phiếu ở phiên thứ 4 liên tiếp. Khối ngoại mua ròng khoảng 246 tỷ đồng, tập trung ở VIC, MBB và HPG.
Khởi công dự án hơn 17.000 tỷ đồng cải tạo rạch ô nhiễm nhất TP.HCM ngày 10/5
Sau nhiều lần lỡ hẹn, Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm - một trong những tuyến rạch ô nhiễm nhất thành phố sẽ chính thức được khởi công vào ngày 10/5.
![]() |
Phối cảnh rạch Xuyên Tâm sau khi được cải tạo |
Ngày 8/5, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), lễ khởi công Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ diễn ra vào sáng 10/5 với Gói thầu xây lắp XL-03 (đoạn qua quận Gò Vấp).
Gói thầu này bao gồm đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật, dài khoảng 1,4 km, với tổng mức đầu tư khoảng 597 tỷ đồng.
Ban đầu, Gói thầu XL-03 được dự kiến khởi công vào tháng 8/2024, sau đó lùi sang tháng 11/2024 và tiếp tục dời đến ngày 19/4/2025. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kế hoạch tiếp tục bị chậm trễ đến nay mới có thể chốt được ngày khởi công.
Bên cạnh Gói thầu XL-03, Dự án còn 2 gói thầu xây lắp khác trên địa bàn quận Bình Thạnh gồm: Gói thầu XL-01 (cải tạo đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy) và Gói thầu XL-02 (cải tạo đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến, bao gồm cả các nhánh rạch Bình Lợi, Bình Triệu và rạch cầu Sơn).
Dự kiến, 2 gói thầu này sẽ được khởi công vào dịp lễ Quốc khánh 2/9/2025.
Rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài gần 9 km, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Trong đó, tuyến rạch chính dài 6,7 km, nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật; 3 nhánh phụ còn lại dài khoảng 2,2 km.
Được HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 10/2023, ban đầu Dự án có tổng vốn hơn 9.664 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chiếm gần 6.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, HĐND TP.HCM đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 17.200 tỷ đồng - tăng hơn 7.500 tỷ đồng, chủ yếu để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Tổng diện tích đất thu hồi theo điều chỉnh mới là 197.349 m2, ảnh hưởng đến 2.215 trường hợp - tăng hơn 330 trường hợp so với kế hoạch ban đầu.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được kỳ vọng không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống cho hàng ngàn hộ dân, mà còn tạo ra không gian sinh thái, cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp giữa lòng thành phố. Thời gian hoàn thành toàn bộ dự án dự kiến vào năm 2028.
Bộ Công an đề nghị Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị tỉnh Bạc Liêu cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án cây xanh, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2019 - 2023.
![]() |
Chỉ riêng dự án trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi và lát vỉa hè khuôn viên quảng trường huyện Vĩnh Lợi do Công ty cây xanh Tây Nguyên trong hệ sinh thái cây xanh Công Minh thi công đã lên đến 81 tỷ đồng |
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa chỉ đạo TP. Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và các huyện: Đông Hải, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, khẩn trương rà soát, cung cấp đầy đủ toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023.
Hồ sơ gồm: phê duyệt dự án, dự thầu, hợp đồng tư vấn, thi công, thanh quyết toán, ủy nhiệm chi…
UBND Tỉnh giao Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan; tổng hợp hồ sơ gửi về tỉnh để gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an theo yêu cầu.
Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện theo đề nghị mới đây của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành.
Cơ quan điều tra đề nghị tỉnh Bạc Liêu gửi hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan trước ngày 15/5 để phục vụ công tác điều tra.
TP.HCM chốt đơn giá điện cho người thuê trọ 2.271 đồng mỗi kWh
Người thuê phòng trọ, nhà trọ trên địa bàn TP.HCM sẽ được thống nhất định mức nước và đơn giá tiền điện 2.271 đồng khi thuê nhà để ở.
![]() |
Một khu nhà trọ đang hoạt động tại TP.HCM |
UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án quản lý, hỗ trợ hộ kinh doanh nhà riêng lẻ cho thuê để ở trên địa bàn. Trong đó, nội dung có đề cập đến chính sách về hỗ trợ tiền điện, nước cho các phòng trọ, nhà trọ riêng lẻ.
Cụ thể, Thành phố sẽ tính giá điện, nước cho người thuê nhà trọ theo đơn giá điện nước sinh hoạt do Nhà nước ban hành. Người thuê trọ sẽ được áp dụng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (là 2.271 đồng mỗi kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại đồng hồ điện của chủ nhà (trong điều kiện người thuê trọ có xuất trình sổ tạm trú hoặc xác nhận cư trú của cơ quan công an).
Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu các phường, xã thường xuyên tổ chức kiểm tra các chủ nhà trọ về việc tính giá tiền điện cho người thuê, đảm bảo tính đúng theo mức giá được quy định, không được thu thêm phần giá chênh lệch. Quy định này sẽ siết chặt tình trạng tự ý nâng giá điện của các chủ trọ, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thuê nhà.
Theo Quyết định 2699, giá bán lẻ điện sinh hoạt tại TP.HCM hiện được chia thành 6 bậc, với mức trung bình là 2.276 đồng mỗi kWh. Trong đó, thấp nhất (bậc 1) là 1.893 đồng/kWh và cao nhất (bậc 6) là 3.302 đồng/kWh. Giá điện dành cho hoạt động kinh doanh - áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng điện áp dưới 6kW - dao động 1.830 - 5.174 đồng mỗi kWh. Mức giá kinh doanh thường cao hơn giá sinh hoạt do yêu cầu ổn định nguồn điện và công suất lớn hơn.
Theo số liệu khảo sát năm 2024 do UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cung cấp, hiện TP.HCM có 59.991 công trình nhà ở riêng lẻ với mục đích cho thuê để ở, tương ứng hơn 629.083 phòng trọ. Trong đó nhà trọ độc lập có 277.540 phòng, có thể đáp ứng chỗ ở cho khoảng 709.465 người. Nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê trọ có 351.543 phòng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 904.524 người.
Huế thu hồi đất dự án sân golf 1.885 tỷ đồng do chậm triển khai
Dự án sân golf hơn 1.800 tỷ đồng tại Huế bị thu hồi đất do chậm tiến độ, dù đã nhiều lần được gia hạn và điều chỉnh kế hoạch.
![]() |
Hình ảnh dự án sân golf Thiên An thời điểm khởi công vào năm 2020 |
Ngày 8/5, UBND thành phố Huế cho biết, vừa có Thông báo số 169/TB-UBND về việc thu hồi đất tại Dự án Khu quần thể sân golf Huế (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) do Công ty CP Thiên An làm chủ đầu tư.
Theo thông báo, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Dự án bị chấm dứt hoạt động (18/4/2025 đến hết 18/4/2027) để xử lý tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Sau thời gian này, nếu Công ty Thiên An không hoàn tất việc xử lý tài sản, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường.
UBND TP. Huế cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án.
Dự án Khu quần thể sân golf Huế được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007 với quy mô hơn 78 ha, tổng vốn khoảng 1.885 tỷ đồng. Mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh tiến độ và được gia hạn đầu tư, đến nay Dự án vẫn chưa hoàn thành.
Trong tổng diện tích trên, phần 58,75 ha đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phần còn lại 19,57 ha đã hoàn thành bồi thường nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất.
Dự án gồm nhiều hạng mục lớn như sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, khu biệt thự nghỉ dưỡng, clubhouse, sân tập, trạm bảo trì và các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, việc triển khai thi công kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Việc thu hồi đất lần này nhằm đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự tiếp cận quỹ đất phát triển.
TP.HCM sẽ hỗ trợ chủ trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo nhà
TP.HCM sẽ hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn ưu đãi với lãi suất bằng 50% mức thông thường để cải tạo, nâng cấp nhà đạt chuẩn an toàn.
![]() |
TP.HCM sẽ hỗ trợ chủ trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo nhà |
Chính sách này nằm trong Đề án "Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ hiện cho thuê để ở trên địa bàn TP.HCM" vừa được UBND Thành phố phê duyệt.
Theo đó, các hộ kinh doanh phòng trọ cam kết nâng cấp hạ tầng, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy và đáp ứng quy định an toàn sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng một nửa mức thông thường. Thành phố cũng hỗ trợ các chủ nhà trọ không đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh được vay chuyển đổi ngành nghề.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân tính tới ngày 10/4 là 6,34% một năm, giảm 0,4% so với cuối năm ngoái.
Ngoài vốn, TP.HCM dự kiến phát triển ứng dụng SafeInn - nền tảng kết nối người thuê với các nhà trọ đạt tiêu chuẩn an toàn. Ứng dụng này do chính quyền địa phương cập nhật, tích hợp dữ liệu và thông tin đăng ký kinh doanh của các hộ kinh doanh phòng trọ.
Theo quy định từ đề án quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê tại TP.HCM, nhà trọ đạt chuẩn an toàn phải đảm bảo ba tiêu chí, gồm hẻm tiếp cận có chiều rộng tối thiểu 2,5 m hoặc khoảng cách từ nhà đến nơi tiếp cận được với xe chữa cháy là từ 150 - 300 m. Các phòng ở phải có lối thoát nạn an toàn, trang bị thiết bị chữa cháy đầy đủ; diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 4 m2 mỗi người.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2024 cho thấy, TP.HCM có gần 60.000 nhà trọ đang cho thuê với tổng cộng hơn 629.000 phòng, trong khoảng 74.000 phòng có diện tích bình quân dưới 4 m2 mỗi người, chủ yếu tập trung tại các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và TP. Thủ Đức. Đại diện UBND TP.HCM từng cho biết, nếu không cải tạo, các phòng trọ không đạt chuẩn an toàn sẽ buộc phải đóng cửa, dừng kinh doanh trong thời gian tới.
Công ty du lịch lập hàng rào thép gai chắn biển Nha Trang
Doanh nghiệp lập hàng rào dây thép gai dài 300 m chắn bãi biển Nha Trang, địa phương yêu cầu tháo dỡ để trả lại cảnh quan, phục vụ người dân.
![]() |
Một góc bãi biển xảy ra tranh chấp giữa hai doanh nghiệp du lịch |
Hàng rào thép gai được giăng ở Khu du lịch và Giải trí Sông Lô của Tập đoàn Hoàn Cầu ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. Dự án này thực hiện năm 2000, song đến 2011 tách thành hai công ty độc lập là Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang và Công ty CP Hoàn Cầu Resort Vịnh Kim Cương.
Dù chia tách thành pháp nhân độc lập, song hai bên không nộp hồ sơ phân định lại mặt nước biển, dẫn đến việc quản lý mặt biển được Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang kế thừa từ Tập đoàn Hoàn Cầu. Đầu năm nay, Công ty CP Hoàn Cầu Resort Vịnh Kim Cương xây tường bêtông phân chia hai dự án. Đáp lại, Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang căn cứ hợp đồng thuê mặt biển với Khánh Hòa đã rào toàn bộ đường bờ biển bằng dây thép gai, cử bảo vệ canh giữ.
Tại buổi làm việc với Sở Nông Nghiệp và Môi trường Khánh Hòa ngày 29/4 về vấn đề liên quan, Công ty CP Hoàn Cầu Resort Vịnh Kim Cương cho rằng khi tách dự án từ công ty mẹ, hai doanh nghiệp đã có thỏa thuận phân chia, sử dụng khu vực mặt nước biển. Cho nên việc lập hàng rào chắn đường xuống biển như vậy không phù hợp, ảnh hưởng việc kinh doanh, đón khách của công ty.
Ở phía bên kia, đại diện Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang cho hay, việc đơn vị lập hàng rào do trước đó Công ty CP Hoàn Cầu Resort Vịnh Kim Cương xây dựng tường bêtông ngăn đường nội bộ, chia đôi dự án.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông Nghiệp và Môi trường đánh giá hàng rào thép gai làm mất cảnh quan, ảnh hưởng khu vực xung quanh; giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái, không gian tự nhiên. Từ đó, đơn vị này kiến nghị UBND Tỉnh xem xét, chỉ đạo TP. Nha Trang yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ hàng rào.
Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang đang tháo dỡ dãy hàng rào. Đơn vị cam kết dỡ hàng rào trước ngày 10/5.
Phá dỡ điểm check-in 'vườn vô cực' ở Sa Pa
Chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm "vườn vô cực" cao ba tầng tại phường Cầu Mây, nơi từng là điểm du lịch được yêu thích.
![]() |
Công trình ba tầng của vườn vô cực được phá dỡ |
Động thái trên được chủ đầu tư thực hiện sau buổi làm việc với UBND phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa ngày 6/5. Đến sáng 8/5, ba máy phá bêtông vẫn đang khoan phá khu nhà ba tầng. Công việc này phải hoàn tất trước ngày 15/5.
Cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 5 km, "vườn vô cực" được hai cá nhân xây dựng từ tháng 3/2021 trên diện tích 9.700 m2, sức chứa khoảng 500 người. Điểm nhấn là tòa nhà ba tầng, trong đó tầng 3 là bể bơi vô cực, tầng dưới bày bán sản phẩm. Ngoài ra, còn có cổng trời săn mây, vườn hoa, nhà dân tộc.
Đây là điểm check-in được yêu thích của nhiều du khách khi đến Sa Pa. Giá vé vào cổng 200.000 đồng.
UBND thị xã Sa Pa xác định công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây và phần lớn diện tích thuộc Di tích thắng cảnh ruộng bậc thang Sa Pa, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia.
Vì thế chính quyền thị xã Sa Pa đã ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ công trình. Ba năm qua, tượng, nhà dân tộc cổ đã được tháo dỡ, riêng tòa nhà ba tầng với bể bơi vô cực đến nay mới được xử lý.